Trung Quốc mở phiên tòa xét xử hai công dân Canada trong tuần này để gây áp lực lên Hoa Kỳ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phái đoàn cấp cao Mỹ - Trung đang có cuộc hội đàm tại Alaska, Hoa Kỳ. Cùng lúc đó, hai công dân Canada, Michael Spavor và Michael Kovrig, sẽ bắt đầu bị xét xử tại Trung Quốc trong tuần này. Có chuyên gia cho rằng, động thái này của Trung Quốc là một nỗ lực để gây áp lực buộc Hoa Kỳ rút lui và trả tự do cho Giám đốc tài chính Mãnh Vãn Châu của Huawei.

Đài Á Châu Tự do (RFA) đưa tin, vào đêm trước cuộc gặp ở Alaska giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc, lần đầu tiên Trung Quốc ra thông báo ấn định ngày xét xử hai công dân Canada. Bộ trưởng Ngoại giao Canada Marc Garneau đã ra tuyên bố xác nhận, ông đã nhận được thông báo từ phía Trung Quốc rằng phiên tòa xét xử Michael Spavor sẽ được tổ chức vào ngày 19/3 và phiên tòa xét xử Michael Kovrig sẽ được tổ chức vào ngày 22/3.

Canada tiếp tục lên án việc Trung Quốc giam giữ công dân nước ngoài một cách không thích đáng, nói rằng điều đó là không thể chấp nhận được. Tuyên bố cho biết: “Chúng tôi cho rằng họ đã bị bắt giữ một cách tùy tiện và vô cùng bất an vì sự thiếu minh bạch trong các thủ tục liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc không mệt mỏi để đảm bảo họ được thả ngay lập tức”.

Tổ chức nhân quyền quốc tế "Safeguard Defenders" gần đây đã công bố một báo cáo nghiên cứu đề cập rằng, tỷ lệ kết án của cơ quan tư pháp Trung Quốc luôn ở mức rất cao, nó đã giảm xuống 98,97% trong thời kỳ cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, nhưng sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức, tỷ lệ kết án đã tăng lên 99,96%. Trên thực tế, trong thời gian ông Tập cầm quyền, tỷ lệ bắt giữ, truy tố và kết án ở Trung Quốc tăng rất cao, nếu bị bắt, tỷ lệ bị xét xử là hơn 92%, và xác suất bị kết án là 99,96%.

Kể từ khi bị bắt vào tháng 12/2018, hai công dân Canada chưa bao giờ được gặp luật sư và cùng lắm là mỗi tháng họ có cơ hội đến Lãnh sự quán Canada một lần. Bộ Ngoại giao Canada đã đề nghị Trung Quốc cho phép các viên chức lãnh sự tham gia phiên tòa.

Cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc - ông Guy Saint-Jacques nói rằng ý định của Trung Quốc rất rõ ràng, đó là muốn Hoa Kỳ thả Mạnh Vãn Châu: "Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp cứng rắn để nói với Mỹ rằng, nếu ông muốn giúp Canada và để hai người này được tự do, thì ông phải thỏa hiệp, nhượng bộ và để cho Mạnh Vãn Châu trở về Trung Quốc càng sớm càng tốt”. Cựu Đại sứ cũng nói rằng, “Canada phải tiếp tục đoàn kết với các nước khác để gây áp lực lên Trung Quốc, nhưng phương hướng quyết sách của Hoa Kỳ là vô cùng quan trọng".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 18/3: “Trung Quốc đã nhiều lần nêu quan điểm về trường hợp của công dân Canada. Cơ quan tư pháp Trung Quốc sẽ xử án một cách độc lập theo pháp luật, và bảo vệ tất cả các quyền hợp pháp của những người có liên quan".

Trước đó vào đầu tháng này (ngày 1/3), The Epoch Times đưa tin, Tối cao Pháp viện British Columbia tại Vancouver, Canada đã mở đợt điều trần cuối cùng về vụ dẫn độ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của Huawei. Dự kiến đợt điều trần này sẽ kéo dài đến tháng 5.

Về các bằng chứng mà luật sư bào chữa cung cấp, các luật sư bên công tố nhấn mạnh đây là vụ án dẫn độ, thẩm quyền của tòa án British Columbia chỉ là quyết định có cho phép dẫn độ Mạnh Vãn Châu hay không, nhưng các luật sư bào chữa lại đang cung cấp một loạt bằng chứng chống lại cáo buộc gian lận [của cơ quan tư pháp Mỹ] và đang cố gắng buộc các thẩm phán vượt ra ngoài "vai trò hữu hạn" mà luật pháp cấp cho họ.

RFA cho biết, theo những trường hợp tương tự trong lịch sử, khả năng được trả tự do thông qua một phiên điều trần dẫn độ là rất hiếm, do đó, cũng có luật sư cho rằng rất khó để luật sư của bà Mạnh thắng kiện, nhưng sau tất cả các thủ tục pháp lý, nếu bà Mạnh Vãn Châu vẫn thua kiện, Bộ trưởng Tư pháp Canada vẫn có quyền chấm dứt việc dẫn độ.

Đông Phương (t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc mở phiên tòa xét xử hai công dân Canada trong tuần này để gây áp lực lên Hoa Kỳ?