Thành phố Trung Quốc biến thành “đô thị ma” sau khi Samsung chuyển dịch hoạt động sang Ấn Độ và Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thành phố Huệ Châu đã trở thành một “đô thị ma” sau khi Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại cuối cùng của họ tại Trung Quốc...

Thành phố Huệ Châu nằm ở phía bắc vùng đồng bằng châu thổ Châu Giang, Trung Quốc đã biến thành một "đô thị ma" sau khi Samsung đóng cửa nhà máy cũ ba thập kỷ của họ vào tháng 10 vừa qua và chuyển hoạt động sang Ấn Độ và Việt Nam do tác động của cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thành phố nhộn nhịp đã biến thành "đô thị ma" sau khi Samsung đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại cuối cùng của họ tại Trung Quốc, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin vào hôm thứ Tư (11/12).

Đứng trước cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, Samsung đã chuyển phần lớn việc sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ. Họ nghĩ rằng thương chiến phản ánh vị thế đang thay đổi của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm ngoái, Samsung đã khánh thành nhà máy sản xuất di động lớn nhất thế giới của họ tại Noida, gần thủ đô Ấn Độ. Cơ sở mới này sẽ cho phép Samsung tăng gấp đôi năng suất sản xuất điện thoại di động tại Noida mỗi năm từ 68 triệu chiếc lên 120 triệu chiếc. Việc mở rộng này sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn và hoàn thành vào năm 2020.

Trung Quốc, được coi là công xưởng của thế giới, đã nắm giữ độc quyền đối với chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu trong ba thập kỷ qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hồi năm ngoái và yêu cầu Bắc Kinh giảm thâm hụt thương mại.

Ông Trump cũng đang yêu cầu một cơ chế giám sát đối với lời hứa của Bắc Kinh nhằm bảo vệ việc chuyển giao công nghệ quyền sở hữu trí tuệ (IPR) và đảm bảo thị trường Trung Quốc có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với hàng hóa của Mỹ.

Hai nước đã tổ chức nhiều vòng đàm phán để chấm dứt cuộc chiến thương mại, tuy nhiên, cuộc xung đột đã tàn phá ngành sản xuất Trung Quốc vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế và xuất khẩu giảm liên tục trong những năm qua.

Nhiều nhân viên bị buộc rời khỏi nhà máy tại thành phố Huệ Châu đã bình luận trên phương tiện truyền thông xã hội rằng họ đã phải rời đi một cách miễn cưỡng; một số chia sẻ hình ảnh những chiếc điện thoại thông minh và đồng hồ mẫu mới nhất mà họ được nhận như một phần trong gói trợ cấp thôi việc của doanh nghiệp.

Trước mắt, không có nhà sản xuất mới nào có ý định sử dụng không gian khổng lồ do nhà máy Samsung để lại; ít nhất 60% các doanh nghiệp gần đó đã bị đóng cửa, và sẽ còn nhiều nữa trong những tuần tới nếu tình hình không thay đổi.

Ông Liu Kaiming, giám đốc Viện Quan sát Đương đại - tổ chức giám sát điều kiện làm việc của hàng trăm nhà máy tại Trung Quốc, cho biết: "Samsung là doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới. Nhà máy Huệ Châu của họ đã xây dựng toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng ở Quảng Đông và các tỉnh lân cận trong 20 năm qua. Ít nhất 100 nhà máy ở Quảng Đông sẽ đóng cửa. Họ không thể làm việc mà không có nhà máy Huệ Châu của Samsung, đó là chưa kể đến những cửa tiệm và nhà hàng nhỏ ở khu vực xung quanh”.

Tác động của việc đóng cửa nhà máy cũng lan đến tận thị trấn Changan thuộc thành phố Đông Quan, cách Huệ Châu 100 km về phía tây, nơi hàng ngàn công nhân nhập cư và giám đốc điều hành của một nhà máy từng thuộc sở hữu của Tập đoàn Janus Intelligent Group, một công ty hàng đầu về robot của Trung Quốc, đã bị giảm giờ làm một cách đáng kể.

Anh Li Hua, chủ một cửa hàng tiện lợi cho biết: "Người tiêu dùng địa phương đang thắt chặt dần chi tiêu của họ. Hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã giảm ít nhất 80% so với tháng 8. Rất nhiều công nhân đã rời đi vào tháng 9. Mọi cửa hàng ở đây - nhà thuốc, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê internet, nhà cho thuê, khách sạn và thậm chí cửa hàng dành cho người lớn - có cái nào là không dựa vào việc tiêu thụ của nhân viên và công nhân Samsung?"

Nhà máy Huệ Châu bắt đầu hoạt động vào tháng 8 năm 1992, sau khi gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc ký hợp đồng liên doanh với chính quyền địa phương.

Một năm sau, doanh nghiệp có số vốn đăng ký 32 triệu USD này đã chính thức được đưa vào sản xuất. Từ đây, các thiết bị điện tử mới nhất và phổ biến nhất đã được xuất xưởng, từ những chiếc stereo vào những năm 1990, cho tới máy nghe nhạc MP3 vào đầu những năm 2000, rồi đến điện thoại thông minh kể từ năm 2007.

Ông Huang Fumin, một giám đốc bán hàng của Công ty môi giới bất động sản Ngôi sao Huệ Châu cho biết: "Trong khu phức hợp Jinxinda có khoảng 100 tòa nhà, mỗi tòa 6-7 tầng, khoảng 1.000 mét vuông. Phần lớn các tòa nhà này được những công nhân của Samsung thuê. Sau khi nhà máy Samsung đóng cửa, giá thuê đã giảm ngay lập tức từ 4,8 triệu nhân dân tệ [680.000 USD] vào tháng 8 xuống còn 3,8 triệu nhân dân tệ [540.000 USD], và vẫn không có nhà đầu tư nào quan tâm đến chúng".

Vào thời hoàng kim năm 2011, khi doanh số điện thoại thông minh của Samsung đứng đầu thế giới, hai nhà máy của họ ở Huệ Châu và Thiên Tân đã sản xuất và xuất khẩu lần lượt 70,14 triệu và 55,64 triệu chiếc điện thoại di động.

Theo dữ liệu hải quan Huệ Châu, vào tháng 10, tháng đầu tiên sau khi nhà máy Samsung đóng cửa vào ngày 3/10, xuất khẩu từ các doanh nghiệp của thành phố đã giảm xuống còn 14 tỷ nhân dân tệ (2 tỷ USD), giảm 27% so với năm ngoái.

Thanh Hương (biên dịch)

Theo The Economic Times



BÀI CHỌN LỌC

Thành phố Trung Quốc biến thành “đô thị ma” sau khi Samsung chuyển dịch hoạt động sang Ấn Độ và Việt Nam