Thời kỳ hoàng kim của tình hữu nghị Trung Quốc-Philippines đang dần qua đi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự mất lòng tin ngày càng tăng với Trung Quốc có thể thúc đẩy phản ứng dữ dội của công chúng đối với các chính sách thân Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Trong những ngày đầu của nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lật bỏ chính sách đối ngoại kéo dài hàng thập kỷ khi đưa đất nước của mình xa rời đồng minh lâu đời là Hoa Kỳ và ngả về phía Trung Quốc.

Theo các nhà quan sát khu vực, các quan chức Trung Quốc và Philippines đã thiết lập một “thời kỳ hoàng kim” cho mối quan hệ của họ, nhưng bốn năm sau, mối quan hệ này có thể sắp kết thúc.

Sự quả quyết của quân đội Trung Quốc ngày càng tăng ở Biển Đông và những lời hứa suông đầu tư không thành hiện thực – song hành cùng với tâm trạng u ám của công chúng ở Philippines về việc Trung Quốc xử lý đại dịch virus Corona Vũ Hán - đã khiến chính quyền tổng thống Duterte phải suy nghĩ lại về mối quan hệ với Bắc Kinh.

Tháng 6, Philippines đã đảo ngược quyết định hủy bỏ Hiệp định Thăm viếng Quân sự với Hoa Kỳ trước đó. Trong cùng tháng này, Philippines đã hoàn thành việc xây dựng một đoạn đường nối trên bãi biển ở một hòn đảo trên quần đảo Trường Sa đang bị tranh chấp tại Biển Đông.

Đoạn đường nối trên đảo Thị Tứ sẽ cho phép Philippines tiến hành sửa chữa đường băng bị trì hoãn từ lâu bởi người tiền nhiệm của ông Duterte là Benigno Aquino III do chờ phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague liên quan đến các cáo buộc tranh chấp trong khu vực.

Tòa án quốc tế đã tìm thấy những điểm có lợi cho Philippines khi phán quyết vào năm 2016 rằng các yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là không hợp lệ. Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận phán quyết này. Trong tín hiệu mạnh mẽ nhất của mình, Philippines đã đánh dấu kỷ niệm 4 năm của quyết định này bằng một tuyên bố tái khẳng định chiến thắng của mình là “không thể thương lượng” và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa “một cách thiện ý”.

Đó là một bước ngoặt sắc bén đối với ông Duterte, một người tự mô tả là theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa nổi tiếng với tài hùng biện chống Mỹ, người trước đó đã thề sẽ “ly khai” khỏi Mỹ và đặt chiến thắng lịch sử cho đất nước mình tại The Hague sang một bên để đổi lấy đầu tư của Trung Quốc nhằm thúc đẩy nền kinh tế Philippines.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lặp lại lời kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết trọng tài năm 2016 hôm 14/7 nhằm hưởng ứng thông báo của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo rằng các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp.

Trong một tuyên bố, ông Lorenzana nói Manila “hoàn toàn đồng ý với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng cần phải có một trật tự dựa trên các quy tắc tại Biển Đông”.

Các nhà phân tích người Philippines cho biết đây là tất cả những dấu hiệu cho thấy Manila đang thay đổi cách tiếp cận và tránh xa chính sách “nhân nhượng vô điều kiện” của họ đối với Trung Quốc.

“Có một nhận thức ngày càng tăng ở đây, ngay cả đối với chính Tổng thống Duterte, rằng những nỗ lực lấy được thiện chí của Trung Quốc không được đáp lại”, ông Renato Cruz De Castro, một giáo sư cao cấp về nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila cho biết.

Ông Duterte đã đến thăm Trung Quốc 6 lần để củng cố một cam kết từ Bắc Kinh về việc tài trợ cho một loạt các dự án xây dựng lớn cho chương trình "Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” đặc trưng của ông. Nhưng khi nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc, ông vẫn không trông đợi được nhiều vào trụ cột Trung Quốc. Hầu hết các khoản tài trợ đã hứa vẫn còn nằm trên bảng vẽ.

Trong khi đó, nhiều người ở Philippines tin rằng Trung Quốc tiếp tục lấn chiếm Biển Đông. Hồi tháng 2, một tàu hải quân Trung Quốc được cho là đã chĩa súng radar vào tàu tuần tra của hải quân Philippines.

Ông Renato cho biết những diễn biến này cho thấy “chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông vẫn hoạt động như bình thường”.

“Vấn đề được nhận thức ở đây là Trung Quốc đã không chịu kết thúc thỏa hiệp. Vì vậy, quan điểm của việc tiếp tục chính sách nhân nhượng vô nguyên tắc này là gì nếu chúng ta không nhận được những gì chúng ta mong đợi rằng Trung Quốc nên dang tay ra để đổi lấy thiện chí mà chúng ta đã dang tay cho Trung Quốc?”, ông chia sẻ.

