Tập Cận Bình đang nguy khốn khi bảo vệ quan chức thân tín trong thảm họa Trịnh Châu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dư luận trong và ngoài Trung Quốc vẫn đang dõi theo thảm họa tại Trịnh Châu, đặc biệt tại tuyến tàu điện ngầm số 5 ở ga Sa Khẩu Lộ - nơi được cho là có mật độ hành khách lớn nhất vào giờ cao điểm với khoảng hơn 300 ngàn người. Điều rõ ràng là thảm họa này do con người tạo ra, mà kẻ tội đồ chính là các quan chức cấp cao của tỉnh Hà Nam, đã xả lũ mà không thông báo cho dân chúng biết. Việc người dân Trung Quốc quan tâm lúc này là liệu các quan chức Hà Nam có bị trừng phạt hay không?

Để che giấu sự thật và duy trì sự ổn định, ĐCSTQ đã triển khai quân đội và cảnh sát một cách toàn diện ở Trịnh Châu, nhằm phong tỏa mọi ngả đường dẫn tới hiện trường.

Đấu đá phe phái: Liệu Tập Cận Bình có cắt chức quan chức tỉnh Hà Nam?

Hẳn nhiều người vẫn nhớ đại dịch coronavirus bắt đầu bùng phát tại tỉnh Hồ Bắc với tâm chấn Vũ Hán vào đầu năm 2020, khi ấy ông Tập Cận Bình đã đảm nhận trách nhiệm giải trình, và liên tiếp cắt chức các quan chức tỉnh Hồ Bắc và thủ phủ Vũ Hán.

Vậy năm nay sẽ thế nào, khi lũ lụt bất ngờ xảy ra ở tỉnh Hà Nam và nhấn chìm thủ phủ Trịnh Châu, khiến hàng triệu người phải gánh chịu hậu quả thảm khốc?

Ảnh chụp màn hình các nạn nhân tại tàu điện ngầm Trịnh Châu.
Ảnh chụp màn hình các nạn nhân tại tàu điện ngầm Trịnh Châu.

Liệu Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam và Bí thư Thành ủy Trịnh Châu có phải chịu trách nhiệm như Bí thứ Tỉnh ủy Hồ Bắc và Bí thư Thành ủy Vũ Hán đã từng “mất ghế” trong đại dịch virus Vũ Hán hay không?

Dù vậy, nhiều nhà quan sát vẫn đang hoài nghi việc này. Bởi các quan chức cấp cao của tỉnh Hà Nam và Trịnh Châu đều là những nhân vật trong hàng ngũ trung thành với họ Tập, tức là tay chân thân tín của Tập Cận Bình.

Lâu Dương Sinh (Lou Yangsheng) là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam được thăng chức từ Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây vào cuối tháng 5 vừa qua. Trong nhiều năm, Lâu Dương Sinh từng là thuộc cấp của Tập Cận Bình khi ở Chiết Giang, và thuộc "Đội quân mới Chi Giang". Đội quân này ám chỉ các phe phái ủng hộ Tập Cận Bình như: Đội quân gia tộc Tập, Đội quân phái Chiết Giang, Đội quân mới Chi Giang, Phái Thiểm Tây, Phái Thanh Hoa...

Từ Lập Nghị là bí thư Thành ủy Trịnh Châu, được thăng chức từ chức thị trưởng Hàng Châu, cũng là quan chức cấp dưới của Tập Cận Bình, và cũng thuộc "Đội quân mới Chi Giang" trung thành khi ông Tập nắm giữ chức vụ quan trọng ở tỉnh Chiết Giang.

Năm 2020, Tập Cận Bình đã liên tiếp cách chức các quan chức ở tỉnh Hồ Bắc và thủ phủ Vũ Hán không phải vì sự cẩu thả của họ đối với đại dịch, mà là nhóm quan chức này không thuộc hàng ngũ trong “Đội quân mới Chi Giang" của Tập.

Trung Quốc sa thải một loạt quan chức sau khi phát hiện số ca nhiễm và chết bởi Coronavirus tăng chóng mặt
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương nói chuyện trong cuộc gặp với Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, vào ngày 23 tháng 2 năm 2017.(Ảnh: JOHANNES EISELE / AFP qua Getty Images)

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc khi ấy là Tưởng Siêu Lương, chính là cánh tay phải của Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn.

Vào thời điểm đó, cuộc tranh giành quyền lực giữa Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đang khá gay gắt, khi ông Tập ra lệnh bắt giam hai nhân vật máu mặt có liên quan mật thiết với Vương Kỳ Sơn. Đó là tỷ phú bất động sản Nhậm Chí Cường, bị kết án 18 năm tù vì tội viết một bài bình luận chỉ trích Tập Cận Bình, và Triệu Lạc Tế, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Tập Cận Bình đã sử dụng quyền lực do phe phái thân tín kiểm soát để nhân cơ hội đó hạ bệ nhóm của Vương Kỳ Sơn, qua đó tranh thủ tạo ra làn gió sùng bái Tập Cận Bình mạnh mẽ hơn, tạo ra khí thế như vạn dân đều đồng lòng cho rằng đây là vị “lãnh đạo yêu dân yêu nước".

