Trung Quốc khen thưởng chống dịch, biến ‘tang sự thành hỷ sự’ trong khi WHO cảnh báo dịch chưa hết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi toàn cầu vẫn đang tăng cường phòng chống đại dịch virus corona Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc lại biến ‘tang sự thành hỷ sự’.

Ngày 8/9, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cử hành Đại hội biểu dương công tác chống dịch toàn quốc, ông Tập đã đích thân trao giải và phát biểu.

Tuy nhiên, hoạt động "biểu dương kỳ tích" chống dịch này của ĐCSTQ lại diễn ra ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - tổ chức vốn luôn ủng hộ Bắc Kinh - đưa ra cảnh báo về dịch bệnh. Việc này khiến các học giả nghi ngờ việc ĐCSTQ muốn chối bỏ trách nhiệm.

Vào ngày 8/9, ĐCSTQ với danh nghĩa của Ủy ban Trung ương Đảng, Hội đồng Nhà nước và Quân ủy Trung ương đã tổ chức đại hội biểu dương khen thưởng chống dịch. Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu trong hơn một tiếng đồng hồ và biểu dương 1.499 cá nhân bao gồm ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) và Đồng Minh Huy (Tong Zhaohui), cùng 500 tập thể bao gồm bệnh viện Kim Ngân Đàm của thành phố Vũ Hán.

Theo truyền thông Trung Quốc, cái gọi là hội nghị khen thưởng lần này do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, Ủy viên Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) tuyên đọc lệnh của Chủ tịch, ông Vương Hộ Ninh (Wang Huning) công bố quyết định khen thưởng. Tại sự kiện, còn có sự tham gia của các thành viên Ủy ban Thường vụ Uông Dương (Wang Yang), Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), Hàn Chính (Han Zheng) và Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan).

Bài phát biểu dài gần 10.000 từ của ông Tập, truyền thông nhà nước ca ngợi "thành tích"

Các kênh truyền thông của ĐCSTQ đã phân tích bài phát biểu gần 10.000 từ của ông Tập Cận Bình từ 7 phương diện, sử dụng mốc thời gian nhìn lại kết quả chiến lược trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Truyền thông nhà nước tuyên bố: hơn một tháng đầu ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và khoảng 2 tháng để kiểm soát số ca mới hàng ngày ở trong nước xuống một con số và mất khoảng 3 tháng để có được kết quả quyết định trong trận chiến bảo vệ Vũ Hán và Hồ Bắc...

Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, ông Trần Lâm (Chen Lin), một công chức trong chính quyền địa phương ở Vũ Hán, cho biết kỳ thực nếu ĐCSTQ không che giấu hoặc trì hoãn việc báo cáo vào giai đoạn dịch bệnh mới manh nha, người dân Vũ Hán sẽ không phải chịu cảnh phong tỏa thành phố trong nhiều tháng và tất cả các ngành công nghiệp đã không bị suy thoái trầm trọng. Biện pháp trấn áp những người lên tiếng cảnh báo, tuyên truyền “không lây từ người sang người”, “có thể phòng ngừa và kiểm soát”, tổ chức tiệc vạn gia và biểu diễn quy mô lớn trong giai đoạn đầu, đã khiến nhiều người dân hoàn toàn không biết gì và thiếu sự đề phòng, và làm gia tăng sự lây lan của dịch bệnh.

Ông nhấn mạnh, “ĐCSTQ đã biến một vấn đề mà lẽ ra có thể giải quyết tại một nơi thành một vấn đề lớn ảnh hưởng đến cả đất nước và toàn thế giới. Đây không phải là một thành tích, nó là một thảm họa. Hơn nữa, dữ liệu dịch bệnh ở Trung Quốc do ĐCSTQ công bố rất mờ mịt, rất đáng nghi ngờ. Khó có thể nói được tình hình dịch bệnh thực tế trong nước hiện nay đến mức nào và cũng chưa đến mức có thể ‘thở phào’ chứ nói gì tới ăn mừng”.

Ông Dương Chiêm Thanh (Yang Zhanqing), một nhân sĩ tham gia " Nhóm Tư vấn Pháp lý đòi bồi thường do viêm phổi Vũ Hán", cũng nói với Epoch Times rằng: "Nếu không phải vì hai tháng đầu tiên ĐCSTQ che giấu và trì hoãn thời gian tốt nhất phòng chống dịch, thì đã không phải vất vả kéo dài tới một hoặc 2,3 tháng. Hơn nữa, sẽ không có nhiều người ở Vũ Hán không biết gì về dịch bệnh, bị nhiễm bệnh và chết. Họ phải trả giá bằng chính mạng sống, bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) sẽ không bị phê bình, bị nhiễm bệnh và chết".

