Tham vọng của Bắc Kinh tại Ấn Độ - Thái Bình Dương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo “Chân trời Đại Dương: Tăng cường an ninh hàng hải tại các quốc đảo Ấn Độ Dương” do Viện Nghiên cứu Chính sách chiến lược Úc (ASPI) có trụ sở tại Canberra, Úc xuất bản vào ngày 5/12/2019 đã nêu bật ý đồ của chính quyền Trung Quốc là cạnh tranh với các cường quốc khác trong khu vực Ấn Độ Dương, bao gồm Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản

Báo cáo mô tả tầm ảnh hưởng và hoạt động đầu tư của Trung Quốc trong khu vực, trong đó có các hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Sáng kiến ​“Một vành đai, một con đường” (OBOR, hay còn gọi là “Vành đai và Con đường”). Sáng kiến này có thể tác động đến các vấn đề tài chính, chiến lược và chủ quyền của các quốc gia trong khu vực do các nước này có thể vay nợ không bền vững từ Trung Quốc.

Năm 2013, Trung Quốc đưa ra Sáng kiến OBOR nhằm xây dựng mạng lưới thương mại hàng hải và đất liền lấy Bắc Kinh làm trung tâm bằng cách tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn khu vực Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu.

Năm 2017, Sri Lanka đã bàn giao quyền kiểm soát cảng Hambantota quan trọng của mình cho Bắc Kinh theo thỏa thuận nêu trong hợp đồng thuê 99 năm để trả khoản nợ hơn 1 tỷ đô la Mỹ mà họ đã vay cho dự án cảng này. Vụ việc này được xem là một nghiên cứu tình huống điển hình trong “chính sách ngoại giao bẫy nợ” của chính quyền Trung Quốc.

Các quốc đảo Thái Bình Dương như Tonga, Samoa và Vanuatu “là những nước mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất so với bất cứ nơi nào trên thế giới”, báo cáo cho biết.

Chính quyền Trung Quốc cũng dự kiến gây ảnh hưởng về mặt quân sự thông qua sáng kiến này. Theo báo cáo, năm 2019, ông Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đã trao đổi với một nhóm các nhà lãnh đạo quân sự các nước Nam Thái Bình Dương và vùng Caribe tại Bắc Kinh về khung hợp tác quân sự trong khuôn khổ sáng kiến OBOR.

Theo báo cáo, năm 2018, cả Hoa Kỳ và Úc đều nhận được cảnh báo khi Vanuatu ký một dự án cảng trị giá 100 triệu đô la Mỹ với Trung Quốc cùng các điều khoản quân sự kèm theo, mặc dù cả Vanuatu và Trung Quốc đều phủ nhận rằng thỏa thuận có liên quan đến việc xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc.

“Trung Quốc cũng có lợi ích ngày càng tăng về mặt kinh tế và nhân khẩu học ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Điều này có thể dẫn tới điều chỉnh chiến lược quân sự trong tương lai. Đầu tư ngày càng tăng, bao gồm cả những khoản đầu tư từ sáng kiến OBOR, sẽ tạo ra những lợi ích mới cần được bảo vệ”, báo cáo cho biết.

Các quốc đảo Thái Bình Dương

Báo cáo chỉ ra rằng Bắc Kinh có một Chương trình Nghị sự ngoại giao và chiến lược rõ ràng ở Nam Á, bao gồm mối quan tâm đối với nguồn cá và trữ lượng khoáng sản, gây bất lợi lớn cho các nước đồng minh của Mỹ, đó là Úc và Đài Loan.

Ngoài ra, đối với Úc, bất kỳ cơ sở quân sự nào của Trung Quốc cũng sẽ là “mối đe dọa nghiêm trọng”, đặc biệt là các tuyến đường biển quan trọng nối liền đất nước này với Hoa Kỳ.

Gần đây, chính phủ Úc đã mở hai cuộc điều trần tại Quốc hội về quan hệ quốc phòng và về thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các quốc đảo Thái Bình Dương.

