Trung Quốc có thể đưa các khóa học về hẹn hò kết duyên và kết hôn vào chương trình đại học bắt buộc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhà lập pháp Trung Quốc đã đề xuất trong phiên họp lưỡng hội 2021 vào cuối tuần vừa rồi rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nên đưa các khóa học bắt buộc về hẹn hò tiền hôn nhân, kết hôn và nuôi dạy con cái vào chương trình đào tạo đại học.

Ngày 8/3, Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng, để thực hiện sáng kiến ​​này, ĐCSTQ cần soạn thảo và thông qua một cuốn sách giáo khoa cho chương trình đào tạo đại học về quan hệ nam nữ trước hôn nhân và xây dựng gia đình. Theo đề xuất, cuốn sách giáo khoa này sẽ được sử dụng cho một khóa học bắt buộc dành cho sinh viên đại học của Trung Quốc trên toàn quốc.

Đề xuất này là một trong số những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm giải quyết tỷ lệ sinh con quá thấp ở Trung Quốc, vốn trở nên tồi tệ hơn nữa trong năm 2020 do đại dịch COVID-19. Trước bối cảnh của nhiều thập kỷ áp dụng "chính sách một con" trên toàn quốc, cấm người Hán không được có hai con và buộc người vi phạm phải phá thai và giết chết trẻ sơ sinh, Trung Quốc đã trở thành quốc gia mất cân bằng giới tính đặc biệt nhất trên thế giới. Tính đến năm 2019, sự chênh lệch giữa đàn ông và phụ nữ ở Trung Quốc là 34 triệu người và tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ rất thấp.

Kể từ năm 2016, khi nhà độc tài Tập Cận Bình thay thế “chính sách một con” bằng “chính sách hai con”, tỷ lệ sinh con thấp trong nhiều thập kỷ ở Trung Quốc Cộng sản hầu như vẫn không chuyển biến. Các cuộc thăm dò liên tục cho thấy thanh niên Trung Quốc ít quan tâm đến việc nuôi dạy con cái và nói chung, họ ngày càng ít mong muốn tham gia vào các mối quan hệ lãng mạn.

“Không phải chỉ đơn giản cho phép [các cặp vợ chồng] sinh con thứ hai là họ sẽ sinh con thứ hai. Chi chi phí nuôi dạy con cái, giá nhà đất leo thang và áp lực nghề nghiệp gia tăng đối với phụ nữ đã khiến các cặp vợ chồng giảm mong muốn sinh con”, cơ quan tuyên truyền của nhà nước, Tờ Nhân dân Nhật báo ghi nhận vào tháng 12/2020.

Năm 2020, ước tính có khoảng 10 triệu trẻ được sinh ra ở Trung Quốc, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019.

Phiên họp lưỡng hội của Trung Quốc là các cuộc họp thường niên của Đại hội Nhân dân Toàn quốc (NPC) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), hai cơ quan lập pháp cấp liên bang. Theo Thời báo Toàn cầu (Global Times), thành viên CPPCC Yu Xinwei đã đề xuất trong phiên họp tuần này rằng các trường đại học nên có trách nhiệm trong việc gây sức ép để giới trẻ Trung Quốc kết hôn và sinh con.

“Sinh viên đại học Trung Quốc thiếu giáo dục về cảm xúc. Họ có xu hướng lên xuống quá mức về tinh thần và thậm chí có thể thực hiện hành vi cực đoan khi bị thất bại trong mối quan hệ nam nữ”, bà Yu đặt vấn đề cho đề xuất soạn sách giáo khoa cho chương trình đào tạo về quan hệ nam nữ cho thanh niên. “Tăng cường giáo dục hôn nhân và tình yêu nam nữ trong giới sinh viên đại học giúp ổn định và trung hòa các mối quan hệ nam nữ và quan hệ gia đình trong tương lai của họ”.

Thời báo Hoàn cầu ủng hộ động thái này, cho rằng tỷ lệ tự tử trong sinh viên đại học là một vấn nạn đối với đất nước và rằng các sinh viên đại học được phỏng vấn cho các bản tin của họ dường như được hướng dẫn thêm về quan hệ nam nữ tiền hôn nhân.

