Trung Quốc: ‘Không quyên góp là không yêu nước’ - Các tín đồ tôn giáo buộc phải chứng minh lòng “trung thành” với chính phủ bằng tiền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhóm tôn giáo tại Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ khi có thảm họa xảy ra. Tuy nhiên, phần lớn những nỗ lực và đóng góp của họ bị chính phủ Trung Quốc trưng dụng.

Theo các báo cáo trên phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, kể từ ngày 7/2, năm tổ chức tôn giáo được nhà nước Trung Quốc ủy quyền, đã thu được 300 triệu nhân dân tệ (khoảng 993 tỷ VNĐ) để giúp ứng phó với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Trước thảm họa, các tín đồ tôn giáo ở Trung Quốc rất sẵn lòng hỗ trợ, nhưng không phải tất cả họ đều được hoan nghênh.

Tờ New York Times trong một bài báo xuất bản ngày 23/2 cho biết: một số tổ chức, hội đoàn tín ngưỡng đã gửi tiền quyên góp cho chính phủ Trung Quốc để hỗ trợ ứng phó dịch bệnh nhưng họ không được chính quyền công nhận. Chính phủ từ chối quyên góp của họ và cảnh sát thậm chí đã thẩm vấn một số người đứng đầu nhà thờ.

The Times dẫn lời bà Susan McCarthy, nhà khoa học chính trị ở Đại học Providence ở Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu các tổ chức từ thiện dựa trên đức tin ở Trung Quốc: “Chính phủ rất vui vẻ khi các nhóm tôn giáo đóng góp nhưng cũng rất cảnh giác về việc các nhóm tôn giáo lợi dụng từ thiện để mở rộng cơ sở và xâm nhập vào xã hội”. Đối với những tổ chức được nhà nước chấp thuận, bà McCarthy cho rằng những đóng góp như vậy cũng có thể giúp chứng minh lòng yêu nước và trung thành của họ với chính quyền Trung Quốc, và điều đó “chủ yếu là để phòng vệ”.

Tạp chí Bitter Winter đã nhận được nhiều báo cáo về nhận định này. Hơn nữa, thái độ của các tín đồ đã thay đổi nhiều sau khi số tiền họ quyên góp để làm từ thiện nhưng bị chính phủ lạm dụng và dùng vào các việc không rõ ràng.

Tháng 8 năm ngoái, Cục Công tác Mặt trận Thống nhất ở quận Chấn An, thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh ở phía Đông Bắc Trung Quốc, đã ban hành một tài liệu chính thức yêu cầu năm tổ chức tôn giáo thực hiện một chiến dịch quyên góp từ thiện. Một tháng sau, cục này tính toán các khoản tiền quyên góp và chỉ trích những nhóm tôn giáo có số tiền thu được ít.

Tôi không biết tại sao tôi phải quyên góp. Tôi đang quyên góp cho ai?”, một người từ Giáo hội Tam Tự ở Đan Đông nói.

Các quan chức tuyên bố nếu chúng tôi không quyên góp, nghĩa là chúng tôi không yêu nước”, một thành viên của nhà thờ cho biết nhà thờ này đã bị chỉ trích vì không thu đủ tiền. “Nếu các mục sư phản đối chính sách này, họ có thể không được làm mục sư nữa”, ông nói thêm.

Một loạt các huy chương được treo ở trên bức tường trong một ngôi đền thuộc Đạo giáo ở Nhữ Châu, thành phố thuộc tỉnh Hà Nam, ở miền Trung của Trung Quốc. Những huy chương này được nhà nước trao tặng để tuyên dương những nỗ lực của ngôi đền trong các chiến dịch từ thiện nhằm xóa đói giảm nghèo và giúp đỡ học sinh. Tuy nhiên, một tu sĩ trong đền không thấy tự hào về những giải thưởng này. Một tu sĩ giải thích: chính phủ đặt ra hạn ngạch cho Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc địa phương về số lượng sinh viên cần hỗ trợ hàng năm. Các hạn ngạch này thường xuyên tăng: từ 13 học sinh năm 2017 lên 24 học sinh vào năm 2019. Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu họ hỗ trợ người già neo đơn sống trong các ngôi làng.

