Trung Quốc cố gắng ‘tút’ lại hình ảnh sau ‘tai tiếng‘ che đậy thông tin dịch viêm phổi Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những xử lý sai lầm của Bắc Kinh về vấn đề dịch viêm phổi Vũ Hán đã khiến virus Corona Vũ Hán lây lan, mất kiểm soát trong Trung Quốc và trên toàn cầu.

Sau khi tuyên bố rằng số ca nhiễm COVID-19 mới ở mức thấp và dịch bệnh đã được kiểm soát tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cung cấp cho các quốc gia khác vật tư y tế cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona Vũ Hán. Tuy nhiên, sự giúp đỡ đó dường như không “tốt đẹp” như chúng ta nghĩ.

Ngày 20/3, Jak Jakub Jakóbowski, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Đông phương tại Ba Lan, cho biết, các lô hàng viện trợ vật tư y tế của Trung Quốc cho một số quốc gia trên thế giới đều “đi kèm với chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên truyền thông Anh ngữ và truyền thông xã hội, cũng như các hoạt động ngoại giao lôi kéo sự tham gia của giới chức chính trị ở những quốc gia nhận viện trợ và cộng đồng địa phương”.

Ông Jakóbowski cho biết, thông thường, thông điệp của Trung Quốc rất mập mờ về việc các lô hàng này là hàng thương mại hay là hàng viện trợ. Họ mô tả chúng là hàng “hỗ trợ” hay hàng “trợ giúp” được gửi đến các nước, khiến dư luận hiểu lầm.

Ví dụ, truyền thông Trung Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio không đưa ra khái niệm rõ ràng giữa hàng viện trợ của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, bao gồm 50 máy trợ thở; và hợp đồng do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước là Vương Nghị và Di Maio đàm phán, để mua 1.000 máy trợ thở cho Bệnh viện Ý và các vật tư y tế khác.

Một người đàn ông nhận hỗ trợ trước bệnh viện Cremona, miền Bắc Italy, vào ngày 4/3/2020. (Miguel Medina / AFP qua Getty Images)
Một người đàn ông nhận hỗ trợ trước bệnh viện Cremona, miền Bắc Italy, vào ngày 4/3/2020. (Miguel Medina / AFP qua Getty Images)

Ngày 12/3, Reuters đưa tin, Trung Quốc đã gửi khoảng 33 tấn thiết bị y tế, bao gồm khẩu trang và mặt nạ phòng độc đến Ý bằng máy bay. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ những hàng hóa này là hàng viện trợ hay hàng thương mại.

Theo Reuters, lô hàng do Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc - tổ chức do Đảng Cộng sản Trung Quốc tài trợ và giám sát, được vận chuyển đến Ý và có 9 nhân viên y tế Trung Quốc theo hộ tống.

Ý, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch viêm phổi Vũ Hán ngoài Trung Quốc, là quốc gia G7 đầu tiên và duy nhất ký quyết định về “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (còn được gọi là “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường”) của Trung Quốc.

Điều này bao gồm các hoạt động ngoại giao và tuyên truyền khác của Trung Quốc, nhằm mục đích xây dựng hình ảnh Trung Quốc tại Châu Âu, cũng như quyền lực mềm của ĐCSTQ, ông Jakóbowski cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Chính quyền Trung Quốc ‘bịt miệng’dư luận

Ông Jakóbowski nói rằng sự quyên góp của Trung Quốc được Bắc Kinh sử dụng để làm dịu đi sự thật rằng Bắc Kinh không có bất kỳ hành động nào để cảnh báo công chúng về dịch virus, cũng như ngăn chặn sự lây lan của virus Corona Vũ Hán. Ông cũng nói rằng ĐCSTQ đã không hành động vào tháng 1/2020 để ngăn hàng triệu người rời Vũ Hán vào dịp Tết Nguyên đán, dẫn đến sự bùng phát COVID-19 trên toàn thế giới.

Ngoài ra, ĐCSTQ còn cố gắng “diệt khẩu” các công dân Trung Quốc khi họ tiết lộ sự thật về sự bùng phát dịch bệnh.

Lý Văn Lượng, một bác sĩ nhãn khoa tại bệnh viện Vũ Hán, là một trong những người đầu tiên đăng thông tin trên mạng xã hội về sự bùng phát của một bệnh viêm phổi lạ giống SARS. Sau khi bài viết được lan truyền, bác sĩ Lý đã bị cảnh sát địa phương triệu tập và khiển trách vì “phao tin đồn nhảm”. Sau đó, anh buộc phải ký một “bản hối thư”, trong đó hứa sẽ không thực hiện những hành vi như vậy nữa. Bác sĩ Lý nhiễm virus Vũ Hán trong khi điều trị cho bệnh nhân và qua đời 6 ngày sau đó.

Một bác sĩ khác là Ai Fen, trưởng khoa cấp cứu của bệnh viện Vũ Hán, là người đầu tiên cung cấp báo cáo chẩn đoán cho bác sĩ Lý. Cô đã nhận ra rằng virus lạ này có thể lây nhiễm và yêu cầu tất cả các nhân viên trong khoa đeo khẩu trang y tế. Mặc dù cảnh sát không truy lùng bác sĩ Ai, cô đã bị cấp trên phê bình gay gắt về việc này.

Nhiều nhà báo dân chủ ở Vũ Hán cũng lên tiếng cảnh báo cho công chúng về dịch virus viêm phổi Vũ Hán. Phương Bân, một nhân viên bán quần áo ở Vũ Hán, đã bị những người đàn ông đeo mặt nạ đưa đến đồn cảnh sát sau khi ông đăng một đoạn video về 8 xác chết trên xe tải đậu bên ngoài bệnh viện. Ông Phương đã tường thuật lại vụ việc cho cộng đồng mạng, và sau đó 2 tuần, ông đã mất tích.

Doanh nhân Nhậm Chí Cường cũng mất tích sau khi ông này đăng trên mạng bài viết chỉ trích chính quyền về cách xử lý dịch viêm phổi Vũ Hán và những thông tin nhạy cảm về sự bùng phát dịch bệnh.

The Epoch Times cũng đã ghi lại nhiều câu chuyện về các nhà báo dân chủ ở Trung Quốc “bị diệt khẩu” vì đã cố gắng cảnh báo cho công chúng về dịch bệnh COVID-19.

Serbia nhận được khẩu trang y tế như thế nào?

Tổng thống Serbia Serbia, ông Alexandar Vucic tham dự một cuộc họp báo ở Berlin, Đức, vào ngày 13/4/2018. (Axel Schmidt / File Photo / Reuters)
Tổng thống Serbia Serbia, ông Alexandar Vucic tham dự một cuộc họp báo ở Berlin, Đức, vào ngày 13/4/2018. (Axel Schmidt / File Photo / Reuters)

Tổng thống Serbia, ông Aleksandar Vučić, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 15/3/2020 rằng ông đã gửi thư cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để yêu cầu trợ giúp về vật tư y tế cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán, sau khi Liên minh Châu Âu thông qua một yêu cầu mới về việc xuất khẩu vật tư y tế cho các quốc gia ngoài EU, nhằm đảm bảo nguồn cung trong nội bộ EU.

Phản ứng của châu Âu đối với dịch viêm phổi Vũ Hán là: Bảo vệ sức khỏe của mọi người và đảm bảo rằng hàng hóa vẫn lưu thông ở thị trường nội bộ.

Văn phòng của ông Vučić cho biết: “Cả thế giới và cả châu Âu đều không có sự đoàn kết lớn”, khi đề cập đến quy định của EU về giấy phép xuất khẩu vật tư y tế ngoài EU.

