Trung Quốc 'lực bất tòng tâm' không thể xuất chiến Đài Loan lúc này (Kỳ 4)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chưa bàn đến tử huyệt của quân đội Trung Quốc như: chất lượng, số lượng vũ khí, thiết bị quân sự có thể không thực và yếu kém vì tham nhũng, đội quân con một yếu nhược, không có tướng lĩnh thực chiến, chỉ có tướng tham nhũng… ; chỉ riêng các vấn đề đấu đá nội bộ trong quân đội và câu hỏi về lòng trung thành của PLA với ông Tập đủ cho chúng ta thấy: Có lẽ, Trung Quốc chưa thể xuất chiến lúc này.

Kỳ 1; Kỳ 2; Kỳ 3

Trang Economist viết rằng, nếu một ngày nào đó, một chiếc xe limousine bọc thép chở ông Tập đi “chinh phục” các con phố ở thủ đô Đài Bắc, ông sẽ ghi danh cùng những nhà độc tài khác, sẽ tham gia cùng Mao Trạch Đông với tư cách là người đồng chiến thắng trong cuộc nội chiến Trung Quốc - vốn bị bỏ dở vào năm 1949 khi Quốc dân đảng rời bỏ Trung Quốc và lập quốc tại Đài Loan. [1]

Có lẽ ông Tập sẽ đi xe qua những con phố Đài Bắc vẫn còn bị lửa thiêu đốt, nhuốm đầy máu và vắng bóng những người dân Đài Loan bình thường - bởi lệnh thiết quân luật. Cuộc chinh phục Đài Loan có thể đánh dấu sự nâng tầm của Trung Quốc lên hàng các cường quốc độc tài hùng mạnh - đến mức không một quốc gia nào dám thách thức mong muốn của họ.

Trong vài tháng qua, các phương tiện truyền thông đã đổ lỗi cho việc cắt điện của Trung Quốc về cái gọi là cuộc khủng hoảng than, tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn ngược lại, thậm chí hơi đáng sợ. Chuyên mục địa chính trị Ấn Độ - Thái Bình Dương Vikrant Thardak đã viết trên "TFI Global" rằng không thể loại trừ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh.

Không chỉ vậy, Trung Quốc ráo riết tích trữ lương thực, năng lượng; một phần vì cuộc an ninh năng lượng và lương thực trong nước nhưng liệu trong đó có sách lược dành cho chiến tranh hay không? Ông Tập đã có động thái rà soát lại các kho tích trữ lương thực một năm trước. Mọi thứ có thể chỉ để phục vụ cho một mục đích duy nhất, một cuộc chiến tranh chiếm Đài Loan thực sự.

Tuy nhiên, các nỗ lực này cũng đồng thời bộc lộ dấu hiệu cho thấy, có thể Trung Quốc chưa sẵn sàng xuất chiến; ít nhất là trong ngắn hạn.

Đối với chính quyền Trung Quốc, việc chinh phục quốc đảo Đài Loan là một "sứ mệnh thiêng liêng".

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc thật sự đáng gờm?

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã trỗi dậy đáng gờm chỉ trong một, hai thập kỷ gần đây. Hai ví dụ điển hình nhất, thuyết phục nhất về năng lực quân sự của Trung Quốc là đầu đạn hạt nhân và sức mạnh hải quân.

Đúng ngày kỷ niệm 100 năm sự ra đời của ĐCSTQ (1/7/2021), thông tin chấn động hé lộ Trung Quốc dường như đang xây dựng hơn 100 hầm chứa tên lửa hạt nhân mới trên sa mạc ở tỉnh Cam Túc. 13 ngày sau, Mỹ đáp trả bằng việc công bố hoàn thiện đầu đạn hạt nhân phiên bản mới, có sức công phá lên tới 475 kiloton, tức gấp 30 lần quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima vào tháng 8/1945.

