Trung Quốc đe dọa tấn công hạt nhân Úc - Đòn bẻ lái dư luận khỏi cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đã thẳng thừng cảnh báo Úc rằng nước này sẽ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân, sau khi Mỹ - Anh - Úc thông báo thành lập liên minh quân sự và an ninh mới hồi giữa tháng 9. Thế nhưng ở một diễn biến khác, ngành sản xuất và dân sinh ở nhiều tỉnh của Trung Quốc lại đang chật vật vì thiếu than của Úc.

Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới và tới 70% sản lượng điện ở nước này được cung cấp bởi các nhà máy nhiệt điện đầy ô nhiễm với công nghệ lạc hậu. Và Úc lại là nhà cung cấp than lớn nhất của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu than trầm trọng, một phần lý do được cho là Trung Quốc ngừng nhập than từ Úc cho các nhà máy nhiệt điện của họ, như một biện pháp trừng phạt vì Úc lên tiếng đòi điều tra nguồn gốc virus Vũ Hán. Đây cũng là phong cách ngoại giao mà Trung Quốc ưa thích khi muốn ép các chính phủ nước ngoài phải ngoan ngoãn theo quan điểm của Bắc Kinh.

Đòn trừng phạt ngoại giao bằng kinh tế với Úc trở thành đòn ‘gậy ông đập lưng ông’. Năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh đã áp đặt lệnh cấm không chính thức đối với nhập khẩu than của Úc, điều này ngay lập tức khiến miền nam Trung Quốc, nơi ngốn điện năng lớn nhất trong mùa khô nóng, chìm vào bóng tối.

Tình hình điện năng hiện nay ở Trung Quốc

Năm nay, vì muốn tiết kiệm đủ điện cung cấp cho mùa đông tới, Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp cắt điện nghiêm ngặt đối với cả điện công nghiệp và điện dân dụng.

Nguyên nhân là vào tháng 8 vừa qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành "Phong vũ biểu về việc hoàn thành các mục tiêu kiểm soát kép mức tiêu thụ năng lượng ở các khu vực khác nhau trong nửa đầu năm 2021". Trong đó nêu rõ, cường độ sử dụng năng lượng của 9 tỉnh (khu vực) không giảm như cam kết theo kế hoạch mà thậm chí còn tăng quá hạn mức tiêu thụ điện cho phép.

Bắt đầu từ đầu tháng 9, chính sách "kiểm soát tiêu thụ năng lượng kép" của ĐCSTQ đã bất ngờ được nâng cấp. Các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh và khu vực đã liên tiếp nhận được thông báo về việc cắt điện cưỡng chế, hạn chế sản xuất hoặc phải tạm ngừng sản xuất. Nhiều khu vực dân cư bị cắt điện không báo trước khiến cuộc sống rơi vào cảnh ‘tối tăm’.

Có thể thấy điện năng Trung Quốc đang mất cân đối giữa cung và cầu. Một mặt, trữ lượng than của Trung Quốc đang giảm, cộng thêm giá than cao, giá than và giá điện nghịch nhau nên nhiều tỉnh hiện đang xảy ra tình trạng thiếu điện.

Theo “Báo cáo hoạt động kinh tế than nửa đầu năm 2021” do Hiệp hội Công nghiệp Than Trung Quốc công bố ngày 3/9, tính đến cuối tháng 6, các doanh nghiệp than Trung Quốc đã tồn trữ khoảng 50 triệu tấn than, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước; các cảng chính của Trung Quốc tích trữ được tổng cộng 62,98 triệu tấn than, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước; các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc tích trữ khoảng 110 triệu tấn than, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 21 triệu tấn, và có thể sử dụng trong khoảng 18 ngày.

Vào ngày 27/9, Tập đoàn Than Trung Quốc cho biết để tăng cường thực hiện các yêu cầu của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia nhằm đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả, Tập đoàn Than Trung Quốc sẽ lần lượt cung cấp than có mức giá thấp hơn giá thị trường 10 nhân dân tệ (khoảng 35.000 VNĐ) / tấn cho Công ty Điện lực Lợi Cảng Giang Tô và Tập đoàn Năng lượng Chiết Giang.

Bên cạnh đó, nguồn cung năng lượng gió giảm mạnh, và thủy điện cũng bị ảnh hưởng bởi tính thời vụ.

Mặt khác, nhu cầu sử dụng điện tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến làn sóng thắt chặt điện hiện nay. Trước tình hình này, mùa đông sắp tới ở Trung Quốc được dự báo là sẽ khó đối phó hơn.

Quan hệ Úc - Trung vì đâu nên nỗi?

Trước đây, Úc và Trung Quốc có quan hệ thương mại chặt chẽ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, nhiều sinh viên Trung Quốc chọn du học Úc. Tuy nhiên, trước các hành vi cưỡng ép thông qua Luật An ninh Quốc gia và tước quyền dân chủ của Hong Kong, đe dọa Đài Loan bằng vũ lực, và tích cực mở rộng các cơ sở quân sự ở Biển Đông của Bắc Kinh, Canberra không thể không cảm thấy bất an.

