Trung Quốc lại tăng cường khống chế tư tưởng của 1,4 tỷ dân nhưng vấp phải ‘chủ nghĩa nằm ngửa’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ vài ngày sau lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chính quyền này đã đặt ra hạng mục ưu tiên — tăng cường kiểm soát ý thức hệ đối với hơn 1,4 tỷ người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, “chủ nghĩa nằm ngửa” của giới trẻ Trung Quốc cũng đang thách thức sự tuyên truyền của chính đảng này.

Tuần trước, ĐCSTQ đã ban hành các hướng dẫn mới về công tác tư tưởng và chính trị. Phương châm chỉ đạo này không chỉ dành cho các đảng viên, mà còn nhắm tới "toàn xã hội".

CNN của Mỹ nhận định rằng, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã tiến hành cuộc đàn áp tư tưởng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Bắc Kinh lại một lần nữa cảnh báo về sự "thâm nhập" của tư tưởng phương Tây, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và bóp nghẹt tự do báo chí và học thuật.

Hiện tại, mặc dù ĐCSTQ hầu như đã trấn áp các ý kiến bất đồng trên mọi hình thức, nhưng dường như nó vẫn lo lắng rằng mức độ kiểm soát ý thức hệ và lòng trung thành chính trị vẫn chưa đủ. Vậy nên nó đang nỗ lực gấp đôi trong việc tẩy não trên hai phương diện này.

Theo hướng dẫn mới, ĐCSTQ hy vọng rằng ngày càng có nhiều công chúng tăng cường “sự đồng nhất về chính trị, tư tưởng, lý luận và cảm tình” với hệ tư tưởng của ông Tập Cận Bình.

Các cấp học ở Trung Quốc học tư tưởng Tập Cận Bình

Trong một tuyên bố vào đầu tháng này, Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết các trường tiểu học và trung học trên cả nước sẽ bắt đầu sử dụng sách giáo khoa "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" vào tháng 9 tới. Từ mùa thu năm ngoái, hàng chục trường đại học bao gồm Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đã mở các khóa học về tư tưởng Tập Cận Bình.

Tháng trước, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã phê duyệt việc thành lập 7 trung tâm nghiên cứu tư tưởng Tập Cận Bình mới. Hiện nước này có tất cả 18 trung tâm nghiên cứu như vậy. Các trung tâm này được thành lập bởi các trường đại học hàng đầu, các tổ chức tư vấn, chính quyền cấp tỉnh và các cơ quan chính quyền trung ương.

CNN dẫn lời nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh Wu Qiang cho biết, tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 vào năm tới, liệu "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới" có chính thức được xác lập thành "Tư tưởng Tập Cận Bình” hay không thì vẫn còn nhiều suy đoán. Mọi công tác chính trị tư tưởng đều đang chuẩn bị cho sự việc này.

Đại hội này cũng sẽ quyết định liệu ông Tập có tiếp tục tái đắc cử hay không.

Tại sao ĐCSTQ muốn toàn xã hội củng cố hệ tư tưởng?

CNN dẫn lời Ling Li, một chuyên gia về chính trị và luật pháp Trung Quốc tại Đại học Vienna, nói rằng, không giống như Trung Quốc vào thời Mao Trạch Đông, mặc dù ĐCSTQ đã nỗ lực hết sức để tiến hành kiểm duyệt, nhưng người dân Trung Quốc hiện đang đối mặt với một làn sóng thông tin kỹ thuật số. "Vì vậy, nếu đảng quyết tâm trổ hết chiêu trò trong cuộc chiến thông tin và trở thành người chiến thắng, thì nó phải thiết lập lại quan điểm của người đọc và góc nhìn giải thích thông tin, để ngay cả khi mọi người có thể tiếp cận với thông tin chưa được kiểm duyệt, thì họ vẫn luôn đưa ra kết luận ‘chính xác’ (như đảng mong muốn)”.

Để làm được điều này, ĐCSTQ đang tìm cách củng cố hệ tư tưởng của người dân trong mọi khía cạnh xã hội, từ chính phủ, công ty, trường học, nông thôn, khu dân cư thành thị, cho đến Internet.

Ví dụ, các công ty được yêu cầu kết hợp công tác tư tưởng chính trị với sản xuất, vận hành, quản lý và phát triển nguồn nhân lực hàng ngày.

Một số thôn làng đã tăng cường giáo dục tư tưởng bằng cách lắp đặt loa trên nóc nhà của người dân để phát thanh tuyên truyền cho đảng. Một bài báo được xuất bản vào tuần trước trên một tài khoản mạng xã hội do ĐCSTQ điều hành cho biết, tại làng Tây Bách Ba (Xibaipo) ở Hà Bắc - tỉnh giáp với Bắc Kinh, mỗi ngày 3 lần loa truyền thanh đều phát tư tưởng Tập Cận Bình, cùng lý luận và chính sách của ĐCSTQ.

Bài báo còn cho biết, ở tỉnh An Huy có 10.000 ngôi làng đã lắp đặt loa tuyên truyền như vậy.

Giới trẻ "nằm ngửa" thách thức tuyên truyền của ĐCSTQ

Bất chấp sự tuyên truyền mạnh mẽ của Bắc Kinh, “chủ nghĩa nằm ngửa” của giới trẻ Trung Quốc đang thách thức chế độ và tuyên truyền của ĐCSTQ. “Nằm ngửa” cho thấy sự bất mãn, cách phản kháng tiêu cực và tư tưởng bất hợp tác của người Trung Quốc trước hiện trạng xã hội khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, những nỗ lực của người ở tầng lớp dưới không được đền đáp xứng đáng. Chủ nghĩa này đã thách thức các giá trị quan của chính quyền ở một mức độ nào đó.

Điều khiến ĐCSTQ lo lắng hơn nữa là “chủ nghĩa nằm ngửa” thậm chí còn kích thích ý thức phản kháng mạnh mẽ hơn. Có một câu nói phổ biến trên WeChat viết rằng: "Nằm thẳng là để không phải khom lưng. Nằm thẳng là để không phải quỳ gối".

Trước đó, kênh truyền thông Đức Deutsche Welle đưa tin rằng, "chủ nghĩa nằm thẳng" đã tạo ra sự đồng thuận và cộng hưởng xã hội mạnh mẽ. Một khi mọi người đoàn kết, việc họ bất hợp tác “từ chối tiêu dùng, từ chối phấn đấu, từ chối bị lợi dụng” cũng sẽ đặt ra thách thức lớn hơn đối với công tác tuyên truyền tư tưởng và chế độ hiện hành của Bắc Kinh.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc lại tăng cường khống chế tư tưởng của 1,4 tỷ dân nhưng vấp phải ‘chủ nghĩa nằm ngửa’