Các binh sĩ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đứng trên boong tàu vận tải đầy tham vọng Yimen Shan của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào ngày 23/4/2019. (Mark Schiefelbein / AFP qua Getty Images)
Các binh sĩ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đứng trên boong tàu vận tải đầy tham vọng Yimen Shan của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào ngày 23/4/2019. (Mark Schiefelbein / AFP qua Getty Images)

Theo Businessinsider, phân tích các hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs, hai nhà nghiên cứu Jeffrey Lewis và Decker Eveleth tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt James Martin (ở Monterey, California) ghi nhận được 119 điểm xây dựng thi công ở gần thành phố Ngọc Môn ở tỉnh Cam Túc (trung quốc).

Các điểm xây dựng này rất giống với hầm phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân liên lục địa (ICBM) hiện tại của Trung Quốc.

Việc phát hiện ra các hầm chứa ICBM trùng với dịp kỷ niệm 100 năm ĐCSTQ ra đời, mà người đứng đầu là Tập Cận Bình đang nuôi mộng Trung Quốc sẽ bá chủ thế giới.

Ông Lewis nhận định các hầm chứa tên lửa đang được xây dựng ở Cam Túc có thể dành cho ICBM DF-41 của Trung Quốc. DF-41 hiện là mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phóng từ đất liền uy lực nhất của Trung Quốc hiện nay, với khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 12.000 đến 15.000 km, có phạm vi hoạt động hạt nhân dài nhất thế giới và có thể vươn đến lục địa Mỹ. DF-41 cũng được ĐCSTQ từng xuất hiện trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc hồi tháng 10/2019 ở Bắc Kinh.

Như vậy, theo các chuyên gia, nếu tính luôn những hầm chứa tên lửa đang được xây dựng ở Nội Mông và các nơi khác, tổng số hầm tên lửa đang được xây dựng ở Trung Quốc hiện là 145 hầm. Như vậy, nếu 145 tên lửa DF-41 được đưa vào các hầm chứa mới đang được xây dựng, điều đó tương đương có 1.450 đầu đạn hạt nhân mới có thể bay đến lãnh thổ Mỹ. [2]

Nếu Trung Quốc triển khai 1.450 đầu đạn DF-41 mới, kết hợp với các đầu đạn đã được triển khai trên các ICBM, SLBM (tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) và các loại máy bay ném bom khác, Trung Quốc có thể sẽ vượt Mỹ đáng kể về số lượng và mức độ hiện đại của vũ khí hạt nhân chiến lược.

Chưa biết số lượng hầm chứa đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc có thuộc chiêu bài ‘nghi binh’ (tức là các hầm chứa rỗng như vỏ sò) hay không? Nếu không phải nghi binh, thực sự số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ. Mặc dù vậy, về công nghệ quân sự và sức công phá của vũ khí hạt nhân, Trung Quốc không thể bắt kịp Mỹ theo một công bố mới của NASA.

Không chỉ đầu đạn hạt nhân, sức mạnh hải quân của Trung Quốc cũng tăng trưởng vượt bậc.

Kể từ năm 2000, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã mở rộng với tốc độ ngoạn mục. 20 năm trước, PLAN còn là một lực lượng khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào phòng thủ bờ biển. Khi đó, PLAN sở hữu một số đơn vị chủ lực (SSN, tàu khu trục hiện đại) nhưng hiếm khi triển khai các tàu này trong bất kỳ khoảng thời gian nào ở bất kỳ khoảng cách nào từ bờ biển của Trung Quốc. Hầu hết hạm đội đã lỗi thời theo các tiêu chuẩn đương thời, thậm chí các tàu mới hơn cũng bị thiếu hụt công nghệ so với các cường quốc hải quân khác.

Mọi thứ đã thay đổi. Theo báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng về sức mạnh quân sự Trung Quốc, PLAN hiện vận hành khoảng 355 tàu chiến, trong đó có 145 chủ lực tác chiến mặt nước. Trong thập kỷ qua, nước này đã bổ sung 4 máy bay chở tàu chiến có trọng tải hơn 40,000 tấn, một số tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân hiện đại, nhiều tàu khu trục lớn và nhiều tàu nhỏ hơn. Nhìn chung, những tàu chiến này mang theo các hệ thống vũ khí đủ sức cạnh tranh quốc tế, nếu không muốn nói là tối tân. Về số lượng, PLAN đã trở thành hạm đội lớn nhất thế giới, ngay cả về trọng tải, nó vẫn vượt trội so với Hải quân Hoa Kỳ. [3]

Dù vậy, vũ khí cho chiến tranh vẫn đang ráo riết sản xuất?

