Thịnh vượng chung? Ông Tập có dám động tới 500 gia tộc quyền lực của ĐCS Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi đề xuất khẩu hiệu "thịnh vượng chung", ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh phải tăng cường quy định và điều chỉnh đối với nhóm thu nhập cao. Làm thế nào để diễn giải cái gọi là "thịnh vượng chung" của ông Tập? Đó có phải là phân chia lại tài sản của giới nhà giàu Trung Quốc? Phóng viên Vision Times đã phỏng vấn Tiến sĩ Tạ Điền (Xie Tian), ​​Giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ.

500 gia tộc quyền lực ở Trung Quốc chiếm 40% tài sản của nước này

Theo báo cáo của các kênh truyền thông nước ngoài, khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc hiện đang tăng lên, nhưng trong xã hội Trung Quốc, những người có thu nhập cao thực sự là giới quyền quý trong đảng và các doanh nghiệp nhà nước mà họ lũng đoạn. Ở hải ngoại cũng có thông tin tiết lộ rằng, 500 gia đình quyền lực hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chiếm 40% tài sản của nước này.

Ông Tạ Điền nói: "Tôi nghĩ có rất nhiều người không biết về sự tồn tại của 500 gia tộc chiếm 40% tài sản này. Số còn lại là 60%, cho nên mọi người nghĩ rằng 40% cũng không phải là nhiều. Nhưng bạn thử tính xem, giả sử Trung Quốc có 1,4 tỷ người, chúng ta lấy con số 1,5 tỷ người tính cho tròn và mỗi gia đình có 3 người, thì chia ra có 500 triệu gia đình. Bạn nghĩ xem một bên là 500 triệu gia đình và một bên là 500 gia tộc. Sự khác biệt giữa 500 và 500 triệu là sáu số không, sáu số không là 100.000 lần. Vậy nên, 500 triệu gia đình mới chiếm 60% của cải, trong khi 500 gia tộc này chiếm 40%, điều này thực sự rất đáng kinh ngạc.

Ngoài ra, chỉ cần nhìn vào những nỗ lực chống tham nhũng hiện tại của ĐCSTQ là thấy. Những quan chức tham nhũng bị phanh phui, ví dụ một quan chức cấp huyện, số tiền mà ông ta tham ô là hàng trăm triệu, hàng tỷ hoặc hàng chục tỷ (nhân dân tệ). Có hàng chục, hàng trăm ngôi nhà; xe hơi và tiền mặt chất đống dưới tầng hầm, máy đếm tiền đếm đến cháy máy. Mà sự tình loại này không phải là cá biệt, nó rất phổ biến.

Hơn nữa bây giờ không chỉ là tham ô, mà là vơ vét công khai, cướp đoạt một cách trắng trợn. Sự hủ bại của ĐCSTQ đã dột từ nóc xuống cho đến quan chức cấp huyện, một quan chức cấp huyện có thể tham ô tài sản hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ, hàng chục tỷ. Vậy thì quan chức cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia thì là bao nhiêu? Cho nên điều này thực sự rất nghiêm trọng.

Một điểm nữa là nhiều quan chức ĐCSTQ, từ cấp tỉnh, cấp bộ, hoặc từ cấp huyện, cấp thành phố trở lên, nhiều người trong số họ còn có thu nhập vô hình. Chúng ta thấy rằng bữa ăn trưa được bán trong căng tin của các cơ quan chính phủ, có rất nhiều món ăn để lựa chọn và chúng rất rẻ. Đây đều là tiền, đều là phúc lợi, đều là một phần thu nhập của họ. Trên thực tế, tất cả chúng nên được quy đổi thành tiền.

Nếu gộp tất cả thu nhập của các quan chức ĐCSTQ lại thì họ chính là những thổ hào thực sự".

Lý do ông Tập đề xuất "thịnh vượng chung" là gì?

Giáo sư Tạ chỉ ra tại sao ĐCSTQ lại đột ngột phát động một đợt "đánh thổ hào, phân ruộng đất" mới sau cuộc họp ở Bắc Đới Hà. Lý do thực sự rất đơn giản, chính quyền Trung Quốc đã hết tiền. Ông nói:

"Một số người có thể nghĩ rằng không phải ĐCSTQ kiểm soát Bộ Tài chính và nhà máy in tiền sao, nó có thể tự in tiền mà. Dù sao thì các nhà máy in tiền đều là của họ.