Ông cho rằng ĐCSTQ không nên tổ chức đại hội khen thưởng như thế này. "Tôi nghĩ rằng chính quyền không chịu thừa nhận việc che giấu dịch bệnh và đàn áp gia đình nạn nhân yêu cầu truy cứu trách nhiệm, đòi bồi thường, không dám đối mặt với tố cáo của người bị hại, mà lại tổ chức một hội nghị như vậy, ‘gióng trống khua chiêng’ tuyên dương những người đã tham gia vào che giấu dịch bệnh. Điều này thật khiến người ta không phục và càng khiến gia đình nạn nhân giận dữ hơn".

WHO nhắc Bắc Kinh vẫn cần cảnh giác dịch bệnh

Điều đáng nói là chỉ một ngày trước khi ĐCSTQ tổ chức đại hội tuyên dương chống dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo nhắc nhở rằng đại dịch toàn cầu vẫn chưa kết thúc và Bắc Kinh vẫn cần phải cảnh giác.

Vào ngày 7/9, trong một cuộc họp báo tại trụ sở Geneva, ông Mike Ryan, chuyên gia về các vấn đề khẩn cấp hàng đầu của WHO, cho biết đại dịch viêm phổi Vũ Hán trên toàn cầu vẫn chưa kết thúc, và Trung Quốc vẫn còn các ca bệnh từ ngoài vào. Hiện tại, không có chỗ cho sự tự mãn, cần thận trọng đề phòng các trường hợp nhỏ lây lan thành cụm lớn.

Tại cuộc họp báo, Tổng thư ký WHO Tedros cũng cảnh báo rằng “đây sẽ không phải là đại dịch cuối cùng”. Thế giới phải chuẩn bị cho làn sóng bùng phát tiếp theo.

Dịch bệnh bùng phát từ cuối tháng 12 năm ngoái tại Vũ Hán, Trung Quốc, tới nay đã hơn 9 tháng. Thế giới đang mong chờ dịch chấm dứt và trở lại cuộc sống bình thường. Tính đến ngày 10/9, đã có hơn 27 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm dịch và hơn 900.000 người tử vong. Do chính quyền ĐCSTQ che giấu số liệu dịch bệnh, ngoại giới không cách nào biết được con số tử vong thực sự trong trận dịch này tại Trung Quốc.

Vậy tại sao ĐCSTQ lại nóng lòng tổ chức “Lễ ăn mừng” trong khi dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát tại nhiều nơi trong nước? Các học giả cho rằng, có 3 ý đồ lớn trong việc này nhằm trốn tránh trách nhiệm che giấu dịch.

Thứ nhất, ĐCSTQ muốn lợi dụng đại hội tuyên dương phòng chống dịch để giảm áp lực chỉ trích của nội bộ đảng

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Tang Phổ (Sangpu) nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng: “Ông Tập Cận Bình muốn tổ chức cuộc họp tuyên dương chống dịch để tuyên dương những anh hùng chống dịch, để giành quyền phát biểu và tranh công, từ đó giảm áp lực chỉ trích trong nội bộ đảng và tránh những kẻ thù chính trị lật đổ”.

Chỉ mới gần đây, sau khi ĐCSTQ cưỡng chế việc giảng dạy tiếng Trung ở Nội Mông và gây nguy hiểm cho văn hóa Mông Cổ, đã không chỉ khiến người dân Nội Mông phản kháng mạnh mẽ mà còn khiến những 'hồng nhị đại' (những hậu duệ của thế hệ hệ cách mạng đầu tiên của ĐCSTQ) nghi ngờ.

Ngày 5/9, hàng chục người ‘từng là thanh niên trí thức về thảo nguyên trong những năm 1950-1970’ bao gồm cả 'hồng nhị đại' nổi tiếng Mã Hiểu Lực cùng ký tên, cáo buộc nhà cầm quyền ĐCSTQ "không có cái nhìn toàn cục, đại cục, thiếu chính sách và trình độ chính trị", gây nên rắc rối.

Bức thư ngỏ công khai chỉ trích cách làm cực đoan, tồi tệ của nhà cầm quyền đối xử với đồng bào Nội Mông như kẻ thù, và cần phải ngăn chặn. Bức thư lo ngại Nội Mông sẽ trở thành Tân Cương thứ hai, khiến dư luận xót xa, đồng thời nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “lòng dân ủng hộ”.

