Trung Quốc hết phong tỏa, dấy lên lo sợ về làn sóng bùng phát viêm phổi Vũ Hán lần 2

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những lo ngại về làn sóng lây nhiễm virus Corona Vũ Hán lần 2 đang gia tăng ở Trung Quốc gần đây, khiến một số khu vực đã thực hiện tái phong tỏa các cụm dân cư địa phương.

The Epoch Times tuyên bố trong một bài xã luận ngày 18/3 rằng virus này cần được gọi là virus ĐCSTQ, bởi vì tên gọi này sẽ “buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm vì đã coi thường mạng sống nhân loại và từ đó gây ra đại dịch toàn cầu”.

Kể từ tháng 4/2020, một huyện thuộc tỉnh Hà Nam ở miền Trung của Trung Quốc, cùng các thành phố của tỉnh cực Bắc Hắc Long Giang, và một phần của thành phố Quảng Châu thuộc phía Nam Trung Quốc đã bị tái phong tỏa sau nhiều tuần dỡ bỏ lệnh hạn chế áp dụng trên hầu hết đát nước Trung Quốc.

Trong khi đó, sự gia tăng số lượng người mang mầm bệnh không triệu chứng (những người dương tính với virus Corona Vũ Hán không biểu hiện triệu chứng) đã làm dấy lên làn sóng lo ngại về đợt bùng phát dịch bệnh lần hai.

“Rất có thể, Trung Quốc sẽ bùng phát làn sóng thứ hai của dịch bệnh”, bác sĩ Aimee Ferraro, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và là giảng viên chủ chốt của chương trình thạc sĩ y tế cộng đồng Đại học Walden, trả lời phỏng vấn của tờ The Epoch Times. “Làn sóng này sẽ bùng phát từ các ca bệnh không triệu chứng hoặc các ca nhập cảnh từ nước ngoài”.

Bà Ferraro cho rằng làn sóng lần hai cũng sẽ có số ca lây nhiễm tăng theo cấp số nhân giống như lần đầu.

Ngày 1/4/2020, chính quyền Trung Quốc mới bắt đầu báo cáo rằng có 1.541 ca nhiễm không có triệu chứng đang được theo dõi y tế, có nghĩa là trước đó các ca này không được ghi nhận. Kể từ đó, hàng trăm trường hợp không có triệu chứng mới được báo cáo.

Trong khi nhà nghiên cứu dịch tễ học quốc gia, ông Wu Zunyou cho biết, những trường hợp không biểu hiện triệu chứng chiếm khoảng 4,4% tổng số ca nhiễm, thì dữ liệu của chính phủ Trung Quốc lại báo cáo là chúng có thể chiếm đến 1/3 (33%) tổng số ca nhiễm, theo tờ South China Morning Post đưa tin.

Dữ liệu cho thấy vào cuối tháng 2/2020, có hơn 43.000 ca dương tính không biểu hiện triệu chứng ở Trung Quốc. Những bệnh nhân này đã được cách ly và theo dõi.

Bà Ferraro nói rằng việc xét nghiệm còn rất hạn chế ở Trung Quốc khiến khó có thể phát hiện những ca dương tính không có biểu hiện triệu chứng mới, điều này cũng đồng nghĩa với khả năng “một hệ thống lây lan dịch bệnh vô hình” đang tồn tại trong cộng đồng.

Bà cho biết: “Họ [chính quyền Trung Quốc] có thể biết mà không công bố vì lý do chính trị, hoặc là họ không có thiết bị để xét nghiệm trên diện rộng”.

