Tập Cận Bình đeo khẩu trang thị sát Bắc Kinh lần 2, tiết lộ lý do đằng sau việc không tới Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong ba tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn tuyên bố trực tiếp chỉ đạo và triển khai công tác chống dịch. Vào ngày 2/3, ông Tập đeo khẩu trang đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại Bắc Kinh, đây là lần thứ hai ông xuất hiện ở Bắc Kinh kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tại sao cho tới nay ông Tập vẫn không đến tâm chấn của dịch bệnh ở Vũ Hán? Một số chuyên gia đã tiết lộ nguyên nhân đằng sau sự việc.

Theo truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, vào chiều ngày 2/3, ông Tập Cận Bình đã đến Viện nghiên cứu Y học Quân sự và Đại học Y khoa Thanh Hoa để kiểm tra công tác nghiên cứu khoa học, chẩn đoán và điều trị Covid-19, đồng thời chủ trì một hội nghị chuyên đề.

Ông yêu cầu lấy nghiên cứu khoa học phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ chính và cấp bách, đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc, đồng thời nhấn mạnh phải coi "an toàn sinh học" là "một thành phần quan trọng của an ninh quốc gia nói chung".

Đây là lần thứ hai ông Tập Cận Bình đeo khẩu trang đến thăm Bắc Kinh kể từ khi Covid-19 bùng phát. Nhưng cho đến nay, ông vẫn không đến thăm Vũ Hán, Hồ Bắc hoặc các tỉnh khác, những nơi bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất.

Ông Tập Cận Bình đã xuất hiện trên đường phố Bắc Kinh để kiểm tra tình hình dịch bệnh vào ngày 10 tháng 2. (Ảnh Weibo)

Covid-19 đã bùng phát tại Trung Quốc được ba tháng. Từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu tháng 12 năm ngoái, chính quyền Trung Quốc từ trung ương đến địa phương đều che dấu tình hình. Đồng thời, còn bắt giữ 8 bác sĩ tuyến đầu lên tiếng cảnh báo sớm về dịch bệnh, và chính quyền nói dối rằng dịch bệnh "có thể phòng ngừa và kiểm soát được", không có chuyện "bệnh truyền từ người sang người". Việc này khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng từ tâm chấn của dịch bệnh tại Vũ Hán sang toàn thế giới, gây ra lượng lớn các ca nhiễm bệnh và tử vong.

Ngày 20/1, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra "chỉ thị" về phòng chống dịch bệnh và ra lệnh cho Vũ Hán đóng cửa thành phố vào ngày 23 tháng 1. Ngày 25/1, ông Tập đã chủ trì cuộc họp Ủy ban Thường vụ đầu tiên về "Chống dịch" và thành lập Nhóm lãnh đạo chống dịch bệnh Trung ương vào ngày 26/1, với Thủ tướng Lý Khắc Cường là người lãnh đạo.

Vào ngày 27/1, ông Lý Khắc Cường đã đến Vũ Hán để thị sát tình hình dịch bệnh. Ngày 28/1, ông Tập đã tiếp Tổng Giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tại Bắc Kinh, và tuyên bố rằng "Tôi đã liên tục trực tiếp chỉ đạo và triển khai" công tác phòng chống dịch bệnh.

Ngày 10/2 là ngày Bắc Kinh "đóng cửa thành phố", ông Tập Cận Bình, cùng với Bí thư Thành ủy Bắc Kinh - Thái Kỳ và Thị trưởng Trần Cát Ninh, lần đầu tiên đến một số khu, bệnh viện và trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở Bắc Kinh để kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh, đồng thời liên lạc qua video với các nhân viên y tế và các quan chức tiền tuyến ở Vũ Hán.

Ngày 11/2, ông Tập Cận Bình đã bãi chức Thư ký và Chủ nhiệm của Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh Hồ Bắc, cả hai chức vụ này giao cho ông Vương Hạ Thắng, người được Bắc Kinh phái đi, đảm nhiệm. Thân tín của ông Tập, Trần Nhất Tân, với tư cách là phó lãnh đạo của Nhóm chỉ đạo Trung ương, đã chỉ huy chống dịch bệnh ở Vũ Hán.

Ngày 13/2, ông Tập Cận Bình lại điều phái Thị trưởng Thượng Hải, ông Ứng Dũng thay thế Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc Tương Siêu Lương; và điều phái ông Vương Chí Lâm - Bí thư Thành ủy Tế Nam, thay thế Bí thư Thành ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường.

Ngày 23/2, ông Tập Cận Bình đã tổ chức một hội nghị video với sự tham gia của 170.000 người để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Ông đã thừa nhận rằng tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn còn nghiêm trọng và phức tạp, và đó là sự cố y tế cộng đồng tồi tệ nhất kể từ khi ĐCSTQ thành lập. Đồng thời, ông cũng yêu cầu các tỉnh phải quay trở lại đi làm và sản xuất.

Ngày 24/2, Vũ Hán đã đóng cửa thành phố một tháng và Cục phòng chống dịch bệnh Vũ Hán tuyên bố đủ điều kiện gỡ bỏ lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy bốn tiếng, lệnh gỡ bỏ phong tỏa lại được tuyên bố vô hiệu và thành phố Vũ Hán "kiên quyết thực hiện" chỉ thị quan trọng "phòng bị không cho ra ngoài" của ông Tập Cận Bình, kiểm soát chặt chẽ các nhân viên và các đường đi ra ngoài, ngăn chặn nghiêm ngặt sự bùng phát của dịch bệnh.

