'Thảm họa nhân tạo': Sợ hãi và tuyệt vọng trong tâm chấn dịch Coronavirus ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cô Chen biết rất rõ những nguy hiểm đang rình rập ở phía bên kia địa cầu, nhưng vẫn quyết định lên máy bay.

Cô không còn lựa chọn nào khác để cứu mẹ mình, người đang sống ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nơi xuất phát ổ dịch chết người gây ra nguy hiểm tới sức khỏe toàn cầu.

Các hãng hàng không quốc tế hiện đang tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc, trong khi các thương hiệu quốc tế như Apple và Starbucks đang đóng cửa các chi nhánh của mình ở Trung Quốc. Khoảng một chục quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ đã cấm nhập cảnh đối với những du khách gần đây đã đến Trung Quốc.

Vào ngày 18/01, mẹ của cô Chen bắt đầu có những biểu hiện của triệu chứng tương tự như bị nhiễm Coronarivus đang lây lan rộng khắp Trung Quốc và hàng chục quốc gia.

Tình trạng của bà ngày càng xấu đi.

Vào thời điểm đó, cô Chen đang ở thăm nước Anh bằng visa du lịch.

“Tôi cũng rất sợ, nhưng tôi thực sự không thể chịu nổi suy nghĩ mất mẹ. Tôi muốn ở bên cạnh bà và chăm sóc bà”, cô Chen nói với Thời báo The Epoch Times.

Trong suốt 10 ngày, mẹ cô đã cố gắng tìm kiếm sự trợ giúp y tế, nhưng tất cả các bệnh viện bà đến đều không tiếp nhận bà vì thiếu giường. Người nhà cô Chen không phải là trường hợp duy nhất: theo thị trưởng Vũ Hán, tính đến ngày 26/01, thành phố đã huy động 24 bệnh viện và tổng cộng 100.000 giường để cung cấp dịch vụ cho số bệnh nhân nghi ngờ nhiễm dịch ngày càng tăng. Nhà chức trách cũng đang xây dựng thêm 2 bệnh viện cấp cứu dành cho bệnh nhân nhiễm Coronavirus.

Một hôm, khoảng nửa đêm, mẹ cô Chen đã từ bỏ ý định chờ đợi tại một bệnh viện sau khi biết được có hơn 1.000 bệnh nhân đang xếp hàng đợi phía trước bà, tất cả đều có triệu chứng sốt.

Vào một dịp khác, bà đi bộ hàng km để đến Bệnh viện Hankou. Một bác sĩ đã hứa sẽ có giường cho mẹ cô vào buổi tối hôm đó. Bà về nhà và quay lại vào ban đêm. Bà chờ đợi trong 10 tiếng, và tới 5 giờ sáng lại được thông báo rằng không còn giường trống nữa.

Hoàn cảnh của mẹ khiến cô quyết tâm phải quay trở về nước.

Hành trình trở về

Đó là một quyết định mạo hiểm, đánh cược với tất cả. Cha, anh trai, đang ở cùng cô tại Anh vào thời điểm đó, cùng bạn bè xung quanh cô đều phản đối quyết định của Chen.

Không còn bất kỳ chuyến bay trực tiếp nào có thể vào và ra khỏi Vũ Hán nữa. Trong thành phố, cũng như tỉnh Hồ Bắc rộng lớn, khoảng 60 triệu người đang ở trong tình trạng cách ly kiểm dịch.

Những người đeo khẩu trang bảo vệ chờ lên tàu vào dịp lễ Tết Nguyên đán tại Ga xe lửa Tây Bắc ở Bắc Kinh vào ngày 24/1/2020. (Nicolas Asfouri/AFP via Getty Images)
Những người đeo khẩu trang bảo vệ chờ lên tàu vào dịp lễ Tết Nguyên đán tại Ga xe lửa Tây Bắc ở Bắc Kinh vào ngày 24/1/2020. (Nicolas Asfouri/AFP via Getty Images)

Đầu tiên, cô Chen bay đến Việt Nam, sau đó đến thành phố Thâm Quyến phía nam Trung Quốc, tại đó cô bắt một chuyến tàu tốc hành có điểm dừng ở Vũ Hán trong 3 phút. Sau khi cô giải thích về hoàn cảnh của mẹ mình, cảnh sát ở đó đã giúp cô về nhà. Vào ngày 28/1, cô đã về nhà với mẹ ở Vũ Hán.

