Thảm kịch đẫm máu Thiên An Môn 32 năm trước qua lời kể của các nhân chứng sống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiếc xe tải bọc thép đầu tiên xuất hiện vào khoảng 11 giờ đêm ngày 3/6/1989. Khoảng 1h30 sáng hôm sau, tiếng súng đã nổ ra và vang lên suốt đêm khi những chiếc xe tăng bắt đầu lăn bánh, nghiền nát bất kỳ người hay vật thể nào cản bước tiến của họ.

Đó là một đêm hỗn loạn tại Quảng trường Thiên An Môn: đạn bắn khắp nơi, người người ngã xuống, và những người biểu tình hoảng loạn đang cố gắng xếp chồng chất những người bị thương lên xe đạp, xe buýt và xe cứu thương để chở họ đi. Ước tính, có hàng nghìn người biểu tình ủng hộ dân chủ đã chết.

Bà Lily Zhang là y tá trưởng tại một bệnh viện Bắc Kinh cách quảng trường thành phố khoảng 15 phút đi bộ. Đêm hôm đó bà đã tỉnh dậy vì tiếng súng. Một y tá khác khóc nức nở nói với bà rằng, máu của những người biểu tình bị thương đã “chảy thành sông tại bệnh viện”.

Ba thập kỷ sau, cuộc đàn áp đẫm máu này - còn được biết đến với tên gọi là vụ thảm sát Thiên An Môn, vẫn tiếp tục ám ảnh những người sống sót. Nhiều người đã tìm cách trốn khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để có tự do hơn. Họ hy vọng rằng bằng cách nói lên những gì đã xảy ra vào ngày định mệnh đó, công chúng sẽ luôn nhớ về những giá trị nhân quyền đã bị tước đi.

“Đây là điều nhỏ bé nhất tôi có thể làm cho quê hương của mình”, ông Daniel Lou, hiện là một doanh nhân ở New York, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Đêm định mệnh tại Thiên An Môn

Các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn vốn thuộc một phong trào do các thanh niên sinh viên lãnh đạo nhằm ủng hộ cải cách dân chủ, đã trở thành một chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc. Cho đến ngày nay, ĐCSTQ vẫn nhất quyết không tiết lộ số liệu hay danh tính của những người thiệt mạng trong cuộc đàn áp dã man này.

Y tá Zhang, người đã ở tại quảng trường để chăm sóc cho các sinh viên tuyệt thực cho đến đêm 3/6, đã nhanh chóng đến bệnh viện vào buổi sáng hôm sau khi nghe tin về vụ thảm sát. Bà đã rất kinh hoàng khi đến bệnh viện của mình và chứng kiến một cảnh tượng giống như “ở chiến trường”.

Một người đàn ông Trung Quốc một mình đứng chặn trước một dòng xe tăng đang đi về hướng đông trên đại lộ Trường An, Bắc Kinh vào ngày 5/6/1989. (AP Photo / Jeff Widener, File)
Một người đàn ông Trung Quốc một mình đứng chặn trước một dòng xe tăng đang đi về hướng đông trên đại lộ Trường An, Bắc Kinh vào ngày 5/6/1989. (Ảnh chụp màn hình video)

Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, xe cứu thương từ tất cả 30 bệnh viện thành phố đã được huy động. Các sinh viên bị chấn thương lấp đầy giường bệnh, một số thậm chí phải chia sẻ giường bệnh với người khác. Máu của họ nhuộm đỏ sàn nhà, hành lang và cầu thang. Tại bệnh viện của bà Zhang, có ít nhất 18 người đã chết khi họ được đưa vào cơ sở.Bà Zhang lưu ý rằng, các binh sĩ khi đó đã sử dụng những viên đạn dumdum - loại đạn mở rộng khi có va chạm và sẽ khiến vết thương mở rộng thêm một khi chúng bị bắn vào bên trong cơ thể. Nhiều vết thương nghiêm trọng kéo dài và chảy máu dữ dội đến mức “không thể hồi phục”.

Tại cổng bệnh viện, một phóng viên bị thương nặng của tờ China Sports Daily trực thuộc ĐCSTQ nói với 2 nhân viên y tế đang dìu ông rằng ông “không thể ngờ rằng ĐCSTQ sẽ thực sự nổ súng”.