Quan hệ Úc - Trung bắt đầu xấu đi khi chính phủ Úc tuyên bố ủng hộ việc điều tra nguồn gốc của loại virus corona mới và đặt câu hỏi liệu virus có bắt nguồn từ Trung Quốc hay không. Ngay sau đó Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Úc. Động thái này càng thúc đẩy quyết tâm và sự khẩn trương của Canberra trong vấn đề củng cố quốc phòng.

Ngày 15/9, Mỹ, Anh và Úc thông báo thành lập AUKUS - một liên minh quân sự và an ninh mới nhằm hỗ trợ Úc đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, để cùng kiềm chế đối thủ ngày càng hùng mạnh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Trung Quốc.

Úc sẽ trở thành nước thứ 7 trên thế giới có tàu ngầm hạt nhân sau Hoa Kỳ (với 68 tàu), Nga (29 tàu), Trung Quốc (12 tàu), Anh (11 tàu), Pháp (8 tàu) và Ấn Độ (1 tàu). Mỹ và Anh có kế hoạch đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân cho Úc, ước tính việc bàn giao sẽ hoàn thành vào năm 2040, nhưng thời gian cụ thể vẫn chưa được xác định.

Đáng chú ý là Úc không xem xét mua tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân mà chỉ mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tất nhiên, có sự khác biệt lớn giữa hai điều này, nhưng ĐCSTQ không quan tâm đến điều ấy và còn lớn tiếng đe nẹt.

Trung Quốc đe dọa tấn công hạt nhân Úc

Bất chấp cuộc khủng hoảng năng lượng đang khiến khu vực sản xuất khốn đốn, hàng loạt doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất hoặc đóng cửa, bất chấp tình trạng dự trữ than còn chưa đầy 20 ngày, Trung Quốc dường như muốn hướng dư luận trong nước và quốc tế rời khỏi cuộc khủng hoảng này bằng cách đe dọa tấn công hạt nhân Úc.

Đây cũng là chiêu bài ưa thích của Trung Quốc: hung hăng gây hấn trên Biển đông, đe dọa chiến tranh với Đài Loan, đe doạ các đối thủ chính trị như Úc… để xoa dịu và lờ đi các vấn đề bất ổn, các cuộc đấu đá nội bộ tàn khốc, các tội ác đẫm máu và tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng trong nước.

Hôm 16/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp thường kỳ tại Bắc Kinh rằng, AUKUS đã "gây tổn hại nghiêm trọng cho hòa bình và ổn định của khu vực, làm tăng cường chạy đua vũ trang và phá hoại các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân".

Cùng ngày, cơ quan ngôn luận của chính quyền Bắc Kinh - tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một ‘chuyên gia quân sự cấp cao Trung Quốc’ giấu tên nói rằng: "Điều này có thể sẽ khiến Úc trở thành mục tiêu tấn công hạt nhân, bởi vì các nước sở hữu vũ khí hạt nhân như Trung Quốc và Nga đang bị đe dọa trực tiếp bởi các tàu ngầm hạt nhân của Úc - những chiếc phục vụ cho nhu cầu chiến lược của Hoa Kỳ".

Thời báo Hoàn cầu cũng đe dọa bằng giọng điệu lăng mạ rằng, Úc chỉ đóng vai trò là "chó săn" của Hoa Kỳ, nếu Úc vì trung thành với Mỹ mà làm phách và gây sóng gió trên mặt trận chống Trung Quốc, đặc biệt là liều lĩnh trên phương diện quân sự, "thì nó có thể trở thành mục tiêu tiềm năng nhất để Trung Quốc giết một người răn trăm người".

Vào ngày 20/9, ông Cao Chí Khải (Victor Gao), Phó giám đốc của "Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa" (the Center for China and Globalization) - một tổ chức tư vấn thân Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Úc rằng: "Trước hết, cho đến nay, Úc là một phần của một Nam Thái Bình Dương không có vũ khí hạt nhân. ... Bây giờ khi các tàu ngầm hạt nhân được sản xuất ở Úc, Úc sẽ mất vị thế đặc quyền này. Nó có nghĩa là Úc, sau khi được trang bị tàu ngầm hạt nhân, sẽ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy ra trong tương lai... Chỉ đơn giản vậy thôi... Đây là hậu quả nghiêm trọng nhất".

Ông Cao còn bày tỏ quan điểm bằng cách đặt ra câu hỏi như sau cho chính phủ và người dân Úc: "Bạn thực sự muốn trở thành mục tiêu của một cuộc chiến tranh hạt nhân có khả năng xảy ra sao? Hay bạn muốn thoát khỏi 'mối đe dọa hạt nhân' trong tương lai?".

Về phát ngôn trên, trong một bài viết đăng trên The Epoch Times hôm 24/9, tác giả James Gorrie nhận xét rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, ông Cao Chí Khải đã nói ra những lời này sau khi nhận được cái gật đầu từ lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ. Ông Gorrie là tác giả cuốn "Cuộc khủng hoảng Trung Quốc" (The China Crisis) xuất bản năm 2013.

Trung Quốc là chuyên gia đi gây hấn với nước ngoài để lái hướng sự chú ý của dư luận khỏi các vấn đề nổi cộm trong nước. Hành vi đe dọa này có phải là một chiêu bài cũ?

Đông Phương

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đe dọa tấn công hạt nhân Úc - Đòn bẻ lái dư luận khỏi cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng?