Toàn tỉnh bước vào ‘trạng thái thời chiến’, dịch bệnh ở Vân Nam có thực sự bình thường?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thành phố Thuỵ Lệ ở Vân Nam đã bị phong toả sau khi có 2 trường hợp được chẩn đoán nhiễm viêm phổi Vũ Hán. Hôm 19/9, toàn bộ tỉnh Vân Nam bước vào ‘trạng thái thời chiến’. Phản ứng kỳ lạ của chính quyền tỉnh khiến ngoại giới không khỏi nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại Vân Nam.

Trước đó có thông tin rằng thành phố Thuỵ Lệ đã xây dựng xong bệnh viện dã chiến, chuyên gia dịch tễ Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) - lãnh đạo nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cũng đã đến đó để tham gia chống dịch.

Theo trang web của chính quyền tỉnh Vân Nam, ban chỉ huy nhóm lãnh đạo công tác về ứng phó dịch bệnh của chính quyền tỉnh và tỉnh ủy Vân Nam đã tổ chức một cuộc họp chuyên đề qua video hôm 19/9. Cuộc họp yêu cầu các cấp và địa phương toàn diện bước vào trạng thái ‘thời chiến’ và không được lơ là trong việc kiểm soát tình hình người đến và đi ở địa phương.

Theo thông báo từ chính quyền tỉnh Vân Nam, sau khi phong tỏa thành phố Thuỵ Lệ, cả tỉnh Vân Nam chỉ tăng thêm 4 ca nhiễm mới trong các ngày 15, 16 và 20/9. Điều đáng chú ý là, có rất nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc có số ca nhiễm mới nhiều hơn hẳn tỉnh Vân Nam, như trong các ngày từ 16-20/9, Thượng Hải lần lượt tăng 4, 12, 2, 4, 2 ca, tỉnh Quảng Đông cũng lần lượt tăng thêm 1, 3, 5, 4, 3 ca. Tuy nhiên, các tỉnh thành có thêm nhiều ca nhiễm mới này lại không có hành động gì lớn. Do đó, việc chính quyền tỉnh Vân Nam đột ngột công bố toàn tỉnh bước vào trạng thái ‘thời chiến’ khiến ngoại giới không khỏi đặt ra nghi vấn.

Sau khi hai trường hợp nhiễm bệnh nhập cảnh từ nước ngoài vào được công bố tại Thuỵ Lệ, Vân Nam hôm 14/9, chính quyền tỉnh này đã tiến hành phong tỏa thành phố từ 10h đêm hôm đó và yêu cầu xét nghiệm toàn thành phố từ 8h30 sáng ngày 15/9, đồng thời thực hiện ‘quản lý cách ly khép kín’ đối với 190 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân và 1560 cư dân sống tại một khu dân cư.

Có thông tin cho biết, tối hôm phong tỏa thành phố Thuỵ Lệ, thành phố Đại Lý còn điều động hơn 200 nhân viên y tế đến Vân Nam trợ giúp ngay trong đêm. Theo thông tin, chuyên gia dịch tễ Trung Nam Sơn cũng đã đến Vân Nam để kiểm tra dịch bệnh.

Theo truyền thông chính thức của địa phương đưa tin, bệnh viện dã chiến của thành phố Thuỵ Lệ đã được xây dựng xong ngay trong hôm thành phố bị phong tỏa. Theo video được lan truyền trên mạng, ước tính có hàng nghìn giường bệnh trong bệnh viện dã chiến.

Động thái này của chính quyền địa phương khiến nhiều người không khỏi nghi vấn, nếu chỉ vài người nhiễm bệnh, thì sao lại cần đến nhiều nhân viên y tế và bệnh viện dã chiến lớn như vậy? Cũng có không ít cư dân mạng lo lắng chia sẻ rằng: “Xuất hiện bệnh viện dã chiến, khẳng định không phải chuyện đơn giản rồi!".

“Rốt cuộc nghiêm trọng như thế nào? Tuyệt đối đừng giấu giếm”.

“Tiếp tục lừa dối như vậy chỉ khiến toàn thế giới thêm bi thảm”.

Trớ trêu thay, trước khi phong tỏa thành phố Thuỵ Lệ không lâu, chính quyền Trung Quốc vừa tổ chức Đại hội biểu dương công tác chống dịch toàn quốc và tất cả các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều tham dự. Ông Tập đã trực tiếp trao thưởng cho 1500 ‘cá nhân tiên tiến’, 500 ‘tập thể tiên tiến’, 200 đảng viên trên toàn quốc và 150 đại diện tổ chức đảng. Tuy nhiên, ‘người tố cáo’ về bệnh dịch lần này - bác sĩ Lý Văn Lượng, lại không có tên trong danh sách khen thưởng. Ngay sau khi đại hội biểu dương diễn ra không lâu, các tỉnh thành như Thuỵ Lệ ở tỉnh Vân Nam, Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô, tỉnh Hà Nam, v.v. đều lần lượt xuất hiện các ca nhiễm mới. Trong đó thành phố Thuỵ Lệ ở Vân Nam đã bị phong toả từ hôm 14/9 và toàn tỉnh hiện đang trong trạng thái 'thời chiến'.

Ngọc Trân

Theo Secretchina.com



BÀI CHỌN LỌC

Toàn tỉnh bước vào ‘trạng thái thời chiến’, dịch bệnh ở Vân Nam có thực sự bình thường?