Cũng theo báo cáo, “Việc Solomon và Kiribati thay đổi liên minh ngoại giao, chuyển từ hợp tác với Đài Loan sang Trung Quốc cho thấy những khó khăn do Trung Quốc gây ra, khi Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp một khoản tiền lớn cho các nước nhỏ”.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn cần thống nhất với đại lục và sẵn sàng dùng lực lượng quân sự nếu cần, ngay cả khi hòn đảo này là một chính thể độc lập với lực lượng quân sự riêng và chính phủ được bầu chọn một cách dân chủ.

Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng các chiến thuật khác nhau nhằm làm suy yếu tính hợp pháp của Đài Loan. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã dùng các khoản đầu tư và khoản vay để lôi kéo các đồng minh ngoại giao của Đài Loan mà các nhà phê bình còn gọi là “ngoại giao đô la”.

Đài Loan đã mất bảy đồng minh từ năm 2016, gồm: El Salvador, Burkina Faso, Cộng hòa Dominican, Panama, São Tomé và Príncipe, Quần đảo Solomon và Kiribati.

Hãng truyền thông Trung ương Đài Loan đưa tin rằng Bắc Kinh đã hứa viện trợ cho Quần đảo Solomon 500 triệu đô la Mỹ để ngừng quan hệ ngoại giao với Đài Loan và quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Tội phạm người Trung Quốc cũng đã thiết lập đường dây hoạt động tại các quốc đảo Thái Bình Dương. Theo báo cáo, những kẻ buôn người Trung Quốc đã sử dụng Palau và Fiji làm điểm trung chuyển cho các điểm đến khác trong khu vực.

Các quốc đảo Ấn Độ Dương

Chính quyền Trung Quốc hiện giành được quyền kiểm soát một số cảng ở Ấn Độ Dương, bao gồm cảng Pakistan Gwadar của Pakistan, cảng Maldives Feydhoo Finolhu và cảng Hambantota của Sri Lanka – cũng như một cơ sở quân sự ở quốc gia châu Phi nhỏ bé Djibouti.

Báo cáo cho biết, “Với việc phụ thuộc vào các tuyến hải trình của chính quyền Trung Quốc trong khu vực này, đặc biệt là qua Eo biển Malacca để vận chuyển hàng nhập khẩu năng lượng thì trong tương lai chúng ta sẽ thấy việc mở cửa các căn cứ quân sự khác (hoặc ít nhất là các căn cứ hậu cần) ở phía Tây, Trung và Đông khu vực Ấn Độ Dương”. Tương tự như ở Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng rất quan tâm tới nguồn cá phong phú tại Ấn Độ Dương.

“Madagascar là nước có cơ chế quản lý nhà nước yếu kém cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng cũng có tiềm năng trở thành mục tiêu của các sáng kiến ​​săn mồi từ Trung Quốc”, báo cáo nêu. Các công ty Trung Quốc được xem là đã có “những nỗ lực không minh bạch” để đạt được quyền đánh bắt cá ở các vùng đặc quyền kinh tế của đất nước Đông Phi này.

“Quy mô và cơ chế quản lý nhà nước yếu kém cũng đặt các quốc đảo này vào thế bất lợi lớn trong việc đối phó với các nước lớn trong khi các nước lớn này tìm cách áp đặt ảnh hưởng kinh tế hoặc chính trị không chính đáng”, báo cáo cho biết.

Báo cáo đưa ra một số gợi ý cho các quốc gia này; “Các quốc đảo Ấn Độ-Thái Bình Dương nên hợp tác để tăng cường các quy tắc khu vực mà sẽ giúp họ chống lại sự ép buộc về kinh tế và tăng cường tính minh bạch trong quá trình ra quyết định”, báo cáo cho hay.

Báo cáo cũng kêu gọi Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ giúp đỡ các quốc đảo này.

Thùy Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tham vọng của Bắc Kinh tại Ấn Độ - Thái Bình Dương