ĐCSTQ thực sự đã làm điều này, và đã làm như vậy trong một thời gian dài, nhiều thập kỷ. Nhưng nếu quốc gia in quá nhiều tiền sẽ gây ra lạm phát nghiêm trọng. Trên thực tế, ĐCSTQ đã để lại hậu quả sau khi in thêm tiền, chẳng hạn như giá cả ở Trung Quốc tăng vọt. Nhiều bạn có thể không nhận thấy rằng, trên thực tế, bất động sản của Trung Quốc tăng giá, giáo dục tăng giá, y tế tăng giá đều liên quan đến việc Trung Quốc in tiền.

Còn một điểm nữa, đây cũng là đặc điểm của Trung Quốc, có rất nhiều tiền giấy sau khi in ra đều đang để trong nhà của các quan chức tham nhũng, trong tầng hầm của họ, hoặc trong các ngành bất động sản khác, nhiều công ty cũng đã tích lũy được rất nhiều tiền. Đây đều là tiền mà ĐCSTQ in ra và đã có mặt trên thị trường, nhưng do bong bóng bất động sản chưa vỡ, hoặc các quan chức tham nhũng không dám tùy ý gửi vào ngân hàng hoặc tiêu sài, nên thực tế chúng là tiền chết, không được lưu thông. Nhưng một khi số tiền này bị tung ra, giá cả ở Trung Quốc sẽ còn tăng nhanh hơn, và người dân sẽ phải chịu khổ.

Chúng ta đều biết về chính phủ Trung Quốc, nó đã nuôi một lượng lớn công chức với mức lương cao, nhưng hiện tại chính phủ đang thâm hụt. Tôi đã xem số liệu thống kê mới nhất, trong số hơn 30 tỉnh, thành phố, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương ở Trung Quốc, chỉ có Thượng Hải là còn có thặng dư tài chính, 29 tỉnh, thành phố còn lại đều thâm hụt lớn, thâm hụt tới hàng chục tỷ, nhiều công chức tới nỗi giờ họ không còn khả năng trả lương. Chính phủ hiện còn yêu cầu một số công chức trả lại số tiền thưởng mà họ nhận được trước đó".

Liệu ông Tập có dám động đến 500 gia tộc quyền lực?

Nhiều cư dân mạng đã bàn luận sôi nổi về việc liệu ông Tập Cận Bình có dám tấn công những gia đình quyền lực của ĐCSTQ hay không? Ông Tạ nói:

"Bạn đến Bắc Kinh xem ai sống trong những ngôi nhà tứ hợp viện đó. Những người này là ai? Họ là chức sắc của ĐCSTQ. Nếu thực sự muốn đánh thổ hào, phân ruộng đất, thì phải xem người ta sống trong ngôi nhà như thế nào, sở hữu bao nhiêu tài sản, họ (chính phủ) nên đánh ai đây? Có nên đánh đổ ĐCSTQ không? Nhất là những nhân vật quyền quý trong 80 triệu đảng viên, nhóm người ủy viên Trung ương đó, họ là 500 gia tộc giàu có quyền lực nhất của ĐCSTQ.

Ông Tập Cận Bình có thể muốn thâu tóm, cũng có thể thu hoạch một phần nhỏ trong số những người thực lực không đủ mạnh, những người có bệ đỡ không vững, nhưng phần lớn trong số họ là ông ta không thể động vào được. Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ như Đặng Tiểu Bình và Trần Vân ngay từ đầu đã nói rất rõ ràng rằng, mỗi một gia tộc có một người làm quan, một người khác có thể làm quân nhân, một số có thể đi làm kinh doanh, cho anh ta một doanh nghiệp nhà nước hoặc một số doanh nghiệp có vị thế độc quyền trong lĩnh vực nào đó. Ví dụ, ngành điện lực thuộc gia tộc Lý Bằng, ngành truyền thông thuộc gia tộc Giang Trạch Dân và một số ngành tài chính khi đó thuộc gia tộc Chu Dung Cơ. Mỗi một gia tộc tự nắm một phần béo bở nhất trong nền kinh tế Trung Quốc. Về cơ bản họ đã phân chia xong rồi.