“Bắn hạ những sinh viên và thường dân không vũ trang, đây là loại đảng cầm quyền gì vậy?” là những lời cuối cùng người phóng viên đó lưu lại cho thế giới, y tá Zhang nhớ lại.

Một nhà báo của tạp chí tin tức quốc gia Beijing Review lúc bấy giờ là ông Lou đã đứng ở một con phố gần đó, theo dõi điều mà ông gọi là “một đêm định mệnh”.

Ông gọi đó là “một thảm kịch”, và bổ sung thêm rằng “đó là một sự khởi đầu cho sự suy đồi đạo đức của [chính quyền] Trung Quốc”.

Ông tiếp tục: “Chính phủ Trung Quốc do ĐCS lãnh đạo đã quay lưng lại với chính người dân của mình. [Những người hy sinh bản thân] thì lại bị trừng phạt thay vì được khen thưởng. Đất nước muốn gửi thông điệp gì đến chính người dân của mình đây?”. Nhiều nhà hoạt động sinh viên tham gia phong trào đã bị bỏ tù sau vụ thảm sát đẫm máu này.

Ông Zhou Fengsuo, một nhà lãnh đạo sinh viên trong các cuộc biểu tình, đã đếm được 40 xác chết vào sáng sớm ngày 4/6 khi ông đi bộ từ Quảng trường Thiên An Môn đến Đại học Thanh Hoa, nơi ông đang theo học khi đó.

Trước khi rời khỏi quảng trường, ông Zhou đã có một bài phát biểu ngắn thề rằng những người biểu tình ủng hộ dân chủ sẽ trở lại vào một ngày nào đó. “Tôi cảm thấy khi chính quyền [ĐCSTQ] đã dùng đến bạo lực để chống lại người dân, họ đã đánh mất nền tảng đạo đức”, ông Zhou nói với tờ The Epoch Times.

Bà Zhang, khi đó mới 28 tuổi, được chính quyền địa phương chọn làm “nhân viên gương mẫu”, đã từng nghĩ rằng bà sẽ “một lòng yêu quốc gia và Đảng”. Nhưng vào ngày hôm đó, bà đã khóc với đồng nghiệp khi nói rằng sự dã man của cuộc đàn áp này đã “khiến trái tim bà lạnh toát”.

Bà cho biết: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng chính phủ này lại như vậy”.

Hậu quả thảm sát 1989

Cảm giác không tin tưởng chỉ càng được khắc sâu hơn, sau khi các quan chức Trung Quốc nhanh chóng tố cáo những người biểu tình là những kẻ bạo loạn, và tuyên bố rằng “không ai bị bắn chết trong khi dọn dẹp Quảng trường Thiên An Môn”. Một cuộc họp chính phủ đã diễn ra ngay sau đó.

Ông Zhou, một sinh viên tại một trường đại học hàng đầu, đã bị giam trong tù 1 năm và không được phép quay lại trường.

Tại bệnh viện của bà Zhang, một cuộc họp đã được triệu tập, yêu cầu tất cả mọi người “phải giữ vững lập trường” bằng cách khẳng định rằng không có trường hợp nào tử vong. Nhưng các nhân viên đều cùng thống nhất từ ​​chối tham dự cuộc họp này.

Bà Zhang nhớ lại: "Chúng tôi đều nghĩ rằng liệu ai có thể thốt ra những lời đi ngược lại lương tâm của mình như vậy?”.

Hai phát thanh viên chính tại Đài truyền hình CCTV, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã bị hạ cấp và phải rời vị trí của mình vì họ đã mặc đồ đen trong khi báo cáo về vụ thảm sát vào ngày 4/6. Tổng biên tập của tờ Beijing Review cũng từ chức để bảo vệ nhân viên của mình là ông Lou, người mà trước đó đã tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa để ủng hộ các sinh viên. Tuy nhiên, ông Lou đã trở thành một “mục tiêu chính” và bị điều tra về “vai trò” của ông trong phong trào này.

Cả 3 người kể trên đều đã đến Hoa Kỳ, bởi họ không thấy được hy vọng gì về tương lai dưới sự cai trị của ĐCSTQ.

