Trung Quốc: Biểu tình trước trường trung học vì cái chết bí ẩn của nam học sinh 17 tuổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những ngày qua, sự việc Lâm Duy Kỳ (Lin Weiqi), một cậu học sinh 17 tuổi đến từ trường trung học số 49 ở Thành Đô, Trung Quốc, rơi từ một tòa nhà ở trong trường xuống đất tử vong đã gây ra sự chú ý mạnh mẽ từ ngoại giới. Báo cáo chính thức nói rằng cái chết của Lâm không phải là một vụ án hình sự, và nói rằng gia đình cậu không phản đối kết quả điều tra. Nhưng mẹ của Lâm và người dân Thành Đô đều không đồng ý. Vào tối ngày 11/5, rất đông người dân đã tập trung bên ngoài cổng trường trung học số 49 để bảo vệ quyền lợi và kêu gọi sự thật. Các video trên mạng cho thấy cảnh sát đã dùng bạo lực để duy trì ổn định.

Ngày của Mẹ năm nay (9/5) là ngày bắt đầu cơn ác mộng đối với bà Lỗ (Lu) ở Thành Đô. Chiều hôm đó, con trai 17 tuổi của bà Lỗ tên là Lâm Duy Kỳ đang theo học tại trường trung học 49 Thành Đô đã ngã lầu tử vong một cách kỳ lạ sau khi cậu bé đến trường không lâu.

Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã từ chối cho phụ huynh vào trường xem tử thi và không cho xem camera theo dõi quá trình xảy ra vụ việc, đồng thời nhanh chóng xử lý tử thi. Không những vậy, nhà trường còn đe dọa các học sinh biết sự thật phải im lặng không được phép tiết lộ bất kỳ chi tiết nào ra bên ngoài, nếu không sẽ bị đuổi học, không được nhà trường chấp nhận, không thể tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, v.v.

Bà Lỗ nói rằng bà đã tìm đến rất nhiều kênh truyền thông, trả tiền cho họ để nhờ giúp đỡ, nhưng không có kênh truyền thông nào sẵn sàng lên tiếng, và tất cả chỉ làm qua loa cho xong chuyện.

Chiều ngày 10/5, bà Lỗ dùng tài khoản Weibo "Mẹ của học sinh Lâm ở trường trung học 49" đăng tin nói rằng: "Sáng nay tôi đến xem camera giám sát, nhưng không có đoạn video lúc xảy ra vụ việc".

Vào sáng sớm ngày 11/5, Phòng Giáo dục quận Thành Hoa, thành phố Thành Đô đã đưa ra một thông báo cho biết: Sau khi cơ quan công an kiểm tra hiện trường, giám định pháp y, xem xét camera và điều tra toàn diện, xác định việc rơi từ trên lầu xuống là hành vi cá nhân, loại trừ khả năng vụ án hình sự. Bà Lỗ và người dân đều không đồng tình với nhận định này.

Chiều ngày 11/5, cảnh sát Thành Đô lại thông báo cho biết, sau khi điều tra, xác định việc Lâm Duy Kỳ tử vong do ngã từ trên cao không phải là vụ án hình sự. Phía cảnh sát cũng nhấn mạnh rằng người nhà đã được thông báo về kết quả điều tra, và người nhà "không phản đối" kết quả này.

Việc chính quyền và giới truyền thông không đề cập gì đến sự việc, cũng như hành vi che đậy sự thật của nhà trường đã hoàn toàn thổi bùng lên sự phẫn nộ trong người dân.

Theo một lượng lớn các video trên mạng xã hội Twitter, rất đông người đã tập trung bên ngoài cổng trường Trung học 49 Thành Đô vào tối ngày 11/5. Họ cầm những bông hoa trắng và đồng thanh hô vang: "Sự thật! Sự thật!". Rất nhiều cảnh sát đã được điều đến trường học và dùng bạo lực để duy trì ổn định. Sau đó có người hô lên: “Đánh người rồi, đánh người rồi”.

Cũng có đoạn phim cho thấy một người nào đó đã bị cảnh sát khiêng đi.

Cảnh sát đã bắt giữ một lượng lớn những người có mặt tại hiện trường. Có cư dân mạng cho rằng, đây là chiêu bài cũ của chính quyền, làm gia tăng mâu thuẫn, dàn xếp cảnh sát mặc thường phục để để hô hào động thủ trong đám đông, sau đó ra sức bắt người. Sự kiện Thiên An Môn 6/4 cũng vậy, ở Hong Kong cũng vậy. Giải quyết được người nêu ra vấn đề thì vấn đề khác được giải quyết.

Có cư dân mạng giận dữ nói: "Việc tiêu hủy xác chết mới chính là vụ án hình sự. Các nhà luật học được nuôi bằng tiền mồ hôi nước mắt của dân thường biến đâu mất rồi?".

Ngoài ra, có thông tin rằng gia đình nạn nhân và những người đi tìm sự thật đang bị chính quyền trấn áp và đe dọa phải im lặng. Một cư dân ở Thành Đô tên là Tạ Quân Bưu (Xie Junbiao) đã đến trường trung học số 49 Thành Đô vào sáng ngày 11/5 để tìm kiếm chân tướng và thấy có hơn 10 xe cảnh sát đậu gần trường. Ngoài hàng chục người dân đứng xung quanh đó, còn có nhiều người đàn ông khác không rõ danh tính. Khi anh Tạ đứng ở đối diện trường học để chụp ảnh thì bị một nhân viên an ninh quốc gia mặc thường phục chặn lại. Sau đó gọi một đám cảnh sát tới đưa anh lên xe cảnh sát và đưa về đồn cảnh sát Khiêu Đăng Hà ở quận Thành Hoa, Thành Đô. Ở đó anh Tạ bị đánh đập và mắng nhiếc, rồi được thả sau 2-3 giờ bị giam giữ.

Nhà bình luận thời sự người Hoa ở Mỹ - ông Tần Bằng (Qin Peng) đã tweet một bức tranh do cư dân mạng vẽ để tưởng nhớ người bạn học Lâm Duy Kỳ với dòng chữ - "Mẹ ơi, con đi học đây". Trong bức tranh có một cặp vô thường đen trắng đứng trong trường học, giữa bức tranh là dòng chữ “cầu Chân cầu Thực, chí Thiện chí Mỹ” (tạm dịch là tìm cầu những điều chân thực, thiện nhất chính là đẹp nhất) giống như khẩu hiệu trên cổng trường. Bên ngoài cổng là người mẹ họ Lỗ đang ôm di ảnh của con trai Lâm Duy Kỳ.

Ông Tần chỉ ra rằng cặp vô thường trắng đen trong bức tranh có thể được coi là Ủy ban Chính trị và Pháp luật, và bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính họ đã hợp tác để che giấu vụ tử vong của cậu bé Lâm Duy Kỳ. Ông Tần cũng cho biết hiện vẫn chưa liên lạc được với mẹ của Lâm, ông cho rằng có thể bà Lỗ đã bị cảnh sát bắt cóc hoặc giam lỏng.

Trên mạng còn lan truyền một câu nói: “Bạn gửi một học sinh đến gặp hiệu trưởng, và ông ấy sẽ trả lại bạn một hộp tro”.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Biểu tình trước trường trung học vì cái chết bí ẩn của nam học sinh 17 tuổi