Giáo sư Tạ Điền, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc, giáo sư giảng dạy kinh tế tại University of South Carolina Aiken, bình luận rằng tình trạng “thiếu điện” hiện nay ở Trung Quốc là rất đáng nghi vấn vì sản lượng năng lượng của Trung Quốc năm 2021 lớn hơn so với năm 2019; năm trước đại dịch.

Vào ngày 15 tháng 9, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố tình hình sản xuất năng lượng như của tháng Tám và cộng dồn 8 tháng đầu năm. “Tháng Tám sản xuất được 738,3 tỷ kWh điện, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; từ tháng Giêng đến tháng Tám, sản lượng điện năng của Trung Quốc là 5,389,4 tỷ kWh điện, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Với các số liệu như vậy, việc Trung Quốc không sản xuất đủ năng lượng để duy trì hoạt động kinh tế dường như là điều không thể chấp nhận được.

Gần đây, tình trạng cắt điện đã nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc, khiến người dân đại lục bất mãn. (Ảnh: Weibo)
Gần đây, tình trạng cắt điện đã nhanh chóng lan rộng khắp Trung Quốc, khiến người dân đại lục bất mãn. (Ảnh: Weibo)

Giáo sư Tạ Điền đã trích dẫn số liệu thống kê công bố của Trung Quốc để chỉ ra rằng sản lượng điện bình quân ngày trong tháng 10 năm ngoái thấp nhất trong 12 tháng, chỉ đạt 19,7 tỷ kWh/ngày, thấp hơn 4 tỷ kWh/ngày so với mức 23,8 tỷ kWh/ngày của tháng Tám năm nay. Tuy nhiên, trong tháng Mười năm ngoái, tháng Giêng và tháng Tư năm nay, những tháng có sản lượng điện bình quân ngày thấp nhất, các cơ quan chức năng đã không thực hiện cắt điện trên diện rộng. Thay vào đó, Trung Quốc tăng cường phát điện liên tục từ tháng Tư đến tháng Tám năm nay trên cả nước là một hiện tượng hoàn toàn phi lô-gics nếu chỉ nhìn đến nhu cầu năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt. Với các dữ liệu tiêu dùng điện như vậy trong lịch sử cũng như sản lượng điện năng thực tế của năm nay, Trung Quốc không cần cắt điện trong mùa đông này.

Nguồn điện sản xuất hàng loạt này đã được chuyển đi đâu? Trung Quốc giấu giếm thế giới và người dân Trung Quốc điều gì? Giáo sư Tạ Điền chỉ ra rằng rất có thể số điện này sẽ được sử dụng bởi các doanh nghiệp quân sự cấp 3 của Trung Quốc. Đây cũng là một giải thích tốt cho lý do tại sao việc cắt điện chủ yếu xảy ra ở các thành phố ven biển và cấp một, thay vì các thành phố cấp ba trong đất liền.

Việc sản xuất bom, đạn, đặc biệt là sản xuất các đồng vị phóng xạ như uranium và praseodymium cần thiết cho vũ khí hạt nhân, đòi hỏi một lượng điện lớn. Điều này khiến lượng tiêu thụ điện ở Vũ Hán bị ảnh hưởng. Việc xây dựng nhà máy điện đập Tam Hiệp cũng liên quan đến việc cung cấp nguồn năng lượng điện cho hệ thống sản xuất quân sự ở các thành phố cấp 3 ven biển này.

Giáo sư Tạ Điền tiết lộ rằng ngoài lượng điện lớn cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân và vật liệu hạt nhân, các thiết bị mới khác cũng có thể dẫn đến sự gia tăng mạnh về nhu cầu điện, khiến nhu cầu điện dân dụng bị hạn chế. Giáo sư Tạ Điền cũng suy đoán rằng việc sản xuất và thử nghiệm các hệ thống vũ khí cực kỳ tiêu tốn năng lượng này có thể là một trong những lý do khiến ĐCSTQ đột ngột chiếm đoạt một lượng lớn điện và khiến người dân bị cắt điện.