“Thủ thuật” xoa dịu và lừa lọc dân chúng của ĐCSTQ

Còn nhớ vào tháng 1/2020 khi đại dịch bùng phát tại Vũ Hán, thì ngày 4/2/2020, Tập Cận Bình kêu gọi ĐCSTQ “tăng cường kiểm soát truyền thông và Internet”.

Có điều là chưa bao giờ MXH Trung Quốc lại bùng nổ các lời chỉ trích nhắm vào chính quyền thành phố Vũ Hán dữ dội đến vậy sau cái chết của “người thổi còi” - bác sĩ Lý Văn Lượng. Rạng sáng ngày 7/2/2020, hơn 1,5 tỉ lượt người Trung Quốc đã xem thông tin về cái chết của vị bác sĩ này.

Bác sĩ Lý là một trong 8 người đầu tiên đã cố gắng cảnh báo cho các đồng nghiệp và cấp trên của họ về thảm họa dịch bệnh sắp xảy ra, và phải chịu nhận hình thức kỷ luật vì tội “phát tán tin đồn nhảm”.
Bác sĩ Lý Văn Lượng là một trong 8 người đầu tiên đã cố gắng cảnh báo cho các đồng nghiệp và cấp trên của họ về thảm họa dịch bệnh virus Vũ Hán sắp xảy ra, và phải chịu nhận hình thức kỷ luật vì tội “phát tán tin đồn nhảm”. (Ảnh chụp màn hình)

Trên Weibo, hashtag “Chính quyền Vũ Hán nợ bác sĩ Lý Văn Lượng một lời xin lỗi” đã được xem khoảng 180 triệu lần trước khi bị công cụ kiểm duyệt của ĐCSTQ ra tay.

Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng bộ máy kiểm duyệt của ĐCSTQ bị tê liệt trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của dân chúng?

Câu trả lời tất nhiên là: Không.

ĐCSTQ cùng đội quân dư luận viên đông đảo thông thường sẽ nhanh chóng loại bỏ bất kỳ sự chỉ trích nào nhằm vào các quan chức chính phủ. Tuy nhiên, hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc vào thời điểm ấy “bỗng dưng” cho phép một số lượng lớn những lời chỉ trích gay gắt xuất hiện trên cả nền tảng Mạng xã hội lẫn truyền thông Nhà nước.

Đơn cử Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu là ông Hồ Tích Tiến, trong một động thái hiếm hoi bất thường, cũng chỉ trích trực tiếp các quan chức thành phố Vũ Hán vì phản ứng chậm trễ khiến dịch bệnh bùng phát.

Thực tế, chính quyền Bắc Kinh không chỉ dung túng cho cơ quan ngôn luận của Đảng như Thời báo Hoàn cầu chỉ trích chính quyền Vũ Hán, mà còn nới lỏng cho cư dân mạng đổ dồn mọi phẫn nộ vào quan chức của tỉnh Hồ Bắc.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Tập Cận Bình lại “bật đèn xanh” cho việc chỉ trích nhắm vào các “thuộc hạ” cấp tỉnh thành này?

Câu trả lời là: Việc đổ lỗi cho sự bất lực của các chính quyền địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh - thay vì sự thất bại của chính quyền trung ương - sẽ là phương cách hữu hiệu “chuyển lửa” phẫn nộ của dân chúng cho cấp dưới.

Và điều quan trọng hơn chính là, nhân cơ hội này Tập Cận Bình mượn gió bẻ măng, triệt hạ đối thủ chính trị. Mà ở đây chính là hai con dê tế thần: Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc - Tưởng Siêu Lương và Bí thư thành ủy Vũ Hán - Mã Quốc Cường.

Giống như một mũi tên trúng nhiều đích, sự mưu mô quỷ quyệt của ĐCSTQ bước đầu đã đạt được mục đích khi chặn đứng được hiệu ứng tuyết lăn, làm dịu cơn phẫn nộ của người dân trước số ca tử vong quá lớn trong đại dịch. Đồng thời cũng ngăn được sự thất vọng của người dân đối với tính hợp pháp của Đảng.

Dù vậy, việc lựa chọn dê tế thần - là những quan chức đã thực hiện đúng chính sách bưng bít, dối trá của ĐCSTQ - càng cho người ta thấu tỏ hơn sự đồi bại của nó. Tập Cận Bình rõ ràng đã đóng vai trò quyết định trong mọi quyết định mang tính chính trị của chính quyền địa phương.

