Trung Quốc: Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng mâu thuẫn gay gắt, kiện cáo nhau lên ông Tập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông tin nội bộ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nước này đối chọi gay gắt về phong cách ngoại giao chiến lang, hai bên chỉ trích nhau và chuyện đã đến tai ông Tập.

Chiến lược "ẩn mình chờ thời" được cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình dày công thực hiện đã bị ông Tập Cận Bình vứt bỏ. Tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 năm 2017, khi ông Tập tuyên bố bước vào “kỷ nguyên mới xây dựng cường quốc”, thì chính sách đối ngoại “sói chiến” hung hãn cũng dần được áp dụng.

Trong khi những con sói chiến của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đi gây hấn với các nước trên thế giới, thì một bộ phận khác trong nội bộ ĐCSTQ lại chủ trương cái gọi là "kể câu chuyện hay về Trung Quốc, lan tỏa âm thanh đẹp về Trung Quốc" và sử dụng "phương pháp ôn hòa" để tiếp tục duy trì chế độ này.

Vào ngày 9/8, tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời một người trong nội bộ ĐCSTQ nói rằng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nước này đã mâu thuẫn gay gắt vì phong cách phát ngôn: Bộ Ngoại giao thì trổ tài miệng lưỡi hết mình trên trường quốc tế và gây thù chuốc oán; mà khi các quốc gia dân chủ bị các ‘chiến lang’ chọc giận và thực sự đi tới bờ vực chiến tranh với ĐCSTQ, thì quân đội ĐCSTQ lại từ chối chiến đấu với "liên quân đa quốc gia".

Nguồn tin cho biết, "Bộ Ngoại giao được biết đến với luận điệu cứng rắn của các chiến binh sói - thậm chí còn chỉ trích Quân đội Trung Quốc (PLA) quá 'yếu kém' trong việc đối phó với Hoa Kỳ".

Nguồn tin này cũng tiết lộ rằng, tranh đấu giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng thậm chí đã đến tai ông Tập Cận Bình. Hai phe 'kiện cáo' lẫn nhau, “phía quân đội bày tỏ lo ngại với ông Tập Cận Bình về phong cách ngoại giao chiến lang của Bộ Ngoại giao, và nói rằng sẽ không giải quyết những phát ngôn vô trách nhiệm của họ”.

Gần đây, do các phát ngôn tuyên truyền kịch liệt của ‘chiến lang’ Trung Quốc về Biển Đông, tình hình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trên đà bùng phát. Quân đội Mỹ đang hợp nhất các lực lượng của Anh, Úc, Nhật Bản và các nước khác để tổ chức "Cuộc tập trận Quy mô lớn Toàn cầu năm 2021" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ ngày 5 đến 27/8. Cuộc diễn tập quân sự này bao gồm: huấn luyện thực địa, tiếp tế hậu cần, đổ bộ, tác chiến không đối đất, hoạt động hải quân và không quân, và các hoạt động của lực lượng đặc biệt.

Vào ngày 14/7/2021, Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh - đã phát hành một cuốn sách mới tên là "Tôi kể với thế giới về Trung Quốc". Trong đó nghiên cứu và tìm tòi "phương thức giao tiếp mới" với thế giới, làm sao để giúp ĐCSTQ tô son điểm phấn và làm đẹp hình ảnh quốc tế.

Tờ SCMP đưa tin rằng, ông Trữ Ân (Chu Yin), Giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế ở Bắc Kinh, đã cảnh báo tại một cuộc họp rằng, không được rơi vào cái bẫy của "hai bộ tiêu chuẩn" tuyên truyền trong nước và tuyên truyền đối ngoại. Ông cho rằng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang hình thành một kiểu tuyên truyền đối nội và đối ngoại kỳ quái, khiến mục tiêu tuyên truyền bị rối loạn, rất khó để phân biệt là rốt cuộc tuyên truyền đó dành cho khán giả nước ngoài hay khán giả trong nước nghe.

Ông nói: “Thời đầu, chúng ta tin rằng tiếng Anh trôi chảy sẽ giúp ích (để kể những câu chuyện hay về Trung Quốc). Hiện tại, chúng ta đã có thể nói tiếng Anh một cách trôi chảy, chính cống nhưng những đồng nghiệp ngoại quốc của chúng ta lại nghe mà không hiểu”.

Tờ SCMP tiết lộ rằng, sau đó báo cáo của vị giáo sư này đã bị gỡ xuống, có thông tin là Bộ Ngoại giao Trung Quốc rất tức giận và ông Trữ Ân đã nhận được "cảnh báo từ cấp cao".

Trong vài thập kỷ qua, khi Bắc Kinh tuyên truyền chương trình nghị sự và hình ảnh chính trị của đất nước, họ đã trưng ra hai bộ mặt và hai bộ tiêu chuẩn cho khán giả trong và ngoài nước: đối nội thì cứng rắn, chống Mỹ; đối ngoại thì khiêm tốn, hạ giọng; được gọi là “ngoại giao gấu trúc”.

Tuy nhiên, kể từ sau năm 2017, quan hệ Mỹ - Trung xấu đi trên mọi mặt, và xảy ra một loạt các sự kiện lớn như: chiến tranh thương mại, đại dịch bệnh, Mỹ - Trung tách rời, Hong Kong nhuốm đỏ, quan hệ Trung - Úc, Trung - Âu, Trung - Anh, Trung - Nhật đi xuống. ĐCSTQ từng hy vọng rằng khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức sẽ lật đổ các chính sách của ông Trump đối với ĐCSTQ. Nhưng căng thẳng giữa hai nước đã leo thang trong những tháng gần đây. Cả hai bên đã tung một vài cú đấm chớp nhoáng, chẳng hạn như các lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng, máy bay quân sự của Mỹ thăm Đài Loan, và các đồng minh của Mỹ gửi tàu chiến đến Biển Đông...

Mỗi năm, ĐCSTQ chi tiêu rất nhiều tiền mồ hôi nước mắt của người dân để giúp nó thiết lập “hình ảnh quốc tế”. Vào năm 2017, tờ The Economist trích dẫn một báo cáo nghiên cứu của học giả chính trị David Shambaugh thuộc Đại học George Washington, nói rằng Bắc Kinh chi hơn 10 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ mạng lưới truyền thông toàn cầu của nó.

Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện trên 17 nền kinh tế phát triển, nhận thức của công chúng về ĐCSTQ nhìn chung tiếp tục tiêu cực, trong khi niềm tin vào nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng mâu thuẫn gay gắt, kiện cáo nhau lên ông Tập