Chính quyền Trung Quốc bị thế giới chỉ trích vì bắt giữ 53 nhân vật đối lập ở Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đây là vụ bắt giữ lớn nhất của chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến của chính quyền Hongkong kể từ khi luật an ninh hà khắc có hiệu lực. Vụ bắt giữ này đã gặp phải làn sóng phản đối và chỉ trích quốc tế.

Ngày 6/1, 53 nhà hoạt động dân chủ của Hong Kong đã bị bắt trong một chiến dịch đàn áp bất đồng chính kiến lớn nhất của chính quyền kể từ khi luật an ninh hà khắc có hiệu lực.

Họ bị bắt vì giữ vai trò trong cuộc bầu cử sơ bộ do phe dân chủ toàn quyền tổ chức trước thềm cuộc bầu cử của Hội đồng Lập pháp (LegCo) vào tháng 9 năm ngoái.

Cảnh sát cho biết, những người bị bắt chủ yếu là nam giới, độ tuổi từ 23 đến 64. Trong đó có 6 người bị cáo buộc đã tổ chức và lên kế hoạch lật đổ chính phủ, 47 người khác bị cáo buộc đã tham gia vào những hoạt động liên quan.

Cả hai nhóm tội danh đều có thể bị trừng phạt theo luật an ninh quốc gia mới do Bắc Kinh áp đặt, trong đó các tội được xác định rõ ràng như lật đổ và ly khai sẽ chịu mức án tối đa là tù chung thân.

Cảnh sát cũng đã phong tỏa số tài sản trị giá 1,6 triệu HKD (khoảng 5 tỷ đồng) liên quan đến vụ án.

Các cuộc bầu cử sơ bộ, do hiệp hội chính trị địa phương Power for Democracy (Sức mạnh của nền dân chủ) tổ chức ngày 11-12/7/2020, nhằm mục đích lựa chọn các ứng cử viên ủng hộ dân chủ triển vọng nhất để tranh cử vào cơ quan lập pháp. Phe dân chủ hy vọng sẽ giành đa số hoặc hơn 35 ghế trong Legco.

Một phụ nữ sử dụng điện thoại của mình trong khi chờ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Hongkong vào ngày 12/7/2020. (Issac Lawrence / AFP qua Getty Images)

Hơn 600.000 người Hongkong đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ này.

Cuộc bầu cử của LegCo ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 6/9/2020, nhưng sau đó nhà lãnh đạo Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã hoãn lại trong bối cảnh gia tăng dịch bệnh Covid-19 tại Hongkong.

Những người bị bắt

Trong số những người bị bắt có 13 ứng cử viên từ một cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức năm ngoái, hai học giả đã giúp tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ và một luật sư nhân quyền Hoa Kỳ.

Nhà hoạt động địa phương nổi tiếng Jimmy Sham, một trong những phó chủ tịch đảng Liên đoàn Dân chủ Xã hội địa phương và từng là người triệu tập Mặt trận Nhân quyền Dân sự CHRF, cũng bị bắt. Ông Sham đã ra tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ ở khu vực Kowloon West.

Trước khi bị bắt, luật sư nhân quyền John Clancey, công dân Mỹ bị cảnh sát đột kích vào công ty luật của ông là Ho, Tse, Wai & Partners. Ông Clancey là chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Châu Á và là thành viên hội đồng quản trị của Nhóm Luật sư Quan tâm đến Vấn đề Nhân quyền tại Hong Kong.

Steve Li Kwai-Wah, giám đốc cấp cao của cơ quan cảnh sát Hongkong, nói với báo giới trong một cuộc họp báo ngày 6/1 rằng cảnh sát đã triển khai khoảng 1.000 sĩ quan và nhân viên an ninh quốc gia để đột kích tổng cộng 72 địa điểm liên quan đến cuộc bầu cử sơ bộ trên toàn thành phố.

Ông Li cáo buộc những người bị bắt đã âm mưu "làm tê liệt" và làm gián đoạn hoạt động của chính phủ.

Ông nói rõ rằng cảnh sát sẽ không mở các cuộc điều tra đối với những người đã tham gia bầu cử sơ bộ, nhưng cũng cho biết, trong tương lai, họ có thể thực hiện thêm nhiều vụ bắt giữ khác liên quan đến vụ án.

Cảnh sát đã đến văn phòng của bốn công ty truyền thông địa phương: Next DigitalApple Daily — thuộc sở hữu của ông trùm Hong Kong Jimmy Lai; Stand News; và Hong Kong In-media, và được tống đạt lệnh khám xét yêu cầu các tài liệu liên quan đến các ứng cử viên sơ cấp. Bốn công ty này đã xuất bản các báo cáo chỉ trích việc chính quyền Hongkong đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm ngoái.

Ông Li tuyên bố, hành động của cảnh sát không ảnh hưởng đến tự do báo chí và họ chỉ muốn lấy tài liệu từ "nhân chứng" để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra của cảnh sát.

Ông Lai, một nhà hoạt động cương trực 73 tuổi bị bắt giam với cáo buộc đã cấu kết với lực lượng nước ngoài và vi phạm luật an ninh quốc gia.

Mặt trận Nhân quyền Dân sự, một tổ chức ủng hộ dân chủ nơi ông Sham là người triệu tập, đã ra tuyên bố lên án “những cáo buộc và sự bắt giữ vội vàng”.

Tổ chức này cho biết: “Bầu cử sơ bộ chỉ là một biểu hiện hợp pháp về ý chí của công chúng, theo định nghĩa của Luật Cơ bản. “Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được bầu cử và đắc cử vốn là niềm tự hào của tất cả chúng ta giờ đang bị tước bỏ”.

Phản ứng quốc tế

Tại Hoa Kỳ, một số nhà lập pháp đã thể hiện mối quan ngại của họ trên Twitter.

“Tôi sát cánh với những người đấu tranh cho tự do ở Hong Kong bởi vì Trung Quốc Cộng sản đang tiếp tục tấn công nền dân chủ”, Dân biểu Ken Buck viết.

Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn nói: “Đây là luật an ninh quốc gia hà khắc của Trung Quốc Cộng sản được thực thi và đó mới chỉ là bước khởi đầu.

Hong Kong Watch, một tổ chức phi chính phủ của Anh đã lên án Bắc Kinh trên Twitter: "Bắc Kinh một lần nữa đang phá hoại nền dân chủ của Hongkong và vi phạm các nghĩa vụ theo Tuyên bố chung Trung-Anh".

“Cộng đồng quốc tế phải đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt Magnitsky và các biện pháp trừng phạt khác chứng tỏ rằng, một cuộc tấn công vào nền dân chủ sẽ phải trả giá”, tổ chức phi chính phủ này nói thêm.

Nhóm vận động HKDC tại Washington cũng lên án vụ bắt giữ hàng loạt này trên Twitter.

“Đừng nhầm lẫn — đây là những gì chế độ độc tài và các nhà độc tài thường làm”, HKDC viết.

Nathan Law, một nhà hoạt động Hongkong hiện đang sống lưu vong ở London đã kêu gọi các quan chức châu Âu hành động.

“Để đối phó với cuộc đàn áp chính trị của Hong Kong, tôi kêu gọi Nghị viện châu Âu tạm dừng thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc và EU cần trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong là những người chịu trách nhiệm về vụ bắt giữ,” ông viết trên Twitter.

Thỏa thuận đầu tư toàn diện giữa EU và Trung Quốc vừa được ký kết ngày 30/12/2020, trong bối cảnh của những quan ngại về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Trung Quốc bị thế giới chỉ trích vì bắt giữ 53 nhân vật đối lập ở Hong Kong