Tờ Balkan Insight cho biết, trong bức thư gửi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Vučić đã yêu cầu Bắc Kinh gửi cho Serbia “tất cả mọi thứ”, thậm chí cả đội ngũ bác sĩ.

Ông Vučić nói rằng Serbia đã mua 5 triệu khẩu trang từ Trung Quốc và đang mua mặt nạ phòng độc mới.

Vào ngày 16/3/2020, tờ Telegraph đưa tin rằng Serbia đã nhận được hàng loạt bộ kit xét nghiệm virus Corona Vũ Hán do Quỹ từ thiện Mammoth tại Thâm Quyến viện trợ.

Lô vật tư y tế thứ hai và đoàn chuyên gia y tế từ Trung Quốc đã đến Serbia vào ngày 21/3/2020. Sau khi các chuyên gia Trung Quốc tới Serbia, ông Vučić đã thay đổi kế hoạch ứng phó của Serbia với đại dịch theo mô hình của Trung Quốc, theo báo cáo của nhà nghiên cứu Eleanor Albert trên tạp chí The Diplomat.

Ông Albert cho biết, Serbia sẽ thực hiện xét nghiệm quy mô lớn trên dân số của mình và ngay lập tức cách ly các trường hợp nhiễm COVID-19 nhẹ tại các bệnh viện dã chiến; chuyển những ca nghiêm trọng hơn tới bệnh viện. Những trường hợp vi phạm các quy định cách ly xã hội và lệnh giới nghiêm sẽ phải đối mặt với án tù từ 3 đến 12 năm.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rộng rãi rằng ông Vučić ca ngợi Trung Quốc về cách ứng phó của họ và hôn lá cờ ĐCSTQ để thể hiện sự đánh giá cao của ông, cũng như sự bất mãn của ông Vučić đối với phản ứng của EU.

Ông viết: “Rõ ràng Trung Quốc đang ‘sửa sai’ ở cả trong nước và quốc tế về hậu quả của dịch bệnh. Đây chính là động lực chính đứng đằng sau những tuyên truyền và tiếp tế vật tư cho nước ngoài của họ”.

Đầu tháng 4/2020, Cao Ủy “Cơ quan Đối ngoại Châu Âu” Olivér Várhelyi đã công bố gói hỗ trợ cho Serbia trị giá 93 triệu euro (102,6 triệu đô la Mỹ), bao gồm 15 triệu euro (16,5 triệu đô la Mỹ) cho việc mua và vận chuyển vật tư y tế và 78 triệu euro (86 triệu đô la Mỹ) để phục hồi nền kinh tế, theo một tuyên bố từ phái đoàn EU đến Serbia.

Đến ngày 29/3/2020, Serbia đã nhận được hai lô hàng vật tư y tế, trong đó một lô hàng từ Trung Quốc gồm một phần được Trung Quốc viện trợ và một phần do Serbia mua, theo Tạp chí CorD. Lô hàng khác đến từ Ấn Độ do EU viện trợ hoàn toàn.

Năm 2009, Serbia đệ đơn đăng ký làm thành viên EU, và từ năm 2012 đến nay Serbia đã tham gia EU với tư cách là ứng cử viên (nhưng vẫn chưa trở thành thành viên chính thức).

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ đã viện trợ cho thế giới 274 triệu đô la Mỹ để đối phó với đại dịch COVID-19, trong đó 1,2 triệu đô la được viện trợ cho Serbia vào ngày 27/3/2020.

Theo tin từ Reuters, Bắc Kinh đã gia hạn các khoản vay trị giá hàng tỷ đô la Mỹ dùng để xây dựng đường sắt, đường bộ và nhà máy điện ở Serbia. Những dự án này chủ yếu sử dụng công nhân từ Trung Quốc, và đầu tư vào việc mua mỏ đồng và một nhà máy thép của Serbia.

