Trung Quốc hồi sinh nền kinh tế bằng cách... thúc đẩy thị trường bán hàng rong?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong vài ngày qua, thuật ngữ “nền kinh tế bán hàng rong” trên đường phố đã được lan truyền rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc. Cư dân mạng Trung Quốc chế giễu: “Hoa Kỳ đã bắt đầu kỷ nguyên của nền kinh tế thị trường vũ trụ tư nhân và chúng ta đã khởi động lại nền kinh tế thị trường bán hàng rong”.

Điều này bắt nguồn từ bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường về tình hình kinh tế Trung Quốc trong “Hai kỳ họp” - một cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp bù nhìn và một là của cơ quan tư vấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để ban hành các chính sách và chương trình nghị sự.

Trong cuộc họp báo qua video tại Bắc Kinh vào ngày 28 tháng 5, ông Lý thừa nhận rằng Trung Quốc có 600 triệu người có mức thu nhập hàng tháng là 1.000 nhân dân tệ (140 USD). “Nó chỉ vừa đủ để trả tiền thuê hàng tháng tại một thành phố có quy mô vừa ở Trung Quốc. Nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo ngày càng nặng nề vì một số người có thể lại rơi vào tình trạng nghèo đói do dịch viêm phổi Vũ Hán”, ông Lý nói thêm.

Ông Lý một lần nữa đã nhấn mạnh các biện pháp mới hỗ trợ tăng trưởng sẽ tập trung vào việc “đảm bảo việc làm, sinh kế của người dân và [giúp đỡ] các yếu tố thị trường”. Ông chỉ ra những nỗ lực của những người bán hàng rong ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã giúp thúc đẩy nền kinh tế.

Trong đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc đã ngừng hoạt động. Đơn đặt hàng quốc tế giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty vừa và nhỏ và việc làm của người dân bình thường. Vào tháng 3/2020, Ủy ban quản lý thành phố Thành Đô đã ban hành quy định mới nhằm loại bỏ 5 hạn chế đối với các nhà cung cấp nhỏ, ví dụ, các quầy hàng rong bên đường được phép vào các khu dân cư, chủ cửa hàng được phép bán hàng hóa bên ngoài khuôn viên cửa hàng của họ, buôn bán vỉa hè được khuyến khích trong các trung tâm mua sắm và người bán hàng rong di động được phép bán trên đường phố.

Kể từ đó, nhiều người bán hàng rong đã được bật đèn xanh để buôn bán tại Thượng Hải, Cam Túc, Chiết Giang, Giang Tây, Hà Bắc và các thành phố khác. Tại tỉnh Giang Tây, vào ngày 26/5, chính quyền thành phố Nam Xương đã ban hành chính sách chỉ định 100 đường phố mở cửa hoạt động như một chợ đêm.

Vào ngày 27 tháng 5, Ủy ban Hướng dẫn Xây dựng Nền văn minh Tâm linh của chính phủ trung ương đã công bố các yêu cầu mới. Hoạt động kinh doanh trên đường phố, thị trường buôn bán bên đường, bán hàng rong di động không còn bị liệt kê vào các tiêu chí đánh giá nhằm duy trì mức đạt chuẩn của một “thành phố dân sự”.

Gần đây, các phương tiện truyền thông nhà nước đã tích cực quảng bá “các quầy hàng rong bên đường để kiếm sống” và ca ngợi nó là “năng lượng của khói và lửa”, thay vì dán nhãn nó là “bẩn thỉu, lộn xộn, nghèo nàn” như trước đây.

Kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu cuộc đánh giá “thành phố dân sự” vào năm 2005, chính quyền địa phương đã tăng cường nỗ lực chèn ép việc buôn bán di động nhằm đạt mục tiêu hàng năm. Việc loại bỏ bán hàng rong bên đường đã trở thành thông lệ trong việc duy trì sự ổn định. Việc cưỡng chế bạo lực của các nhân viên quản lý đô thị và các vụ việc “đẫm máu” do xung đột với những người bán hàng rong đã xảy ra thường xuyên.

Hôm nay, sau 15 năm bị chèn ép, những người bán hàng rong di động đã lại thiết lập các quầy hàng nhằm vận hành công việc kinh doanh của họ theo cách “lớn lao, tươi sáng và ngay chính”. Các cuộc thảo luận trực tuyến về hiện tượng này đã lan truyền rộng rãi. Một số cư dân mạng cho biết: “Bây giờ chúng ta đang khuyến khích các quầy hàng rong bên đường. Rõ ràng là thị trường trong nước đang rơi vào mức nghèo đói”.

Những người khác bày tỏ như sau:

“Biện pháp giảo hoạt cho nỗi lo về tình trạng thất nghiệp”.

“Khi không được phép, nó được gọi là ‘bẩn thỉu và lộn xộn, gây ảnh hưởng đến môi trường và gây ra khói bụi’. Khi bạn được yêu cầu làm điều đó, nó được gọi là ‘năng lượng của khói và lửa’”.

“Bây giờ nền kinh tế tệ hại quá, mọi người được phép vận hành các quầy bán hàng của riêng họ. Các tin tức khuyến khích và ca ngợi điều này mỗi ngày. Tại sao các đơn vị truyền thông không đưa tin khi quản lý đô thị thi hành luật cưỡng chế bạo lực và lấy đi xe ba gác của người bán hàng rong?”

Trong vài tháng qua, đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã gây ra việc đóng cửa nền kinh tế quốc gia và nhiều người không có thu nhập trong nhiều tháng. Với sự lây lan của virus Corona Vũ Hán trên thế giới, ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đã phải chịu tổn thất từ việc mất đi ​​một lượng lớn đơn đặt hàng nước ngoài và việc sa thải nhân viên tại các công ty là việc diễn ra thường xuyên. Một cuộc khảo sát gần đây của Caijing cho thấy rằng 80% các nhà máy ngoại thương quy mô nhỏ và vừa ở khu vực Đồng Bằng Châu Giang đã gặp phải tình trạng mất các đơn hàng và hầu hết các nhà máy đều không hoạt động.

Hu Jia, một nhà hoạt động nhân quyền ở Bắc Kinh, nói với Đài Á Châu Tự do rằng quyết định cấp cho người dân một sự dàn xếp như vậy của chính quyền Trung Quốc rõ ràng là do việc cân nhắc tới tình trạng ổn định xã hội, an ninh chính trị và tài chính.

“Nếu tôi không để cho anh ta ra đường để hỗ trợ gia đình, điều gì sẽ có thể xảy ra khi anh ta lo lắng? Nếu như anh ta trả thù xã hội thì sao? Hoặc đi biểu tình trên đường phố? Khi người dân có thu nhập, nó sẽ giảm một phần áp lực tài chính cho chính phủ. Nếu không vì áp lực suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội, chế độ này sẽ không đưa ra sự ngoại lệ như vậy”.

Tâm An

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc hồi sinh nền kinh tế bằng cách... thúc đẩy thị trường bán hàng rong?