Trung Quốc: Đi kêu oan vì bị cưỡng chế dỡ nhà, người dân bị bức hại đàn áp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người dành được “Giải thưởng tưởng niệm nhân quyền Tào Thuận Lợi năm 2020” (Cao Shunli Memorial Award for Human Rights Defenders) là bà Vương Hoà Anh (47 tuổi) đến từ Giang Tô. Đầu năm 2000, bà bị chính quyền địa phương cưỡng chế thu hồi nhà cửa, sau đó bà buộc phải bước vào hành trình đi đòi lại quyền lợi của mình.

Trong những năm qua, bà liên tục bị chính quyền bắt bớ và tống giam vào ‘nhà tù đen’ (nhà tù bí mật), con gái của bà cũng bị ép phải thôi học. Bà Vương nói với Vision Times rằng, tình trạng người dân Trung Quốc đi kêu oan vì bị chính quyền cưỡng chế thu hồi nhà cửa giống như bà đã xuất hiện từ lâu và tới nay đã lên tới hàng nghìn vạn người.

Bà Vương cho biết, để ngăn chặn việc bà đi kêu oan đòi quyền lợi, mỗi lần đến ‘ngày nhạy cảm’, chính quyền sẽ cho nhóm ‘xã hội đen’ ở địa phương đến bắt cóc bà một cách phi pháp. “Mỗi lần đều là mấy người đàn ông bắt giữ tôi, sau đó đẩy tôi vào một chiếc xe đã chuẩn bị trước và đưa tôi đi. Điện thoại và các đồ dùng khác của tôi cũng đều bị chúng cướp mất, khiến tôi không cách nào tiếp cận được với bên ngoài. Có lúc thì chúng dùng vải đen trùm kín đầu tôi, hoặc là chặn đầu tôi rồi dùng ô che tầm nhìn của tôi và đưa lên một chiếc xe mà cửa kính hai bên đều bị dán báo", bà Vương nói.

Những người dân kêu oan giống bà thường bị đưa đến ‘nhà tù đen’, [nhà tù ấy] hoặc là không có cửa sổ hoặc là có cửa sổ thì cũng đều bị đóng ván che kín, người ở trong đó cũng không biết bên ngoài là ngày hay đêm. Bà nói trước giờ bà chưa từng có bất kỳ phản kháng gì khi ở trong tù, bởi vì điều đó giúp cho bà ít phải bị lăng nhục và tránh được kết cục bị đánh tàn khốc.

Cho dù là như vậy thì bà Vương cũng không thể thoát khỏi thủ đoạn thâm độc của chính quyền, bà nói: “Hôm 24/2/2019, tôi bị rất nhiều người bắt cóc đến nhà trọ Hòa Gia ở Phong Đài, Bắc Kinh. Sau đó tôi lại bị chuyển cho một nhóm người khác, và bọn họ định chọc tức tôi trước khi động thủ. Mặc dù tôi không có phản kháng gì, nhưng sau đó vẫn bị đánh rất tàn khốc, khiến tai trái của tôi bị điếc, đầu não bên trái thì luôn đau nhức. Sau khi được thả, tôi đã đến Bắc Kinh để trình báo vụ việc trên, tuy nhiên công an quận Phong Đài đến nay vẫn chưa lập hồ sơ hay xét xử vụ án”.

Bà Vương Hòa Anh phân tích, khi đó bà bị đánh có thể là vì nhiều lần để ý đến nhà hoạt động nhân quyền Qua Giác Bình ở Tô Châu: “Tôi nghe luật sư nói rằng trưởng trại giam và quản giáo của Qua Giác Bình đều rất tức giận, họ nói sự chú ý và tiết lộ thông tin của tôi có thể khiến trại tạm giam của họ rất khó được bầu làm đơn vị tiên tiến lần nữa”.

