Trung Quốc: Lợi dụng 'lòng yêu nước' để phát tài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau lệnh chế tài từ Mỹ, Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng chip. Chính phủ nước này đã tung ra gói hỗ trợ 9.500 tỷ nhân dân tệ để thúc đẩy khả năng tự chủ sản xuất chip trong nước. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể thành công hay không thì còn phụ thuộc vào ‘lòng yêu nước’. Tại sao lại nói như vậy? Hãy cùng xem tác giả Lý Bình phân tích.

Lại một cuộc vận động mới?

Hôm 1/10 vừa qua là kỷ niệm 71 năm ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiết lập chính quyền, đã có một làn sóng thi nhau thể hiện lòng trung thành và yêu nước từ các kênh truyền thông chính thức. Tuy nhiên, làn sóng này cũng giống như cơn sốt chuyển đổi doanh nghiệp sang sản xuất chip vừa quét qua các tỉnh thành gần đây. Mặc dù các kênh truyền thông của đảng tuyên bố rằng, chế tạo chip phải thể hiện sự nhiệt huyết và khí thế như khi chế tạo bom nguyên tử năm đó, nhưng lại khiến người ta có cảm giác như đang bước vào thời kỳ Đại Nhảy Vọt (1958-1962) – thời mà toàn dân được huy động đi luyện thép.

Cả một thể chế làm giả dễ dàng, che đậy đại dịch cũng dễ dàng, dù là tôi luyện lòng yêu nước hay sản xuất chip thì cũng có thể do một quan chức cấp cao hạ lệnh một cái là làm thành sao? Khi chủ nghĩa yêu nước trở thành nơi ẩn náu cuối cùng của các chính trị gia lưu manh, và khi những con chip trở thành công cụ thuận tiện để các học giả lưu manh và công ty lưu manh lừa đảo moi tiền, thì chẳng phải lòng yêu nước giả dối càng có giá trị hơn việc sản xuất chip hay sao?

Liệu chip ‘Made in China’ có tái xuất?

Ngay từ năm 2018, khi ZTE bị Mỹ trừng phạt, nỗi xấu hổ về con chip đã làm khuấy động người dân Trung Quốc hơn cả chiến tranh thương mại Trung-Mỹ. Cuộc khủng hoảng về sự tôn nghiêm của dân tộc và năng lực sản xuất khiến việc nghiên cứu phát triển chip nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc.

Báo cáo mới nhất của ngân hàng đầu tư cho thấy, trong những năm gần đây, một lượng lớn các công ty Trung Quốc đã chuyển đổi kinh doanh sang nghiên cứu và chế tạo chip. Trong 8 tháng đầu năm nay, ít nhất 9.335 công ty tại 32 tỉnh và thành phố ở Đại lục đã chuyển sang sản xuất chất bán dẫn. Quy mô đầu tư vào ngành bán dẫn trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc được cho là 9.500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.399 tỷ USD). Theo báo cáo, mặc dù việc sản xuất chất bán dẫn “theo mô hình toàn dân luyện thép” bị đặt ra nghi vấn, nhưng nó chắc chắn có lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp.

“Bản năng” của giới công nghiệp, thương mại và giới đầu tư Trung Quốc là tranh giành chiếc bánh chip trị giá 9.500 tỷ nhân dân tệ, nhưng việc chính phủ tuyên truyền rằng phải thể hiện lòng nhiệt thành yêu nước và khí thế như khi chế tạo bom nguyên tử năm đó, lại mang ý nghĩa huy động toàn lực quốc gia để vượt qua quan ải sản xuất chip hơn. Chắc hẳn mọi người còn nhớ dự án hạt nhân và không gian “Hai bom, một vệ tinh” (gồm bom nguyên tử, tên lửa, vệ tinh nhân tạo) năm đó, nó có thực sự là sản phẩm do Trung Quốc nghiên cứu và chế tạo một cách độc lập không, liệu thời điểm hiện tại còn bắt chước được như thời đó không?

Một mặt, hình thế quốc tế không còn như trước đây. Năm 1999, trong số 23 người có công lớn trong dự án “Hai bom, một vệ tinh” được ĐCSTQ tuyên dương, thì có tới 21 người là đã từng đi du học ở nước ngoài, và thành quả nghiên cứu khoa học mà họ mang từ nước ngoài về đếm không xuể. Ngày nay, Mỹ không chỉ chặn ngang cổ Trung Quốc trên phương diện xuất khẩu chip và các phần cứng khác, mà còn ngăn chặn và điều tra nghiêm ngặt hành vi trộm cắp công nghệ cao từ Mỹ của ĐCSTQ, đồng thời ngăn chặn các học giả Trung Quốc tham gia nghiên cứu công nghệ cao ở Mỹ.

Mặt khác, hầu hết những người tham gia dự án năm đó đều lớn lên trong một nền giáo dục tiên tiến và môi trường học thuật tự do. Ngày nay, Đại học Thanh Hoa và các trường đại học khác tự xưng là đẳng cấp thế giới, nhưng triết lý giảng dạy và môi trường học thuật của họ đã trật khỏi nền giáo dục năm đó muôn vàn dặm.

