Triệu Vy có phải vật hy sinh cho thế lực chính trị đứng sau ngành giải trí Hoa ngữ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngành giải trí Hoa ngữ đang đón cơn bão lớn. Nữ minh tinh Triệu Vy hiện đang là tâm điểm, tuy nhiên chính quyền Trung Quốc vẫn chưa chính thức thông báo lý do cô bị “phong sát”. Phân tích cho thấy chính quyền ông Tập đang chĩa mũi kiếm về các thế lực chính trị đứng sau thao túng giới giải trí. Liệu Triệu Vy có phải là vật hy sinh?

Cơn bão này bắt đầu bằng việc Ngô Diệc Phàm - nam minh tinh có 50 triệu người hâm mộ - bị bắt giữ; đến ngày 26/8, nữ minh tinh Triệu Vy - được mệnh danh là "Warren Buffett phiên bản nữ của Trung Quốc" - bị ‘phong sát’ ngay trong đêm; ngày 28/8, studio của hai diễn viên nổi tiếng Triệu Lệ Dĩnh và Vương Nhất Bác bị chính quyền triệu tập; nữ diễn viên Trịnh Sảng bị phạt 299 triệu nhân dân tệ (hơn 1.000 tỷ VNĐ) vì án trốn thuế.

(Ghi chú: “Phong sát” là một từ Hán Việt, có thể hiểu là lệnh cấm vận đối với các nghệ sĩ ở Trung Quốc. Bất kỳ ai dính tới “phong sát” cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt sự nghiệp, không được phép tham gia hoạt động nghệ thuật.)

Theo phân tích của nhà bình luận chính trị Lý Yên Minh (Li Yanming), hiện nay, ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc xuất hiện nhiều bê bối, liên quan mật thiết tới các nhóm tư bản quyền quý trong đảng, thế lực phe phái, đấu đá nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các yếu tố chính trị khác. Đó là một quả táo ngâm hóa chất với vẻ ngoài bóng bẩy nhưng bên trong thối nát do một tay Tập đoàn Giang Trạch Dân trồng ra. Mà kẻ đứng đầu là anh em nhà Tăng Khánh Hồng và Tăng Khánh Hoài. Hiện tại, các vụ án lớn trong làng giải trí nước này đang dần bung bét, cho thấy làn sóng thanh tẩy lần này thực sự không bình thường.

Người đứng sau Triệu Vy là nhà họ Tăng?

Sau khi Triệu Vy bị “phong sát”, vào ngày 28/8, một bức ảnh lan truyền trên mạng cho thấy Triệu Vy ôm tay một người đàn ông trung niên. Ông ta là Tăng Khánh Hoài, em trai ruột của ông Tăng Khánh Hồng - cựu Phó chủ tịch nước Trung Quốc, tay sai đắc lực của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.

Ảnh chụp chung của diễn viên Triệu Vy và ông Tăng Khánh Hoài. (Ảnh chụp màn hình)
Ảnh chụp chung của diễn viên Triệu Vy và ông Tăng Khánh Hoài. (Ảnh chụp màn hình)

Theo tạp chí "Tiền đồn" (The Frontline Magazine) của Hong Kong, ông Lý Đông Sinh (Li Dongsheng), cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, người đang thụ án trong tù, từng tuyên bố rằng "mọi thứ đều do con ác ma Tăng Khánh Hoài làm!".

Theo bài báo, ông Lý nói rằng đã gia nhập tập đoàn Chu Vĩnh Khang trong mười năm cuối sự nghiệp làm quan, ông ta thừa nhận có tội, nhưng phủ nhận bản thân là người biến Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) thành hậu cung của Trung Nam Hải. Ông Lý tức giận nói: "Nếu như nói CCTV đã trở thành một kỹ viện, thì đó cũng là công trạng của Tăng Khánh Hoài. Đây chắc chắn không phải là điều tôi muốn làm! Tăng Khánh Hoài buộc tôi phải làm việc đó".

Việc ông Tăng Khánh Hoài lợi dụng quyền lực để giở trò với các mỹ nữ trong giới văn nghệ của đã bị phanh phui từ lâu trên các kênh truyền thông Hong Kong và truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài. Ông Tăng Khánh Hoài là cựu Thanh tra đặc biệt của Bộ Văn hóa Trung Quốc, là “trùm cuối” thực sự của giới văn nghệ nước này, cũng là kẻ tạo ra “quy tắc ngầm” trong giới điện ảnh truyền hình đại lục.