Việc đổ lỗi cho chính quyền Hồ Bắc xử lý thảm họa yếu kém, thì chẳng khác gì đổ lỗi cho chính quyền Bắc Kinh có vấn đề. Việc quan chức chính quyền Vũ Hán bưng bít và ngăn chặn các cảnh báo sớm về bệnh Coronavirus chỉ nhằm mục đích duy nhất là để tránh bị chính quyền trung ương khiển trách.

Sự xuất hiện của Coronavirus đã bộc lộ bản chất của ĐCSTQ khi liên tục tìm cách đùn đẩy trách nhiệm nhằm tránh bị chỉ trích trực tiếp từ công chúng.
Sự xuất hiện của Coronavirus đã bộc lộ bản chất của ĐCSTQ khi liên tục tìm cách đùn đẩy trách nhiệm nhằm tránh bị chỉ trích trực tiếp từ công chúng. (Ảnh: NTDVN)

Có một điều bất thành văn trong nội bộ chính trường của ĐCSTQ, là bất kỳ một sự rủi ro nào xảy ra trong khu vực mà quan chức chịu trách nhiệm, đều có thể được sử dụng như một cái cớ để trừng phạt hoặc cắt chức.

Đối với một chính thể độc tài như ĐCSTQ, tiêu chuẩn chọn người tài vào các vị trí bộ máy chính quyền đứng ở hàng thứ yếu so với tiêu chí trung thành với Đảng. Nên để thăng tiến, các quan chức phải biết vâng lời cấp trên, đây mới là tiêu chuẩn “chính thống”.

Vì vậy, thảm họa dịch bệnh xảy ra ở Vũ Hán đã cho thấy quan chức địa phương chờ lệnh cấp trên thay vì lắng nghe những phản hồi từ công chúng. Cho nên, sự đổ lỗi của chính quyền Bắc Kinh cho cấp dưới trong đại dịch virus Vũ Hán, chỉ đơn giản là biểu hiện của một mô hình chính quyền dối trá và hủ bại.

Sinh mệnh chính trị của Tập Cận Bình có bị đe dọa nếu phe Giang còn mạnh?

Năm 2021 này, với trận lũ lụt ở Hà Nam và thảm họa tại Trịnh Châu đã quá rõ ràng. Thảm kịch tại hầm ngầm Kinh Quảng và tại tuyến tàu điện ngầm số 5 xảy ra không phải do mưa lớn, mà là do xả lũ. Tức là quan chức tỉnh Hà Nam đã ra lệnh bí mật xả lũ tại hồ chứa Thường Trang mà không hề có cảnh báo hay thông báo cho dân chúng biết.

Nhân viên tàu điện ngầm Trịnh Châu: Thảm kịch trên tàu là nhân họa
Chính quyền Trịnh Châu thông báo hôm 22/7 rằng, tuyến tàu điện ngầm số 5 Trịnh Châu có 12 hành khách thiệt mạng do lũ lụt. Nhưng đông đảo người dân bày tỏ nghi ngờ trước con số này của chính quyền. (Ảnh tổng hợp)

Người đưa ra quyết định khủng khiếp này chính là Từ Lập Nghị, bí thư Thành ủy Trịnh Châu. Thêm nữa, để ổn định sự tăng trưởng kinh tế cũng như duy trì cái gọi là thành tựu chính trị ở Trịnh Châu, ông ta đã đưa ra một quyết định còn khủng khiếp hơn: Đó là giữ cho các trục giao thông chính trên mặt đất luôn thông thoáng. Điều đó đồng nghĩa Từ Lập Nghị vẫn cho phép các tuyến giao thông ngầm dưới lòng đất hoạt động, bất chấp mưa lũ đang tấn công xối xả.

Lũ lụt Hà Nam: Thiệt hại ước tính lên tới 5,2 tỷ NDT, vốn ngoại hoảng loạn rút khỏi TTCK
Từ Lập Nghị, bí thư Thành ủy Trịnh Châu đã đưa ra một quyết định còn khủng khiếp: Đó là giữ cho các trục giao thông chính trên mặt đất luôn thông thoáng. Điều đó đồng nghĩa các tuyến giao thông ngầm dưới lòng đất hoạt động, bất chất mưa lũ đang tấn công xối xả.

Kết quả là các chuyến tàu điện ngầm vẫn hoạt động bình thường và đường hầm Kinh Quảng vẫn cho các phương tiện xe cộ lưu thông. Bí thư Thành ủy Từ Lập Nghị là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong thảm họa này, và Lâu Dương Sinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Xét cho cùng, Lâu Dương Sinh là quan chức số một, đứng đầu tỉnh Hà Nam, và là nhân vật sẽ bị Trung Nam Hải “tóm tóc” đầu tiên để trừng phạt.

