Tập Cận Bình khiển trách tình trạng hủ bại trong nội bộ: ‘Mấy người các ông không chết trên bàn rượu thì cũng chết trên giường’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tờ The Wall Street Journal của Hoa Kỳ đã đăng một bài báo dài hôm 16/2 tiết lộ mối quan hệ lợi ích của các Thái tử Đảng đằng sau Alibaba. Bài báo cũng trích dẫn bài phát biểu nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó ông Tập Cận Bình khiển trách các quan chức cấp cao của ĐCSTQ rằng: “Mấy người các ông không chết trên bàn rượu thì cũng chết trên giường”.

Theo Wikipedia, Thái tử Đảng là một danh xưng không chính thức mang ý nghĩa châm biếm, dùng để chỉ tầng lớp con cháu của các quan chức cao cấp nổi bật và có ảnh hưởng của ĐCSTQ. Bằng một cách không chính thức, tầng lớp này thường được hưởng nhiều đặc ân của nhà nước và có nhiều cơ hội để được đề bạt làm lãnh đạo trong tương lai, dù cho hình thức bên ngoài vẫn là thông qua bầu cử dân chủ; hoặc có các cơ hội kinh doanh, tích lũy khối lượng tài sản khổng lồ mà những người dân thường không thể nào có được.

Bài báo cho biết, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh hủy bỏ đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Ant Group - công ty con của Alibaba - vào cuối năm 2020, động cơ của ông có vẻ rất rõ ràng: Ông lo lắng rằng Ant Group sẽ làm tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, và ông cũng rất tức giận với những phát ngôn của người sáng lập Alibaba là Jack Ma (Mã Vân).

Hai tuần trước khi Ant Group bị đình chỉ, Jack Ma đã công khai chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc chỉ quan tâm đến việc giảm thiểu rủi ro, đồng thời cáo buộc các ngân hàng Trung Quốc hoạt động giống như "tiệm cầm đồ" và chỉ cho những người có thể cung cấp tài sản thế chấp vay. Sau đó, ĐCSTQ đã công bố một cuộc điều tra chống độc quyền chống lại Alibaba.

The Wall Street Journal dẫn lời hơn một chục quan chức và các cố vấn chính phủ của ĐCSTQ, nói rằng có một lý do chính khác khiến ông Tập Cận Bình ngừng niêm yết Ant Group: “Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng lo lắng về cơ cấu quyền sở hữu phức tạp của Ant Group. Họ (những người thực sự nắm giữ Ant Group) sẽ thu được nhiều lợi nhất từ ​​đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất thế giới này”.

Theo các quan chức và các cố vấn chính phủ tiết lộ, một vài tuần trước khi Ant Group có kế hoạch lên sàn, một cuộc điều tra trước đó của chính phủ trung ương chưa từng được tiết lộ đã phát hiện ra rằng, bản cáo bạch IPO của Ant Group đã che giấu tính phức tạp về quyền sở hữu của công ty này.

"Tầng tầng mối quan hệ đầu tư không rõ ràng đằng sau vốn cổ đông của công ty này, đó là một nhóm nhỏ gồm các nhân vật quyền lực của Trung Quốc (ĐCSTQ) có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nó có quan hệ với một số gia tộc chính trị. Những gia tộc này đặt ra những thách thức tiềm tàng đối với Chủ tịch Tập và vòng tròn cốt lõi của ông".

Bài báo cho biết, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã bắt tay vào việc đấu tranh chống tham nhũng, đầu cơ bất động sản và các hoạt động tài chính rủi ro cao khác. Chiến dịch chống tham nhũng của ông không chỉ nhắm vào tình trạng tham nhũng thực tế mà còn để tăng cường kiểm soát quyền lực cá nhân của ông. Kế hoạch IPO của Ant Group lại chính là kiểu phát tài và tích lũy tài sản mà ông Tập đã phản đối từ lâu.

Một người biết rõ về cuộc điều tra nói với The Wall Street Journal rằng, khi các cơ quan quản lý giám sát của ĐCSTQ nghiên cứu các chi tiết của bản cáo bạch, một số nhà đầu tư của Ant Group và cơ cấu cổ phần của công ty này đã khiến ông Tập Cận Bình cảnh giác.

Nhà tài trợ đứng sau Ant Group là Boyu Capital, một công ty cổ phần tư nhân được thành lập bởi Giang Chí Thành (Jiang Zhicheng), cháu trai của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân.

Theo hồ sơ kinh doanh công khai, ban đầu Boyu Capital thành lập công ty con ở Thượng Hải và đầu tư vào một công ty đầu tư ở Thượng Hải. Sau đó, công ty đầu tư này đầu tư vào một công ty cổ phần tư nhân có tên là Trung tâm Đầu tư Kinh Quan Bắc Kinh (Beijing Jingguan), và sau đó mua cổ phần của Ant Group thông qua Beijing Jingguan.

Bài báo viết: "Trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, nhiều đồng bọn của Giang Trạch Dân đã bị loại bỏ, và Giang vẫn luôn đứng sau hậu trường".

Một nhà đầu tư khác của Ant Group cũng có quan hệ mật thiết với gia đình họ Giang, là một phần của "Băng đảng Thượng Hải", đó là Tập đoàn đầu tư Chiêu Đức Bắc Kinh (Beijing Zhaode), do Lý Bá Đàm (Li Botan) - con rể của cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ Giả Khánh Lâm - nắm giữ.

Lý Bá Đàm được biết đến nhiều nhất vì đã giúp thành lập Câu lạc bộ Mao Đài vào năm 2009. Đây là một câu lạc bộ tư nhân nằm gần Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, những năm gần đây, nó trở thành nơi tụ tập của các ‘vương công quý tộc’ của ĐCSTQ.

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã chỉ ra tình trạng tham nhũng, cũng như là phơi bày các bữa tiệc xa hoa cùng hậu cung nhân tình của các đảng viên cấp cao trong nội bộ ĐCSTQ. Những hành vi bại hoại của các quan chức cũng khiến người dân Trung Quốc rất tức giận. Các hoạt động như Câu lạc bộ Mao Đài bị ông Tập Cận Bình cho là có hại.

Theo nguồn tin nội bộ, ông Tập Cận Bình đã nói trong cuộc họp nội bộ với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ trong thời kỳ đầu khi ông mới nhậm chức rằng: "Mấy người các ông không chết trên bàn rượu thì cũng chết trên giường”.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Tập Cận Bình khiển trách tình trạng hủ bại trong nội bộ: ‘Mấy người các ông không chết trên bàn rượu thì cũng chết trên giường’