Trung Quốc đang mất đi Hoa Kỳ (Phần 1): Chiêu bài cũ của ĐCSTQ đã lỗi thời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc và Hoa Kỳ đã rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Hoa Kỳ đang đối đầu và kiềm chế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) toàn diện. Chiêu bài cũ của Bắc Kinh đã bị vô hiệu hoá dưới thời Tổng thống Trump.

Ngày 18/6, Tổng thống Trump nói rằng nền kinh tế Mỹ - Trung có thể hoàn toàn "tách rời", các quan chức Nhà Trắng cũng liên tục chỉ trích mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra. Hôm 25/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công khai kêu gọi châu Âu và Hoa Kỳ cùng nhau chống lại ĐCSTQ, nhấn mạnh rằng đây không phải là cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà là cả thế giới cần phải chống lại ĐCSTQ.

Hôm 24/6, ông Robert O'Brien, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng, đã có bài phát biểu cứng rắn nhắm vào ĐCSTQ. Ông nói rằng sai lầm lớn nhất mà Hoa Kỳ phạm phải là đánh giá sai ĐCSTQ và đã coi nhẹ hệ tư tưởng chủ nghĩa cộng sản mà Trung Quốc theo đuổi. Thời đại mà người Mỹ thụ động và ngây thơ đối với ĐCSTQ đã kết thúc.

Trong các tuần sau đó, các quan chức Nhà Trắng như Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr và Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cũng đã lên tiếng về mối đe dọa của ĐCSTQ. Gần đây, nhiều Bộ của Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khác nhau đối với ĐCSTQ.

Mối quan hệ Mỹ - Trung kéo dài đến nay như thế nào? Bài viết này chọn lựa một số sự kiện bắt đầu từ năm 2017 khi giới chức cấp cao của ĐCSTQ xuất chiêu bài cũ để đối phó với Hoa Kỳ - gây áp lực lên các công ty Mỹ để thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ thay đổi chính sách, nhưng phải thất bại trước chính quyền Trump.

Tại hội nghị giữa năm 2018, ông Tập bùng nổ sự thất vọng với Hoa Kỳ

Tháng 5/2018, ông Lưu Hạc (Liu He), Phó Thủ tướng Trung Quốc, đã thất bại trong việc đàm phán với Mỹ ở Washington. Đến cuối tháng 5/2018, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc tại Bắc Kinh vẫn không được suôn sẻ. Vào ngày 29/5 năm đó, Nhà Trắng tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với 50 tỷ hàng hoá của Trung Quốc, danh sách các mặt hàng cụ thể được công bố vào ngày 15/6.

Tháng 6/2018, ông Tập Cận Bình đã gặp gỡ các Giám đốc Điều hành (CEO) của 20 công ty đa quốc gia lớn của Âu - Mỹ bao gồm Tập đoàn Goldman Sachs và Tập đoàn khách sạn Hyatt. Ông Tập yêu cầu họ làm cho các chính trị gia Mỹ nới lỏng các hạn chế đối với ĐCSTQ. Ông cảnh báo rằng nếu họ thất bại, công ty của họ có thể bị thiệt hại trong cuộc chiến thương mại.

Theo lời kể lại của những người tham gia cuộc họp, ông Tập Cận Bình nói: "Ở phương Tây, suy nghĩ của các bạn là nếu ai đó đánh vào má trái của bạn, bạn sẽ quay má còn lại ra cho người ta đánh. Nhưng trong văn hóa của chúng tôi, chúng tôi sẽ đánh lại".

Ông Tập đã sử dụng cách nói khéo léo để đưa ra một lời đe dọa khá trực tiếp: "Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra". Điều này cũng có nghĩa là ĐCSTQ sẽ dành sự ưu đãi cho các công ty đến từ quốc gia không tham gia vào cuộc chiến thương mại.

Những người tham gia đến cuối cuộc họp nói rằng, sự thất vọng của Tập Cận Bình với Hoa Kỳ đã bùng nổ. Ông nói: "Chúng tôi tôn trọng chế độ dân chủ của các bạn. Tại sao các bạn không thể tôn trọng chế độ của chúng tôi?".

Trước khi Tập Cận Bình gặp mặt CEO các công ty Mỹ, ông Vương Kỳ Sơn - Phó chủ tịch nước Trung Quốc và Uông Dương - Phó Thủ tướng Trung Quốc, đã liên lạc với Hoa Kỳ từ trước đó.

Năm 2017, Uông Dương thực hiện sách lược của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ

Tháng 1/2017, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhậm chức và bắt đầu lên kế hoạch phản công và áp chế những giao dịch bất công bằng của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ. Quan hệ Mỹ - Trung bắt đầu căng thẳng kể từ đó.