Chuyên mục địa chính trị Ấn Độ - Thái Bình Dương, bình luận viên Sodak cũng có quan điểm tương tự. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng quyền lực đô thị này có khả năng do chính ĐCSTQ thiết kế, với mục đích khiến thế giới tin rằng Trung Quốc cam kết kiểm soát lượng khí thải carbon và góp phần làm sạch hơn. Nhưng thực tế có thể là Trung Quốc đang tăng cường sản xuất quốc phòng để chuẩn bị cho chiến tranh, đồng thời, điều này cũng cho thấy quân đội Trung Quốc không có khả năng xuất chiến trong thời gian ngắn.

Ông Sodak viết rằng cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc hoàn toàn là cuộc khủng hoảng do ĐCSTQ tạo ra và mục đích là đánh lừa thế giới để kẻ thù của họ mất cảnh giác và bị đặt vào thế dễ bị tổn thương nhất. tại Trung Quốc, họ là chế độ không được lòng dân nhất trên thế giới. Người dân Trung Quốc ngày càng ít kiên nhẫn hơn với sự chuyên chế của ĐCSTQ. Người dân trên toàn thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc sự nguy hiểm và độc tố mà chính quyền này lây lan,reo rắc khắp toàn cầu. Ngay cả khi quân đội Trung Quốc được trang bị đầy đủ vũ khí với thương hiệu mới, nhưng sự sản xuất vội vàng này có thể khiến Trung Quốc phải trả giá nặng nề nhất.

Rất có thể, các hầm chứa vũ khí đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc đúng là các ‘vỏ sò’ rỗng, không lấp đầy vũ khí bên trong như nhận định của một chiến lược gia đề cập ở trên.

Không chỉ vấn đề vũ khí, ông Tập chưa hoàn toàn nắm hết quyền lực trong quân đội

Tại Trung Quốc, chức vụ cao cấp quan trọng nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phải là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng (hoặc Tổng Bí thư Đảng), Thủ tướng mà là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Bởi vì, triết lý quốc trị của ĐCSTQ, theo cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông là “Súng đẻ ra chính quyền”.

Do vậy, vị trí Chủ tịch quân ủy nắm toàn bộ lực lượng quân đội, có quyền lực tối cao với quân đội và có sự trung thành tuyệt đối từ quân đội ĐCSTQ thường là người có quyền lực tối cao của ĐCSTQ. Do vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn là người kiêm nhiệm vị trí này trong suốt 70 năm qua. Trên danh nghĩa, ông Tập Cận Bình nắm giữ vị trí Chủ tịch quân ủy từ năm 2013 cho tới nay. Trong thời gian này, ông Tập cũng đã tiến hành cải cách Quân ủy Trung ương một cách sâu rộng hồi năm 2016.

Quân đội Trung Quốc diễu hành trong cuộc duyệt binh ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 1/10/2019. (Greg Baker / AFP qua Getty Images)

Như vậy, về lý thuyết, không ai nghi ngờ việc quyền lực của ông Tập với toàn bộ hệ thống quân sự của nước này bị thách thức. Tuy nhiên, trong một bài báo đăng vào cuối tháng 7/2021 vừa qua, ông Lý Duy Kiệt (Li Weijie), Tư lệnh Trung đoàn Bắc Kinh thuộc Lực lượng Cảnh sát Vũ trang ĐCSTQ, nhấn mạnh rằng phải thực sự đả thông "cây số cuối cùng" để Chủ tịch Quân ủy (tức ông Tập Cận Bình) có thể đảm đương toàn bộ hệ thống.

Sau phát biểu này, ngoại giới mới hiểu rằng ông Tập vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được quân đội ĐCSTQ.

Trong bài báo ngày 13/9, China Military cũng nhấn mạnh cần phải đảm bảo quyền lực bao trùm và duy nhất của Chủ tịch Quân ủy, nói rằng phải “luôn dùng kỷ luật sắt để đảm bảo rằng quyền lãnh đạo tối cao và quyền chỉ huy quân đội tập trung vào Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và quyền kiểm soát thuộc về thống soái quân đội”.

