Trung Quốc 'kiểm soát' cả Facebook và Twitter: Du học sinh ẩn danh đăng bài vẫn bị tìm ra danh tính thật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc đã phong tỏa Internet và ngăn cấm người dân vào các trang web nước ngoài, nhiều người chỉ có thể sử dụng phần mềm vượt tường lửa VPN để xem tin tức ở bên ngoài ‘bức tường’. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều trường hợp những người Trung Quốc vượt tường lửa để bày tỏ ý kiến ​​của mình trên các nền tảng trực tuyến như Twitter, Facebook... bị phạt tiền, thậm chí là ngồi tù.

Trang web tiếng Trung của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cũng chỉ ra rằng, một số người Trung Quốc không dùng tên thật để bày tỏ ý kiến ​​trên các nền tảng trực tuyến ở nước ngoài, nhưng cảnh sát Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn có thể tìm thấy những cư dân mạng đã đăng bài, điều này rất đáng ngờ. Ngoài ra, còn có một bộ phận du học sinh Trung Quốc vì đăng bài nên đã khiến người thân của họ ở trong nước bị cảnh sát sách nhiễu.

Trước đó, một công dân Trung Quốc đã tiết lộ với phóng viên của Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) rằng, cảnh sát Internet ở một số các thành phố loại 3 và loại 4 và các quận lỵ của Trung Quốc sẽ bất ngờ đến các quán Internet, quán cà phê hoặc các cửa hàng cung cấp chỗ ngồi thời gian dài để tuần tra và quan sát xem có ai sử dụng máy tính xách tay, máy tính bảng hoặc điện thoại để vượt tường lửa vào các trang mạng nước ngoài hay không. Nếu bị phát hiện, họ sẽ bị cảnh cáo và yêu cầu gỡ phần mềm VPN ngay tại chỗ, nếu tái phạm thì sẽ bị đưa về thẩm vấn.

Ngoài ra, khi truy tìm các bài viết do cư dân mạng vượt tường lửa để đăng lên, cảnh sát ĐCSTQ cũng sẽ thống kê số lượng bài đăng của họ và số lượt đọc (lượt view) của bài viết đó.

Chẳng hạn, trước đây, ông Thẩm Lương Khánh (Shen Liangqing), một cán bộ kiểm sát và là nhà hoạt động nhân quyền ở tỉnh An Huy, đã bị cảnh sát điều tra và phát hiện rằng, trong thời gian bị bắt nhiều lần từ năm 2017 đến tháng 5/2019 vì nghi ngờ phạm tội “gây gổ và sinh sự”, ông đã đăng 42 “bài viết không phù hợp” trên Twitter, thống kê cho thấy có hơn 470.000 lượt xem; và đăng 13 "bài viết không phù hợp" trên Facebook, thống kê có 16 lượt chia sẻ (Share) và 130 lượt thích (Like).

Ngoài ra, các công tố viên Trung Quốc còn cáo buộc một người đàn ông 56 tuổi họ Vương ở Vũ Hán tội “tấn công và phỉ báng các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước, cũng như các chính sách của nhà nước” vì đã đăng và chuyển tiếp 12 bài trên Twitter từ tháng 5/2017 đến tháng 4/2019, trong đó có những nhận xét nhạy cảm liên quan đến sự kiện Thảm sát ở Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Cuối cùng, ông Vương bị kết án 1 năm 3 tháng tù giam vì tội kích động gây rối và bôi nhọ thanh danh, đồng thời bị tước quyền lợi chính trị trong 3 năm.

Còn đối với nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng người Trung Quốc "Tú Tài Giang Hồ" - tên thật là Ngô Bân (Wu Bin), vì nhiều lần đưa ra phát ngôn nhạy cảm nên trong nhiều năm qua anh đã bị khóa rất nhiều tài khoản Weibo và WeChat, thậm chí khi sử dụng Twitter - một phần mềm của nước ngoài, anh vẫn bị cảnh sát bắt giữ. Cảnh sát thậm chí đã sử dụng điện thoại di động của anh để bắt ép đăng nhập rồi hủy tài khoản của anh, vậy nên Ngô Bân đã phải đăng ký lại tài khoản Twitter khác sau khi anh được thả.