Tháng 4/2017, khi Trump và Tập Cận Bình gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, hai bên đã đồng ý thực hiện "Kế hoạch 100 ngày" trên lĩnh vực kinh tế và thương mại. Khi "Kế hoạch 100 ngày" kết thúc, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tổ chức cuộc đối thoại kinh tế toàn diện đầu tiên tại Washington vào ngày 19/7. Trong cuộc đối thoại này, phía Trung Quốc do ông Uông Dương - Phó Thủ tướng Trung Quốc dẫn đoàn, còn phía Hoa Kỳ có sự tham dự của các quan chức như Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, v.v.

Sau cuộc họp, Trung Quốc tuyên bố "thực hiện lời hứa".

Phía Mỹ cho rằng ĐCSTQ đang trì hoãn thời gian, và cuối cùng, hai bên đã hủy bỏ cuộc họp báo được lên kế hoạch trước đó và không đưa ra tuyên bố chung. Vào thời điểm đó, một quan chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ nói với truyền thông rằng, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã không đạt được sự đồng thuận về hầu hết các chủ đề thương mại và kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng đối với Hoa Kỳ.

Có một chi tiết cho thấy tâm lý lúc đó của ban lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ.

Theo một phóng viên của Tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal), "Trong các cuộc đàm phán với Wilbur Ross, Uông Dương nghĩ rằng ông ta sẽ không phải trả quá nhiều để thỏa mãn người Mỹ. Ông ta cho rằng tiền của Trung Quốc sẽ mang lại kết quả mà Trump mong muốn".

"Các quan chức ĐCSTQ cho rằng, bằng cách tiếp tục mở cửa thị trường Trung Quốc cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty đại diện nước ngoài, thỏa thuận giữa Trung Quốc và Wilbur Ross có thể trở nên “ngọt ngào” hơn. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại cho rằng, ít nhất vào thời điểm đó, không nhất thiết phải đạt được thỏa thuận. Bên cạnh đó, Uông Dương sẽ được đề bạt vào vị trí Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tại Phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 được tổ chức vào mùa thu, khi đó việc ông ta xử lý các giao dịch với người Mỹ một cách an toàn sẽ tốt hơn là bị chỉ trích là đầu hàng người Mỹ".

Vào thời điểm đó, tờ Washington Post đưa tin, sau cùng ông Trump đã bác bỏ kết quả đàm phán giữa Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và ĐCSTQ, vì cho rằng cách ông Ross đối phó với ĐCSTQ chưa đủ mạnh và lễ ký kết cuối cùng đã bị hủy bỏ.

Vào ngày 18/8/2017, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã chính thức công bố "Cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974" của Mỹ để chống lại Trung Quốc. Đây cũng là ngòi nổ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

‘Chiêu cũ’ hàng thập kỷ nay của ĐCSTQ mất linh, Trump bắt đầu tăng thuế

Trong những thập kỷ gần đây, ĐCSTQ đã sử dụng các công ty lớn của Hoa Kỳ để vận động chính phủ Mỹ từ bỏ tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản. Chiêu bài này đã linh nghiệm nhiều lần, nhưng nay đã hết tác dụng. Nguyên nhân là vì ông Trump đã thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, và hơn nữa là do mối quan hệ giữa ĐCSTQ và các công ty Mỹ dần xấu đi.

Năm 1994, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Warren Christopher đã bay tới Bắc Kinh để đàm phán về các vấn đề nhân quyền, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Lý Bằng (Li Peng) đã không thèm để ý tới. Lý Bằng nói với các quan chức Hoa Kỳ rằng, Goldman Sachs và các công ty lớn khác của Mỹ đã nói với ông ta là họ đang vận động chính phủ Clinton đưa ra những nhượng bộ. Ông Lý Bằng cho rằng Trung Quốc có thể chiếm thế thượng phong. Nhiều năm sau đó, ông Christopher nói: "Về cơ bản, ông ta dám nói ‘cho dù là hủy bỏ chúng tôi (quyền thương mại của Trung Quốc), vậy thì xem xem ai mới là người thua Trung Quốc'”.

Ông Myron Brilliant, Phó chủ tịch điều hành của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, nói với tờ The Wall Street Journal rằng, khi Quốc hội Mỹ muốn bỏ phiếu về một dự luật giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2000, các công ty lớn đã chi 100 triệu đô-la Mỹ tiến hành vận động hành lang để dự luật được thông qua. Ông nói rằng, số tiền này còn nhiều hơn tổng chi phí các công ty này chi cho tất cả các tranh chấp thương mại của Quốc hội sau đó.

