Tin tặc Trung Quốc tấn công các phòng thí nghiệm Hoa Kỳ để đánh cắp thông tin nghiên cứu virus Corona

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đang tìm cách thu thập thông tin về tiến trình phát triển vaccine phòng ngừa virus Corona của Hoa Kỳ, tổ chức tấn công hệ thống mạng của các bệnh viện và phòng thí nghiệm nghiên cứu của Hoa Kỳ.

Hành động này của Trung Quốc đã được ông John C. Demers, Trợ lý Tổng chưởng Lý về An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ xác nhận. Ngày 23/4, ông Demers có bài phát biểu để khai mạc hội nghị kinh doanh trên mạng do Future in Review (FiRe) tổ chức.

Sau khi ông Demers kết thúc bài phát biểu khai mạc hội nghị, báo giới đã hỏi ông về việc có phải Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nhắm mục tiêu tấn công hệ thống mạng các phòng thí nghiệm của Hoa Kỳ để đánh cắp thông tin nghiên cứu về virus Corona hay không. Ông Demers trả lời: “Chắc chắn đó chính là kết luận hợp lý của tất cả những gì tôi vừa nói”, ông Demers đề cập đến những bình luận của ông về nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ của hàng loạt ngành công nghiệp của Hoa Kỳ.

“Hiện nay, không gì quan trọng bằng nghiên cứu y sinh liên quan đến vaccine hoặc thuốc đặc trị virus Corona”, ông nói.

Ông cũng cho biết đó là điều “hết sức vô lý” khi cho rằng Trung Quốc sẽ “dừng” nghiên cứu về y sinh học liên quan đến vaccine hoặc thuốc điều trị virus Corona, vì thông tin y tế sẽ “rất quan trọng, không chỉ ở khía cạnh thương mại".

“Các công ty hay phòng thí nghiệm nghiên cứu của bất cứ quốc gia nào cũng đều ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển loại vaccine này; thành công của họ sẽ là thành công quan trọng về địa chính trị”, ông Demers cho biết.

Chế tạo vaccine hàng loạt cho cộng đồng đối phó với virus Corona Vũ Hán.
Các nhà khoa học cần khoảng 12-18 tháng để có thể chế tạo vaccine hàng loạt cho cộng đồng đối phó với virus Corona Vũ Hán. (Ảnh: Geralt/Pixabay)

Cảnh báo

Ông Demers nói rằng chính quyền Hoa Kỳ đang theo dõi hoạt động xâm nhập mạng [hack]. “Chúng tôi đã biết về sự xâm nhập mạng gia tăng vào các trung tâm y tế, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học đang nghiên cứu về lĩnh vực này”.

Ông Demers đưa ra lời cảnh báo này vài ngày sau khi Phó trợ lý giám đốc FBI Tonya Ugoretz rung hồi chuông báo động về vấn đề tin tặc tại một hội thảo trực tuyến do Viện Aspen tổ chức ngày 16/4. Ông Ugoretz không nêu tên quốc gia cụ thể nào đang thực hiện [hack[.

Ông Ugoretz cho biết: “Chúng tôi chắc chắn đã có hoạt động trinh sát và xâm nhập vào những tổ chức đó, đặc biệt là những tổ chức công khai rằng họ đang làm nghiên cứu liên quan đến virus viêm phổi Vũ Hán”.

Ông Ugoretz nói thêm rằng trong khi các viện nghiên cứu muốn công khai những nỗ lực nghiên cứu của mình, thì họ đã trở thành “tiêu điểm đối với các quốc gia khác” đang có ý đồ đánh cắp “thông tin độc quyền”.

Bill Evanina, giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh quốc gia, cũng cảnh báo các phòng thí nghiệm nghiên cứu về mối đe dọa tiềm ẩn này.

“Các tổ chức nghiên cứu y tế và nhân viên cần đề phòng trước các tác nhân đe dọa tìm cách đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc dữ liệu nhạy cảm khác liên quan đến phản ứng của Hoa Kỳ đối với đại dịch COVID-19”, ông Evanina nói với Reuters.