Điều chào đón cô là “một cảnh tượng đau buồn”.

“Mẹ tôi đang ngồi trên ghế sofa với đôi mắt nhắm nghiền, không còn chút sức lực”, theo lời cô Chen nói.

"Lẽ ra bà ấy đã chết rồi"

Cô Chen không lãng phí thời gian đi huy động tìm kiếm sự giúp đỡ từ tất cả những người cô quen biết. Cô đã thử mọi cách để giúp mẹ.

Cô gọi tới các bệnh viện và chở mẹ đi khắp các nơi, mặc dù cô biết rằng mình có thể bị phạt vì vi phạm lệnh cấm phương tiện cá nhân. Cô đã đăng câu chuyện của mình lên mạng xã hội và thu hút được sự chú ý của truyền thông.

Đêm đó, đôi môi mẹ cô Chen chuyển sang màu tím. Bà bị khó thở và suýt ngất. Độ bão hòa oxy trong máu của bà giảm xuống 40 %. Cô Chen vội đưa mẹ đến bệnh viện Hankou.

Các bác sĩ cho biết tình hình của bà rất nguy cấp và đã tiến hành phẫu thuật khẩn cấp trong 3 tiếng. Kết quả chụp CT cho thấy 40% phổi của mẹ cô bị nhiễm bệnh. Bác sĩ nói với cô bà chỉ có 50% cơ hội sống sót. 4 giờ sáng ngày hôm sau, ca phẫu thuật kết thúc và bà được điều trị trong bệnh viện.

Một bác sĩ nói rằng ông tin mẹ cô bị nhiễm Coronavirus, nhưng ông không đưa giấy chẩn đoán bệnh cho cô.

“Nếu tôi không quay trở về, mẹ tôi có lẽ đã chết rồi”, cô Chen nói.

'Người may mắn'

Trong các nhóm trò chuyện trên mạng xã hội nơi cô Chen và các cư dân mạng Trung Quốc khác chia sẻ thông tin về virus, có thể thấy rõ sự tuyệt vọng trong những nội dung họ trao đổi. Có một người trong gia đình 5 thành viên đã mất đi 4 người thân vì virus; một người mẹ đơn thân bị nhiễm dịch bệnh cùng với đứa con trai nhỏ của mình; đồng nghiệp của cô Chen đã bị nhiễm bệnh một tháng sau khi sinh con.

Một nhân viên ủy ban khu phố trong khu dân cư của cô Chen nói với cô rằng mẹ cô là người may mắn, vì bệnh viện đã nhận bà. Một cụ ông 84 tuổi bị lâm vào tình trạng nguy kịch cùng lúc với mẹ cô nhưng không được tiếp nhận vì không còn giường bệnh.

Bạn bè và đồng nghiệp của cô Chen cũng kể những câu chuyện về các thành viên trong gia đình bị nhiễm bệnh. “Nhiều người còn không được chẩn đoán và họ bị chết. Họ không được nhập viện”, cô nói.

Hình ảnh những con đường vắng tanh ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, vào ngày 3/ 2/020. (Vladimir Markov/via Reuters)
Hình ảnh những con đường vắng tanh ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, vào ngày 3/ 2/020. (Vladimir Markov/via Reuters)

Toàn bộ thành phố ở trong tình trạng thảm khốc. “Khi tôi lái xe đưa mẹ đến bệnh viện, tất cả đường phố vắng tanh. Trước đây, đó là nơi lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp nhất, không thể đi qua được… giờ thì chỉ toàn thấy băng rôn nói về dịch bệnh”, cô nói.

“Cảm giác như là ngày tận thế, giống như những gì bạn thấy trong các bộ phim”.

