Tin tặc vạch trần danh sách những người Mỹ bị Trung Quốc theo dõi, bao gồm nhân viên của Apple, Microsoft

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ New York Post đưa tin hôm 7/4 rằng, sau khi thâm nhập vào kho cơ sở dữ liệu an ninh của Cục Cảnh sát Thượng Hải, nhóm tin tặc đã tiết lộ dữ liệu nội bộ cho Công ty An ninh Mạng Úc "Internet 2.0". Nội dung dữ liệu cho thấy, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành theo dõi đối với hàng nghìn người Duy Ngô Nhĩ, những quản lý cấp cao của các công ty lớn như Apple, Microsoft , Pfizer, v.v. thậm chí là cả những du khách thông thường.

Thông tin cá nhân của 697 công dân Mỹ bị ghi lại một cách đặc biệt

Danh sách bị theo dõi bao gồm các thông tin cá nhân như tên, ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu, v.v. của 697 công dân Mỹ. Những người này bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) theo dõi khi nhập cảnh vào Sân bay Quốc tế Phố Đông, Thượng Hải từ năm 2018 đến năm 2020.

Nữ ca sĩ Ashanti Douglas, người từng đoạt giải Grammy vào năm 2003 cũng có tên trong danh sách bị theo dõi, cô đã đến Trung Quốc vào năm 2018.

Đặc biệt, một số quản lý cấp cao của các công ty lớn như Apple, Microsoft, GE Healthcare, Pfizer, Merrill Lynch, v.v. cũng có tên trong danh sách. Ngoài ra còn có các nhân viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các nhà làm phim tài liệu thường xuyên đến Hàn Quốc, và nhiều học giả, bao gồm cả một quản lý cấp cao của Đại học New York ở Thượng Hải.

ĐCSTQ coi thường nhân quyền, tất cả những người nhập cảnh đều có thể bị theo dõi

Internet 2.0, Công ty An ninh Mạng Úc đầu tiên đưa tin công khai các thông tin liên quan, cho biết, hồ sơ theo dõi của Cục Cảnh sát thành phố Thượng Hải cho ngoại giới thấy rằng, Trung Quốc đang sử dụng công nghệ để thiết lập hệ thống giám sát, nhằm kiểm soát an ninh quốc gia. Công ty Internet 2.0 nói rằng, hệ thống theo dõi bị vạch trần lần này cho thấy tham vọng thu thập dữ liệu của chính quyền Trung Quốc, đồng thời chỉ trích Trung Quốc xâm phạm quyền riêng tư.

Tờ New York Post chỉ ra rằng, mặc dù Mỹ hoặc các quốc gia khác cũng giám sát chặt chẽ những kẻ tình nghi khủng bố hoặc tội phạm nghiêm trọng, nhưng Trung Quốc còn thu thập và lưu trữ dữ liệu của cả những du khách thông thường. New York Post nói rằng, đến nay họ vẫn không hiểu tại sao Trung Quốc lại ghi lại dữ liệu của gần 700 công dân Mỹ. Bài báo dẫn lời các chuyên gia chỉ ra rằng, hiện vẫn chưa thể khẳng định Trung Quốc rốt cuộc cố ý chọn đối tượng để theo dõi, hay chỉ là một phần trong kế hoạch theo dõi trên diện rộng của họ. Bà Samantha Hoffman, một nhà phân tích cấp cao của Viện Chính sách Chiến lược Úc nói rằng, tất cả những người nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc đều có thể bị theo dõi.

Trước đó, truyền thông Úc và Anh cũng dẫn thông tin do "Internet 2.0" cung cấp, chỉ ra rằng, hơn 100 công dân ở hai khu vực đã bị Trung Quốc ghi lại thông tin cá nhân, bị nghi là đưa vào danh sách theo dõi. Ngoài ra, Trung Quốc còn liệt 8.000 người Duy Ngô Nhĩ vào danh sách nghi ngờ là phần tử khủng bố. Công ty Internet 2.0 đã chỉ trích Trung Quốc vì trộn lẫn các tội danh liên quan đến pháp luật, phản khủng bố và chính trị làm một, đồng thời phê phán chế độ ĐCSTQ thiếu sự công bằng

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, ông Trương Hiểu Cương, thành viên của Liên minh Giá trị Úc (Australian Values Alliance), cũng là Tiến sĩ khoa học máy tính, cho rằng, việc giám sát người nước ngoài là một phần trong kế hoạch chiến lược của Trung Quốc. Trong danh sách theo dõi có một số nhân vật quan trọng, rất có thể ĐCSTQ muốn dụ dỗ những người này để giúp Trung Quốc thâm nhập và bành trướng, hoặc thông qua những người này để ảnh hưởng đến những người mà ĐCSTQ muốn gây ảnh hưởng. "Bản thân chuyện này phản ánh việc chế độ độc tài ĐCSTQ không ngừng thu thập các loại dữ liệu, mục đích là nhằm kiểm soát toàn thế giới trong tương lai”, ông Trương Hiểu Cương nói.

Mai Hạ

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Tin tặc vạch trần danh sách những người Mỹ bị Trung Quốc theo dõi, bao gồm nhân viên của Apple, Microsoft