Người dân Trung Quốc đi xe đạp và xe máy trong khu thương mại trung tâm vào giờ cao điểm ở Bắc Kinh vào ngày 7/4/2020. (Kevin Frayer / Getty Images)
Người dân Trung Quốc đi xe đạp và xe máy trong khu thương mại trung tâm vào giờ cao điểm ở Bắc Kinh vào ngày 7/4/2020. (Kevin Frayer / Getty Images)

Lại ban bố lệnh phong tỏa và xây dựng bệnh viện dã chiến

Trong nhiều tuần qua, chính quyền Trung Quốc chỉ báo cáo một vài ca nhiễm mới là xuất hiện trong nước, còn hầu hết các ca nhiễm khác là nhập cảnh từ nước ngoài.

Tuy nhiên, theo các cuộc phỏng vấn với công dân Trung Quốc và các báo cáo nội bộ The Epoch Times có được, chính quyền địa phương thường xuyên báo cáo giảm nhẹ.

Ví dụ, theo dữ liệu từ các cơ quan y tế Vũ Hán, ngày 14/3/2020, thành phố xét nghiệm 16.000 mẫu bệnh, trong đó có 373 kết quả dương tính. Thế nhưng, nhà chức trách chỉ công khai ghi nhận 4 ca nhiễm của ngày hôm đó.

Ngày 7/4/2020, chính quyền đã phong tỏa thành phố Tuy Phân Hà, tỉnh Hắc Long Giang, nằm sát biên giới với nước Nga. Giới chức cho biết nỗ lực này nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm từ những người nhập cảnh từ Nga.

Từ ngày 27/3 đến ngày 9/4/2020, thành phố Tuy Phân Hà ghi nhận có hơn 100 ca mắc bệnh, 148 ca không biểu hiện triệu chứng và tất cả các ca này đều “nhập cảnh” từ nước ngoài. Chỉ có 3 ca nhiễm mới trong nước được ghi nhận trong thời gian này.

Tuy nhiên, số liệu các ca nhiễm mới do Ủy ban Y tế tỉnh báo cáo quá thấp đã làm nảy sinh nghi ngờ trong cộng đồng.

Người đàn ông đến ga xe lửa Hankou ở Vũ Hán, Trung Quốc để đáp một trong những chuyến tàu đầu tiên rời khỏi thành phố sau hai tháng rưỡi Vũ Hán bị phong tỏa, vào ngày 8/4/2020. (Hector Retamal / AFP qua Getty Images)
Người đàn ông đến ga xe lửa Hankou ở Vũ Hán, Trung Quốc để đáp một trong những chuyến tàu đầu tiên rời khỏi thành phố sau hai tháng rưỡi Vũ Hán bị phong tỏa, vào ngày 8/4/2020. (Hector Retamal / AFP qua Getty Images)

Ngày 9/4/2020, Ủy ban Y tế tỉnh Hắc Long Giang thông báo có 1.051 ca nhập viện có triệu chứng sốt vào ngày 8/4/2020. Nhưng số lượng báo cáo chính thức của ngày này lại là 40 ca nhiễm. Ngày 7/4/2020, Ủy ban cho biết, có 878 người có biểu hiện sốt đã nhập viện, nhưng chỉ có 25 ca nhiễm mới được ghi nhận và tất cả các ca này đều có nguồn gốc “nhập cảnh”.

Trong khi đó, ngày 11/4/2020, một bệnh viện dã chiến với 600 giường bệnh đã được dựng lên tại thành phố Tuy Phân Hà.

Ủy ban y tế tỉnh Hắc Long Giang cũng đang chuẩn bị gần 4.000 giường bệnh ở những nơi khác trong địa bàn, theo một tài liệu nội bộ được cung cấp cho tờ The Epoch Times.

Sắp tới, hai thành phố của tỉnh Hắc Long Giang là Tuy Phân Hà và Cáp Nhĩ Tân yêu cầu tất cả những người nhập cảnh từ nước ngoài phải cách ly 28 ngày và làm xét nghiệm axit nucleic và kháng thể.

Thành phố Cáp Nhĩ Tân cũng cho biết họ sẽ tiến hành phong tỏa trong vòng 14 ngày đối với bất kỳ khu dân cư nào xuất hiện ca nhiễm dương tính không biểu hiện triệu chứng .