Các lớp học về hẹn hò tiền hôn nhân và kết hôn trong chương trình đại học không phải là một khái niệm mới ở Trung Quốc. Năm 2013, ở Thượng Hải đã mở các lớp học “độc quyền” về kỹ năng làm thế nào để tìm được các đối tác độc thân phù hợp và đã thu hút được rất nhiều người tham gia. Người sáng lập của cơ quan cung cấp các lớp học vào thời điểm đó nói, “để lấy một người chồng giàu có, trước tiên phụ nữ phải chải chuốt bản thân để nhận được giá trị gia tăng đó… giống như việc trang hoàng một căn hộ thô sơ thành nơi ở lộng lẫy”, theo tờ Nhật báo Thượng Hải.

“Một cơ quan tuyên bố rằng họ có thể giúp những phụ nữ độc thân tìm thấy ‘người trong mộng’ của mình trong vòng 90 ngày và khóa học một ngày của họ trị giá 2.800 nhân dân tệ (khoảng 12 triệu VND)”, tờ báo viết. Vào thời điểm đó, cơ quan này tự hào có 30.000 người tham gia khóa học.

Từ năm 2013 đến nay, chính phủ Trung Quốc cố gắng phát triển ngành công nghiệp này, nhưng không thay đổi được đáng kể tình hình kết hôn và sinh con ở Trung Quốc. Năm 2017, Liên đoàn Thanh niên Cộng sản, vốn chuyên quản lý mối quan hệ với các thế hệ trẻ của Đảng, tuyên bố sẽ cung cấp dịch vụ hẹn hò để giúp những đảng viên ĐCSTQ trẻ tuổi cuồng tín về ý thức hệ tìm thấy nhau. Dịch vụ của họ lần đầu ra mắt ở tỉnh Chiết Giang và hứa hẹn sẽ sàng lọc đầy đủ cho người tham gia, có nghĩa là những người độc thân có thể được đảm bảo rằng người được giới thiệu cho họ là người được Đảng chấp thuận và có tư cách tốt.

Ngoài các lớp học về quan hệ nam nữ tiền hôn nhân trong trường đại học, trong phiên họp lưỡng hội vào cuối tuần vừa rồi, một nhà lập pháp khác, Chen Aizhu ở Chiết Giang, đã đề xuất Đảng "giáo dục" kiến thức gia đình cho những cặp đôi xin đăng ký kết hôn.

“Các khóa đào tạo tiền hôn nhân là để giúp nâng cao ý thức trách nhiệm đối với gia đình, khuyến khích các cặp vợ chồng mới cưới chung thủy trong hôn nhân và trân quý gia đình”. Bà Chen than vãn rằng nền văn hóa Trung Hoa đã trở nên “thoải mái hơn” trong việc duy trì mối quan hệ nam nữ đúng mực.

Từ trước khi kết hôn, nhiều cặp đôi thường cảm thấy lo lắng về hiện tượng ly hôn đang gia tăng ở Trung Quốc, đặc biệt là các cặp vợ chồng không có con. Tỷ lệ ly hôn của quốc gia này đã tăng vọt trong năm 2020. Sau khi kết thúc đại dịch và mở cửa trở lại, nhiều thành phố lớn đã chứng kiến số lượng đơn xin ly hôn tăng vọt, một phần do đại dịch, một phần do các cơ quan giải quyết vấn đề này đóng cửa trong nhiều tháng.

Vấn đề làm thế nào để khuyến khích phụ nữ độc thân kết hôn và sinh con trong bối cảnh gia tăng tỷ lệ ly hôn, thiếu hụt phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, cũng như tình trạng các cặp vợ chồng không muốn sinh con đã tạo ra những đề xuất không chính thống khác. Một Hiệp hội Phát triển Chính sách tỉnh Sơn Tây đã đề xuất vào tháng Hai rằng chính phủ cần tạo áp lực buộc phụ nữ độc thân ở các thành phố lớn chuyển đến các vùng nông thôn để kết hôn với những người nông dân độc thân có giới hạn độ tuổi. Đề xuất nhắm mục tiêu cụ thể đến những phụ nữ “còn sót lại”, nghĩa là những phụ nữ độc thân ngoài 20 tuổi.

Nguyên Hương

Theo Breibart



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc có thể đưa các khóa học về hẹn hò kết duyên và kết hôn vào chương trình đại học bắt buộc