Trung Quốc đã mua lại ít nhất 17 trường học của Anh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những năm gần đây, các công ty tư nhân Trung Quốc đã mạnh tay mua lại các trường học tư thục của Anh, trong đó rất nhiều trường có danh tiếng. Ngay sau khi bị mua lại, những ngôi trường này thường trở thành công cụ để truyền bá quan điểm “tẩy trắng” (whitewash) và xuất khẩu văn hoá của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho các sinh viên. Tình trạng này đã khiến các chính trị gia Anh hết sức lo ngại.

Tờ The Mail on Sunday của Anh đưa tin hôm 21/2 rằng, hàng trăm trường tư thục của Anh rơi vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính do đại dịch COVID-19 đang trở thành mục tiêu “thâu tóm” của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Bài báo cho biết, đã có ít nhất 17 trường học của Anh bị các công ty Trung Quốc mua lại, và ước tính con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Trong đó, người sáng lập hoặc ông chủ của 9 trường học bị mua lại đều là "những thành viên cao cấp nhất của ĐCSTQ”. Ngoài ra, một công ty công khai tuyên bố rằng, việc mua lại các trường học của Anh là một phần trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, nhằm mở rộng sức ảnh hưởng của Bắc Kinh ra toàn cầu.

Bài báo chỉ ra rằng, sau khi bị các công ty Trung Quốc mua lại, những trường học này đã trở thành một phần trong kế hoạch bành trướng và xuất khẩu hình thái ý thức và văn hóa của ĐCSTQ ra toàn cầu. Chính phủ Anh nên nhìn thẳng vào vấn đề rằng ĐCSTQ đang thực hiện giáo dục tẩy não đối với trẻ em nước Anh.

Bài báo cũng đặc biệt đề cập đến Tập đoàn Giáo dục Bright Scholar (Bright Scholar Education Group), một công ty Trung Quốc đã mua lại nhiều trường học Anh.

Theo tài liệu cho thấy, chủ sở hữu của Bright Scholar Education Group là Dương Huệ Nghiên, người được mệnh danh là "người phụ nữ giàu nhất châu Á". Theo bảng xếp hạng những phụ nữ giàu nhất thế giới năm 2020 của Forbes, bà Dương đứng thứ 6 với tài sản ước tính 20,3 tỷ USD (khoảng 467,4 nghìn tỷ VNĐ). Tài sản của bà Dương chủ yếu đến từ người cha là ông Dương Quốc Cường, người sáng lập và là Chủ tịch hội đồng quản trị của Country Garden - một công ty bất động sản nổi tiếng của Trung Quốc. Ông này cũng là thành viên của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) và thành viên của Ủy ban Cố vấn cấp cao nhất của ĐCSTQ.

Kể từ năm 2018, tập đoàn này đã mua lại các trường gồm Trường Bournemouth Collegiate (Bournemouth Collegiate School), Trường St. Michael (St Michael’s School) ở Carmarthenshire, và Trường Cao đẳng Độc lập Bosworth (Bosworth Independent College) ở Northampton.

Vào ngày 9/7/2019, Bright Scholar Education Group thông báo rằng, họ đã mua lại Trường Đại học Nghệ thuật & Khoa học Cambridge (Cambridge Arts & Sciences College) của Tập đoàn Giáo dục Anh với giá 150 triệu bảng Anh (khoảng 4.845 tỷ VNĐ).

Trường Đại học Nghệ thuật & Khoa học Cambridge được thành lập vào năm 1952. Đây là một tập đoàn giáo dục chuyên nghiệp của Anh, chuyên cung cấp các khóa học dự bị đại học và giảng dạy tiếng Anh.

Ngoài ra, Tập đoàn Vạn Đạt (Wanda Group) của Trung Quốc cũng đã tham gia vào việc mua lại các trường học của Anh. Được biết, Chủ tịch của Tập đoàn này là ông Vương Kiện Lâm, một người xuất thân từ quân đội ĐCSTQ và từng là đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 17 của ĐCSTQ.

Về việc này, Lãnh đạo Đảng Brexit Anh Nigel Farage cho biết, chính phủ Anh “phải cảnh giác với các mối nguy hiểm và hành động nhanh chóng,” đồng thời cảnh báo rằng “thế giới đang bị ĐCSTQ thâu tóm. Theo một dự án thuộc địa kiểu mới (neo-colonial), ông Tập Cận Bình hy vọng sẽ đạt được sự thống trị kinh tế toàn cầu thông qua các khoản đầu tư lớn trên trường quốc tế”.

Ngọc Trân

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đã mua lại ít nhất 17 trường học của Anh