Trung Quốc: Doanh nghiệp bắt tay với nhà tù cưỡng bức tù nhân lao động, lương tháng chỉ 40 tệ

Giúp NTDVN sửa lỗi

40 nhân dân tệ, tương đương với khoảng 140 nghìn VNĐ, là mức lương cao nhất các tù nhân tại nhà tù số 1 Thẩm Dương, Trung Quốc nhận được sau một tháng lao động khổ sai, với thời gian làm việc lên tới 13 tiếng mỗi ngày. Một tù nhân chính trị mãn hạn tù đã tiết lộ với The Epoch Times.

Ông Vương Ngọc Âm (Wang Yuyin, bí danh) là một tù nhân chính trị từng thụ án tại nhà tù số 1 Thẩm Dương, Trung Quốc. Cuối tháng trước, ông đã kể với phóng viên của The Epoch Times về trải nghiệm cá nhân khi còn trong tù, bao gồm lao động cưỡng bức, tra tấn, hành hạ đến chết và tham nhũng. Ông nói, "Các tù nhân trong đó đều hy vọng sẽ có kênh để vạch trần những điều này”.

Ông Vương bị kết án với tội danh "xúc phạm" (xúc phạm Đảng Cộng sản Trung Quốc) vì đã đưa ra các bình luận trên Internet và chỉ trích sự bất công xã hội. Do những lời nhận xét đó động chạm đến ông Tập Cận Bình nên ông Vương đã bị tòa tuyên án trong thời gian sớm nhất. Các tài khoản trên Twitter và Facebook của ông cũng đã bị xóa.

Ông đã đưa cho phóng viên xem giấy chứng nhận được phóng thích, giấy chứng nhận tiêm chủng và các loại giấy tờ khác.

Giấy chứng nhận phóng thích của ông Vương Ngọc Âm và các tài liệu khác. (Người được phỏng vấn cung cấp)
Giấy chứng nhận phóng thích, giấy chứng nhận sức khỏe, giấy cam kết cách ly và giấy xét nghiệm axit nucleic của ông Vương Ngọc Âm. (Người được phỏng vấn cung cấp)

Ông nói với phóng viên rằng, cái gọi là "cách ly" trong tù chỉ là hình thức, họ nói rằng đo nhiệt độ cơ thể ba lần một ngày nhưng đo có 1 lần rồi thôi. "Không hề có ‘cách ly' gì cả. Tất cả đều trong nhà giam, trước đây nó như thế nào thì vài ngày trước khi tôi được thả nó cũng vẫn như thế. Chẳng qua là yêu cầu bạn ký tên trước (vào "Giấy cam kết cách ly"). Đó là ngụy tạo, không có chuyện đó".

"Nhưng đều có báo cáo xét nghiệm (axit nucleic). Khi mới có vaccine liền yêu cầu tù nhân tiêm. Tôi tiêm khá là muộn vì lúc đầu tôi không đồng ý. Sau đó, họ cưỡng ép mọi người phải tiêm nếu không thuộc diện đặc biệt".

Cưỡng bức lao động

Ông Vương cho biết, trong trại giam ăn uống không được tốt, thông thường đều là một ít cơm với rau luộc, ăn cũng không no, lâu dần mọi người đều sẽ sút cân. Trong tù, ăn không đủ lại còn phải làm việc, ai cũng phải làm.

"Mức lương tháng cao nhất (nhà tù) phát cho là 40 nhân dân tệ, đó là nếu làm việc tốt. Nếu làm không tốt thì chỉ được 10 hoặc 20 tệ. Họ khoán việc cho, thời gian làm việc cũng rất dài, sáng 6h30 bắt đầu đi làm, tối 7h30 mới về. Có hôm 7h về thì phải ngồi trên băng ghế nhỏ để xem ‘Tiếp sóng Tin tức’ (Xinwen Lianbo của CCTV), đấy là khi được về sớm".

"Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, quản giáo sẽ mắng chửi bạn hàng ngày và tìm cách hành hạ bạn. Họ cũng kiếm cớ để đánh người, như vi phạm quy tắc, đi đứng sai tư thế, hành vi không nghiêm chỉnh hay gì đó".

