Thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc lại bùng phát nạn 'châu chấu'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vừa trải qua một trận lũ lụt thì nay lại có thông tin rằng huyện Toàn Châu, một huyện nông nghiệp lớn của tỉnh đã bị châu chấu xâm nhập.

Hiện tại dù chính quyền chưa đưa ra thông báo chính thức, nhưng nhiều cư dân mạng đã đăng tải thông tin này lên Weibo hoặc Twitter. Những người nông dân địa phương lo lắng rằng đây mới chỉ là “màn mở đầu của đợt bùng phát nạn châu chấu quy mô lớn".

Ngày 30/6, rất nhiều cư dân mạng đã tải video lên tiết lộ rằng, huyện Toàn Châu - một huyện nông nghiệp lớn ở thành phố Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây, đã bị một "đội quân châu chấu" xâm chiếm ngay trong đêm. Trong video có thể thấy châu chấu bay dày đặc và tàn phá mùa màng nặng nề. Thậm chí trong một video khác châu chấu bám đầy lên chiếc quần của người nông dân, đến người quay video cũng phải thốt lên “nguy to rồi", “gây ra tai họa rồi", “sợ chết mất”.

Theo các nguồn thông tin khác trên Weibo, nạn châu chấu đã lan rộng và xuất hiện ở các thị trấn An Hoà (Anhe), Thạch Đường (Shitang) và Miếu Đầu (Miaotou) của huyện Toàn Châu, trong đó thị trấn Thiệu Thuỷ (Shaoshui) bị ảnh hưởng nặng nhất. Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Toàn Châu ước tính, có hơn 100 mẫu diện tích cây liễu nằm hai bên bờ sông Thiệu Thuỷ chịu ảnh hưởng của nạn châu chấu. "Từ lịch sử có thể thấy, đây mới chỉ là màn mở đầu cho một thảm họa châu chấu bùng phát trên diện rộng; nếu không được kiểm soát kịp thời, hậu quả sẽ rất đáng lo ngại".

Một vụ bùng phát châu chấu đã được báo cáo tại huyện Toàn Châu, thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. (Nguồn: Weibo)

Hiện tại, các tin tức này dường như đã thu hút sự quan tâm từ phía chính quyền, nhưng chưa có thông báo liên quan nào được công bố chính thức.

Châu chấu mỗi năm sinh sản một lần. Hầu hết các loài châu châu đều đẻ trứng trong đất và trứng sẽ nằm trong đó suốt cả mùa đông, sau đó sẽ nở ra khi thời tiết ấm lên vào khoảng giữa tháng 5 đến cuối tháng 6. Từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7, chủ yếu là giai đoạn con non phát triển. Đến giữa tháng 7 là thời kỳ phát triển mạnh nhất của châu chấu trưởng thành, và cũng là thời kỳ cao điểm gây ra thiệt hại. Ngoài việc gây hại cho cây lương thực, nó cũng có thể gây hại cho cây ăn quả và rau... Khi số tuổi của châu chấu tăng lên (giai đoạn giữa hai lần lột xác), khả năng di cư cũng tăng lên và dần dần sẽ lan sang đất nông nghiệp. Nếu không được kiểm soát kịp thời, châu chấu có thể ăn sạch một vùng hoa màu lớn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông nghiệp.

Có cư dân mạng đã cảm khái: "Trong nước (Trung Quốc) có dịch bệnh (viêm phổi Vũ Hán), có nạn châu chấu, rồi lại thiên tai lũ lụt, mưa đá, tuyết rơi tháng 6... à phải rồi, mọi người có biết là Trung Quốc lại có chủng cúm lợn mới rồi không, lần này sẽ lây nhiễm cho người đấy".

Một cư dân mạng khác nói rằng: “Dịch viêm phổi, dịch tả lợn, dịch hạch, cúm gia cầm, nạn châu chấu, động đất, lũ lụt, mưa to, mưa đá, bão, hạn hán, chiến tranh, tuyết tháng 6, gió đen, vòi rồng hút nước, lở núi, sạt lở đất, 5 mặt trời, cầu vồng đôi…, những lời tiên tri không cái nào là không ứng nghiệm".

Đông Phương

Theo secretchina.com



BÀI CHỌN LỌC

Thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc lại bùng phát nạn 'châu chấu'