Thị trường khổng lồ của Trung Quốc không đủ để bù đắp những khó khăn mà các công ty ủng hộ Trung Quốc gặp phải. Mười công ty bao gồm Tập đoàn Boeing, Công ty General Electric, Công ty General Motors... được các nhà vận động hành lang gọi là "Rump Group", bắt đầu vận động hành lang để Trung Quốc gia nhập WTO vào giữa những năm 1990.

Trong số đó, Tập đoàn Thiết bị Kỹ thuật số Hoa Kỳ (Digital Equipment Corp.) đã phá sản; Tập đoàn Quốc tế Hoa Kỳ (American International Group Inc.) gần như đã làm liên lụy đến nền kinh tế toàn cầu vào năm 2008 và đành phải chấp nhận sự cứu trợ của chính phủ Hoa Kỳ; công ty thứ ba là Công ty Eastman Kodak (Eastman Kodak Co.) cũng biến thành một công ty rỗng tuếch; thứ tư là Công ty Motorola, được tách thành 2 công ty, một trong số đó được bán cho một công ty Trung Quốc, công ty còn lại đã kiện và cáo buộc một công ty Trung Quốc khác ăn cắp công nghệ của họ.

Đến năm 2014, chỉ có 1/3 số thành viên của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của họ ở Trung Quốc trong 2 năm tới. Con số này chỉ bằng một nửa so với năm 2008.

Ngược lại, vào những thời điểm quan trọng khi Trung Quốc và Hoa Kỳ có tranh chấp, việc chuyển một phần nhỏ lợi ích kinh tế cho người Mỹ để đổi lấy sự thỏa hiệp của nước Mỹ đã trở thành một thông lệ của ĐCSTQ.

Trước cuộc đối thoại kinh tế giữa ông Uông Dương - Phó Thủ tướng Trung Quốc và Mỹ năm 2017, ĐCSTQ đã đồng ý mở cửa thị trường thịt bò cho Mỹ. Vào ngày 12/5/2017, Tổng thống Trump đã viết lên Twitter: "Trung Quốc vừa mới đồng ý cho phép Hoa Kỳ tiếp tục bán thịt bò và các sản phẩm chủ yếu khác cho Trung Quốc. Đây là tin tức chân thực!".

Nhưng trên thực tế, ĐCSTQ vẫn chỉ đang "bán hàng cũ" và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ mới được bổ nhiệm là ông Wilbur Ross đã không nhận ra điều này. Ngay từ đầu năm 2006, ĐCSTQ đã thảo luận về việc mở lại thị trường thịt bò của mình. Năm 2003, ĐCSTQ đã cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ do lo ngại về bệnh bò điên.

Năm 2013, Phó Tổng thống Mỹ khi đó là ông Joe Biden đã chào hàng thịt bò một lần nữa trong chuyến thăm Trung Quốc. Ông ta nói với Tập Cận Bình rằng, nếu như ông mở lại thị trường, "ông có thể biến tôi thành anh hùng". Nhưng ĐCSTQ đã không làm gì cả.

Đối với ĐCSTQ, mở cửa thị trường thịt bò là một sự nhượng bộ có thể thực hiện bất cứ khi nào có tranh chấp xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giống như lần này.

Sau khi ông Trump từ chối nhượng bộ của ĐCSTQ, các bên tham gia đàm phán năm 2017 đã ‘buồn bã chia tay’.

Năm 2018, chính quyền Trump đã thực sự hành động, họ đã đánh thuế Trung Quốc nhiều lần. Cũng trong năm 2018, ngày 22/1, ngày 14/2, ngày 27/2, v.v., Hoa Kỳ đã áp thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Ngày 4/4/2018, Hoa Kỳ công bố danh sách hàng hóa bị đánh thêm thuế, sẽ tăng thêm 25% thuế đối với 1.333 mục hàng hoá trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Ngay sau đó, Trung Quốc cũng tăng thêm 25% thuế đối với 106 mục hàng hoá 14 loại như đậu nành, ô tô và hóa chất... có nguồn gốc từ Hoa Kỳ.

Ngày 10/4/2018, ông Tập Cận Bình tuyên bố tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (Boao Forum for Asia) rằng họ sẽ thực hiện các hành động mới "Tứ đại mở cửa", hứa hẹn sẽ mở cửa lớn cho các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường; giảm thuế nhập khẩu ôtô, tăng cường nhập khẩu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty nước ngoài, v.v.