Serbia là nước tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), và đã ký một thỏa thuận với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei để thiết lập một hệ thống giám sát kỹ thuật số có tên là “Thành phố An toàn” tại một số thành phố của Serbia. bao gồm cả thủ đô Belgrade của đất nước này, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Hoa Kỳ cho biết.

Iran nhận ‘tiếp tế’ vật tư y tế từ Trung Quốc

Các công nhân khử trùng đền thờ Shiite Saint Imam Abdulazim nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona mới ở Shahr-e-Ray, phía Nam của Tehran, Iran, vào ngày 7/3/2020. (Ảnh Ebrahim Noroozi / AP)
Các công nhân khử trùng đền thờ Shiite Saint Imam Abdulazim nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona mới ở Shahr-e-Ray, phía Nam của Tehran, Iran, vào ngày 7/3/2020. (Ảnh Ebrahim Noroozi / AP)

Ngày 29/2/2020, phái đoàn Chữ thập đỏ Trung Quốc đã đến Iran cùng “gói viện trợ nhân đạo bao gồm 50.000 bộ dụng cụ xét nghiệm và chẩn đoán, và 13 máy hô hấp”, theo tạp chí The Wall Street.

Trung Quốc có quan hệ đối tác chiến lược với Iran, và từng giúp nước này lách luật trừng phạt của Mỹ. Iran đã nhập khẩu những hàng hóa bị cấm vận từ Trung Quốc trong khi tiếp tục bán dầu cho chính quyền Trung Quốc. Đến cuối tháng 2/2020, Iran vẫn cho phép các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran nhằm cắt giảm từ nước này những khoản “viện trợ cho các nhóm khủng bố, tài trợ cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, làm giàu cho các nhà lãnh đạo của Iran từ doanh thu của đất nước”, Nhà Trắng cho biết.

Sự hỗ trợ của thế giới đối với Trung Quốc

Nhân viên y tế đang chăm sóc các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ của virus COVID-19 trong một trạm xá tạm thời được thiết lập tại một sân vận động thể thao ở Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 18/2/2020. (STR / AFP qua Getty Images)
Nhân viên y tế đang chăm sóc các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ của virus COVID-19 trong một trạm xá tạm thời được thiết lập tại một sân vận động thể thao ở Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 18/2/2020. (STR / AFP qua Getty Images)

Tờ South China Morning Post cho biết, khi virus lây lan khắp Trung Quốc vào tháng 1/2020, khẩu trang y tế và các vật tư y tế cần thiết khác đã trở thành mặt hàng quý giá và khan hiếm ở Trung Quốc.

Một số quốc gia và các tổ chức quốc tế vội vàng quyên góp khẩu trang cho Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản và các thành phố lớn cùng các tập đoàn và cá nhân đã viện trợ khẩu trang, vật tư y tế hoặc tiền cho Trung Quốc. Theo cơ quan nghiên cứu Brookings, công ty Ito-Yokado của Nhật Bản đã quyên góp hơn 1 triệu khẩu trang cho Trung Quốc. Tin tức từ Catholic News Service cũng cho biết Vatican cũng viện trợ 600.000-700.000 khẩu trang y tế cho một số tỉnh của Trung Quốc.

UNICEF đã viện trợ 6 tấn vật tư y tế bao gồm khẩu trang và đồ bảo hộ đến Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 1/2020. Hoa Kỳ viện trợ “gần 17,8 tấn vật tư y tế cho người dân Trung Quốc, bao gồm khẩu trang, áo choàng, bông gạc, mặt nạ phòng độc và các vật liệu quan trọng khác”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết. “Đồng thời, các doanh nghiệp tư nhân Hoa Kỳ cũng viện trợ hàng trăm triệu USD”.

