Trung - Mỹ muốn thể hiện điều gì qua buổi mở màn ‘nảy lửa’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có nhà phân tích Mỹ chỉ ra rằng, buổi trình diễn mở màn của cả hai bên nhằm thể hiện lập trường cứng rắn của họ cho người dân hai nước xem. Còn học giả Trung Quốc chỉ ra rằng, màn trình diễn của các quan chức ngoại giao “chiến lang” Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là để kích động tinh thần chống Mỹ của người dân trong nước.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và quan chức ngoại giao tối cao của Trung Quốc - Dương Khiết Trì đã có màn đối đầu công khai và không chịu nhượng bộ trong bài phát biểu khai mạc trước truyền thông hôm 18/3 theo giờ địa phương.

Theo VOA, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đã phát biểu ngắn gọn rằng, các hành động của chính quyền Trung Quốc đối với Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Hoa Kỳ và uy hiếp kinh tế đối với các đồng minh của Hoa Kỳ, đều đang "đe dọa đến trật tự dựa trên quy tắc duy trì ổn định toàn cầu" và đã vượt ra ngoài phạm vi công việc nội bộ. Vì vậy, Hoa Kỳ cho rằng mình có nghĩa vụ nêu ra những vấn đề này trong cuộc họp này.

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan sau đó nói thêm rằng, không những Hoa Kỳ lo ngại về hành vi của Trung Quốc, mà còn có các đồng minh và đối tác của Mỹ, cũng như cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn. Ông nói rằng Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột, nhưng hoan nghênh "cạnh tranh sôi nổi".

Ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương ĐCSTQ, sau đó có bài phát biểu khai mạc dài hơn 10 phút. Ông cáo buộc Hoa Kỳ “lợi dụng sức mạnh quân sự và quyền bá chủ tài chính của mình để thực hiện các quyền ngoài phạm vi quyền hạn và đàn áp các nước khác”, “lạm dụng cái gọi là khái niệm an ninh quốc gia để cản trở trao đổi thương mại bình thường và xúi giục một số nước tấn công Trung Quốc”. Ông cũng chế giễu các vấn đề nhân quyền của Hoa Kỳ là "thâm căn cố đế", và "nhiều người không tin tưởng vào nền dân chủ Mỹ”. Trước những quan ngại mà Mỹ bày tỏ về Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan, ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh đây là "công việc nội bộ của Trung Quốc" và phản đối sự can thiệp của các nước khác.

Sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói thêm rằng, từ giờ Trung Quốc sẽ không chấp nhận những cáo buộc không có cơ sở từ Mỹ, và hy vọng rằng Mỹ sẽ "hoàn toàn từ bỏ hành động bá quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc".

Sau màn đấu khẩu này, Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, ngay lập tức đăng tải bài phát biểu lên án Mỹ tại địa điểm họp của ông Vương Nghị, và tránh đề cập đến các bài phát biểu của đại diện Hoa Kỳ. Một cơ quan ngôn luận khác của ĐCSTQ là Nhân dân Nhật báo cũng ngay lập tức đăng hàng loạt bức ảnh tổng hợp được chuẩn bị sẵn lên mạng xã hội ở Trung Quốc đại lục để ra sức tuyên truyền bài phát biểu khai mạc của ông Dương Khiết Trì.

Một số cư dân mạng Trung Quốc cảm thán rằng đây không phải là một cuộc đàm phán, mà là một trận chiến dư luận.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ nói với truyền thông Hoa Kỳ rằng, sau khi các phóng viên rời đi, các quan chức hai bên đã bình tĩnh lại và có một cuộc đối thoại thực chất, kéo dài hơn nhiều so với kế hoạch. Quan chức giấu tên cũng mô tả cuộc thảo luận giữa hai bên là "thực chất, nghiêm túc và trực tiếp".

Sau hai cuộc họp đầu tiên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng (Phoenix Satellite Television), hay còn được gọi là CCTV của Hong Kong, rằng buổi hội đàm diễn ra "khá suôn sẻ" và "đã thảo luận rất nhiều các vấn đề khu vực". Ông nêu rõ "vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận" trong buổi hội đàm cuối cùng.

Đánh giá từ những thông tin được tiết lộ sau cuộc gặp, hai bên có thể đã có một số trao đổi sâu trong cuộc họp kín.

Về những biểu hiện của các đại diện tham gia cuộc đàm phán cấp cao Mỹ-Trung tại Alaska, ông James Berger, đối tác của Phòng Tuân thủ và Quy định Quốc tế của Công ty Luật JLG (Jia Law Group), nói với VOA rằng cuộc gặp chủ yếu là một hình thức, và hai bên sẽ không có bất kỳ nhượng bộ lớn nào về các vấn đề quan trọng. Những người đại diện của hai bên chỉ muốn "làm cho người dân nước mình cảm thấy rằng họ trông có vẻ cứng rắn".

Ông Berger nói rằng, chính quyền ông Biden muốn làm cho người Mỹ cảm thấy rằng ông ta vẫn đang bảo vệ người lao động Mỹ và bảo vệ các giá trị quan về nhân quyền của người Mỹ. Còn ĐCSTQ có lẽ muốn thể hiện lập trường kiên định nhất có thể về các vấn đề như Đài Loan và Hong Kong, cũng như các vấn đề chính sách thương mại dưới thời chính quyền ông Trump.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do (RFA), ông Trương Dũng (Zhang Yong), học giả Quan hệ Quốc tế đến từ Thái Nguyên, Trung Quốc cho biết, sự thật đã chứng minh nhiều lần rằng các quan chức ĐCSTQ càng cứng rắn chống lại Hoa Kỳ, họ càng có thể khơi dậy cái gọi là "lòng tự hào dân tộc" ở trong và ngoài ĐCSTQ, và càng dễ khơi dậy tinh thần chống Mỹ trong nhân dân. Giờ đây, cứng rắn với thế giới bên ngoài đã trở thành "đúng đắn chính trị" của ĐCSTQ.

Cuộc hội đàm cấp cao Mỹ - Trung đã diễn ra trong hai ngày 18-19/3 theo giờ địa phương. Sau cuộc hội đàm, hai bên không ra tuyên bố chung.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung - Mỹ muốn thể hiện điều gì qua buổi mở màn ‘nảy lửa’?