Tại sao hầu như giới trẻ Trung Quốc không biết gì về ngày Thảm sát Thiên An Môn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 32 năm ngày Thảm sát Thiên An Môn (4/6). Trong khi người dân nhiều nước trên thế giới đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn cố tình làm lu mờ, che đậy và xuyên tạc giai đoạn lịch sử này. Ở Trung Quốc đại lục, dưới sự giáo dục tẩy não của ĐCSTQ, giới trẻ ngày nay hầu như không biết gì về vụ việc ngày 4/6.

"Thảm sát Thiên An Môn" còn được gọi là “Sự kiện Lục Tứ” ở Trung Quốc. Đây là vụ thảm sát sinh viên và người dân biểu tình do quân đội ĐCSTQ tiến hành từ tối ngày 3/6 đến sáng sớm ngày 4/6/1989.

Sau cái chết của cố Tổng bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) vào ngày 15/4 năm đó, sinh viên ở Bắc Kinh và những nơi khác đã tiến hành tưởng niệm và đưa ra đề xuất về các vấn đề như tự do báo chí, chống hủ bại, v.v. Đồng thời tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn, nhanh chóng hình thành tiếng nói dân chủ và tự do trên toàn Trung Quốc. Nhưng cuối cùng, nó đã bị ĐCSTQ đàn áp dã man.

(Một số thước phim và hình ảnh về cuộc biểu tình dân chủ ngày 4/6/1989 ở Bắc Kinh)

Truyền thông Pháp: ĐCSTQ cố gắng xóa bỏ lịch sử đẫm máu

Trang mạng Asialyst của Pháp mới đây đã đăng tải một bài viết với tựa đề “Vụ thảm sát năm 1989: Thực tế bị lãng quên”. Tác giả là cựu phóng viên AFP Pierre-Antoine Donnet.

Bài báo nói rằng, 32 năm sau, số nạn nhân ngày 4/6 vẫn là một ẩn số. ĐCSTQ đã cố gắng xóa bỏ quá khứ đẫm máu khỏi lịch sử và chặn tất cả thông tin. Còn những người từng trải qua thời kỳ đó, thì hoặc là do sợ hãi, hoặc là ác cảm với hành vi của ĐCSTQ nên không muốn nhắc lại. Vậy nên hầu hết những người trẻ tuổi ở nước này không biết ngày 4/6 là ngày gì.

Tác giả bài báo cho biết, ông có một người bạn người phương Tây sống ở Hong Kong. Và khi người bạn này nói chuyện với một thanh niên Trung Quốc 24 tuổi có trình độ học vấn cao, anh ta thấy rằng người thanh niên này không biết gì về vụ thảm sát ngày 4/6. Ngoài ra, năm nay chính quyền Hong Kong đã cấm để tang ngày 4/6 với lý do dịch bệnh.

Tổng Bí thư ĐCSTQ lúc đó là ông Triệu Tử Dương đã bị quản thúc vì sự kiện ngày 4/6, và đến nay Triệu Tử Dương vẫn còn là cái tên bị cấm nhắc đến. Những người đến nghĩa trang để tỏ lòng kính trọng với ông Triệu đều bị Cơ quan An ninh Quốc gia ĐCSTQ theo dõi.

Thế hệ trẻ ở Trung Quốc đại lục không biết gì về ngày 4 tháng 6

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã đăng một bài báo phân tích vào ngày 3/6, nói rằng ĐCSTQ vẫn tiếp tục che đậy và xuyên tạc các sự kiện lịch sử lớn như Thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Ví như năm nay là kỷ niệm 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ, chính quyền này đã yêu cầu người dân học cuốn “Lược sử Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Trong cuốn “Lược sử” này, sự kiện Lục Tứ được mô tả là "một số người cực ít" đã "xúi giục các hoạt động chống lại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chống lại hệ thống xã hội chủ nghĩa". Và rằng "Với sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình và các nhà cách mạng lão thành khác, Bộ Chính trị Trung ương dựa vào nhân dân" đã "áp dụng các biện pháp quyết đoán để dập tắt cuộc bạo loạn phản cách mạng ngày 4/6 ở Bắc Kinh trong một lần hành động".

Nhưng điều mà ĐCSTQ tránh nói đến là, Sự kiện Lục Tứ là một phong trào mà hầu như toàn dân đều tham gia. “Các biện pháp quyết đoán” của ĐCSTQ bao gồm việc chỉ đạo sử dụng xe tăng và súng máy nhắm thẳng vào sinh viên và công dân - những người tay không tấc sắt. Nó đã gây ra thương vong nghiêm trọng cho những người vô tội và gây ra sự đả kích kinh hoàng cho hàng trăm hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn gia đình Trung Quốc.

