Trung Quốc ban hành những hạn chế mới đối với văn học trực tuyến, kiểm duyệt các chủ đề “nhạy cảm”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đã đưa ra các quy tắc mới để thắt chặt kiểm soát đối với ngành công nghiệp văn học trực tuyến đang thịnh hành trong khi đại dịch lây lan toàn cầu.

Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc gần đây đã ban hành các quy tắc mới yêu cầu các tác giả sử dụng tên thật để xuất bản ấn phẩm của mình và các nền tảng đăng bài trực tuyến cần kiểm soát tỷ lệ đăng truyện kiếm hiệp, tiểu thuyết lãng mạn, webtoons và các chủ đề khác theo yêu cầu của cơ quan kiểm duyệt. Điều này có nghĩa là các chủ đề được coi là có lợi cho chính quyền sẽ có nhiều nội dung hơn, và các nội dung mà chính quyền không tán thành sẽ bị kiểm duyệt.

Các nền tảng xuất bản cũng sẽ cần thao túng danh sách xếp hạng của họ theo mong muốn của chính quyền, đồng thời giám sát các bình luận và tương tác của người dùng.

Tổng Cục yêu cầu tất cả các tác phẩm phải “đúng đắn về mặt chính trị, hành văn phải lành mạnh và tích cực”. Cơ quan này điều chỉnh và phân phối các ấn phẩm tin tức, sách báo, tạp chí và các ấn phẩm trên mạng internet ở Trung Quốc. Đây cùng là cơ quan cấp giấy phép xuất bản cho báo chí, sách, và các ấn phẩm khác.

Quy định này cũng yêu cầu các ban ngành xuất bản giám sát và đánh giá các nền tảng thông tin trực tuyến.

455 triệu độc giả trực tuyến

Tháng 2/2020, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cơ quan nghiên cứu trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã công bố một báo cáo về ngành công nghiệp văn học trực tuyến của Trung Quốc. Bản báo cáo cho biết, có 455 triệu người Trung Quốc - hoặc khoảng một nửa trong số 904 triệu người dùng mạng Internet của Trung Quốc - là độc giả thường xuyên của dòng văn học trực tuyến.

Báo cáo cho biết, khoảng 66% độc giả trên internet là thuộc thế hệ millennials, nhất những người sinh sau năm 1990 trở đi.

Theo báo cáo, có 17,55 triệu cây bút đã xuất bản 24,42 triệu tác phẩm văn học trực tuyến vào năm 2019, và hơn 70% trong số các nhà văn xuất bản tác phẩm đầu tay vào năm 2019 sinh sau năm 1995.

Khiếu nại

Sau khi được biết về các quy định mới được ban hành, nhiều tác giả trực tuyến ở Trung Quốc đã phàn nàn trên Weibo và các trang mạng xã hội khác của Trung Quốc.

“Các vị [chính quyền] không lo giải quyết các vấn đề cần giải quyết, mà lại đi thắt chặt kiểm soát đối với chúng tôi. Vi phạm bản quyền xảy ra thường xuyên, các nhà văn sao chép lẫn nhau. Những người trong ngành này không hề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ cũng như không trân quý thành tích của người khác”, nhà văn Jiu Geer đã viết trên Weibo vào ngày 16/6.

Một nhà văn với bút danh Hitomi lưu ý rằng hiện tại, các nhà văn trực tuyến sử dụng tên thật của họ để ký hợp đồng với các nhà xuất bản. Theo anh, không cần thiết phải sử dụng tên thật để xuất bản tác phẩm của mình.

Hàng chục nhà văn khác phàn nàn về những hạn chế mới đối với một không gian mạng vốn từ lâu đã bị hạn chế về quyền tự do ngôn luận.

Một cây bút với bút danh RRoyce nói: “Điều mà các vị [chính quyền] muốn là cầm tù suy nghĩ của người dân”.

Cây bútYuajie nói một cách mỉa mai rằng: “Tôi đề nghị các vị [chính quyền] hủy bỏ toàn bộ triết học và văn học [ở Trung Quốc] đi. Tại sao người ta viết? Hãy vứt bỏ hết từ vựng và thậm chí cả ngôn ngữ đi!”

Fuda viết trên Weibo rằng: “Ý của các vị là trong tương lai, giới văn học trực tuyến chỉ có thể viết những gì ca ngợi chủ nghĩa xã hội?”

Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đưa tin vào tháng Hai rằng, đại dịch đã buộc nhiều người phải ở nhà, để giết thời gian, hầu hết họ bắt đầu đọc các tác phẩm văn học trực tuyến.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc ban hành những hạn chế mới đối với văn học trực tuyến, kiểm duyệt các chủ đề “nhạy cảm”