Trung Quốc dùng thị thực nhập cảnh làm 'mồi nhử' để khuyến khích thế giới tiêm vaccine do nước này sản xuất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc vừa tung ra một chiêu mới để đẩy mạnh việc tiêm vaccine “made in China” trên thế giới, đó là cấp ưu đãi cho những người xin thị thực vào Trung Quốc.

Gần đây, Văn phòng Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hong Kong đã đưa ra thông báo cho biết, từ ngày 15/3, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những người xin thị thực đã tiêm vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất và có giấy chứng nhận tiêm chủng.

Đối tượng được hưởng ưu đãi trên cụ thể gồm: “Người có quốc tịch nước ngoài cùng các thành viên trong gia đình tới Trung Quốc làm việc trong các lĩnh vực đã được khôi phục sản xuất và lao động có thể chuẩn bị và nộp hồ sơ theo những yêu cầu như trước đây khi chưa xảy ra COVID-19, tức là không cần phải nộp Giấy mời PU của Sở ngoại vụ tỉnh, Giấy mời TE của Sở Công thương tỉnh và Giấy mời có xác nhận của các công ty và doanh nghiệp".

Thứ hai, “mở rộng phạm vi cấp thị thực một cách thích hợp cho những người đến Trung Quốc vì ‘nhu cầu nhân đạo khẩn cấp’. Đối tượng được hưởng ưu đãi này là các thành viên gia đình mang quốc tịch nước ngoài của công dân hoặc thường trú nhân Trung Quốc”.

Ngoài ra, "cũng bao gồm những người có Thẻ đi lại doanh nhân APEC (APEC Business Travel Card – ABTC) hợp lệ, những người này có thể dùng Thẻ đi lại doanh nhân APEC hợp lệ và thư mời do một đơn vị ở Trung Quốc đại lục cấp để xin thị thực doanh nhân".

Thông báo cũng nhấn mạnh rằng, “ưu đãi này chỉ áp dụng cho những người xin thị thực đã tiêm vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất và có giấy chứng nhận tiêm chủng”. Và khi nộp hồ sơ cũng không cần phải nộp giấy chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính và “Giấy khai báo sức khỏe và lịch trình đi lại trong 14 ngày qua”.

Hiện không rõ liệu thủ tục đơn giản hoá này có áp dụng cho người nước ngoài xin thị thực bên ngoài Hong Kong hay không.

Tin tức này đã làm dấy lên một cuộc thảo luận trên Twitter. Có bình luận rằng: "Xem ra Bộ Ngoại giao hiểu rất rõ là vaccine của Trung Quốc không được đón nhận”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang tiến hành ngoại giao vaccine để tăng tầm ảnh hưởng của vaccine ‘made in China’ ở châu Á và trên thế giới. Tuy nhiên, vaccine do Trung Quốc sản xuất luôn bị ngoại giới nghi ngờ do thiếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng và chưa được các cơ quan quản lý ở hầu hết các nước phương Tây chấp thuận.

Kể từ khi tiến hành tiêm vaccine CoronaVac của Công ty Công nghệ sinh học Khoa Hưng Trung Quốc (Sinovac Biotech), Hong Kong đã có nhiều người xuất hiện phản ứng có hại và tử vong. Vào ngày 13/3, Hong Kong có thêm 2 người khác đã tử vong sau khi tiêm vaccine của Sinovac, tổng cộng Đặc khu này đã có 6 người tử vong sau khi tiêm loại vaccine này. Trước đó vào ngày 13/3, một người đàn ông 63 tuổi đã bị đột quỵ cấp sau khi tiêm vaccine của Sinovac, hiện ông này đang trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã tổ chức đối thoại an ninh 4 bên. Chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố rằng bốn nước sẽ công bố các thỏa thuận tài trợ để gia tăng năng lực sản xuất vaccine. Bốn nước cam kết hỗ trợ kinh phí để Ấn Độ sản xuất ít nhất 1 tỷ liều vaccine COVID-19 trong năm nay.

Cách đây vài ngày, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã công bố báo cáo "Trò chơi nguy hiểm của Trung Quốc về vaccine Coronavirus mới", nói rằng ĐCSTQ đang tích cực phát động một cuộc tấn công thông tin giả ở trong và ngoài nước Trung Quốc nhằm làm dấy lên nghi ngờ về loại vaccine COVID-19 do phương Tây phát triển.

Theo báo cáo, các kênh truyền thông lớn của nhà nước Trung Quốc, bao gồm Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báoTrung Quốc Nhật báo bản tiếng Anh, đã cùng đưa tin thổi phồng về cái chết của người già Na Uy sau khi tiêm vaccine Pfizer và cáo buộc truyền thông phương Tây đã giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của các trường hợp tử vong. Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin về vụ việc liên quan, và các cơ quan chức năng của chính phủ Na Uy cũng tuyên bố rằng không có bằng chứng nào cho thấy nguyên nhân tử vong có liên quan đến vaccine.

Ngoài ra, bà Lưu Hân (Liu Xin), một người dẫn chương trình nổi tiếng của truyền thông ĐCSTQ, đã chia sẻ một báo cáo chưa được xác nhận về 10 trường hợp tử vong ở Đức, cho rằng nguyên nhân tử vong là do tiêm vaccine Pfizer, bài viết này cũng được Twitter của “ngoại giao chiến lang" Triệu Lập Kiên đăng lại.

Theo báo cáo, Bắc Kinh đang chơi một trò chơi nguy hiểm. Việc khiến người dân sợ hãi đến mức không dám tiêm chủng - tức là không công bố dữ liệu an toàn của vaccine COVID-19 được sản xuất trong nước và liên tục bôi nhọ uy tín của vaccine nước ngoài - sẽ chỉ khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc dùng thị thực nhập cảnh làm 'mồi nhử' để khuyến khích thế giới tiêm vaccine do nước này sản xuất