Các đạo sĩ sẵn sàng giúp đỡ và làm những gì họ có thể, vị tu sĩ nói. Nhưng những quyên góp của những người theo tôn giáo, những người không khá giả lắm, là không đáp ứng được “hạn ngạch về quyên góp nặng nề này”. Để thực hiện các yêu cầu của chính phủ, ngôi đền phải vay nợ 8.000 nhân dân tệ (khoảng 26,5 triệu VNĐ) và không đủ khả năng trả các hóa đơn tiền điện 200 nhân dân tệ ( khoảng 660.000 VNĐ), hoặc lắp đặt các cửa ra vào và cửa sổ rất cần thiết cho khu vực căng tin.

Chúng tôi được bảo rằng đây là một nhiệm vụ chính trị, và chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ này ngay cả khi chúng tôi sẽ bị phá sản, hoặc chúng tôi phải ngừng ăn và uống”, vị tu sĩ nói với vẻ đau khổ. “Hơn nữa, những người nhận được sự đóng góp của chúng tôi cũng không biết rằng các tín đồ tôn giáo đã quyên góp. Họ nghĩ rằng tiền đó là từ chính phủ, thông qua các quan chức trong Cục Dân sự hoặc một số tổ chức nhà nước khác. Họ chỉ muốn chứng minh cho những lãnh đạo cấp cao hơn rằng họ làm việc tốt như thế nào vì tạo dựng danh tiếng của bản thân”.

Năm 2015 Chủ tịchTrung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã hứa sẽ giúp tất cả các hộ gia đình nghèo khó thoát nghèo vào năm 2020, nhưng rõ ràng, một phần của nhiệm vụ này đã được chuyển sang cho các nhóm tôn giáo thực hiện.

Các chiến dịch quyên góp xóa đói giảm nghèo được tổ chức trên khắp cả nước”, một người quản lý ngôi đền ở thành phố Bình Hương, tỉnh Giang Tây, phía Đông Nam Trung Quốc nói với tạp chí Bitter Winter. “Khi các chính quyền địa phương được giao nhiệm vụ quyên góp tiền cho các chương trình xóa đói giảm nghèo, họ thường tiếp cận các tổ chức tôn giáo được nhà nước phê duyệt. Ví dụ, các ngôi đền trong khu vực sẽ được yêu cầu thu tiền từ những người đến cúng lễ, sau đó nộp lại cho Hội Phật giáo hoặc Hội Chữ thập đỏ”.

Người quản lý ngôi đền nói thêm rằng Cục Tôn giáo địa phương yêu cầu họ quyên góp tiền xóa đói giảm nghèo hàng tháng, tiền mặt là 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu VNĐ) và một số dầu ăn, gạo cho các hộ gia đình nghèo khó. Nếu không làm thế, các ngôi đền sẽ bị đàn áp.

Theo một nhà sư từ một ngôi chùa Phật giáo ở thành phố Đức Châu, ở tỉnh Sơn Đông: vào mùa thu năm 2019, chính phủ đã thông báo cho các hộ gia đình nghèo rằng họ có thể đến chùa để lấy bột mì và dầu ăn. “Chính phủ muốn người dân thấy là họ tốt bằng cách dùng tài chính của chúng tôi”, nhà sư nói.

Đồng thời, chính quyền Trung Quốc nghiêm cấm việc sử dụng “các hoạt động từ thiện vì lợi ích công cộng để thuyết phục mọi người theo tín ngưỡng”, được nêu trong Quy định mới về các vấn đề tôn giáo. Điều đó có nghĩa là, Đảng Cộng sản Trung Quốc không cho phép các tôn giáo phát triển bằng cách làm công tác từ thiện mà chỉ muốn lấy tiền của họ. Đối với các nhóm tôn giáo không được phê duyệt chính thức, bất kỳ chiến dịch từ thiện nào của họ cũng có thể dẫn đến việc các tín đồ bị bắt giữ hoặc thậm chí cấm hoạt động hoàn toàn.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: ‘Không quyên góp là không yêu nước’ - Các tín đồ tôn giáo buộc phải chứng minh lòng “trung thành” với chính phủ bằng tiền