Liệu Tập Cận Bình có điều tra và xử lý hai quan chức này không, như ông ta đã từng cách chức hai quan chức của Hồ Bắc trong đại dịch virus Vũ Hán?

Nếu Tập Cận Bình không điều tra và xử lý nhóm quan chức gây ra thảm kịch Trịnh Châu, liệu ĐCSTQ có cơ chế nào tương ứng để điều tra và xử lý các quan chức phạm tội ác này?

Ngày hôm nay, lũ lụt xảy ra ở Hà Nam nói chung và Trịnh Châu nói riêng là thảm họa kinh hoàng đối với người dân ở tỉnh này. Nhưng với phe cánh trung tín của Tập Cận Bình, thảm kịch tại hầm ngầm Trịnh Châu còn là một thảm họa gây choáng váng, châm ngòi cho sự phân bổ lại quyền lực trong giới chóp bu tại Trung Nam Hải.

Các nhà quan sát cho rằng, Tập Cận Bình đang liệu trù một kế hoạch lớn, bằng cách sẽ cất nhắc Bí thư Tỉnh ủy Lâu Dương Sinh và Bí thư Thành ủy Từ Lập Nghị lên cấp cao hơn tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 diễn ra vào năm tới. Theo đó, Lâu Dương Sinh sẽ giữ một ghế trong Bộ Chính trị và Từ Lập Nghị sẽ đảm nhiệm vị trí ủy viên Trung ương Đảng.

Tuy nhiên, thảm họa tại Trịnh Châu đang làm phá sản kế hoạch này và đẩy Tập Cận Bình lâm vào tình thế khó xử:

Nếu ông Tập đổ trách nhiệm về thảm họa Trịnh Châu cho hai hai quan chức thân tín của mình, thì ông ta có nguy cơ mất sạch uy tín và sức mạnh phe phái của Tập sẽ bị suy yếu nghiêm trọng.

Nhưng nếu không cách chức hai quan chức hàng đầu của Hà Nam này, thì ông Tập sẽ phải hứng chịu mũi nhọn công kích từ các đảng viên chống đối ông ta, cũng như người đứng đầu ĐCSTQ sẽ vướng vào cơn bão phẫn nộ của dân chúng. Điều này càng gây thêm chia rẽ trong nội bộ đảng và gia tăng sự thù hận của người dân đối với chính quyền.

Đặc biệt trong tình huống hiện nay, hậu quả thảm khốc ở Trịnh Châu đã trở thành con át chủ bài để các đối thủ chính trị sẵn sàng triệt hạ nhóm quan chức thân tín của ông Tập. Và hiển nhiên, sinh mệnh chính trị của Tập Cận Bình cũng đang nằm trong tay lực lượng chống đối ông ta ở trong đảng.

Trong cuộc tranh giành quyền lực trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ diễn ra vào năm 2022, các phe phái chống Tập đã có thêm một con bài mặc cả, và bản thân ông Tập cũng hiểu rằng mình đang ở trong tình thế "đu dây".

Nội tình kế hoạch ám sát "114" bị thất bại của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng
Các nhà quan sát cho rằng, chừng nào phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng còn chưa bị trừng trị, ngày đó Tập Cận Bình vẫn còn nơm nớp lo sợ cho vận mệnh của mình. (Ảnh: tổng hợp)

Còn nhớ trước Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ, Tập Cận Bình đã phá vỡ âm mưu đảo chính của Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang.

Trước Đại hội toàn quốc lần thứ 19, Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng đã khuấy động Hồng Kông, làm khó Tập Cận Bình để đảo ngược thế cờ ở Trung Nam Hải.

Trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 sắp tới này, ĐCSTQ đang trong thời kỳ khủng hoảng của bệnh dịch, với sự chống đối, bất mãn ngày càng dâng cao trong nội bộ Đảng, phe nhóm của Giang Trạch Dân sẽ làm gì?

Và điều gì sẽ xảy ra với các vị trí nhân sự chủ chốt của Đại hội toàn quốc lần thứ 20 sắp tới, khi thảm họa Trịnh Châu đã trở thành quả bom chờ phát nổ? Tình hình bên ngoài càng xấu đi, thì cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ càng thêm phần kịch liệt.

Bất cứ khi nào Tập Cận Bình phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đấu tranh quyền lực trong đảng và sự cố như đảo chính, thì đều có liên quan tới phe phái của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Các nhà quan sát cho rằng, chừng nào phe Giang và Tăng còn chưa bị trừng trị, ngày đó Tập Cận Bình vẫn còn nơm nớp lo sợ cho vận mệnh của mình.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Xuân Trường



BÀI CHỌN LỌC

Tập Cận Bình đang nguy khốn khi bảo vệ quan chức thân tín trong thảm họa Trịnh Châu?