Hơn nữa, khi làn sóng sản xuất chip trở nên phổ biến, giới truyền thông lại tránh đề cập đến sự cố “Hanxin số 1” khiến chip do Trung Quốc tự phát triển trở thành trò cười quốc tế. Năm 2003, ông Trần Tiến (Chen Jin), một giáo sư tại Đại học Giao thông Thượng Hải, đã mài nhãn chip Motorola và in nhãn Hanxin lên thay thế, rồi nhờ “phát minh” này mà lừa khoản kinh phí hàng trăm triệu nhân dân tệ của quốc gia. Sau khi vụ lừa đảo bị phanh phui, "cha đẻ của Hanxin" lại có thể rút lui một cách êm đềm, để lại một loạt nghi vấn về việc phạm tội mà vẫn có thể ung dung ngoài vòng pháp luật. Vụ án một thời khiến dư luận cảm thán rằng “Chip Hanxin, chip Loongson, ôi chip Trung Quốc, chip nào cũng là giả” rất có thể ngày nay sẽ lại tái xuất.

Ông Trần Tiến, Giáo sư tại Đại học Giao thông Thượng Hải, trong buổi ra mắt chip "Hanxin số 1". (Epoch Times)
Ông Trần Tiến, Giáo sư tại Đại học Giao thông Thượng Hải, trong buổi ra mắt chip "Hanxin số 1". (Epoch Times)

'Tôi luyện' lòng yêu nước – cái được chẳng bõ cho cái mất

Ở Trung Quốc, kiếm tiền trên danh nghĩa lòng yêu nước là chuyện thường ngày ở huyện. Việc lấy danh nghĩa lòng yêu nước để ra lệnh cho mọi người dân phải yêu đảng và giới lãnh đạo cũng rất phổ biến ở Trung Quốc. Hong Kong mặc dù vẫn chưa gia nhập làn sóng yêu nước, nhưng sau khi Luật An ninh Quốc gia được ban hành, nó cũng đã bước vào thời đại kiểm chứng lòng yêu nước. Văn phòng Liên lạc của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ vung cao thanh kiếm, cảnh sát đại lục lấp đầy đường phố ở Hong Kong, tạo nên bầu không khí Ngày Quốc khánh ngột ngạt nhằm ‘hun đúc lòng yêu nước’ của người dân Hong Kong. Mang phong cách hun đúc ở đại lục sang áp dụng ở Hong Kong như vậy, kỳ thực là phản tác dụng.

Tác giả người Anh sống ở thế kỷ 18 Samuel Johnson từng nói: “Chủ nghĩa yêu nước là nơi ẩn náu cuối cùng của đám lưu manh”. Ông Samuel Johnson không hề phản đối việc yêu nước, mà là phản đối việc lợi dụng lòng yêu nước như một lá chắn và phản đối những con sói theo chủ nghĩa dân tộc đang khoác trên mình tấm da của chủ nghĩa yêu nước.

Ngày nay, đối với một chính quyền chuyên chế như ĐCSTQ, về mặt đối ngoại, chủ nghĩa yêu nước là một con sói theo chủ nghĩa dân tộc, còn về đối nội thì nó là một con hổ nuốt chửng tự do của người dân. Khi xung đột lợi ích giữa giới chức sắc và người dân ngày càng gay gắt, chính quyền liền đổ lỗi cho các thế lực thù địch nước ngoài thao túng, rồi lợi dụng lý do an ninh quốc gia để đàn áp các yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử minh bạch, hay là cấm các dân tộc thiểu số học tập và sử dụng ngôn ngữ của họ. Khi ngoại giao chiến lang khiến cộng đồng quốc tế phản cảm và đưa ra các biện pháp phản chế, chính quyền liền kêu gọi lòng yêu nước, yêu cầu người dân cùng nhau vượt qua khó khăn và yêu cầu các doanh nhân tư nhân phải nhạy bén về mặt chính trị.

Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ khi ĐCSTQ phát động cuộc vận động toàn dân luyện thép nhằm ‘vượt qua Anh Quốc và đuổi kịp Hoa Kỳ’. Tuy nhiên, hệ thống chính trị và tư duy cai quản của nó vẫn không thay đổi, chỉ có điều luyện cái gì và luyện ra sao là đã thay đổi. Hậu quả của cuộc Đại Nhảy Vọt toàn dân luyện thép là Nạn Đói lớn với hàng chục triệu cái chết bất thường. Vậy hậu quả của “Đại Nhảy Vọt toàn dân sản xuất chip” sẽ là gì?

Tác giả: Lý Bình

Bài viết được ủy quyền từ Apple Daily.

Quan đim th hin trong bài viết là ý kiến ca tác gi và không nht thiết phn ánh quan đim ca NTD Vit Nam.

Đông Phương

Theo Secretchina.com

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Lợi dụng 'lòng yêu nước' để phát tài