Tại thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, người dân nói với tờ The Epoch Times phiên bản tiếng Trung rằng nhiều khu dân cư thuộc quận Tương Dương đã bị phong tỏa vào ngày 2/4/2020, mặc dù các biện pháp này được gỡ bỏ vào ngày 12/3/2020. Chính quyền địa phương không công bố lý do, nhưng người dân ở đây cho rằng đã xuất hiện ca nhiễm mới.

Cách đó không xa, tại khu vực Nội Mông, thành phố Mãn Châu Lý, nằm dọc biên giới nước Nga, người dân cũng cho biết chính quyền đã hoàn tất việc xây dựng một bệnh viện mới chuyên điều trị virus Corona Vũ Hán vào ngày 14/4/2020, và đang chuẩn bị đưa bệnh viện này vào hoạt động.

Lamine Ibrahim (trái) đến từ Guinea làm việc khi cậu con trai bốn tuổi nhìn vào cửa hàng của họ bên trong một chợ bán buôn quần áo ở Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 26/8/2013. (STR / AFP qua Getty Images)
Lamine Ibrahim (trái) đến từ Guinea làm việc khi cậu con trai bốn tuổi nhìn vào cửa hàng của họ bên trong một chợ bán buôn quần áo ở Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 26/8/2013. (STR / AFP qua Getty Images)

Những tuần gần đây, thành phố Quảng Châu thuộc miền Nam Trung Quốc đã có thêm nhiều ca nhiễm mới. Đây là nơi tập trung đông đảo cộng đồng nhập cư từ các quốc gia châu Phi.

Ngày 12/4/2020, lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Quảng Châu cho biết trong một tuyên bố rằng giới chức thành phố Quảng Châu đã ra lệnh cấm phục vụ khách hàng người gốc Châu Phi tại các quán bar và nhà hàng.

Hơn nữa, bất cứ ai có “liên hệ với người Châu Phi” đều phải xét nghiệm virus bắt buộc và cách ly, không quan trọng trước đó họ ở đâu, đi đâu và đã bị cách ly chưa.

Lãnh sự quán Hoa Kỳ khuyến cáo “người Mỹ gốc Phi hoặc những cá nhân có thể liên quan tới người dân châu Phi không nên đến Quảng Châu cho đến khi có thông báo mới”.

Các video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nhiều người châu Phi đã bị chủ nhà đuổi và không còn nơi nào để trú chân.

Một người phụ nữ đi bộ gần khách sạn New Don Franc, một phần của khu phố đa sắc tộc của Quảng Châu được gọi là Tiểu Phi ở Quảng Châu, Trung Quốc, vào ngày 3/2/2019. (Betsy Joles / Getty Images)
Một người phụ nữ đi bộ gần khách sạn New Don Franc, một phần của khu phố đa sắc tộc của Quảng Châu được gọi là Tiểu Phi ở Quảng Châu, Trung Quốc, vào ngày 3/2/2019. (Betsy Joles / Getty Images)

Ngày 7/4/2020, ông Zhou ở làng Yaotai, huyện Việt Tú, Quảng Châu, đã chia sẻ với tờ The Epoch Times tiếng Trung: “Ngôi làng của chúng tôi đã bị phong tỏa từ hai ngày trước. Ngoài siêu thị ra, tất cả hàng quán đều đóng cửa. Mỗi khi ra vào làng, chúng tôi phải đi qua màn hình đo thân nhiệt. Bất cứ người châu Phi nào trên đường phố đều bị cảnh sát tuần tra bắt giữ”.

Trước đó, từ cuối tháng 1/2020 đến đầu tháng 3/2020, ngôi làng này đã bị phong tỏa.

Ngân Hà

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc hết phong tỏa, dấy lên lo sợ về làn sóng bùng phát viêm phổi Vũ Hán lần 2