Theo Reuters, ngày 1/2/2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường yêu cầu EU tạo điều kiện cho Trung Quốc được mua sắm khẩn cấp các vật tư y tế từ các nước thành viên, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Trong ba tuần sau đó, hơn 30,5 tấn thiết bị bảo hộ cá nhân được gửi đến Trung Quốc từ Pháp, Đức, Ý, Latvia và Estonia. Theo một tuyên bố của Ủy ban châu Âu, chi phí vận chuyển được tài trợ bởi Ủy ban Châu Âu và Cơ quan Bảo vệ Công dân EU.

Ông Jakóbowski cho biết tính đến ngày 20/3/2020, các thiết bị vật tư y tế Trung Quốc cung cấp cho các nước châu Âu là không thể so sánh được với sự hỗ trợ mà họ nhận được từ Liên minh châu Âu. Ông lưu ý thêm rằng đối với các thiết bị y tế tiên tiến hơn, Trung Quốc sẽ không viện trợ những mặt hàng này, mà châu Âu phải mua từ Trung Quốc. Hàng viện trợ của Trung Quốc chủ yếu là khẩu trang y tế và bộ kit xét nghiệm COVID-19 là do Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, hoặc Quỹ Alibaba của ông Jack Ma, một tỷ phú người Trung Quốc thực hiện.

Trung Quốc chiếm hữu các nhà máy sản xuất khẩu trang nước ngoài

Một công nhân sản xuất khẩu trang y tế tại một nhà máy ở Thanh Đảo, Trung Quốc, ngày 6/2/2020. (STR / AFP qua Getty Images)
Một công nhân sản xuất khẩu trang y tế tại một nhà máy ở Thanh Đảo, Trung Quốc, ngày 6/2/2020. (STR / AFP qua Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 23/2/2020 với Fox News, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết, chính quyền Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu mặt nạ N95 ở Hoa Kỳ khi họ hạn chế công ty 3M - một công ty của Mỹ ở Trung Quốc chuyên sản sản xuất loại khẩu trang này, xuất khẩu mặt hàng này ra khỏi Trung Quốc.

“Trung Quốc đã quốc hữu hóa một nhà máy của Hoa Kỳ đặt tại Trung Quốc chuyên sản xuất khẩu trang N95”, ông nói.

Tháng 1/2020, công ty Respilon, một công ty của Cộng hòa Séc chuyên sản xuất khẩu trang y tế ở Trung Quốc, đã nhận được thông báo từ chính phủ Trung Quốc về việc cấm xuất khẩu khẩu trang. Giám đốc điều hành Respilon, ông Roman Zima nói với tờ báo Novinky rằng chính quyền Trung Quốc đã sử dụng nhà máy của Respilon để sản xuất khẩu trang cho riêng Trung Quốc.

Giám đốc quản lý của Respilon, Jana Zimova nói với tờ The Epoch Times, rằng chính quyền Trung Quốc đã tịch thu 750.000 khẩu trang của Respilon, và đang cất giữ trong kho ở Trung Quốc.

Bà Zimova nói: “Công ty đã thu hồi lại 120.000 trong số khẩu trang này, để chuyển về Cộng Hòa Séc và tặng 50.000 cho các tổ chức từ thiện và chính phủ Séc. Phần còn lại của chúng tôi hiện vẫn ở Trung Quốc”.

Công ty Respilon tạm thời chuyển hoạt động sản xuất khẩu trang sang Thổ Nhĩ Kỳ. Vào giữa tháng 5/2020, họ sẽ chuyển toàn bộ nhà máy về Séc, và sẽ sản xuất khẩu trang có khả năng lọc 99,9% tất cả các loại virus và vi khuẩn, bà Zimova cho biết trong một cuộc họp báo.

Thời báo New York Times đã báo cáo rằng một nửa số khẩu trang trên thế giới đã được sản xuất tại Trung Quốc trước khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát. Sau đó, Trung Quốc đã tăng sản lượng sản xuất khẩu trang lên gấp 12 lần.

Bùi Đức

-Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc cố gắng ‘tút’ lại hình ảnh sau ‘tai tiếng‘ che đậy thông tin dịch viêm phổi Vũ Hán