Vào ngày 7/9, bà Thái Hà (Cai Xia), một 'hồng nhị đại' và cựu giáo sư Trường Đảng của Ủy ban Trung ương, hiện đang ở Hoa Kỳ, đã chuyển bức thư ngỏ trên.

Ngày 6/9, bà Thái Hà cũng đã ủng hộ người Nội Mông, chỉ trích sự bạo chính của ĐCSTQ khi thực thi chính sách tuyệt chủng văn hóa. Bà nói: "Toàn thể dân tộc Mông Cổ chống lại chính sách bạo hành diệt chủng văn hóa. Các đảng viên và cán bộ Nội Mông cùng sát cánh với người dân dân tộc mình, và trong số đó có những cán bộ giữ các vị trí lãnh đạo".

Mạng tin tức Set News đưa tin rằng các 'hồng nhị đại' liên tiếp lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của Nội Mông, bao gồm cả bạn thời nhỏ của ông Tập là Mã Hiểu Lực, và Thái Hà... Động thái này khẳng định tuyên bố của bà Thái Hà rằng "Có rất nhiều hồng nhị đại đã quay lưng lại với ông Tập" và "ngày ông Tập hạ đài sẽ không còn xa".

Thứ hai, giới chức ĐCSTQ muốn thông qua đại hội khen thưởng này để trốn trách nhiệm che giấu dịch bệnh và xuất khẩu hệ thống ĐCSTQ

Dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát muộn nhất vào ngày 1/12/2019, nhưng ĐCSTQ từ trên xuống dưới đã che giấu dịch bệnh và che giấu việc “bệnh lây truyền từ người sang người”. Mãi đến ngày 17/1/2020, ông Tập Cận Bình mới lần đầu tiên công khai thông tin, nghĩa là một tháng rưỡi sau khi dịch bùng phát, và đã bỏ qua thời điểm tốt nhất để phòng chống dịch.

Trong đại hội khen thưởng này, nhà cầm quyền ĐCSTQ không những không đề cập đến trách nhiệm che giấu dịch bệnh mà còn ca ngợi nó.

Nhà bất đồng chính kiến ​​ở Bắc Kinh Hồ Giai (Hu Jia) nói với RFA rằng những người cầm quyền của ĐCSTQ rất hy vọng rũ bỏ trách nhiệm và hình ảnh tiêu cực của họ trong việc lây lan dịch bệnh, và muốn thể hiện rằng họ đã chiến đấu “hết mình" trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

Ông Hồ Giai nói rằng chính quyền ĐCSTQ hiện muốn giảm thiểu tối đa trách nhiệm của họ. Những tuyên truyền, giáo lý và tẩy não của chính quyền ĐCSTQ có một số hiệu quả nhất định ở Trung Quốc.

Học giả chính trị Trung Quốc Ngô Cường (Wu Qiang) nói với BBC Tiếng Trung rằng ‘tiệc ăn mừng’ được tổ chức trước cuộc tổng tuyển cử Hoa Kỳ và hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU, là muốn cho thấy rằng "mô hình chống dịch của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thành công" và chống lại áp lực cũng những chỉ trích từ quốc tế đối với ĐCSTQ.

Ông Ngô Cường nói rằng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình không nói về nguồn gốc của virus và trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ. Ông vẫn lấy “lễ mừng thành tích để che đậy trách nhiệm”.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thường xuyên công khai chỉ trích ĐCSTQ che giấu dịch bệnh, đồng thời cũng tuyên bố trong cương lĩnh tranh cử tiếp theo của mình rằng ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về hậu quả từ việc che giấu dịch bệnh.

Thứ ba, ĐCSTQ ý đồ củng cố địa vị của ông Tập thông qua tiệc mừng

Nhà bình luận các vấn đề thời sự của Hong Kong Lưu Nhuệ Thiệu (Liu Ruishao) nói với BBC tiếng Trung rằng buổi lễ biểu dương lần này về cơ bản là "một sự tuyên truyền ca ngợi công lao của Tập Cận Bình".

"Nhiều tuyên truyền của ĐCSTQ nhấn mạnh vai trò lãnh đạo chính trị của ông Tập, làm chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XX của ĐCSTQ, và tiếp tục củng cố hình ảnh lãnh đạo của ông Tập", ông Lưu Nhuệ Thiệu nói.

Minh Thanh



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc khen thưởng chống dịch, biến ‘tang sự thành hỷ sự’ trong khi WHO cảnh báo dịch chưa hết