Có thể nói, bài báo hơn 4.000 từ này được coi là một lời thề trung thành của quân đội dành cho ông Tập.

Trong bài báo, tên ông Tập xuất hiện 11 lần, trong khi tên của ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào hoàn toàn không có. Như vậy, đối tượng trung thành được nhắm đến trong bài viết này chính là ông Tập. [4]

Nếu lòng trung thành của quân đội Trung Quốc với Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Tập Cận Bình đến giờ này vẫn còn phải quán triệt, nhắc nhở, thì thực lực trực chiến và quyết tâm chiến đấu chiếm Đài Loan của quân đội Trung Quốc sẽ là một dấu hỏi lớn. Đây có thể là điểm yếu khiến Trung Quốc sẵn sàng leo thang căng thẳng chiến sự Đài Loan trước thềm đại hội 2022; cơ hội chiếm Đài Loan chưa chín trong bối cảnh như vậy.

Quân đội Trung Quốc chỉ là hổ giấy

Không chỉ quyền lực tối thượng của ông Tập trong quân đội và lòng trung thành của quân đội dành cho ông Tập còn là một câu hỏi ngỏ; sức mạnh thực sự của quân đội Trung Quốc cũng có thể là một rào cản cho các quyết định khai chiến của ĐCSTQ ngày nay.

Thứ nhất, ĐCSTQ thiếu Bộ chỉ huy quân sự có kinh nghiệm thực chiến.[6] Sau khi ĐCSTQ thiết lập quyền lực tại Trung Quốc, hầu hết các cuộc chiến lớn đều do các tướng lĩnh có bề dày kinh nghiệm tác chiến chỉ huy. Ngay cả trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, hầu hết các tướng lĩnh chỉ huy đều là những người lính dày dặn kinh nghiệm đã từng tham chiến trước đó. Hiện những vị tướng này đều đã không còn.

Thế giới bên ngoài không có cách nào để đánh giá năng lực của thế hệ tướng lĩnh mới này của ĐCSTQ. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là nhiều tướng lĩnh trong quân đội ĐCSTQ không được phong tướng dựa trên thành tích chiến đấu.

Sau khi ĐCSTQ thiết lập quyền lực, hiệu suất chiến đấu của Không quân Trung Quốc tốt hơn đôi chút so với Hải quân. Không quân Trung Quốc đã tham chiến trong Chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950 và trực tiếp chiến đấu chống lại Không quân Hoa Kỳ. Tiếp đó, trong cuộc đối đầu với Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc qua eo biển Đài Loan, hai bên cũng đã thực hiện nhiều trận không chiến trong những năm 1950, và từ cuối những năm 1960 đến đầu những năm 1970. Trong Chiến tranh Việt Nam, cũng từng có xung đột giữa máy bay quân sự Trung Quốc và máy bay Hoa Kỳ.

Tại khu vực Đông Bắc và Bắc Triều Tiên, Không quân Trung Quốc đã tạo dựng được tiếng tăm khi máy bay tiêm kích MiG-15 của nó đối đầu với máy bay ném bom B-26 và F-80 đời cũ của Mỹ. Không có tài liệu nào cho thấy Không quân Trung Quốc đã bắn hạ chiến đấu cơ F-86 Sabre của Mỹ. Nói cách khác, không quân Trung Quốc chỉ chủ yếu tập trung tấn công các máy bay ném bom tầm trung.

Vào cuối những năm 1950, binh chủng không quân Trung Quốc đã cùng tác chiến với phi đội tiêm kích MiG-17 của Nga Xô trong cuộc chiến chống lại Trung Hoa Dân Quốc từ Đài Loan. Vào thời điểm đó, Đài Loan đã đánh trả bằng chiến đấu cơ F-86 của Hoa Kỳ.

Mặc dù vậy, không quân Trung Quốc phần lớn đã bại trận trong các trận chiến chống lại Đài Loan. Kết quả là không quân Trung Quốc co cụm lại trong đất liền và không dám mạo hiểm chiến đấu ngoài khơi. Không quân Đảng cộng sản Trung Quốc luôn hiện diện như một lực lượng phòng thủ hơn là một lực lượng tấn công phục vụ tác chiến.