'Tai họa nhân tạo'

Lần cuối cùng cô Chen trao đổi với Thời báo The Epoch Times là khi cô đang ở bệnh viện để chờ cập nhật về tình trạng sức khỏe của mẹ cô. Bác sĩ cho biết tình hình của bà rất nghiêm trọng và yêu cầu cô ở lại bệnh viện. Cô nói mẹ cô có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Nhà chức trách cho biết tất cả những người xét nghiệm dương tính với Coronavirus đều được miễn phí điều trị y tế. Nhưng các bác sĩ chỉ đơn giản nói với cô Chen rằng họ không có đủ bộ dụng cụ xét nghiệm và không thể chẩn đoán cho mẹ cô.

Vào ngày 24/01, theo thông tin từ truyền thông của nhà nước Trung Quốc, hai trong số ba nhà cung cấp chính thức bộ dụng cụ xét nghiệm Coronavirus là Shanghai GeneoDx Biotech và Shanghai BioGerm Medical Biotech, cho biết họ có khả năng sản xuất khoảng 220.000 bộ xét nghiệm hàng ngày, và sẽ được đưa đến các nơi trong vòng 24 giờ.

Vào ngày 27/01, hai công ty công nghệ sinh học đã phát triển bộ dụng cụ thử nghiệm của riêng họ đã tặng 46.000 bộ cho Vũ Hán, theo kênh thông tin Trung Quốc đưa ra.

Tại Bệnh viện Chữ thập đỏ ở Vũ Hán vào ngày 25/01/2020, hình ảnh người dân đeo khẩu trang để giúp ngăn chặn sự lây lan của loại virus chết người xuất phát tại chính thành phố này (Hector Retamal/AFP via Getty Images)
Tại Bệnh viện Chữ thập đỏ ở Vũ Hán vào ngày 25/01/2020, hình ảnh người dân đeo khẩu trang để giúp ngăn chặn sự lây lan của loại virus chết người xuất phát tại chính thành phố này (Hector Retamal/AFP via Getty Images)

“Tất cả các chính sách của chính phủ chỉ là trò hề. Họ nói sẽ sắp xếp điều trị miễn phí cho bạn, nhưng khi bạn thực sự tìm tới họ thì các bác sĩ sẽ không chẩn đoán cho bạn. Họ chỉ trưng bày làm màu mà thôi”, cô nói.

Cô Chen cũng buộc tội chính phủ không có hành động phù hợp khiến tình hình ngày càng trầm trọng thêm.

Vào ngày 29/01, một nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England đã phát hiện ra sự lây truyền dịch bệnh từ người sang người đã xuất hiện vào khoảng đầu tới giữa tháng 12/2019.

Các nhà chức trách liên tục tuyên bố có thể kiểm soát được dịch bệnh và không lây nhiễm, mãi cho đến ngày 20/1 ông Zhong Nanshan, nhà khoa học về hô hấp hàng đầu của quốc gia, mới thừa nhận rằng một bệnh nhân đã lây nhiễm bệnh dịch cho 14 nhân viên y tế.

Vào ngày 3/01, cảnh sát Vũ Hán đã cảnh cáo 8 chuyên gia y tế địa phương về việc “lan truyền tin đồn” dịch bệnh trên mạng. Bác sĩ Li Wenliang, một trong số 8 người, sau đó đã bị nhiễm virus trong khi điều trị cho bệnh nhân. Bố mẹ anh cũng ngã bệnh khi chăm sóc anh.

Thị trưởng thành phố sau đó đổ lỗi cho chính quyền trung ương vì đã bưng bít thông tin dịch bệnh.

Vào ngày 31/01, một nghiên cứu được công bố trên The Lancet ước tính có tới 75.815 người ở Vũ Hán có thể đã bị nhiễm bệnh, cho thấy số ca nhiễm bệnh có khả năng tăng gấp đôi cứ sau 6,4 ngày.

Dịch bệnh này đã tấn công 26 vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Trích dẫn lời người bạn làm việc trong chính quyền địa phương, cô Chen cho biết tổng số trường hợp nghi ngờ và bị nhiễm dịch “chắc chắn” hơn 100.000 người.

“Đây không phải là thiên tai; nó là thảm họa nhân tạo”, cô Chen nói.

Minh Thanh (biên dịch)
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

'Thảm họa nhân tạo': Sợ hãi và tuyệt vọng trong tâm chấn dịch Coronavirus ở Trung Quốc