Bức ảnh chụp ngày 10/4/2020 cho thấy một kỹ thuật viên trình bày cách tiêm mẫu axit nucleic vào đĩa để phân tích, trong phòng thí nghiệm tại CapitalBio Technology - một công ty chuyên sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm y tế có trụ sở ở Bắc Kinh. (Ảnh của GREG BAKER / AFP qua Getty Images)
Bức ảnh chụp ngày 10/4/2020 cho thấy một kỹ thuật viên trình bày cách tiêm mẫu axit nucleic vào đĩa để phân tích, trong phòng thí nghiệm tại CapitalBio Technology - một công ty chuyên sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm y tế có trụ sở ở Bắc Kinh. (Ảnh của GREG BAKER / AFP qua Getty Images)

Trộm cắp từ Trung Quốc

Ông Demers cũng chỉ ra rằng các vụ án gián điệp kinh tế, đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến Trung Quốc ngày càng gia tăng. Họ thường sử dụng nhân viên của công ty để đánh cắp tài sản trí tuệ.

Theo ông Demers, tình báo của ĐCSTQ đã tuyển dụng nhân viên của công ty. Đầu tiên, dựa trên thông tin mở hoặc những dữ liệu đánh cắp được, ĐCSTQ xác định mục tiêu công nghệ cụ thể mà họ muốn sở hữu. Sau đó, họ nhắm mục tiêu đến một số nhân viên chuyên về phát triển công nghệ trong công ty.

Tháng 10/2018, một bản cáo trạng liên bang đã buộc tội 10 công dân của Trung Quốc đã cố gắng ăn cắp bí quyết chế tạo động cơ phản lực; trong đó, có 2 sĩ quan từ tỉnh Giang Tô của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (JSSD); 5 tin tặc máy tính; 1 nhà phát triển phần mềm độc hại hoạt động theo chỉ thị của JSSD; và 2 nhân viên người Trung Quốc tại một văn phòng của nhà sản xuất hàng không vũ trụ Pháp tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô. JSSD là cơ quan lãnh đạo tình báo của Trung Quốc.

Ông Demers giải thích rằng khi Bắc Kinh nhắm mục tiêu vào quan chức chính phủ hoặc nhân viên công ty, thì họ sẽ phát triển mối quan hệ với người đó, như đáp ứng nhu cầu tài chính, hoặc cưỡng bức để có được những thông tin cần thiết.

Ngoài việc đánh cắp công nghệ, Trung Quốc còn tổ chức trộm cắp số lượng lớn dữ liệu từ các mạng nội bộ.

“Tất cả dữ liệu cá nhân đều rất hữu ích cho việc phát triển công cụ trí tuệ nhân tạo. Đây là một trong những lĩnh vực mà họ [ĐCSTQ] chắc chắn đang cố gắng cạnh tranh rất mạnh với các công ty của Hoa Kỳ và châu Âu. Cần phải có dữ liệu lớn để sở hữu các thuật toán”, ông nói.

Ông Demers cũng cảnh báo các nhà cung cấp dịch vụ như công ty dịch vụ tài chính, công ty bảo hiểm y tế rằng dữ liệu khách hàng của họ có thể là mối quan tâm của tình báo [nước ngoài]”. Ông đã chỉ ra ví dụ về công ty tín dụng Hoa Kỳ Equifax.

Ngày 10/2, Cục Điều tra Liên bang FBI công bố bản cáo trạng của “bốn tin tặc được quân đội Trung Quốc hỗ trợ”, với cáo buộc họ đã tổ chức tấn công mạng của công ty tín dụng Equifax vào năm 2017.

FBI cho biết trong một tuyên bố: “Các tin tặc của quân đội Trung Quốc đã lấy được tên, ngày sinh và số an sinh xã hội của khoảng 145 triệu công dân Hoa Kỳ, và hơn 10 triệu số giấy phép lái xe từ cơ sở dữ liệu của Equifax”.

Ông Demers cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ đã ngăn chặn thành công một số vụ trộm cắp, ví dụ vụ án gần đây liên quan đến một nhân viên tại công ty Monsanto, chuyên về công nghệ sinh học nông nghiệp và hóa học nông nghiệp của Hoa Kỳ. Tháng 6/2017, tại một sân bay của Hoa Kỳ, FBI đã chặn một nhân viên lâu năm của Monsanto trước khi người này chuẩn bị bay sang Trung Quốc. Người này mang theo một máy tính xách tay có chứa một bản sao thuật toán độc quyền sử dụng cho một nền tảng phần mềm canh tác trực tuyến của công ty.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã khởi tố nhân viên này vào tháng 11/2019, với cáo trạng về một số tội danh, bao gồm một tội âm mưu thực hiện gián điệp kinh tế và ba tội gián điệp kinh tế.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tin tặc Trung Quốc tấn công các phòng thí nghiệm Hoa Kỳ để đánh cắp thông tin nghiên cứu virus Corona