Thứ hai, đội quân tham nhũng trong quân đội quá lớn, quá sâu rộng khiến số lượng, chất lượng vũ khí, chế tài quân sự có thể không ‘hổ báo’ như quảng bá [5]

Quách Bá Hùng, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, được gọi là ‘Sói Tây Bắc’, hiện đang thụ án chung thân trong nhà tù Tần Thành, từng viết trong bản kiểm điểm rằng “sự gia tăng tham nhũng trong đảng đã làm xói mòn quân đội, dẫn đến tham nhũng trong các vị thượng tướng quân". Câu chuyện về tướng lĩnh hàng đầu của quân đội Trung Quốc cho thấy sự mục nát khó khôi phục của quân đội nước này, vốn luôn được quảng bá là vô cùng hùng mạnh.

Quách Bá Hùng (trái) và Từ Tài Hậu. (Ảnh trái: Department of Foreign Affairs and Trade website – www.dfat.gov.au, CC BY 3.0 au/WikiMedia Commons; Ảnh phải: Phạm vi công cộng)
Quách Bá Hùng (trái) và Từ Tài Hậu (phải). (Ảnh trái: Department of Foreign Affairs and Trade website – www.dfat.gov.au, CC BY 3.0 au/WikiMedia Commons; Ảnh phải: Phạm vi công cộng)

Ông Quách Bá Hùng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Ương, từng là nhân vật quyền lực thứ hai trong quân đội Trung quốc, sau Giang Trạch Dân, bị điều tra vào ngày 9/4/2015. Vào ngày 30/7/2015, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính thức khai trừ ông ta khỏi đảng và chuyển hồ sơ luận tội ông ta đến cơ quan tư pháp. Tội danh bị truy tố là lợi dụng chức vụ để giúp đỡ việc đề bạt hoặc điều chỉnh chức vụ của người khác, và nhận hối lộ trực tiếp hoặc thông qua người thân trong gia đình. Số tiền đặc biệt lớn.

Ông Từ Tài Hậu trước khi qua đời đã nói "Vấn đề của Quách Bá Hùng lớn hơn nhiều so với tôi". Có thể nói Quách Bá Hùng là nhân vật cấp cao nhất bị điều tra trong quân đội Trung Quốc. Khi nói đến việc xử lý vấn đề của Quách Bá Hùng, ĐCSTQ đã do dự một lúc, sợ rằng nó sẽ làm lung lay tinh thần quân đội và phá hủy hình ảnh của quân đội Trung Quốc. Nhưng vào thời điểm đó, trái tim chống tham nhũng cấp cao của ĐCSTQ đã vững chắc.

Quả thật, câu chuyện tham nhũng của họ Quách cho thấy quân đội Trung Quốc khó có thể hùng mạnh. Quân trang và khí tài trong quân đội không thể đảm bảo chất lượng khi bị tham nhũng. Các tướng tá thăng quân hàm vì mua bán sẽ tìm mọi cách kiếm chác lại khoản tiền đã đầu tư. Những kẻ này không thể hy sinh bất cứ thứ gì để bảo vệ quyền lực của ĐCSTQ, họ chỉ có thể xu nịnh và trục lợi từ chế độ này mà thôi.

Thứ ba, đội quân con một yếu đuối và không có lý tưởng không bao giờ là một đội quân mạnh mẽ, có nhuệ khí [6]

Trong bài đăng hôm 19/9 Nikkei Asian Review có viết, một trong hai động thái đó là xây dựng một cơ sở phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kiểu mới ở vùng sa mạc nội địa Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh còn thúc đẩy một loạt chính sách để khuyến khích người dân sinh sản. Hai động thái này cho thấy ĐCSTQ đang giải quyết mối lo ngại về tinh thần chiến đấu sa sút và sức bền thấp trong quân đội.

