Trung Quốc mở hàng trăm 'đồn cảnh sát tiện lợi' trá hình ở thủ đô Lhasa của Tây Tạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo chính sách của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, "để bảo vệ quốc gia thì phải bảo vệ biên giới của mình và để bảo vệ biên giới, [chúng ta] phải duy trì sự hòa hợp ở Tây Tạng".

Giới chức Trung Quốc ở thủ đô Lhasa của Tây Tạng đã tăng cường sự hiện diện của cảnh sát, bằng cách mở một số cơ sở gọi là "Trung tâm An ninh" nhằm kiểm soát người Tây Tạng, theo RFA.

Các Trung tâm An ninh này còn được gọi là các đồn cảnh sát tiện lợi, được thành lập để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giám sát và đàn áp các nhóm dân tộc bản địa.

Theo một bản tin trên tờ New York Times vào năm 2019, khoảng 700 trong số những tiền đồn cảnh sát nhỏ này lấy danh nghĩa là các trung tâm cộng đồng, nằm rải rác trên khắp Tây Tạng và Khu tự trị Tân Cương, nơi tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ chủ yếu sinh sống.

Một nguồn tin ở Tây Tạng nói với RFA rằng, các Trung tâm An ninh đang mọc lên khắp thủ đô Lhasa và các thành phố khác ở Tây Tạng, kèm theo số lượng cảnh sát ở khu vực này cũng gia tăng.

“Cho đến nay, chỉ tính riêng ở Lhasa đã có hơn 130 Trung tâm An ninh loại này. ĐCSTQ đang tuyển dụng nhiều sĩ quan cảnh sát ở Tây Tạng, và nếu bạn tốt nghiệp đủ điều kiện để trở thành sĩ quan, thì việc tìm việc làm ở Lhasa đang rất dễ dàng”, một nguồn tin ẩn danh cho biết.

Một nguồn tin khác nói rằng, ĐCSTQ đang đồn trú ngày càng nhiều cảnh sát trong thành phố để bảo vệ sự toàn vẹn của chính quyền này.

Theo chính sách của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, "để bảo vệ quốc gia phải bảo vệ biên giới của mình và để bảo vệ biên giới, [chúng ta] phải duy trì sự hòa hợp ở Tây Tạng", theo RFA.

Tuy nhiên, trên thực tế, một phần lớn đơn vị cảnh sát và quân đội này ở Tây Tạng được triển khai để ngăn chặn các cuộc biểu tình chống chính phủ Trung Quốc của người dân Tây Tạng.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đưa tin rằng, Lhasa đã mở "Trường Cảnh sát Thanh niên đầu tiên" vào ngày 23/9.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York cho biết, họ “rất quan ngại” về sự gia tăng của các Trung tâm An ninh trên khắp Tây Tạng.

"Những hoạt động này sẽ kiểm soát hơn nữa quyền tự do đi lại cơ bản và nhân quyền của người Tây Tạng bên trong Tây Tạng", bà Sophie Richardson, giám đốc HRW tại Trung Quốc nói với RFA.

Ngày 22/9, một nhóm các nhà lập pháp quốc tế đã lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì áp đặt một chương trình đào tạo nghề hàng loạt ở Tây Tạng, giống với hệ thống đang được sử dụng ở Tân Cương, theo Epoch Times tiếng Anh.

Trong một tuyên bố, Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC) kêu gọi các chính phủ điều tra các báo cáo về lao động cưỡng bức và đàn áp sắc tộc ở Trung Quốc, đồng thời xử phạt những người chịu trách nhiệm về các hoạt động tồi tệ này.

Tuyên bố này đi kèm với một báo cáo của IPAC làm rõ thông tin về “một hệ thống lao động cưỡng bức phổ biến rõ ràng ở Tây Tạng” do ĐCSTQ thiết lập.

Nguyễn Minh



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc mở hàng trăm 'đồn cảnh sát tiện lợi' trá hình ở thủ đô Lhasa của Tây Tạng