Ngay từ tháng 11/2004, truyền thông Hong Kong đã đăng một bài báo với tiêu đề "Điền Thông Minh - Chủ tịch Tân Hoa Xã vạch trần sự hủ bại của Tăng Khánh Hồng và Đặng Tiểu Bình". Trong đó tiết lộ rằng Tăng Khánh Hoài là một kẻ lưu manh. Bài báo viết, Tăng Khánh Hoài chịu trách nhiệm về biểu diễn nghệ thuật trong Bộ Văn hóa, ông ta đã thành lập Công ty TNHH Ca Hoa Bắc Kinh (Beijing Gehua), sau đó niêm yết hàng trăm triệu nhân dân tệ, độc quyền dịch vụ truy cập truyền hình cáp ở Bắc Kinh, và chỉ riêng khoản này đã mang về cho ông ta hàng chục triệu nhân dân tệ mỗi năm. Sau đó, công ty Beijing Gehua CATV Network ra đời, cung cấp dịch vụ Internet và mỗi năm lại kiếm được hàng chục triệu.

Theo báo cáo trên, khả năng kiếm tiền của Tăng Khánh Hoài là "vượt trội". Vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Mao Trạch Đông có tổ chức biểu diễn sân khấu quy mô lớn, ông ta đã sắp xếp buổi biểu diễn ở Đại lễ đường Nhân dân, rồi lợi dụng mối quan hệ gia đình của mình để mời Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng và những người khác đến xem. Có rất nhiều người không tiếc bỏ ra từ 1.000 đến 3.000 nhân dân tệ để mua một tờ vé. Tăng Khánh Hoài đã kiếm được 15 triệu nhân dân tệ chỉ trong sự kiện này.

Nguồn tiền bí ẩn của Triệu Vy và chồng

Triệu Vy và người chồng giàu có Hoàng Hữu Long (Huang Youlong) đã bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt vào đầu năm 2018 vì mua lại một công ty niêm yết bằng một công ty vỏ bọc.

Sau khi vợ chồng Triệu Vy bị phạt, "Hiệp Khách Đảo" (侠客岛), kênh truyền thông mới ra mắt khi đó của tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, từng đăng bài viết nói rằng, năm 18 tuổi Hoàng Hữu Long đi làm việc ở phía nam và từng làm tài xế cho ông Hứa Tông Hoành (Xu Zongheng) - cựu Thị trưởng Thâm Quyến đã ngã ngựa. Công việc “tài xế” này đã làm dấy lên nhiều tin đồn về xuất thân và khối tài sản của ông Hoàng.

Ông Hoàng Hữu Long, sinh năm 1976 tại Vũ Hán, đăng ký và kết hôn với nữ diễn viên Trung Quốc Triệu Vy vào năm 2009. Trong những năm đầu, ông Hoàng từng tham gia vào quản lý khách sạn, các ngành nghề kinh doanh hiện tại liên quan đến quản lý bất động sản, quản lý đầu tư tài chính, tiếp thị vật liệu xây dựng, buôn bán ô tô và du lịch.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Đài Loan, phóng viên giải trí thâm niên, nhà phê bình phim nổi tiếng ở Đài Loan Mạch Nhược Ngu (Mai Ruoyu) tiết lộ rằng, trong quá trình thu mua công ty “Văn hóa Vạn Gia", Triệu Vy đã dùng số tiền 1,5 tỷ nhân dân tệ từ gia đình Giang Trạch Dân. Ông Mạch cho biết: “Triệu Vy đã chi 3,06 tỷ nhân dân tệ để mua lại 29% cổ phần của Văn hóa Vạn Gia vào năm 2016, số vốn riêng của cô ấy chỉ có 60 triệu nhân dân tệ, tỷ lệ đòn bẩy là 51 lần. Sau khi bị phạt 300.000 nhân dân tệ vào năm 2018, cô ấy không thể tham gia vào thị trường sơ cấp trong 5 năm, nghĩa là bị cấm tham gia vào thị trường chứng khoán".

"Giá trị thị trường của Vạn Gia là 10 tỷ. Cô ấy chỉ có 60 triệu, ngân hàng cho vay 1,5 tỷ, 1,5 tỷ còn lại là của người không rõ danh tính. Tất nhiên, cuộc điều tra sau đó cho thấy có liên quan đến Giang Trạch Dân. Với số tiền này, cô ấy trở thành cổ đông của công ty, tài sản của công ty này thuộc về cô ấy. Sau khi Triệu Vy mua Vạn Gia thì các nhà đầu tư cổ phiếu cũng mua theo, Vạn Gia liền có lời. Triệu Vy bị kiện vào ngày 16/4/2018 nên cuối cùng cô quyết định lặng lẽ rời khỏi cấp quản lý, nhưng vẫn nắm giữ 95% cổ phần".

Cuối năm 2016, Triệu Vy bán đi 799,3 triệu cổ phiếu Alibaba Pictures (01060) và thu về 1,3 tỷ nhân dân tệ, tỷ lệ sở hữu của cô giảm từ 8,14% xuống 4,97%. Mà tiền thân của “Alibaba Pictures” là "Huanxi Media", và Chủ tịch của nó là ông Đổng Bình (Dong Ping) - “găng tay trắng” của nhà họ Tăng. (Ghi chú: Các nhà môi giới giúp các quan chức Trung Quốc chuyển tiền mà họ tích lũy được ở trong nước đến các ngân hàng nước ngoài, đầu tư vào các doanh nghiệp quốc tế và bất động sản được gọi là “găng tay trắng”, tiếng Anh là “white gloves”).