Theo bài báo, 10 năm gần đây, ĐCSTQ đang bận rộn xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông; sau đó triển khai thiết bị radar và tên lửa đạn đạo, nhằm ngăn chặn máy bay quân sự và tàu chiến nước ngoài tiếp cận khu vực này; cuối cùng là triển khai các tàu ngầm hạt nhân chiến lược có khả năng phóng tên lửa đạn đạo trong khu vực.

Vậy tại sao Bắc Kinh lại vội vàng xây dựng các căn cứ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới ở sa mạc nội địa? Các chuyên gia cho rằng, mặc dù ĐCSTQ đã quân sự hóa và triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm ở một số vùng của Biển Đông, nhưng họ cũng không còn tự tin rằng nếu xảy ra xung đột thì quân đội của họ có thể bảo vệ khu vực này.

Bài báo cũng chỉ ra rằng, vào tháng 1/2018, một tàu ngầm Trung Quốc đã vô tình bộc lộ điểm yếu của quân đội này. Khi chiếc tàu này di chuyển dưới đáy biển gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông, đã nhanh chóng bị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phát hiện. Thế là họ nhanh chóng cho tàu nổi lên và giương quốc kỳ mà không do dự. Nikkei Asian Review nói rằng, hành động này chẳng khác gì giương cờ trắng đầu hàng, các thủy thủ đoàn lo ngại rằng tàu của họ sẽ bị bom ở khu vực nước sâu tấn công.

Căn cứ theo luật pháp quốc tế, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản có thể coi con tàu này là một "tàu ngầm không xác định" đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.

Theo Nikkei, rất nhiều quan chức Nhật Bản và Mỹ cho rằng, hành động này của quân đội ĐCSTQ cho thấy sĩ khí của họ đang đi xuống. Trong 25 năm qua, ĐCSTQ đã liên tục đẩy mạnh đầu tư vào quân sự, tổ chức các cuộc duyệt binh và kiểm tra hải quân. Tuy nhiên các lực lượng hữu hình như tên lửa và xe tăng cũng chỉ là một phần của sức mạnh quân sự. Mà còn lực lượng vô hình khác cũng rất quan trọng, ví như tinh thần của binh lính.

Những binh lính Trung Quốc gào khóc khi xem những video về cha mẹ của mình. (Ảnh chụp màn hình video)
Những binh lính Trung Quốc gào khóc khi xem những video về cha mẹ của mình. (Ảnh chụp màn hình video)

Hải quân Trung Quốc vẫn đang thực hiện kế hoạch hàng không mẫu hạm. Tuy nhiên, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự đoán rằng, nếu xung đột xảy ra, các hàng không mẫu hạm của ĐCSTQ sẽ không rời cảng, vì họ lo lắng rằng họ có thể bị tấn công và đánh chìm.

Ngoại giới tin rằng một phần nguyên nhân khiến tinh thần binh lính Trung Quốc sụt giảm là do “chính sách một con” bấy lâu nay mà chính quyền cưỡng chế thực hiện. Vì thế mà hiện nay quân đội nước này đã trở thành "quân đội con một".

Ông Kinichi Nishimura, cựu sĩ quan Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, nói rằng: "Hơn 70% quân nhân Trung Quốc là ‘con một’ ". Ông Nishimura đã có nhiều năm kinh nghiệm phân tích cán cân quân sự của khu vực Đông Á khi làm việc tại Trụ sở Tình báo Quốc phòng và nhiều cơ quan khác của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Ở Trung Quốc, do người dân cho rằng đi lính không có hy vọng gì, lại thêm quan điểm ‘con cái cần phải kính trọng và phụng dưỡng cha mẹ’ đã cắm rễ sâu trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh, vậy nên họ cực kỳ không muốn thấy cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, cũng không muốn để con cái nhập ngũ.

Đây cũng là một nguyên nhân khiến quân đội Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào thiết bị máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo những năm gần đây. Số lượng tên lửa đạn đạo mà ĐCSTQ triển khai đã tăng lên con số hàng nghìn.

