Thành phố nghèo nhất Tứ Xuyên lãng phí hàng nghìn mẫu đất và hàng tỷ USD vào các dự án bỏ hoang

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 9/8, một báo cáo về tình hình kinh doanh bất động sản được lưu hành trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cho thấy, thành phố nghèo nhất ở tỉnh Tứ Xuyên đang phải vật lộn với việc hoàn thành nhiều dự án xây dựng còn dang dở, dẫn đến sự lãng phí hàng nghìn mẫu đất canh tác màu mỡ và thất thoát hàng tỷ USD.

Ba Trung (Bazhong) là một thành phố cấp 4 ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Một nhà phát triển đô thị địa phương cho biết, người dân ở thành phố này có thu nhập thấp và thành phố rất kém phát triển, theo báo cáo.

Một trong những dự án lớn được xây dựng ở thành phố này là Khu công nghiệp Panxing được khởi xướng từ năm 2012. Dự án nhận được tổng vốn đầu tư là 15 tỷ nhân dân tệ (khoảng 50 nghìn tỷ VNĐ). Chính quyền địa phương trưng dụng đất nông nghiệp từ năm 2012, khởi công năm 2013, nhưng đến năm 2016 thì đình chỉ thi công.

Một người dân địa phương phàn nàn rằng dự án này đã lấy đi những khu đất nông nghiệp màu mỡ. Một số khu vực thuộc dự án này đã hoàn thành thì hoạt động kinh doanh rất ì ạch và quản lý rất hỗn loạn. Hiện tại, một tòa nhà 3 tầng về cơ bản bỏ trống tầng 2 và 3.

Một dự án bị bỏ hoang khác ở Ba Trung là Công viên Truyện cổ Andersen. Một người dân cho biết, chính quyền địa phương đã trưng dụng đất của 3 ngôi làng, đồng thời phá bỏ các trang trại và nhà cửa vào năm 2013. Hơn 500 người dân địa phương bị mất nhà và phải chuyển đến nhà được đền bù ở khu vực khác. Tuy nhiên, dự án khu dân cư đã bị tạm dừng trước khi xây dựng phần móng. Bây giờ, cỏ dại mọc khắp khu vực đất thuộc dự án.

Nhà thầu xây dựng Công viên Truyện cổ Andersen là Công ty Văn hóa Hongxi, do doanh nhân Shi Yizhong thành lập vào năm 2016. Có 4 công ty khác liên kết với ông Shi trong việc xây dựng công viên giải trí này. Tuy nhiên, các công ty này không có thành tích tốt và hoạt động kinh doanh của họ gần đây đã bị đình chỉ, theo một báo cáo do cổng thông tin điện tử Trung Quốc Sina công bố vào ngày 10/8. Người dân chỉ trích chính quyền địa phương và đặt ra câu hỏi về cách họ thu hút các nhà đầu tư vào thành phố, theo báo cáo.

Chính quyền Ba Trung đã đưa ra một thông cáo báo chí sau khi truyền thông chỉ trích các dự án chưa hoàn thành của thành phố này. Theo thông cáo, các dự án được đưa ra vào năm 2012 nhằm phát triển khu vực theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về phát triển kinh tế, bằng cách “kết hợp các lợi thế địa lý riêng của khu vực và các chính sách quốc gia” để “thu hút đầu tư về xuất nhập khẩu, du lịch và các ngành công nghiệp khác”. Trong thông cáo, chính quyền cũng đề cập đến một cảnh báo về “thành tích xấu” vào năm 2018 của các chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan đến việc quản lý kém các dự án xây dựng bị kỷ luật.

Theo báo cáo của Weibo, chỉ riêng tại thành phố Ba Trung, 40% dự án địa phương đã dừng trước khi được bắt đầu xây dựng, như Công viên Truyện cổ Andersen; và 50% các dự án dừng nửa chừng, như Khu công nghiệp Panxing.

Phần nổi của tảng băng chìm, bề nổi của vấn đề

Ngày 11/12/2019, chính quyền địa phương ở huyện Độc Sơn (Dushan), tỉnh Quý Châu, là một phần của quá trình phát triển “dự án hình ảnh” bắt đầu vào năm 2016.

Độc Sơn là một trong những khu vực nghèo của Trung Quốc và đây không phải là lần đầu tiên huyện này được đưa vào một dự án hình ảnh.

Vào ngày 7/8/2019, ông Pan Zhili - cựu bí thư huyện Độc Sơn - bị cách chức. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) báo cáo rằng ông Pan đã vay gần 200 triệu nhân dân tệ (khoảng 666 tỷ VNĐ) để xây dựng các dự án hình ảnh nhằm nâng cao vị thế chính trị, chẳng hạn dự án: “tháp nước đầu tiên trên thế giới” và “tòa nhà gốm tráng men cao nhất thế giới”. Khi ông Pan bị cách chức, huyện này được cho là đã tích lũy một khoản nợ 40 tỷ nhân dân tệ (khoảng 133 nghìn tỷ VNĐ).

Dự án hình ảnh

Dự án hình ảnh là một loại dự án rất phổ biến ở Trung Quốc. Các quan chức thao túng luật pháp để phát triển cơ sở hạ tầng địa phương vì lợi ích tài chính và chính trị bản thân, mà không quan tâm đến lợi ích của người dân địa phương và cộng đồng. “Đặc biệt là các dự án xây dựng công cộng thường có nguy cơ tham nhũng cao vì lĩnh vực xây dựng công luôn bị tham nhũng nhiều nhất”, theo một báo cáo của ResearchGate.

Vào ngày 20/12/2019, The Epoch Times (tiếng Trung) đưa tin rằng thành phố Nanyang của tỉnh Hà Nam được biết đến với cái tên “Thủ đô của những tòa nhà chưa hoàn thành”. Hiện còn hơn 120 dự án dang dở phải tạm dừng do thiếu vốn.

Theo báo cáo, chính quyền địa phương ở thành phố Nam Dương (Nanyang) vẫn sử dụng tài chính đất đai làm thu nhập chính, bán đất với giá cao khiến giá đất liên tục tăng, dẫn đến sự xuất hiện của các “vua đất” mới. Tuy nhiên, trong 11 tháng đầu năm 2019, doanh số bán đất tại thành phố đã giảm 20% so với cùng kỳ năm 2018.

Một số nhà phân tích cho rằng, trong trường hợp này, các chủ đầu tư chắc chắn sẽ chuyển chi phí vào thị trường nhà ở, và người mua cuối cùng sẽ là người phải chi trả cho các chi phí đó. Nói cách khác, việc phụ thuộc quá nhiều vào tài chính đất đai sẽ đẩy giá nhà đất lên cao, nhưng nền kinh tế thực sự yếu kém và hiệu quả sử dụng đất thấp. Hệ quả là bong bóng bất động sản có thể vỡ.

Các dự án dang dở nằm rải rác khắp Trung Quốc. Các khu chung cư, khu công nghiệp, cao ốc văn phòng thương mại, dự án hình ảnh ... bị bỏ hoang do nợ nần, thiếu vốn. Một số dự án bị bỏ hoang hơn chục năm, để lại những công trường ngổn ngang, hoang tàn.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thành phố nghèo nhất Tứ Xuyên lãng phí hàng nghìn mẫu đất và hàng tỷ USD vào các dự án bỏ hoang