Chuyên gia tài chính Đài Loan Uông Khiết Dân (Wang Jiemin) đặt nghi vấn trong cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Đài Loan rằng: "Triệu Vy và chồng cùng nhau đầu tư vào 36 công ty, nhưng thực tế có bao nhiêu vốn được đưa vào 36 công ty này? Nguồn vốn đứng sau 36 công ty của Triệu Vy là một dấu hỏi lớn. Số tiền này đến và đi như thế nào?”.

“Trùm cuối” từng bị 'cảnh cáo'

Trên thực tế, kể từ sau vụ Phạm Băng Băng trốn thuế và cũng bị “phong sát” vào năm 2018, ngoại giới đều cho rằng “trùm cuối” thực sự của giới văn nghệ đại lục - ông Tăng Khánh Hoài đã trở thành mục tiêu đả kích của chính quyền.

Theo phân tích trên truyền thông Đài Loan, ông Hoàng Thế Thông (Huang Shicong), một chuyên gia về các vấn đề thời sự và tài chính ở Đài Loan, nói rằng việc chính quyền Trung Quốc phạt nặng Phạm Băng Băng cũng là để trấn áp thế lực lớn nhất đang nắm quyền thao túng ngành giải trí - chính là cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng và em trai Tăng Khánh Hoài.

Ông Hoàng nói: "Kỳ thực, giới nghệ thuật Hong Kong do 3 kẻ thống trị là Đổng Bình, Tăng Khánh Hoài - em trai của Tăng Khánh Hồng, và Dương Thụ Thành (Albert Yeung) - người sáng lập Emperor Group. Ba người này đã phát triển ở đại lục từ rất sớm, cho nên giới biểu diễn nghệ thuật của Trung Quốc đại lục cũng bị họ kiểm soát. Vì vậy, các mục tiêu đằng sau vụ Phạm Băng Băng thực sự là Đổng Bình và Tăng Khánh Hoài".

Tăng Khánh Hoài trở nên có quyền thế sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Ông ta công tác tại Bộ Văn hóa Trung Quốc vào cuối những năm 1980, sau đó được thăng chức từ Sở trưởng lên làm Thanh tra đặc biệt. Năm 1995, ông ta được cử đến Hong Kong; từ năm 2003, chủ quản công việc ở Hong Kong và Ma Cao. Hơn 20 năm qua Tăng Khánh Hoài là người đứng sau thao túng ngành giải trí đại lục, Hong Kong và Ma Cao.

Ông Đổng Bình, 57 tuổi, là Chủ tịch và trùm cuối của “Huanxi Media”. Ông ta cũng từng là Chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc Văn hóa. Thông qua Đổng Bình, những người đứng đầu Tập đoàn truyền thông Huayi Brothers là Vương Trung Quân (Wang Zhongjun) và Vương Trung Lỗi (Wang Zhonglei) cũng đã kết giao được với Tăng Khánh Hoài.

Ông Hoàng Thế Thông cho rằng, tình hình phức tạp trong giới nghệ thuật Trung Quốc nằm ngoài sức tưởng tượng, không chỉ liên quan mật thiết đến quân đội, mà còn có thế lực của Giang Trạch Dân đứng đằng sau.

Chuyên gia: ĐCSTQ là nguyên nhân sâu xa

Theo nhà bình luận Lý Yên Minh, sự hỗn loạn và các bê bối trong ngành giải trí Trung Quốc là sản phẩm của cách trị quốc tham nhũng và dâm loạn của chế độ ĐCSTQ, chúng là hình ảnh thu nhỏ cho thấy sự suy đồi đạo đức xã hội ở Trung Quốc.

Ông Lý phân tích rằng, việc thanh trừng ngành giải trí là kết quả của cuộc đấu đá nội bộ khốc liệt trong đảng. Nó là quá trình sụp đổ hệ tư tưởng và giải thể vòng tròn lợi ích giữa chính trị gia và thương nhân. Mà nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng này lại chính là ĐCSTQ. Khi ngành công nghiệp giải trí và hệ thống tuyên truyền của ĐCSTQ được thanh tẩy, làm thế nào để cải thiện đạo đức xã hội và xây dựng lại hệ thống văn hóa sẽ là một vấn đề mà mọi tầng lớp nhân dân ở Trung Quốc cần phải đối mặt, suy nghĩ và giải quyết. Nó cũng sẽ là quá trình tan rã của ĐCSTQ và dẫn đến những thay đổi sâu sắc ở nước này.

Đông Phương

Theo Vision Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Triệu Vy có phải vật hy sinh cho thế lực chính trị đứng sau ngành giải trí Hoa ngữ?