Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại ‘lỡ lời' tiết lộ thực trạng kinh tế của Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 6/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đi khảo sát thành phố Đồng Nhân, tỉnh Quý Châu, ông cho biết trên đường đi đã thấy rất nhiều nhà xưởng bỏ không, ông khuyến khích địa phương hãy tuyển nhiều công nhân nhập cư hơn để phát triển các nhà xưởng này. Tuyên bố trên của ông Lý cho thấy rất nhiều dây chuyền sản xuất trong ngành sản xuất chế tạo của địa phương này đang đứng yên.

Theo kênh truyền thông Trung Quốc đưa tin, hôm 6/7, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đến thành phố Đồng Nhân (Tongren), tỉnh Quý Châu để khảo sát Công ty Khoa học và Kỹ thuật Bội Dịch Thông (Beitong Technology Co., Ltd). Doanh nghiệp lớn này được chính quyền thành phố Đồng Nhân đưa về từ Thâm Quyến, hiện có hơn 2.000 nhân viên, trong đó có 1.592 người là lao động nhập cư mới được tuyển dụng sau khi dịch bệnh suy giảm và chính phủ Trung Quốc kêu gọi người dân quay trở lại làm việc.

Khi biết rằng doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất và tăng đội ngũ nhân viên, ông Lý Khắc Cường ngay lập tức "bắc cầu" cho chính quyền địa phương và doanh nghiệp, để khuyến khích họ tuyển dụng thêm lao động nhập cư địa phương.

Điều khiến ngoại giới chú ý là ông Lý đã đề cập rằng trên đường đi ông thấy "nhiều nhà xưởng bỏ không", và đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ cho các doanh nghiệp, sử dụng các nhà xưởng này để tiếp tục mở rộng sản xuất, hơn nữa cần "tuyển dụng thêm anh chị em công nhân đến từ khu vực nông thôn ở địa phương".

Bài báo của Hãng Thông tấn Trung ương (CNA) của Đài Loan nhận định, tuyên bố này của ông Lý Khắc Cường đã xác nhận rằng nhiều dây chuyền sản xuất trong ngành sản xuất chế tạo của địa phương đang đứng yên, điều này cũng phản ánh tình hình kinh tế ở Trung Quốc đại lục hiện vẫn chưa được khôi phục sau khi xảy ra dịch bệnh.

Trong đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán, ngành sản xuất chế tạo của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay cả sau khi dịch bệnh ở đại lục giảm bớt, một lượng lớn các đơn đặt hàng của nước ngoài đã bị hủy bỏ. Nhiều công ty dựa vào ngoại thương đã phải lần lượt cắt giảm lương, sa thải nhân viên, hoặc thậm chí đóng cửa.

Trước đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhiều lần nhấn mạnh đến “6 điều phải duy trì ổn định”, và sau khi đại dịch xảy ra nó đã trở thành “6 điều phải bảo đảm", cụ thể là: bảo đảm việc làm, bảo đảm sinh kế cơ bản, bảo đảm chủ thể thị trường, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, bảo đảm sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp và bảo đảm hoạt động ở dưới cơ sở.

Các kênh truyền thông đại lục đã báo cáo rằng "6 bảo đảm" là ranh giới cuối cùng, còn "6 ổn định" là mục tiêu. Bất kể đó là “6 ổn định” hay “6 bảo đảm”, thì ưu tiên hàng đầu là bảo đảm "việc làm" và tiến tới để ổn định chính quyền ĐCSTQ.

Dưới sự trừng phạt của quốc tế, các giao dịch ngoại thương của Trung Quốc đang gặp khó khăn, nên gần đây chính quyền Trung Quốc đã ban hành chính sách mới nhất để hỗ trợ "hàng xuất khẩu chuyển sang tiêu thụ trong nước", nhằm chuyển sản lượng sản xuất cho các thị trường châu Âu - Mỹ… sang thị trường nội địa. Gần đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) cũng đề xuất phương án "nền kinh tế tự tuần hoàn". Vì vậy, một số nhà phân tích cho rằng ĐCSTQ đang che đậy sự bó tay bất lực của mình bằng cách bế quan toả cảng.

Tuy nhiên, có phân tích cho rằng "hàng xuất khẩu chuyển sang tiêu thụ trong nước" có trở ngại nhất định, đặc biệt là các công ty cần phải đối mặt với các quy tắc thị trường khác nhau giữa nước ngoài và Trung Quốc đại lục, và họ cũng thiếu một đội ngũ tiếp thị dành riêng cho thị trường nội địa. Ngoài ra, nhìn từ góc độ thị trường, thì cung và cầu ở thị trường nội địa Trung Quốc gần như đã bão hòa, vì vậy chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế này đang gặp phải hạn chế.

Đông Phương

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại ‘lỡ lời' tiết lộ thực trạng kinh tế của Trung Quốc?