Có một nhà máy bên trong nhà tù. Nhà tù được chia làm hai khu, một bên là khu sinh hoạt của tù nhân, là nơi ở; bên còn lại là khu lao động, là nơi sản xuất và có các xưởng. “Các bạn thấy nhà tù đó không lớn, tổng cộng chỉ có hơn 3.000 người, nhưng thu nhập một năm cũng phải lên tới vài trăm triệu (nhân dân tệ)”, ông Vương nói.

Theo ông Vương, nhà tù số 1 Thẩm Dương chủ yếu làm quần áo, công ty quần áo đó là Công ty TNHH Đức Thái Thiên Tân (Detai Tianjin), chuyên kinh doanh ngoại thương và xuất khẩu quần áo ra thế giới.

"Chúng tôi chủ yếu may quần áo phụ nữ và có rất nhiều kiểu dáng khác nhau. Bởi vì chúng tôi thường có kỹ thuật viên từ công ty Đức Thái (đến hướng dẫn) để may quần áo, và loa phát thanh trong nhà tù hay thông báo rằng kỹ thuật viên tên XX của Công ty Đức Thái Thiên Tân đang đến khu nào đó! Cho nên, tôi nhớ khá rõ ràng.

Có rất nhiều tù nhân trong nhà tù đều yêu cầu tôi khi ra ngoài phải tố cáo bọn họ (Công ty Đức Thái). Tôi nghe nói rằng quốc tế không cho phép các sản phẩm của lao động nô lệ. Họ bán quần áo cho Hoa Kỳ, Canada và bán chúng trên khắp thế giới, công ty này khá lớn. Tôi nghe nói công ty có thể kiếm hàng tỷ tệ mỗi năm. Chỉ riêng nhà tù đó cũng kiếm được hàng trăm triệu, hơn nữa nó (Công ty Đức Thái) thâu tóm rất nhiều nhà tù. Hầu hết các nhà tù ở tỉnh Liêu Ninh đều đang gia công quần áo cho Công ty Đức Thái", ông Vương cho biết.

Theo trang web chính thức của Công ty TNHH Đức Thái Thiên Tân, số lượng xưởng sản xuất vải và xưởng may mà công ty hợp tác đã tăng dần qua các năm, đến nay đã có hơn 200 nhà máy vẫn đang duy trì hoạt động. Tuy nhiên, trang web không liệt kê tên của bất kỳ nhà máy hợp tác nào.

Phóng viên đã gọi điện đến công ty để xác minh việc hợp tác với trại giam, người nhận cuộc gọi nói rằng bản thân là người mới đến nên không rõ, nói rằng lãnh đạo sẽ trở lại sau nửa giờ. Sau nửa tiếng, phóng viên gọi lại, đầu dây bên kia trả lời điện thoại nhưng tỏ thái độ không tốt, sau khi truy hỏi phóng viên xem ai là người cung cấp thông tin thì liền cúp máy. Tính đến thời điểm đăng bài viết trên The Epoch Times, email phóng viên gửi đi vẫn chưa nhận được hồi âm.

Ngày 18/6/1998, Tổ chức Lao động Quốc tế chính thức thông qua "Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền lợi cơ bản trong lao động" tại Geneva, trong đó nêu rõ rằng "loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc".

Ngoại giới thấy rằng, Trung Quốc, với tư cách là một trong những nước tham gia “Tuyên bố” trên, không những không tuân thủ các quy định mà còn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho các trại cải tạo lao động và “doanh nghiệp” nhà tù để khuyến khích loại hình này phát triển và thu hút hợp tác đầu tư nước ngoài.

Tra tấn

Theo ông Vương Ngọc Âm, trong nhà tù cũng có rất nhiều học viên Pháp Luân Công, có khoảng 40 đến 50 người đã được chuyển đến nhà tù đó, một số là giáo sư, giáo viên, một số khác công tác ở viện thiết kế kiến ​​trúc. "Tôi tìm hiểu biết rằng các học viên Pháp Luân Công bị kết án nặng nhất là 12 năm tù, ngắn thì 3 năm, 2 năm, 6 năm, 8 năm".

Ông cho biết, năm nào các học viên Pháp Luân Công cũng đều phải trải qua cuộc bức hại "chuyển hóa" (từ bỏ đức tin). "Vào tháng 11 năm ngoái, tất cả họ bị tập trung vào một phòng, đóng hết rèm không cho ánh sáng lọt vào. Họ bị nhốt bên trong. Tôi nghe nói rằng ăn uống không đầy đủ, bữa nào cũng là bánh ngô hấp. Trong phòng toàn là dùi cui điện. Họ có bị đánh không thì tôi không biết".