Từ trước đến nay, về cơ bản ông Tập Cận Bình vẫn giữ nguyên bố cục này, bởi vì thực tế đây giống như một bầy cua kìm kẹp lẫn nhau, đừng ai nghĩ tới việc kéo ai xuống, tức là ông Tập Cận Bình có thể sẽ không động được đến họ, trừ khi ông ta hủy bỏ đặc quyền trong thể chế, tước quyền lãnh đạo của ĐCSTQ, nếu không ông ta sẽ không thể động tới họ".

Ông Tập chỉ có thể hạ thủ từ doanh nghiệp tư nhân và dân thường

Giáo sư Tạ nói thêm rằng, đối mặt với nền kinh tế đang ngày một suy thoái, ông Tập chỉ có thể bắt đầu ra tay từ doanh nghiệp tư nhân và người dân bình thường, đòi họ giao nộp tiền.

"Trên thực tế, bạn hãy xem mức thuế thu nhập ở Trung Quốc. Tôi đã kiểm tra nó. Mức thuế thu nhập cá nhân là khoảng 5% - 45%, bắt đầu từ mức lương hàng năm là 60.000 nhân dân tệ, tức là mỗi tháng có thu nhập từ 5.000 nhân dân tệ trở lên thì đều phải nộp thuế. Những người làm khoa học kỹ thuật cao cấp, hay nhân tài quản lý kinh doanh hiện đã phải nộp 45% thuế. Nếu còn tăng, những người này sẽ tìm cách đem tiền chạy trốn. Tất nhiên, ĐCSTQ đã chặn họ, và rất nhiều người đã không còn lối thoát.

Nhưng nếu thu cao hơn, dòng vốn này sẽ lưu động, và họ sẽ không đầu tư vốn mới vào hệ thống kinh tế này. Do đó, cách làm này thực chất là giết gà lấy trứng, và chắc chắn sẽ đẩy kinh tế Trung Quốc vào thảm họa".

Doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc sẽ hoàn toàn bị bóp nghẹt?

Một số tờ báo đã bình luận rằng, việc ông Tập Cận Bình kêu gọi những người có thu nhập cao đóng góp nhiều hơn cho xã hội, kỳ thực là đang gia tăng lực độ đẩy những doanh nghiệp tư nhân này trở thành đối tượng ‘tái phân phối’ tài sản theo yêu cầu của chính phủ. Giáo sư Tạ Điền nói rằng để tránh sụp đổ kinh tế, ĐCSTQ đã bắt đầu một đợt hút máu mới trong nhiều ngành và lĩnh vực.

"Một số công ty tư nhân có thể che giấu thu nhập, nhưng một số khác lại rất khó che giấu. Ví dụ, các công ty cổ phiếu hoặc công ty niêm yết, hoặc một số công ty có sản phẩm, lợi nhuận, báo cáo kế toán và hồ sơ thuế, vì vậy rất khó để che giấu. Nhưng những người này cũng sẽ nghĩ ra cách để đối phó. Ví dụ, nếu phải đóng thuế nhiều như vậy thì tôi sẽ không kiếm nhiều tiền nữa, tôi không sản xuất nhiều nữa, tôi sẽ cắt giảm quy mô, hoặc tôi sẽ rút vốn, rút ​​tiền ra và bán công ty này. Một số có thể sang nước khác. Ví dụ, nhiều doanh nhân Trung Quốc cũng chạy sang Việt Nam tái đầu tư.

Vì vậy, đây là lý do tại sao tôi nói rằng ông ta (ông Tập) đang thực sự giết gà lấy trứng, ông ta sẽ bóp nghẹt các doanh nhân tư nhân. Mà những công ty này lại là động lực của nền kinh tế Trung Quốc và họ tuyển dụng rất nhiều lao động. Chúng ta biết rằng mặc dù doanh nghiệp nhà nước có quy mô rất lớn, rất có lãi và cũng độc quyền, nhưng thực ra nó rất cứng nhắc và lãng phí. Nền kinh tế không thể phát triển dựa vào các doanh nghiệp quốc doanh độc quyền như vậy, mà phải dựa vào các các công ty tư nhân để thúc đẩy nền kinh tế".

Đông Phương

Theo Vision Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Thịnh vượng chung? Ông Tập có dám động tới 500 gia tộc quyền lực của ĐCS Trung Quốc?