Vương Kỳ Sơn xuất binh "chữa cháy" 3 lần

Do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày một nóng lên, Tập Cận Bình đã gửi một thân tín đi tìm hiểu về yêu cầu của người Mỹ, đó là ông Vương Kỳ Sơn - Phó chủ tịch nước Trung Quốc. Trong vài thập kỷ qua, các ông trùm tài chính ở Phố Wall luôn có sức ảnh hưởng đặc biệt trong quan hệ Trung - Mỹ. Từ những năm 1990 đến nay, ông Vương Kỳ Sơn - người chuyên phụ trách về kinh tế trong một thời gian dài, đã thiết lập được rất nhiều mối quan hệ với các chính trị gia Mỹ và các quản lý cấp cao ở Phố Wall.

Theo cuốn sách "Superpower Showdown" (Cuốn sách này được viết bởi 2 phóng viên của The Wall Street Journal; tạm dịch là “Trận đấu giữa các siêu cường quốc") miêu tả, Vương Kỳ Sơn đã nhiều lần triệu tập CEO của các công ty Mỹ tham gia vào "cuộc gặp gỡ những người bạn lâu năm không chính thức".

Cuối năm 2017, Vương đã mời David Rubenstein, đồng sáng lập của Tập đoàn đầu tư Carlyle (Carlyle Group) - một công ty cổ phần tư nhân Hoa Kỳ, tham gia cuộc họp. Công ty này có đầu tư vào các lĩnh vực có liên quan đến dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và công nghệ của Trung Quốc. Vương hỏi Rubinstein: "Trump là một hiện tượng hiếm thấy, hay là một xu thế?", trong khi đó các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang ghi chép lại.

Rubinstein trả lời: "Trump là một chỉ tiêu cho những thay đổi về thái độ của người Mỹ".

Vương đồng ý.

Vương nói rằng, "các nhân vật tài chính ở New York" đến gặp ông quá lạc quan về cách những người Mỹ thông thường nhìn nhận về Trung Quốc, và cách những người Trung Quốc thông thường nhìn nhận về Hoa Kỳ.

Đầu tháng 1/2018, Vương Kỳ Sơn đã gặp một nhóm các giám đốc điều hành của Hoa Kỳ, trong đó có cả ông William Cohen - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời Tổng thống Bill Clinton, nhưng những người này lại không nhiệt tình như phía Trung Quốc.

Vương Kỳ Sơn yêu cầu các giám đốc điều hành nói với ông ta về những vấn đề họ gặp phải ở Trung Quốc, ông ta cho rằng chính quyền Trump cũng sẽ nêu ra vấn đề tương tự. Nhưng những giám đốc điều hành này lại chủ yếu tận dụng thời gian để giới thiệu cho Vương những gì công ty của họ có thể cung cấp cho Trung Quốc. Vương Kỳ Sơn tức giận cảnh cáo nhóm người này. Ông ta muốn tình báo, không phải quảng cáo.

Vài tháng sau, Vương hội kiến Terry Branstad, Đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Trung Quốc và là cựu Thống đốc bang Iowa. Ông Branstad đã từng tiếp đón Tập Cận Bình trong chuyến thăm đến Hoa Kỳ năm 1985.

Vương nói những điều tốt đẹp với Branstad, chẳng hạn như ĐCSTQ coi trọng việc đối thoại với Washington như thế nào và áp lực của nước ngoài có thể giúp Bắc Kinh thúc đẩy cải cách ra sao. Branstad cảnh báo một cách thân thiện rằng, sự nhẫn nại của chính phủ Hoa Kỳ đối với các chính sách của Trung Quốc còn lại rất thấp.

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Dương Khiết Trì thất bại

Đầu tháng 2/2018, Tập Cận Bình tiếp tục cử Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) tới Washington để cố gắng xoa dịu thế cục căng thẳng.

Ông Dương từng đến thăm Washington vào cuối năm 2016 và bày tỏ quan điểm của mình với nhân viên vận động bầu cử của ông Trump. Ông Dương nói rằng, tổng thống được bầu không nên thách thức Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Hành động này khiến một số quan chức của chính quyền Trump không hài lòng.

Bây giờ, thông điệp mà Dương Khiết Trì mang đến là ĐCSTQ không muốn có tranh chấp. Ông nói với các quan chức Hoa Kỳ: "Chúng tôi đã nghe thấy tiếng nói của bạn", và Trung Quốc đang chuẩn bị triển khai công việc về các vấn đề thương mại mà ông Trump quan tâm trong 3 đến 5 năm tới.

Các quan chức Hoa Kỳ thực sự phẫn nộ, vì ĐCSTQ vẫn muốn trì hoãn cải cách. Hoa Kỳ muốn ĐCSTQ thay đổi nhanh chóng. Vào thời điểm đó, một quan chức Mỹ nói, đừng cho chúng tôi "vụn bánh mì" nữa.

Tiếp theo: Phần 2

Đông Phương
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đang mất đi Hoa Kỳ (Phần 1): Chiêu bài cũ của ĐCSTQ đã lỗi thời