Tại sao tỷ lệ mắc ung thư và tử vong vì ung thư của Trung Quốc cao nhất thế giới?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2020, số bệnh nhân ung thư của Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới, với 4,57 triệu trường hợp, mỗi ngày nước này có hơn 10.000 người bị ung thư. Đồng thời, số người chết vì ung thư ở Trung Quốc cũng cao gấp hơn 3,5 lần so với quốc gia đứng thứ hai trên thế giới.

Theo số liệu mới nhất của WHO do tờ The Beijing News tổng hợp, năm 2020 toàn thế giới có 19,29 triệu ca ung thư mới được chẩn đoán. Năm quốc gia đứng đầu thế giới là Trung Quốc (4,57 triệu ca), Hoa Kỳ (2,28 triệu ca), Ấn Độ (1,32 triệu ca), Nhật Bản (1,03 triệu ca) và Đức (630.000 ca). Trong số đó, Trung Quốc có số bệnh nhân ung thư cao gấp đôi Hoa Kỳ - nước đứng ở vị trí số 2, với trung bình 12.500 người được chẩn đoán mắc ung thư mỗi ngày.

Đồng thời, tổng số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới trong năm ngoái là 9,96 triệu ca, trong đó Trung Quốc chiếm 3 triệu ca, đứng đầu thế giới, gấp hơn 3,5 lần so với nước đứng thứ hai là Ấn Độ với 850.000 người.

Ngoài ra, ở Trung Quốc, ung thư phổi có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao nhất, đứng sau lần lượt là ung thư ruột kết, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư gan, ung thư thực quản, ung thư tuyến giáp, ung thư tụy, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư cổ tử cung.

Hơn nữa, độ tuổi bệnh nhân ung thư ngày càng trẻ hóa, thậm chí tỷ lệ chẩn đoán ung thư ở trẻ em dưới 5 tuổi đã tăng 2% từ năm 1990 đến năm 2017, là mức tăng cao nhất trong các nhóm tuổi.

Ông Ngô Lập Hồng (Wu Lihong), một chuyên gia bảo vệ môi trường ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, nói với The Epoch Times rằng, đây là kết quả của ô nhiễm công nghiệp hóa ở Trung Quốc đại lục, và ngay cả khi các công ty này ngừng hoạt động, họ cũng không thể loại bỏ ô nhiễm ngay lập tức.

Ông Ngô cho rằng trong 40 năm cải cách và mở cửa, việc ĐCSTQ tiến hành một cuộc cách mạng công nghiệp hóa, ai ai cũng mở doanh nghiệp, đã tạo nên một nền công nghiệp non trẻ với mức tiêu thụ năng lượng cao, ô nhiễm cao và sản lượng thấp.

Ông nhấn mạnh rằng loại ô nhiễm này tạo thành một mô hình gây hại lẫn nhau. "Trước hết, xả thải chứa hóa chất dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Nước bị ô nhiễm mang đi tưới cây dẫn đến ô nhiễm đất. Ô nhiễm đất dẫn đến ô nhiễm cây trồng. Chúng ta ăn các loại cây trồng bị ô nhiễm và cơ thể chúng ta hấp thụ chúng. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm đất khiến thực phẩm trở nên nguy hại. Bây giờ chẳng khác gì một ổ ung thư".

Ông Ngô cho biết, cách đây 20 năm, khi ông đang thực hiện một dự án với các tổ chức nghiên cứu khoa học liên quan, họ đã nói về bệnh ung thư khi trả lời phỏng vấn của truyền thông Trung Quốc. "Khi đó, nó từng được đăng trên tờ South Reviews. Có nghĩa là 20 năm sau, căn bệnh ung thư ở Trung Quốc đại lục sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ. Bây giờ là như vậy rồi đó. Tôi vẫn còn nhớ như in tình hình lúc đó. Vì vậy, căn bệnh ung thư phổi ở Trung Quốc đại lục vô cùng nghiêm trọng".

Về việc bệnh nhân ung thư ngày càng trẻ hóa, ông Ngô nói: “Không cần phải điều tra. Một số bạn bè xung quanh tôi đã chết vì ung thư phổi khi còn rất trẻ. Họ đến bệnh viện chữa căn bệnh này nhưng đều không chữa được, chỉ có thể chờ chết. Tình trạng ô nhiễm không khí ở đại lục quá nghiêm trọng và nguy hiểm. Nó gây tổn hại rất lớn đến các cơ quan của cơ thể người và trực tiếp hủy hoại cơ thể con người. Đây là một thực trạng rất đau lòng”.

Ông cho rằng ngay cả khi các công ty này đóng cửa, vấn đề ô nhiễm ở Trung Quốc cũng khó có thể giải quyết tận gốc trong 50 năm hoặc cả trăm năm nữa.

Ông nhấn mạnh, việc đốt rơm rạ ở các vùng nông thôn, đốt pháo trong lễ hội hay xả khói xe ô tô,… những việc này đều có tác hại cực ít đến ô nhiễm không khí. "Trong nền văn minh mấy nghìn năm của Trung Quốc, từ các triều đại nhà Đường, nhà Tống, nhà Minh, v.v. đã đốt rơm, đốt pháo và đốt lò nhưng chưa bao giờ có vấn đề ô nhiễm sinh thái".

"Chúng ta đã không đốt rơm rạ trong nhiều năm. Tại sao tình trạng ô nhiễm vẫn nghiêm trọng như vậy? Điểm mấu chốt là khi tuyên truyền họ (chính phủ) tránh nói vào vấn đề chính. Nhưng cách mạng công nghiệp với mức tiêu thụ năng lượng cao, ô nhiễm cao đã phá hoại môi trường sinh thái, thì (chính phủ) lại báo cáo giảm nhẹ mức độ hoặc không đề cập đến. Ngược lại, việc đốt rơm và đốt pháo trong những ngày năm mới và lễ hội thì lại được viết hẳn thành một bài", ông Ngô nói.

Ông Ngô tiết lộ, ban đầu, việc các doanh nghiệp xả chất thải ô nhiễm rất dễ bị bên ngoài phát hiện, hiện nay việc thải ô nhiễm được thải đồng nhất qua một mạng lưới đường ống nên không dễ phát hiện ra. Gần đây, ông đã phản ánh lên cơ quan bảo vệ môi trường về tình trạng xả nước thải của các doanh nghiệp địa phương và họ trả lời rằng việc này không thuộc quyền kiểm soát của họ, mà do chính quyền kiểm soát.

"Cục bảo vệ môi trường ở Trung Quốc không phải là Cục bảo vệ môi trường, không ai đứng ra chịu trách nhiệm. Các cục bảo vệ môi trường ở trung ương và địa phương cũng đang đùn đẩy cho nhau. Và tôi đã kêu gọi quan tâm đến vấn đề này trong nhiều thập kỷ”, ông Ngô cho biết.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao tỷ lệ mắc ung thư và tử vong vì ung thư của Trung Quốc cao nhất thế giới?