Trong vòng chưa đầy 1 tháng, ông Tập Cận Bình hô hào 'chuẩn bị chiến tranh' 3 lần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vài ngày trước và một lần nữa yêu cầu chuẩn bị chiến tranh. Đây là lần thứ ba trong tháng Mười Một, lãnh đạo tối cao ĐCSTQ đề cập đến việc chuẩn bị chiến tranh.

Theo các kênh truyền thông ĐCSTQ, tại cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ diễn ra vào ngày 30/11, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu tất cả quán triệt làm theo chỉ đạo của Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, “tập trung sức mạnh để chuẩn bị chiến tranh”, v.v.

Trong vòng chưa đầy một tháng, đây là lần thứ ba ông Tập Cận Bình đề cập đến việc chuẩn bị chiến tranh.

Ngày 25/11, ông Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị huấn luyện quân sự của Quân ủy Trung ương ĐCSTQ rằng, môi trường an ninh ở Trung Quốc hiện nay đã có những chuyển biến mới, cần phải “kiên trì tập trung chuẩn bị cho chiến tranh”.

Vào ngày 13/11, các kênh truyền thông của ĐCSTQ thông báo rằng được sự chấp thuận của ông Tập Cận Bình, Quân ủy Trung ương đã ban hành Điều lệ Đại cương Tác chiến chung của quân đội (Bản thử nghiệm), có hiệu lực từ ngày 7/11. Điều lệ yêu cầu tăng cường định hướng rõ ràng "chuẩn bị cho chiến tranh".

Ngoài ra trước đó, khi ông Tập đi thị sát lực lượng Thủy quân lục chiến Triều Châu ở tỉnh Quảng Đông vào ngày 13/10, ông cũng yêu cầu Thủy quân lục chiến tập trung chuẩn bị chiến tranh; ngày 29/6, ông Tập chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị và cũng từng nhấn mạnh phải "tập trung sức mạnh để chuẩn bị cho chiến tranh".

Có phân tích cho rằng, việc ông Tập liên tục đề cập đến việc chuẩn bị chiến tranh có liên quan đến những khó khăn cả ở bên trong và bên ngoài mà ĐCSTQ đang phải đối mặt.

Vương Quân Đào: Hiện giờ quân đội không thể chiến đấu

Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), hậu duệ của lãnh đạo đời đầu ĐCSTQ và là Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ Trung Quốc, nói với Epoch Times rằng, ông Tập Cận Bình đang phải chịu áp lực khá lớn ở trong nước, vì vậy ông ta có ý định chuyển dịch mâu thuẫn ra nước ngoài, hiện tại ông ta có dã tâm phát động chiến tranh khá lớn nên ông ta phải bố trí chuẩn bị trước. Để hiện thực hóa giấc mộng xây dựng quân đội, ông Tập nhất định sẽ phải đánh một trận.

Ông Vương Quân Đào nói rằng, mốc thời gian ban đầu ông Tập định ra là tấn công Đài Loan vào năm 2027, nhưng dưới áp lực của Hoa Kỳ, thời gian sẽ được đẩy lên. Tuy nhiên, ông Vương cũng nói rằng dựa trên những hiểu biết của ông về quân đội ĐCSTQ, họ không thể khai chiến lúc này.

Ông Vương tiết lộ rằng, sau khi lên nắm quyền, ông Tập đã tiến hành thanh trừng trong quân đội. Khoảng một nửa số người được đề bạt hiện nay vốn thuộc Tập đoàn quân loại B Hạ Môn, biên chế không đủ, vũ khí lạc hậu, không có các buổi diễn tập lệ thường, họ không thể chiến đấu và chỉ có thể trông nhà cho ông Tập. Ngoài ra, một số tướng lĩnh trong quân đội rất có ý kiến ​​với ông Tập, và ông Tập cũng không dám buông quyền chỉ huy, sợ quân đội đảo chính.

