Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: Bắc Kinh cần phải trả tự do ngay lập tức nhà báo công dân đưa tin về virus

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), một tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ, đang kêu gọi chính quyền Trung Quốc trả tự do cho 3 nhà hoạt động xã hội và 2 nhà báo công dân đang bị giam giữ. Họ là những người đã cố gắng phổ biến thông tin về đợt bùng phát virus Corona Vũ Hán (COVID-19) tại Trung Quốc.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 27/4, bà Vương Á Thu (Wang Yaqiu), nhà nghiên cứu Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Trong khi Bắc Kinh đang dốc sức đẩy mạnh tuyên truyền trên toàn thế giới để thổi phồng “thành công” của họ về việc ‘dập tắt’ COVID-19, họ cũng đồng thời ‘dập tắt’ tất cả những báo cáo độc lập về đại dịch này”.

Bà Vương nói thêm: “Có quá nhiều thông tin về virus Corona ở Trung Quốc sẽ không bao giờ được tiết lộ, bởi vì chính quyền Trung Quốc đã không ngừng bịt miệng những ai cố gắng chia sẻ những thông tin mang tính chỉ trích.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết các nhà chức trách Trung Quốc cần phải trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho 3 nhà hoạt động xã hội: anh Chen Mei, Cai Wei và một phụ nữ tên Tang, là bạn gái của Cai Wei.

Chen Mei và Cai Wei là những tình nguyện viên của một dự án tên là Terminus 2049, một dự án chuyên lưu trữ các tài liệu bị kiểm duyệt từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc trên nền tảng lập trình mã nguồn mở Github. Nền tảng này không bị chặn bởi kiểm duyệt Internet tại Trung Quốc.

Theo HRW, trong những tháng vừa qua, hai người họ đã “đăng những thông tin bài viết, phỏng vấn và thông tin tài khoản cá nhân” liên quan đến sự bùng phát virus Corona Vũ Hán trên nền tảng Github.

Vào ngày 19/4, cả ba người họ đã bị bắt tại Bắc Kinh. Cai Wei và Tang đã bị buộc tội “đưa ra những thông tin gây tranh cãi và kích động hỗn loạn”, một cáo buộc phổ biến mà chính quyền Trung Quốc thường sử dụng để chống lại những người bất đồng chính kiến.

HRW cho biết hai người họ đã bị giam giữ với hình thức “giám sát cư trú tại địa điểm chỉ định”, một hình thức giam giữ chỉ có ở Trung Quốc, trong đó cảnh sát có thể giam giữ phạm nhân tại một địa điểm không được công bố trong thời gian lên đến 6 tháng.

Vào ngày 20/4, anh trai của Chen Mei là Chen Kun đã nói với tờ Reuters rằng em trai anh đang “hợp tác trong một cuộc điều tra”.

HRW thông báo rằng sau khi 3 người họ bị giam giữ, trang web của dự án Terminus 2049 đã bị chặn truy cập ở Trung Quốc Đại Lục.

Vào năm 2015, trang web Github đã bị sập trong một thời gian ngắn bởi một cuộc tấn công mạng. Theo báo cáo của NPR (một tổ chức phi lợi nhuận tại Hoa Kỳ), nguyên nhân sau đó được tìm ra xuất phát từ công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc China Unicom. Tại thời điểm đó, Github đang phát triển một phần mềm chống kiểm duyệt, được thiết kế để ‘vượt tường lửa’ tại Trung Quốc.

HRW đồng thời cũng kêu gọi trả tự do cho hai nhà báo công dân, những người đã làm tư liệu về dịch bệnh tại trung tâm thành phố Vũ Hán khi dịch bệnh lần đầu bùng phát.

Trần Thu Thực (Chen Qiushi), 34 tuổi, một nhà báo công dân và là cựu luật sư, đã đến Vũ Hán vào ngày 24/1. Anh sau đó đã đăng hơn 100 bài viết trên tài khoản Youtube và Twitter. Mẹ của Trần cho biết anh đã mất tích từ ngày 7/2.

Phương Bân (Fang Bin), 47 tuổi, làm nghề bán quần áo ở Vũ Hán, đã chia sẻ những video tại những bệnh viện ở Vũ Hán, và đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ vào ngày 10/2.

HRW cho biết “đã không có thông tin gì về hai người họ và khả năng cao là họ đã bị giam giữ phi pháp”.

Vào tháng 4, một nhà báo công dân khác tại Vũ Hán, Lý Triết Hoa (Li Zuhua), đã xuất hiện trở lại sau khi mất tích gần 2 tháng. Trong một video trên youtube, Lý cho biết anh đã bị ép phải đi cách ly.

Theo một thông cáo báo chí vào ngày 1/4, gần đây đại diện Hoa Kỳ Jim Banks đã gửi một bức thư đến Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, yêu cầu điều tra vụ mất tích của ba nhà báo công dân Trung Quốc.

Ông Banks cho biết: “Hoa Kỳ nên áp dụng các chính sách nhằm tăng áp lực ngoại giao với Chính phủ Trung Quốc để biết được thông tin về những nhà báo này và đảm bảo sự an toàn của họ”.

Bà Vương Á Thu từ HRW cho biết: “Việc thiếu thông tin tự do về COVID-19 tại Trung Quốc đã góp phần gây nên đại dịch toàn cầu”.

Hồi tháng 3, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (Reporters Without Borders), đã xếp hạng Trung Quốc đứng thứ 177/180 trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2020. Tổ chức này cũng khẳng định rằng đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã có thể tránh được nếu chính quyền Trung Quốc đã không che giấu những thông tin quan trọng trong những ngày đầu bùng phát.

Bắc Kinh đã “bịt miệng” 8 bác sĩ trong đó có bác sĩ Lý Văn Lượng khi họ cố gắng cảnh báo người dân trên mạng xã hội về một chủng virus viêm phổi mới tại Vũ Hán vào những ngày cuối năm 2019.

Bà Vương kết luận rằng: “Chính phủ các nước cần gây áp lực cho Bắc Kinh, yêu cầu họ thả tự do ngay lập tực cho những nhà hoạt động xã hội và nhà báo công dân đang bị giam giữ”.

Quang Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: Bắc Kinh cần phải trả tự do ngay lập tức nhà báo công dân đưa tin về virus