Động thái của chính quyền Vũ Hán đã làm dấy lên lo ngại và chỉ trích công khai sự hỗn loạn trong chỉ huy phòng chống dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc.

Mặc dù chính quyền ông Tập nhấn mạnh "nhất quân cờ" trong phòng chống dịch bệnh, cần phải nghe theo "chỉ huy thống nhất" của chính quyền, ngoại giới cho rằng dù kiểm soát giao thông lẫn phó thị trưởng đều không dám can đảm đưa ra thông báo quan trọng như vậy mà không được phép. Vậy rốt cuộc ai đã ban hành lệnh bỏ phong tỏa Vũ Hán, đến nay vẫn là bí ẩn.

Hơn nữa, điều dư luận quan tâm hơn cả là cho đến nay, ông Tập Cận Bình chưa bao giờ xuất hiện thị sát tình hình ở Vũ Hán hoặc các tỉnh khác trong khu vực dịch bệnh.

Hình ảnh ông Tập Cận Bình đeo khẩu trang lần đầu tiên tới Bắc Kinh để kiểm tra dịch bệnh vào ngày 10 tháng 2. (Ảnh Weibo)

Về vấn đề này, ông Hồ Bình (Hu Ping), biên tập viên danh dự của trang beijingspring.com, phân tích rằng việc ông Tập Cận Bình không đến Vũ Hán có hai lý do: một là sợ bị nhiễm virus, hai là lo lắng về sự an toàn của ông.

Ôn Hồ Bình cho rằng ông Tập Cận Bình có khả năng liên tưởng đến sự cố ngày 20 tháng 7 tại Vũ Hán thời Cách mạng Văn hóa. Ông biết rằng nhiều quan chức và người dân ở Vũ Hán bất mãn với ông. Trong trường hợp có người xông ra và tấn công ngay tại chỗ, sẽ rất rắc rối. Vì vậy, không tới đó là tốt nhất.

Một số nhà sử học Bắc Kinh cũng cho rằng việc ông Tập Cận Bình không đến Vũ Hán trước hết là sợ lây bệnh, và thứ hai là ông lo lắng về sự tái diễn của "Sự cố Vũ Hán" năm đó.

"Sự cố Vũ Hán", còn được gọi là "Sự cố ngày 20 tháng 7", đề cập đến Mao Trạch Đông - lãnh đạo thời đó của ĐCSTQ, và Thủ tướng Chu Ân Lai đến Vũ Hán vào ngày 14 tháng 7 năm 1967 để giải quyết tranh đấu kịch liệt giữa phái cách mạng tỉnh Hồ Bắc ‘bách vạn hùng sư’ và ‘phái tạo phản’. Tuy nhiên, quân khu tỉnh Hồ Bắc và "bách vạn hùng sư" đã phản đối ý kiến xử lý ​​của ĐCSTQ, và vào sáng ngày 20 tháng 7, họ đã chặt đầu Vương Lực, một thành viên của Đội Cách mạng Văn hóa của ĐCSTQ. Vì lý do an ninh, Mao đã lên kế hoạch rời Vũ Hán bằng máy bay vào tuần đó.

Nhà bình luận thời sự chính trị Đường Tĩnh Viễn cho rằng có nhiều lý do khiến ông Tập Cận Bình không đến Vũ Hán. Việc che giấu thông tin ngay từ đầu dẫn đến sự lây lan dịch bệnh nhanh chóng, các bên đều đang đổ tội cho nhau. Bất cứ ai đến đồng nghĩa với thừa nhận bản thân phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, ông Tập không đi.

Sau đó, Vũ Hán đóng cửa thành phố, về mặt chính trị cần phải cổ vũ sĩ khí nên ông Lý Khắc Cường danh nghĩa là trưởng nhóm phòng chống dịch bệnh, đã đến Vũ Hán. Ông Lý cũng cũng tuyên bố rõ rằng ông được Tập Cận Bình tin tưởng giao nhiệm vụ tới Vũ Hán, thay ông Tập thăm hỏi, và ông Tập không cần phải đi.

Tiếp theo đó, dịch bệnh tiếp tục xấu đi, toàn tỉnh Hồ Bắc mất kiểm soát và đóng cửa, nguy cơ lây nhiễm gia tăng. Đồng thời, dịch bệnh lây lan toàn quốc, kinh tế sụt giảm, bên trong đảng tranh đấu kịch liệt. Ngoài lo ngại về việc bị nhiễm bệnh khi tới Vũ Hán, ông Tập Cận Bình cũng không dám rời khỏi Bắc Kinh vì lo có kẻ lợi dụng sơ hở gây ra chính trị hỗn loạn. Vì vậy, việc đi Vũ Hán trở thành mối nguy hiểm an ninh tiềm tàng gấp hai lần, và ông Tập không dám mạo hiểm.

Minh Thanh
- Theo NTDtv.



BÀI CHỌN LỌC

Tập Cận Bình đeo khẩu trang thị sát Bắc Kinh lần 2, tiết lộ lý do đằng sau việc không tới Vũ Hán