"Một số người chịu ‘chuyển hóa’ thì sẽ được thả; một số người không chuyển hóa thì bị đưa đến khu vực giám sát mức độ cao, hàng ngày ngồi băng ghế nhỏ, ngồi cả tháng trời".

Ngồi trên băng ghế nhỏ bằng lòng bàn tay là một trong những hình thức tra tấn trong nhà tù. (Ảnh Minghui)
Ngồi trên băng ghế nhỏ bằng lòng bàn tay là một trong những hình thức tra tấn trong nhà tù. (Ảnh Minghui)

Theo ông Vương, “Tôi nghe quản giáo nói rằng, có ba nhà tù có thiết lập khu giám sát mức độ cao ở Trung Quốc, một cái thuộc vùng Đông Bắc nằm ở Thẩm Dương, một ở Thượng Hải và một cái đang được xây dựng ở Tân Cương. Đây là tình hình mà tôi nắm được từ mấy năm trước".

"Khu giám sát đó chủ yếu giam giữ những phạm nhân mắc lỗi. Họ là những người mà cán bộ không vừa mắt, kiểu như vậy. Tống anh vào đó cho ngồi bằng ghế nhỏ từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối, không được phép di chuyển, trừ lúc đi vệ sinh thì được hoạt động một lát".

Theo Minghui - trang web chuyên đưa tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, năm 2010, nhà tù số 1 Thẩm Dương bắt đầu đầu tư 30 triệu nhân dân tệ (khoảng 106 tỷ VNĐ) vào việc xây dựng khu nhà giam "giám sát mức độ cao". Hai học viên Pháp Luân Công là Lý Thượng Thư (Li Shangshi) đến từ thành phố Bàn Cẩm và Lưu Chiêm Hải (Liu Zhanhai) đến từ thành phố Cáp Nhĩ Tân đã bị tra tấn đến chết trong nhà tù này; còn học viên Quách Xuân Chiêm (Guo Chunzhan) đến từ thành phố Hồ Lô Đảo đã chết vì suy tạng sau chưa đầy hai năm ra tù.

Các hình thức tra tấn trong nhà tù này gồm: ngồi ghế hổ, dùng tăm chống mắt không cho ngủ, xịt nước ớt vào mắt, đổ nước sôi lên người, dùng dùi cui điện chích điện cường độ cao toàn thân, v.v.

Ông Vương Ngọc Âm cho biết từng quen một số học viên trong tù với bản án rất dài. Ông nói, "Tôi quen một người bạn Pháp Luân Công tên là Diêm Húc Quang (Yan Xuguang). Ông ấy bị kết án 12 năm. Khi tôi ra tù, ông ấy nói với tôi là còn 8 năm nữa. Ông ấy sức khỏe kém, bị bệnh lao và thường xuyên ốm đau. Khi tôi được thả, ông ấy vẫn đang trong bệnh viện, một bệnh viện nhỏ bên trong nhà giam".

Các phóng viên đã tìm kiếm trên trang web Minghui, phát hiện rằng học viên Pháp Luân Công tên là Diêm Húc Quang đến từ thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh mắc bệnh truyền nhiễm trong thời gian bị nhốt tại Trại tạm giam Triều Dương, nhưng trại tạm giam đã không thả người mà còn kết án oan 11 năm tù.

Hình ảnh ông Diêm Húc Quang bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại tạm giam Triều Dương ở Liêu Ninh vào năm 2016. (Ảnh Minghui)
Hình ảnh ông Diêm Húc Quang bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại tạm giam Triều Dương ở Liêu Ninh vào năm 2016. (Ảnh Minghui)

"Ông ấy đi phân phát tài liệu sự thật về Pháp Luân Công (nên bị bắt). Một lần ông ấy bị quản ngục dùng dùi cui điện chích điện, như sắp chết đến nơi. Tôi nghe nói ông ấy bị chích điện vì đã viết mấy chữ cho cai ngục, đó là: Pháp Luân Đại Pháp hảo" (Pháp Luân Đại Pháp là tốt), ông Vương Ngọc Âm nói.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Doanh nghiệp bắt tay với nhà tù cưỡng bức tù nhân lao động, lương tháng chỉ 40 tệ