Cuốn "Lược sử Đảng Cộng sản Trung Quốc" cũng nói rằng: Sự kiện “Lục Tứ” đã thúc đẩy ĐCSTQ "suy xét bình tĩnh hơn về quá khứ, thực tại và tương lai".

Phân tích cho thấy, suy xét của ĐCSTQ đương nhiên không bao gồm việc tiết lộ sự thật, nhận trách nhiệm và bồi thường. Mà ngược lại, ĐCSTQ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để cố gắng xóa bỏ ký ức về phong trào ngày 4/6. Thế hệ trẻ Trung Quốc ngày nay hầu như không biết gì về cuộc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ ở Bắc Kinh hơn 30 năm trước.

“Suy xét” của ĐCSTQ cũng bao gồm việc củng cố chế độ độc tài độc đảng của nó và trở nên thù địch hơn với các giá trị phổ quát như dân chủ và tự do.

Thanh niên bị tẩy não, ĐCSTQ thực hiện khủng bố trắng

Ông Lý Hạo (Li Hao) là một học giả về văn học và lịch sử người tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ông cũng từng trải qua sự kiện ngày 4/6/1989. Gần đây, ông Lý đã phân tích nguyên nhân thanh niên ở Trung Quốc không biết về cuộc phong trào dân chủ gây chấn động thế giới này với Đài Á Châu Tự do (RFA). Có hai lý do chính sau: thứ nhất là ĐCSTQ lũng đoạn thông tin, thứ hai là những người trong cuộc năm ấy bị buộc phải im lặng.

Ông Lý nói: "Trước hết hãy nhìn vào một khía cạnh. Trong hai đến ba thập kỷ qua, ĐCSTQ đã kiểm soát rất nghiêm ngặt thông tin về ngày 4/6 và về ông Triệu Tử Dương. Nó lũng đoạn các nguồn thông tin, chẳng hạn như các kênh truyền thông báo chí, truyền thông cá nhân, sách giáo khoa, và các ấn phẩm, tác phẩm văn học, tác phẩm điện ảnh và truyền hình, v.v.". Ông nói rằng một số thông tin xuất hiện trong các tác phẩm văn học hoặc nhóm WeChat sẽ nhanh chóng bị xóa.

Cô Chân (Zhen), một giáo viên trung học cơ sở ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cho biết: "Từ các kênh truyền thông thông tin đến tài liệu giảng dạy, chúng (thông tin về vụ Thảm sát Thiên An Môn) đều bị xóa một cách có chủ ý. Những đứa trẻ bình thường, những đứa nhỏ tuổi một chút thì không biết về điều này. Có một số cho dù từng nghe qua (về ngày 4/6), nhưng căn bản là không biết nguyên nhân và mức độ bi thảm vào thời điểm đó, chúng không biết gì cả".

Học giả Lý Hạo cho rằng, ĐCSTQ đang thực hiện khủng bố trắng để ngăn giới trẻ biết thông tin về ngày 4/6. Cuộc khủng bố trắng này thể hiện ở chỗ "không bàn về công việc nhà nước" và khuyến khích mọi người "tập trung vào tiền".

Cô giáo Chân cũng cho biết: “Thế hệ mới bây giờ chỉ chú ý đến tiền bạc, ăn uống, chơi bời. Hầu như họ chỉ chăm chú vào việc đăng Douyin (phiên bản nội địa Trung Quốc của TikTok) và ấn Thích (Like) trên điện thoại di động, chỉnh sửa video của bản thân rất đẹp, làm đẹp cho chính mình. Nhưng lại không có khái niệm gì về công bằng và chính nghĩa. Giới trẻ ngày nay chỉ muốn hưởng lạc. Hễ mở miệng là nói, đó là việc của người khác, không liên quan gì đến bản thân".

Ngụy Kinh Sinh: Sự lựa chọn mới đang đến

Ông Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng), Chủ tịch Hội nghị liên tịch hải ngoại của Phong trào Dân chủ Trung Quốc, đã đăng một bài báo vào ngày 2/6 với tiêu đề "8964 là một bước ngoặt trong quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc" (8964 là cách viết tắt của sự kiện ngày 4/6/1989).

Bài viết nói rằng, phong trào sinh viên năm 1989 đã giành được sự đồng tình của đại đa số người dân đại lục, và riêng tại Bắc Kinh, mỗi ngày đều có cuộc biểu tình với quy mô đạt trên một triệu người. Cuộc biểu tình đã thể hiện quyết tâm chống hủ bại và muốn dân chủ của toàn dân.