Hôm 20/6/2019, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ - Trung Quốc (USCC) của Quốc hội Mỹ đã tổ chức một buổi họp. Ông Phillip C. Saunders, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ, phát biểu tại cuộc họp rằng, mặc dù Trung Quốc đã đầu tư nhiều nguồn lực vào các vấn đề quốc phòng nhưng lỗ hổng lớn nhất của họ chính là “con người”, họ thiếu binh sĩ được đào tạo bài bản, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao trong quân đội.

Bản thân ông Tập có thể lưỡng lự xuất binh

Hãy nhớ rằng, mục tiêu số một trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc không phải là chiếm Đài Loan mà là duy trì quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Rất có thể ông Tập sẽ không muốn phải trả giá bằng sự sụp đổ của chế độ vì vấn đề Đài Loan.

Gần đây, chương trình “American Thought Leaders” (Nhà lãnh đạo Tư tưởng Mỹ) của The Epoch Times đã mời ông Gordon Chang, một chuyên gia phân tích các vấn đề Trung Quốc, để thảo luận về các vấn đề xuyên eo biển.

Ông Chang nói rằng, mặc dù trong bài phát biểu hôm 1/7, Tập Cận Bình đã đề cập cụ thể đến việc xâm chiếm Đài Loan, nhưng dần theo thời gian thì không gian hành động của ông ta ngày càng nhỏ. Ông Tập từng nói: “Chúng ta không thể để vấn đề Đài Loan từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Nó có nghĩa là mỗi một năm ông ta sẽ phải làm điều gì đó, bởi vì mọi người sẽ hy vọng rằng lời nói của ông ta có giá trị.

Nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ không thực sự cố gắng khơi mào một cuộc chiến tranh vì Đài Loan, nếu cân nhắc thì sẽ thấy có 2 nguyên nhân.

Đầu tiên, để Trung Quốc chiếm Đài Loan, ông Tập phải để cho một sĩ quan, một tướng quân, hoặc một thượng tướng hải quân kiểm soát tất cả hoặc hầu hết các lực lượng vũ trang của Trung Quốc. Điều này sẽ làm cho vị tướng hoặc thượng tướng này trở thành người có quyền lực nhất Trung Quốc. Ông Chang cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ không làm như vậy.

Thứ hai, ngay cả khi Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc có thể chiếm Đài Loan thành công, thì cái giá phải trả là rất khủng khiếp. Hãy nhớ rằng, mục tiêu số một trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc không phải là chiếm Đài Loan mà là duy trì quyền lực của ĐCSTQ. Điều này có nghĩa là ngay cả khi ông Tập nghĩ rằng có thể thành công, ông ta có thể sẽ không làm điều đó vì lo rằng ĐCSTQ có thể phải trả giá bằng sự sụp đổ, ông Chang nói.

Cuối cùng, ông Chang dẫn lời một chính trị gia cánh tả nổi tiếng của Anh: “Rải rác khắp nơi trong lịch sử, mọi người đều biết rằng sẽ không bao giờ có chiến tranh”. [7]

Thanh Đoàn

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

NGUỒN TIN THAM KHẢO

[1]https://www.ntdvn.net/chinh-quyen-trung-quoc-doi-mat-voi-lua-chon-dinh-menh-co-chiem-dai-loan-hay-khong-146190.html

[2]https://www.businessinsider.com/satellite-images-china-building-more-than-100-new-missile-silos-2021-6

[3]https://www.19fortyfive.com/2021/11/why-the-rise-of-chinas-navy-is-truly-incredible/

[4]https://www.ntdvn.net/quyen-luc-thuc-su-cua-ong-tap-trong-quan-doi-van-luon-bi-thach-thuc-248689.html

[5]https://www.ntdvn.net/su-muc-nat-cua-quan-doi-trung-quoc-qua-cau-chuyen-cua-soi-tay-bac-nguoi-dang-mac-ket-trong-nha-tu-tan-thanh-233897.html

[6]https://www.ntdvn.net/phan-tich-lo-hong-lon-nhat-trong-quan-doi-trung-quoc-la-con-nguoi-255851.html

[7]https://www.ntdvn.net/dieu-gi-khien-ong-tap-luong-lu-xuat-binh-chiem-dai-loan-231824.html



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc 'lực bất tòng tâm' không thể xuất chiến Đài Loan lúc này (Kỳ 4)