‘Thành phố bọt biển' hơn 8 tỷ USD của Trịnh Châu vỡ trận sau thảm họa lũ lụt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo truyền thông Trung Quốc, Trịnh Châu đã chi hơn 53 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 8 tỷ USD) để thí điểm xây dựng “thành phố bọt biển”, tức là xây dựng hệ thống phòng lũ và thoát nước hiệu quả, có thể hút nước và tái chế sử dụng. Tuy nhiên, thảm họa vừa qua đã khiến toàn bộ hệ thống thoát nước của thành phố hoàn toàn tê liệt. Còn các quan chức thì nhiều lần nhấn mạnh rằng, lượng mưa ở tỉnh Hà Nam "phá vỡ mức kỷ lục lịch sử" nên không thể đổ lỗi cho "công trình bọt biển".

Bắt đầu từ ngày 17/7, mưa bão lớn đã xảy ra ở nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Hà Nam, gây ra nhiều thảm họa như ngập úng, lũ lụt và vỡ đập hồ chứa. Theo thông báo ngày 22/7 của Sở quản lý ứng phó khẩn cấp tỉnh Hà Nam, lượng mưa lớn đã khiến hơn 3 triệu người trong tỉnh bị ảnh hưởng, 33 người thiệt mạng và 8 người mất tích. Tuy nhiên, dữ liệu này không khỏi khiến ngoại giới nghi ngờ. Cách đây 5 năm, chính quyền địa phương tuyên bố chi hơn 50 tỷ nhân dân tệ để xây dựng "thành phố bọt biển biết hít thở". Thảm họa vừa qua cũng là một đợt kiểm chứng hiệu quả của dự án này.

Theo nhiều kênh truyền thông Trung Quốc đưa tin, Trịnh Châu đã trở thành nơi thí điểm xây dựng "thành phố bọt biển" ở tỉnh Hà Nam vào đầu năm 2016. Nó đã "xây dựng một mạng lưới thoát nước dài 5.162 km", loại bỏ tổng cộng 125 điểm dễ ngập úng trong toàn thành phố, và xây dựng hệ thống thoát nước hoàn chỉnh hơn. Chính quyền thông báo rằng đến năm 2020, sẽ đầu tư 53,48 tỷ nhân dân tệ để hoàn thành các hạng mục liên quan.

Vào tháng 5 năm nay, truyền thông chính thống Trung Quốc cũng thông báo về kế hoạch này, và nói rằng cùng với việc cải thiện hệ thống kiểm soát lũ lụt và thoát nước, "cho đến nay, không có thảm họa ngập úng nghiêm trọng nào xảy ra trong khu vực được xây dựng".

Quan chức đổ lỗi cho mưa lũ, chứ không phải tại ‘công trình bọt biển’

Trong vài ngày qua, các quan chức Trung Quốc liên tục nhấn mạnh rằng lượng mưa ở tỉnh Hà Nam đã "vượt qua mức kỷ lục lịch sử". Chính quyền thành phố Trịnh Châu mô tả đây là trận lụt “100 năm chưa từng gặp”, còn Sở Thủy lợi của tỉnh Hà Nam thì nói là “hơn 5.000 năm mới gặp một lần". Những phát ngôn này đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích từ cư dân mạng.

Người dân đại lục cho rằng, trận mưa vừa qua là một bài kiểm tra lớn đối với "thành phố bọt biển" Trịnh Châu. Thực tế đã chứng minh rằng hệ thống thoát nước không có tác dụng, vì vậy trận thiên tai này trên thực tế là nhân họa.

Một số người cũng đặt nghi vấn, công trình bọt biển là công trình vô hình, nhìn không thấy nhưng cũng nên có số liệu cụ thể. Ví như lượng mưa có thể chịu được là bao nhiêu? 53,4 tỷ nhân dân tệ này đã được chi vào những đâu?

‘Thành phố bọt biển’ là một lời nói dối?

Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), chuyên gia bảo vệ môi trường Ngô Lập Hồng (Wu Lihong) đã phân tích về thảm họa lũ lụt ở Hà Nam. Ông Ngô nói rằng, Trịnh Châu đã xây dựng một thành phố bọt biển, chính quyền nói là sau khi mưa đến, nó có thể bị hút đi và có thể tái chế; họ đã đầu tư rất nhiều nhân lực, vật lực và tiền bạc, sau trận lũ lần này, chẳng phải đã ném hết tiền xuống biển sao?