Ông Ngụy bày tỏ, phong trào này là một bước ngoặt để xem xã hội Trung Quốc sẽ đi theo hướng nào, là một mấu chốt quan trọng để lựa chọn tiếp tục độc tài chuyên quyền hay dân chủ nhân dân.

Ông nói rằng, tập đoàn Đặng Tiểu Bình đã đàn áp phong trào bằng cuộc tàn sát dã man, dẫn đến việc chế độ độc tài này lại kéo dài hàng thập kỷ. Giờ đây, người dân ngày càng không thể nhẫn chịu được thể chế chính trị chuyên quyền đó, và những lựa chọn mới đang đến. Phong trào dân chủ ngày 4/6/1989 đã đặt nền tảng vững chắc về sự ủng hộ của quần chúng và dư luận cho những lựa chọn tới đây.

Thông tin công khai cho thấy, trọng tâm của phong trào sinh viên năm 1989 là đấu tranh cho dân chủ và tự do, bao gồm bảy yêu cầu như tự do báo chí, chống hủ bại và chống mua bán quan chức, v.v. Vào thời điểm đó, nhiều người làm trong các cơ quan chính phủ, giới văn hóa, công nghệ kỹ thuật và công nghiệp đều đã tham gia biểu tình để hỗ trợ sinh viên.

Hồ sơ giải mã ngoại giao: Có ít nhất 10.000 dân thường thiệt mạng

Theo hàng nghìn trang hồ sơ ngoại giao "Sự kiện Lục Tứ" do Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh (The National Archives) công bố vào tháng 2/2018, có ít nhất 10.000 dân thường đã chết trong vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn do ĐCSTQ phát động.

Hồ sơ được giải mật tiết lộ rằng, lúc đó Quân đoàn 27 ở Sơn Tây đã xả súng vào dân chúng và 60% binh lính trong số đó có trình độ học vấn thấp. Quân đoàn này được thông báo rằng họ sẽ vào Bắc Kinh để huấn luyện và quay video, họ không được phép xem bản tin 10 ngày trước khi “dọn đẹp quảng trường”. Chỉ huy Quân đoàn 27 là cháu trai của Dương Thượng Côn (Yang Shangkun), khi đó ông Dương là Chủ tịch ĐCSTQ và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Ban đầu, nhà chức trách dự kiến chia việc dọn dẹp thực địa thành 4 giai đoạn. Ba giai đoạn đầu do Quân khu Thẩm Dương thực hiện: giai đoạn 1 các binh sĩ không mang vũ khí; giai đoạn 2 mang vũ khí nhưng không phải là súng ống đạn được; giai đoạn 3 là nổ súng để đe dọa đám đông. Giai đoạn 4 mới cử Quân đoàn 27 khai hỏa. Tuy nhiên, tài liệu dẫn các nguồn tin nói rằng ba giai đoạn đầu của nhiệm vụ đều thất bại, nên các binh sĩ của Quân đoàn 27 trên xe bọc thép đã bắn thẳng về hướng đám đông, mà trong đám đông có cả công dân và các binh sĩ khác.

Hồ sơ được giải mật cũng tiết lộ: "Xe bọc thép đuổi theo các binh lính bị lạc đơn vị của Quân khu Thẩm Dương và cán qua họ"; "Có 1.000 người được phép rời đi theo đường Chính Nghĩa, nhưng đã bị súng máy phục kích ở đó bắn quét”.

Ông Lý Hồng Khoan (Li Hongkuan), một cựu giảng viên của Đại học Y Bắc Kinh và chứng kiến ngày 4/6 năm đó, nói với NTDTV: “ĐCSTQ đã phong tỏa chặt chẽ các tin tức về số người thương vong. Vào thời điểm đó, Tiêu Bân (Xiao Bin), một công dân Đại Liên, đã kể lại hiện trường vụ thảm sát anh ta từng nhìn thấy trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ABC của Mỹ. Tiêu Bân ước tính rằng đã có hơn 20.000 người chết. Sau đó Tiêu bị kết án 10 năm vì tội phản cách mạng”.

Ông Lý cũng bày tỏ: “Việc nước Anh giải mật các hồ sơ ngoại giao liên quan đến ngày 4/6 đã cho thấy, những người có lương tâm vẫn không quên vụ thảm sát ngày 4/6. Còn ĐCSTQ thì vẫn không có chút thay đổi gì từ sau cuộc thảm sát ngày 4/6, sau đó nó còn đàn áp nhóm người tu luyện Pháp Luân Công, dân oan và nhóm luật sư 709 vô cùng tàn nhẫn".

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao hầu như giới trẻ Trung Quốc không biết gì về ngày Thảm sát Thiên An Môn?