Sự mất lòng tin với Trung Quốc tại Philippines đã trở nên tồi tệ hơn ngay sau khi có đại dịch virus Corona Vũ Hán và các nhà quan sát cho biết nước này có khả năng gặp phải phản ứng dữ dội của công chúng đối với phương pháp tiếp cận thân thiện với Trung Quốc của ông Duterte.

Sự chậm chạp trong việc thực hiện các hạn chế đi lại đối với những người đến từ Trung Quốc cũng dẫn đến câu hỏi về chính sách trong bối cảnh nhiều cơ quan chính trị của Philippines từ lâu đã hoài nghi về ý đồ của Trung Quốc.

Trong một dấu hiệu của sự đối nghịch công khai, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã thu hút sự chế giễu rộng rãi khi đăng một video âm nhạc lên YouTube vào tháng Tư. Bài hát có tựa đề Iisang Dagat – “Một Biển” - nhằm mục đích kỷ niệm mối quan hệ giữa hai nước và cuộc chiến chung của họ chống lại virus Corona Vũ Hán.

Thay vào đó, nó được coi là một nỗ lực tuyên truyền để minh oan cho sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và nhận được hàng trăm ngàn lượt không thích. Một đơn kiến ​​nghị trực tuyến đã yêu cầu gỡ bỏ video này.

Trong tháng này, một cuộc khảo sát trên 1.555 người Philippines cho thấy 61% tin rằng Trung Quốc ban đầu đã giấu kín thông tin về mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát virus corona chủng mới sau khi nó xuất hiện ở thành phố Vũ Hán miền trung Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát trước đó, cũng vào tháng 7, bởi cùng một cơ quan điều tra dư luận - Social Weather Stations độc lập ở Philippines - cho thấy Trung Quốc là quốc gia không đáng tin tưởng nhất trong cộng đồng.

Rommel Banlaoi, Chủ tịch Hiệp hội Philippines cho các nghiên cứu về Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc cần phải “làm vơi đi nỗi sợ hãi” tại Philippines về ý đồ quân sự của họ ở vùng biển tranh chấp này.

“Philippines có xu hướng quay lại ngả về Hoa Kỳ khi cảm thấy rằng lợi ích an ninh của mình đang bị đe dọa bởi sự quả quyết ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông”, ông cho biết.

Nhưng Zhang Mingliang, một phó giáo sư chuyên nghiên cứu về Biển Đông tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu cho biết Philippines chưa bao giờ rời xa đồng minh trong hiệp ước của mình, ngay cả dưới thời ông Duterte. “Mặc dù miêu tả ông Duterte thân với Trung Quốc hơn, nhưng dưới nhiệm kỳ của mình, Mỹ đã tăng cường hỗ trợ và hợp tác quân sự với Philippines”, ông cho biết.

“Trên thực tế”, ông nói thêm, “không có nhiều khác biệt giữa hai vị tổng thống [Philippines]. Nó chỉ thể hiện rằng ông Duterte là một chính trị gia sắc sảo hơn ông Aquino và được hiểu rằng ông ấy cần phải đối mặt với Trung Quốc. Ông ấy có thể cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ và nhận được lợi ích từ cả hai phía”.

Cả Castro và Banlaoi đều tin rằng Philippines và các nước khác có cáo buộc ở Biển Đông sẽ tiếp tục nằm ở thế chênh vênh giữa Trung Quốc và Mỹ khi hai cường quốc tăng cường tranh giành ảnh hưởng.

“Trong khi tổng thống Duterte đang tái cam kết với Hoa Kỳ, ông đã cho Hoa Kỳ biết rằng Hoa Kỳ không còn có thể chỉ đạo chính sách đối ngoại của Philippines”, ông Banlaoi cho biết.

“Sự quan tâm của Philippines không còn giống với Hoa Kỳ. Nó chỉ xảy ra như vậy trong diễn biến hiện tại ở Biển Đông lúc mà sự quan tâm của Philippines và sự quan tâm của Hoa Kỳ đang hội tụ”.

“Chính phủ Philippines sẽ tiếp tục khẳng định liên minh quân sự với Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ không nên chỉ đạo chính sách của chúng tôi … và chính phủ Philippines vẫn muốn duy trì tình hữu nghị với Trung Quốc”, ông chia sẻ.

Ông Castro nói rằng các nước ASEAN, bao gồm cả Philippines, sẽ tiếp tục “thầm lặng và thận trọng” bất chấp vị thế mới của Mỹ trên Biển Đông.

"Các nước ASEAN, hầu hết trong số họ là những nước theo chủ nghĩa hiện thực, muốn cạnh tranh quyền lực lớn theo cách cho phép họ lấy sức mạnh chống lại một nước khác … Nhưng cơn ác mộng tồi tệ nhất sẽ là một cuộc xung đột trực diện sẽ xảy ra ở Đông Nam Á”, ông cho biết.

“Không ai muốn bị đặt mình vào giữa cuộc cạnh tranh quyền lực lớn hay thậm chí là cuộc đối đầu”.

Thủy Tiên

Theo South China Morning Post



BÀI CHỌN LỌC

Thời kỳ hoàng kim của tình hữu nghị Trung Quốc-Philippines đang dần qua đi