Chuyên gia bảo vệ môi trường cho rằng, thành phố bọt biển này là một lời nói dối, từ một khía cạnh khác có thể thấy thành phố bọt biển của Trung Quốc không có bất kỳ khả năng kiểm soát lũ lụt nào. Nó chỉ là tác phẩm của chính quyền, là một công trình “đậu phụ”. Sau trận lụt này, nó càng cho thấy thành phố bọt biển này chỉ là một "dự án bã đậu phụ".

Trịnh Châu gặp đại nạn là do xả lũ hồ chứa?

Trận lũ lụt bất ngờ ở Trịnh Châu bị cáo buộc là để "đảm bảo an toàn cho [công trình] chuyển nước từ Nam lên Bắc" nên chính quyền đã bí mật xả lũ hồ chứa. Người làm truyền thông thâm niên của Hong Kong - ông Lương Cẩm Tường (Liang Jinxiang) đã viết một bài báo với tiêu đề "Những xác chết trôi nổi trong tàu điện ngầm ngập lụt ở Trịnh Châu là nhân họa, không phải thiên tai".

Bài báo nói rằng, lũ lụt nhấn chìm thành phố trong chốc lát, còn cơ quan khí tượng đã không có dự báo trước. Chúng ta nên xem xét đến một khả năng là do con người gây ra: xả lũ từ hồ chứa. Tất nhiên, một hồ chứa không đủ để gây ra thảm họa hiện tại ở Hà Nam, nhưng việc xả lũ nhiều hồ chứa trong tỉnh sẽ đủ để tạo ra tình trạng trong những ngày qua.

Vậy tại sao phải xả lũ?

Câu trả lời trong bài báo là các đập và hồ chứa nước bị “rút ruột”, nếu không xả lũ thì những dự án đậu phụ này sẽ sụp đổ và những kẻ tham nhũng sẽ hiện nguyên hình… Đừng quên là những năm gần đây Trung Quốc đã tích cực mở rộng và xuất khẩu các dự án thủy điện ra nước ngoài. Trạm thủy điện Myitsone mà người Myanmar (Miến Điện) phản đối gay gắt vào năm trước cũng do Trung Quốc đầu tư. Đây là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, còn cái giả phải trả cho việc hủy hoại môi trường tự nhiên thì để thế hệ sau của người dân địa phương gánh chịu.

Theo bài báo, từ năm ngoái Trịnh Châu đã đầu tư hơn 50 tỷ nhân dân tệ để cải thiện hệ thống thoát nước và lưu trữ nước trong thành phố, với hy vọng trở thành một "thành phố bọt biển" có khả năng hút nước mạnh. Nhưng số tiền đó thực sự được dùng để xây dựng công trình hay là đã bị quan chức tham nhũng hút máu? Bài kiểm tra lần này chắc chắn sẽ tiết lộ nội tình.

Chưa có quan chức nào lên tiếng xin lỗi

Sau sự cố ở Trịnh Châu, các video về thi thể chết đuối và bị cuốn trôi trên mạng xã hội ở đại lục đã được "điều tiết", hoàn cảnh bi thảm của nạn nhân hay thông tin về người tử vong không được báo cáo, nhiều người đã bị xóa bài đăng và bị vu cho là tung tin đồn.

Kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - The Paper đã đăng một bài báo vào ngày 23/7 với tiêu đề "Chiến đấu suốt một ngày một đêm, lực lượng cứu hộ gấp rút tiếp viện cho Trịnh Châu ngủ gục ngay bên cạnh máy bơm nước". Lại bắt đầu bài ca quen thuộc rằng “đại nạn vô tình, con người hữu tình”, chuyện đau buồn nhưng lại xử lý một cách hoan hỉ. Cho đến nay, vẫn chưa thấy một quan chức ĐCSTQ nào lên tiếng xin lỗi hay từ chức.

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

‘Thành phố bọt biển' hơn 8 tỷ USD của Trịnh Châu vỡ trận sau thảm họa lũ lụt