Ngô Bân cho biết, tài khoản Twitter với 100.000 người theo dõi và những dòng tweet tích lũy trong 10 năm qua của anh đã bị xóa sạch sau khi các "nha dịch" xâm nhập và hủy bỏ tài khoản. Tuy nhiên, khi nhận được cuộc phỏng vấn qua điện thoại của một phóng viên VOA cách đây vài ngày, anh Ngô nói rằng anh không thể nhận lời phỏng vấn hoặc có lời phát biểu gì, nếu không anh sẽ “gặp rắc rối”.

Người Trung Quốc ở trong nước bị đối xử theo cách này, còn các du học sinh ở nước ngoài cũng không thể thoát khỏi "cánh tay kéo dài" của ĐCSTQ. Một sinh viên Trung Quốc họ La sang Mỹ du học năm 2018 đã bị bắt và bị kết án 6 tháng tù giam với tội danh “gây gổ và sinh sự” vì đăng bài châm biếm Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình trên Twitter. Sự việc từng thu hút sự chú ý của các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ.

Ngoài ra, một nữ du học sinh Trung Quốc ở Melbourne, Úc, chỉ vì dùng những lời lẽ và hình ảnh hài hước để chế giễu chính quyền ĐCSTQ trên Twitter, mà cha của cô đã bị đưa đến đồn cảnh sát để lập biên bản, cảnh sát còn gọi điện trực tiếp và bắt cô giao nộp mật khẩu tài khoản Twitter cho họ. Một sinh viên Trung Quốc khác du học tại Mỹ vì ủng hộ việc gọi virus Viêm phổi Vũ Hán là "virus Trung Quốc" trên tài khoản Twitter của mình mà mẹ của em ở Trung Quốc đã bị đưa đến đồn cảnh sát để viết giấy cam đoan.

Điều khiến đương sự và ngoại giới rùng mình và nghi ngờ là không ai trong số ba du học sinh nói trên sử dụng tên thật của họ để đăng Twitter, vậy làm thế nào mà cảnh sát ĐCSTQ lại truy tìm được danh tính của họ và quấy rối người nhà của họ?

Ngoài ra, nếu chỉ đơn giản là sử dụng VPN để vào các trang web ở nước ngoài, người dùng Trung Quốc cũng có thể bị cảnh sát sờ gáy. Theo truyền thông Đại lục đưa tin, công an thành phố An Khang, tỉnh Thiểm Tây đã thông báo vào ngày 19/5 rằng, một người đàn ông họ Dương ở địa phương đã bị cảnh cáo hành chính và phạt 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu VNĐ) vì đã vượt tường lửa xem trang web nước ngoài. Hồi tháng Hai, 2 người đàn ông khác ở tỉnh Hà Nam cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, một trong số họ đã bị phạt 500 nhân dân tệ và được thả sau khi viết giấy hối lỗi.

Hôm 19/10, một cư dân mạng có tài khoản Twitter là "Tang Yan" (唐嫣) cho biết, bạn của cô làm trong hệ thống công an Trung Quốc đã tiết lộ rằng, 90% VPN ở Trung Quốc là do cảnh sát mạng phát triển, vậy nên vượt tường lửa vẫn bị theo dõi.

“Do trên mạng có quá nhiều VPN nên rất khó để kiểm soát tận gốc, Bộ An ninh Quốc gia (Trung Quốc) đã tự mình phát triển một số (phần mềm VPN) rồi tung lên mạng, để tiện cho việc theo dõi và kiểm soát. Họ không bắt những người vượt tường lửa mà không gây ảnh hưởng gì. Còn những người gây ảnh hưởng lớn như Phương Bân, Lý Tử Việt, thì họ muốn bắt ai là bắt được ngay. Sau đó cứ một khoảng thời gian sẽ lại xuất hiện tin tức về việc người dùng VPN bị bắt giam, mục đích là để hù dọa những người hiếu kỳ muốn vượt tường lửa”.

Nếu quả thực là như vậy, đây có lẽ là lời giải thích cho việc tại sao người dùng Trung Quốc không dùng tên thật để bày tỏ ý kiến ​​trên các nền tảng trực tuyến ở nước ngoài, nhưng cảnh sát ĐCSTQ vẫn có thể truy ra danh tính thật của họ. Vậy còn trường hợp các du học sinh ở nước ngoài thì sao?

Mời quý độc giả xem thêm: Quỳ phục" ĐCSTQ, những gã khổng lồ công nghệ bán rẻ nước Mỹ

Đông Phương

Theo CNA và Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc 'kiểm soát' cả Facebook và Twitter: Du học sinh ẩn danh đăng bài vẫn bị tìm ra danh tính thật