Những người tham gia cầm nến có hình tượng của Nữ thần Dân chủ (giữa) được nhìn thấy tại Công viên Victoria, Hong Kong vào ngày 4/6/2017, trong buổi cầu nguyện dưới ánh nến để kỷ niệm 28 năm cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989 ở Bắc Kinh. (Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)
Những người tham gia cầm nến có hình tượng của Nữ thần Dân chủ (giữa) được nhìn thấy tại Công viên Victoria, Hong Kong vào ngày 4/6/2017, trong buổi cầu nguyện dưới ánh nến để kỷ niệm 28 năm cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989 ở Bắc Kinh. (Anthony Wallace / AFP qua Getty Images)

Tưởng nhớ các nạn nhân trong thảm kịch Thiên An Môn

Các nhân chứng cho biết, vụ việc đàn áp dã man này chính là một lời cảnh tỉnh về sự tàn bạo của ĐCSTQ. Hôm nay, điều đó tiếp tục được chứng minh bằng việc các nhà chức trách Trung Quốc đã che giấu sự bùng phát của virus Corona Vũ Hán, khiến toàn thế giới phải chịu tổn thất nặng nề.

“Một chế độ chuyên chế sẽ gây hại cho tất cả mọi người”, ông Zhou nói.

Ông Kenneth Lam, người đã tới Bắc Kinh để tham gia các cuộc biểu tình vào tháng 5/1989 và ở lại cho đến ngày 4/6. Ông đang ngồi trên đỉnh một tượng đài ở trung tâm quảng trường sáng hôm đó khi những người lính vũ trang xông lên tấn công. Những người biểu tình từ Bắc Kinh đã kéo ông ra khỏi đó. Họ gọi ông bằng biệt danh “Xiao Qiang” thay vì tên thật của ông, và yêu cầu ông “cố gắng sống để trở về và nói điều này cho thế giới biết”.

Khi trở thành luật sư tình nguyện cho người biểu tình ở Hong Kong năm ngoái, ông Lam nhận thấy điều tương đồng về sự sẵn sàng của những người biểu tình trong cả hai phong trào, khi họ dám hy sinh tương lai của mình vì lợi ích lớn hơn, cao cả hơn.

Những sinh viên tuyệt thực đến từ Đại học Bắc Kinh đang nghỉ ngơi, khi hàng trăm sinh viên bắt đầu tuyệt thực không giới hạn như một phần của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đại chúng chống lại chính phủ Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 14/5/1989. (Catherine Henriette / AFP qua Getty Images)
Những sinh viên tuyệt thực đến từ Đại học Bắc Kinh đang nghỉ ngơi, khi hàng trăm sinh viên bắt đầu tuyệt thực không giới hạn như một phần của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đại chúng chống lại chính phủ Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 14/5/1989. (Catherine Henriette / AFP qua Getty Images)

Tại Quảng trường Thiên An Môn, hàng trăm người đã quàng chiếc khăn trắng để tham gia tuyệt thực, trong khi ở Hong Kong, những người biểu tình trẻ tuổi xuống đường để bảo vệ quyền tự chủ và tự do của thành phố, mặc cho sự an toàn và sự nghiệp trong tương lai của họ đang đặt trên lằn ranh sinh tử, ông Lam cho biết.

“Đó là một khía cạnh rất tươi sáng và tốt đẹp của bản chất con người”.

Ông Lam cho biết, sau 32 năm, sự tương đồng đáng kinh ngạc này (của hai cuộc biểu tình) là bằng chứng cho thấy rằng vẫn luôn có một điều gì đó bên trong con người, mạnh mẽ hơn mọi quyền lực và bền bỉ hơn bất kỳ sự đàn áp nào.

“Sự cai trị độc tài không bao giờ có thể đè bẹp ‘mặt sáng’ của bản chất con người”, ông nói.

'Người chặn xe tăng' Thiên An Môn: Hình ảnh Trung Quốc lãng quên

Du Miên

Theo The Epoch Times

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Thảm kịch đẫm máu Thiên An Môn 32 năm trước qua lời kể của các nhân chứng sống