Tập Cận Bình tấn công tứ phía nhưng đều thất sách

Nhà bình luận chính trị thời sự Trung Nguyên (Zhong Yuan) đã đăng bài trên tờ Epoch Times vào ngày 2/12 và nói rằng, ông Tập Cận Bình chuẩn bị chiến đấu với ai đây? Nếu khai chiến với Hoa Kỳ thì quân đội ĐCSTQ không phải là đối thủ; khai chiến ở eo biển Đài Loan thì cũng tương đương chiến đấu với quân đội Hoa Kỳ; khai chiến với Ấn Độ sẽ rơi vào thế trước mặt sau lưng đều có địch; khai chiến ở Biển Đông tương đương với việc đẩy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về phía Hoa Kỳ và có thể sẽ vấp phải phản ứng cứng rắn từ quân đội Mỹ ở Biển Đông.

Bài báo viết, đề xuất chuẩn bị chiến tranh của ông Tập có lẽ nhằm mục đích tập hợp và thể hiện sức mạnh quân sự ở bên trong hơn. Động thái tăng cường công tác chính trị trong quân đội cho thấy ông Tập ngày càng không tin tưởng vào các tướng lĩnh quân đội, và ngoài việc để ngăn chặn các cuộc đảo chính, thì còn để nắm được sức mạnh quân sự và duy trì quyền lực.

Cùng lúc đó, ông Tập Cận Bình cũng bắt đầu ra lệnh tấn công tất cả các bên trên trường quốc tế, dùng chiến lược “dĩ công vi thủ”, lợi dụng thời kỳ tố tụng pháp lý trong cuộc bầu cử Mỹ để xoay chuyển ngoại giao.

Ông Trung Nguyên nói rằng, về mặt đối ngoại, đợt xuất kích mới gần đây do ông Tập Cận Bình lên kế hoạch là lôi kéo một số quốc gia nhất định quay trở lại đứng cùng chiến tuyến với ĐCSTQ. Sau khi nhượng bộ và ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECP), ĐCSTQ tự nhận rằng họ đã kéo ASEAN trở lại.

Đồng thời, ông Tập đã cử Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tới thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, tuy hai nguyên thủ quốc gia này đã gặp ông Vương Nghị nhưng họ lại không đề cập đến việc mời ông Tập sang thăm. Trong chuyến thăm Nhật Bản, ông Vương Nghị đã cương quyết đề xuất rằng tàu Nhật Bản không được phép đến gần quần đảo Điếu Ngư. Nhật Bản đã nghiêm khắc từ chối và ngay lập tức tăng tốc tăng cường sức mạnh quân sự, bắt đầu kiểm tra nghiêm ngặt các máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất và đưa chúng vào lịch trình loại bỏ.

Bài báo nói rằng, ý đồ lôi kéo Nhật Bản của ĐCSTQ không những gặp trở ngại mà thái độ bức người vô lý của nó còn khiến Nhật Bản cảnh giác hơn nữa.

Ngoài ra, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng cho biết trong cuộc họp báo ngày 30/11 rằng, ĐCSTQ đã đặt ra thách thức an ninh rất lớn cho NATO. ĐCSTQ không có chung nhận thức về các giá trị với họ, không tôn trọng nhân quyền và đe dọa các quốc gia khác.

Tờ Financial Times đưa tin, Liên minh Châu Âu hy vọng sẽ củng cố quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ và tập trung nỗ lực để đối phó với những thách thức đến từ ĐCSTQ.

Nhà bình luận Trung Nguyên phân tích rằng, trong khi các nước phương Tây cũng đang nghiên cứu chiến lược chống lại chính quyền cộng sản Trung Quốc, và bằng chứng ĐCSTQ nhúng tay vào bầu cử Mỹ cũng đang dần bị phơi bày, thì ông Tập Cận Bình lại đánh giá sai tình hình và đi tấn công tứ phía, động thái này chắc chắn sẽ phản tác dụng. Sau canh bạc lớn này, Tổng thống Trump sẽ phát động một cuộc phản công lớn hơn nữa và các nước sớm muộn gì cũng sẽ bắt tay chống lại ĐCSTQ, chính quyền này đang lao nhanh đến ngày giải thể.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trong vòng chưa đầy 1 tháng, ông Tập Cận Bình hô hào 'chuẩn bị chiến tranh' 3 lần