Bà Vương Hoà Anh đến thăm các tù nhân lương tâm bị giam giữ và gửi thư. (Ảnh do bà Vương Hoà Anh cung cấp)
Bà Vương Hoà Anh đến và gửi thư thăm các tù nhân lương tâm bị giam giữ. (Ảnh do bà Vương Hoà Anh cung cấp)

Bà Vương nói, những chuyện bất công thế này bà đã gặp quá nhiều trong những năm qua, những trường hợp kêu oan bị đánh chết cũng không ít. Bà thẳng thắn nói, cơ quan quản lý khiếu nại và đề xuất công chúng của Trung Quốc là vô dụng. Nhân viên của cơ quan này ở Bắc Kinh từng chính miệng nói với bà rằng, họ về cơ bản không có quyền giải quyết vấn đề và yêu cầu bà trực tiếp lên cấp trên phản ánh.

Căn nguyên của việc cưỡng chế nhà ở nằm ở chính sách đất đai của ĐCSTQ

Bà Vương nói với phóng viên rằng, bà đã từng bị bắt đi lao động cải tạo phi pháp trong một năm vì tố cáo chính quyền địa phương thu hồi đất phi pháp và đền bù không thỏa đáng. Bà Vương và con gái luôn phải sống nương tựa lẫn nhau, ngoài người em gái ở thành phố Côn Sơn ra thì bà không còn bất kỳ người thân nào. Trong thời gian bà bị bắt giữ phi pháp, người em gái tốt bụng này đã nhận chăm sóc con gái bà. Nhưng dưới áp lực của chính quyền và thường xuyên bị đe dọa, nên em gái của bà Vương cũng không dám nhận nuôi con gái bà nữa, khi đó cô bé mới chỉ 14 tuổi và bị ép đến mức phải bỏ học.

“Khi tôi đi cải tạo lao động, con gái tôi vì muốn cứu mẹ nên đã bỏ học rồi đến Bắc Kinh thuê một căn phòng nhỏ dưới hầm và thay tôi kêu oan. Nhưng cháu bị chính quyền đe dọa, nếu còn tiếp tục thay mẹ kêu oan thì sẽ bị đưa đến trại giáo dưỡng, vì vậy cháu chỉ có thể thỉnh thoảng lén đi gửi thư [kêu oan]”. Bà Vương nói, khi con gái bà phải tự mình kiếm sống bên ngoài, cô bé đã phải chịu rất nhiều khổ cực. Đến khi bà được thả, thì hai mẹ con mới về sống cùng nhau, tuy nhiên cả người cháu đều là bệnh tật, suy tim, khó thở, bác sĩ nói đó là do chứng sợ hãi, lo lắng gây nên. Suốt bao năm qua, con gái bà luôn phải uống thuốc điều trị.

“Sau khi tôi ra trại [cải tạo lao động], con gái tôi mới quay trở lại học cấp II. Vài năm trước, sau khi cháu được nhận vào làm công chức ở Bắc Kinh, chính quyền lại tiếp tục nhiều lần quấy rối cháu”. Bà Vương kể rằng, nếu không phải vì con gái thì bà sớm đã không còn dũng khí để tiếp tục sống đến ngày hôm nay.

Ông Trương Chân Du - một cựu phóng viên của Phoenix New Media đã nói với tờ Vision Times rằng, bà Thái Hà - cựu Giáo sư Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, trong một cuộc phỏng vấn năm xưa từng tiết lộ với ông về chính sách đất đai của ĐCSTQ. Việc thu hồi đất đai là do Trung ương quản lý, trên thực tế chính là đang hạn chế quyền quyết định của địa phương và cướp đi quyền sở hữu tài sản. Chính sách đất đai này trực tiếp dẫn đến những vụ tham nhũng rất lớn trong nội bộ ĐCSTQ, “do đó mới liên tục xảy ra các vụ việc cưỡng chế”.

Ông Trương cũng nhớ lại: “Năm đó, bà ấy (Thái Hà) còn nói với tôi, nếu ĐCSTQ vẫn một mực thi hành theo chính sách cai trị như vậy, thì sẽ gây ra những thảm họa lớn chưa từng có trong tương lai. Cuối cùng, mỗi một người trong cái đảng ấy rồi sẽ phải chịu phán quyết”.

Ngọc Trân

Theo Secretchina.com



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Đi kêu oan vì bị cưỡng chế dỡ nhà, người dân bị bức hại đàn áp