Tại sao Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lại trở thành ‘chiến lang’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những năm gần đây, dưới ảnh hưởng của việc ông Tập Cận Bình đề cao ý thức “đấu tranh”, hệ thống ngoại giao của Trung Quốc đã đi đầu và xử lý các vấn đề quốc tế một cách quyết liệt, được gọi là “ngoại giao chiến lang”. Đại diện của “ngoại giao chiến lang” này là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Ông Vương không những chỉ trích các phóng viên ở Canada không hiểu biết Trung Quốc, mà gần đây còn tuyên bố rằng chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Thượng viện Czech sẽ khiến Cộng hòa Czech "phải trả giá đắt". Nhận xét này đã gây ra phản ứng dữ dội từ các nước châu Âu và khiến ông trở nên tai tiếng trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, Vương Nghị không phải là người mới trong giới ngoại giao, ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp điển hình với kinh nghiệm làm ngoại giao lâu năm, và kinh nghiệm của ông đã được ghi chép rõ ràng. Nhiều người hiểu rõ về hình tượng ngoại giao của ông Vương trong quá khứ cho rằng, ông Vương Nghị đã có những thay đổi to lớn trong những năm gần đây. Như mọi người đều biết, ông Vương đã từng làm Đại sứ tại Nhật Bản. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã nói rằng, ông Vương Nghị rất có tiếng trong thời gian ở Nhật Bản, ông ấy không chỉ thông thạo tiếng Nhật, mà hình ảnh ôn tồn lễ độ và cách nói chuyện của ông Vương cũng cho thấy một tư tưởng rất văn minh. Quan chức Nhật Bản này cho biết, ông cũng rất ngạc nhiên về những thay đổi của ông Vương trong vài năm qua, nói rằng “thật không thể tin được”, và ông cũng không thể nghĩ ra điều gì đã biến một nhà ngoại giao chuyên nghiệp như vậy trở thành một chiến binh ngoại giao theo phong cách “chiến lang” giống như hồng vệ binh (1) như vậy.

Về sự thay đổi của Vương Nghị, chúng ta có thể có hai cách giải thích. Lời giải thích đầu tiên là quan điểm phổ biến của ngoại giới, đó là Vương Nghị rất hoạt ngôn và giỏi quan sát sắc mặt. Ông ấy đã nhìn ra tư tưởng "theo tả chớ có theo hữu" của ông Tập Cận Bình, vậy nên có thể nói từ góc độ bợ đỡ và nịnh hót, ông Vương đã điều chỉnh tác phong theo đường lối ngoại giao của ông Tập. Mục tiêu cuối cùng của ông ta là giữ được chức quan của mình, thậm chí hy vọng sẽ giành được sự ưu ái của Tập Cận Bình bằng cách này, đồng thời cố gắng đạt được cấp cao hơn trong hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tất nhiên, đây là một lời giải thích hợp lý, vì xét cho cùng, trong hệ thống chính trị của ĐCSTQ, việc tích cực thể hiện rằng bản thân luôn nhất trí quan điểm với lãnh đạo tối cao là con đường tắt để thăng tiến và phát tài. Tuy nhiên, cũng trong hệ thống ngoại giao này, có ông Thôi Thiên Khải - Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ cũng là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, và thượng cấp trực tiếp của ông Vương Nghị là ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách ngoại giao, mặc dù họ cũng trung thành với đường lối của Tập Cận Bình, nhưng họ lại không có những biểu hiện thay đổi đột ngột như vậy, cũng không đến mức suốt ngày hung hãn như vậy. Cần phải nói rằng ngay cả khi Vương Nghị cố tình thể hiện bản thân vì con đường thăng tiến trong chốn quan trường, ông ta cũng đã biểu hiện hơi thái quá.

Tất nhiên, có một cách giải thích khác. Đó là màn trình diễn của Vương Nghị thực chất là thủ đoạn "hắc thủ siêu cấp" (2). Bất cứ ai hiểu về tình hình chính trị của ĐCSTQ ngày nay đều biết rằng, những người thuộc các phe phái khác nhau trong nội bộ ĐCSTQ rất bất mãn với các chính sách của ông Tập Cận Bình trên mọi phương diện khiến chế độ suy thoái. Nhưng một mặt là do ông Tập Cận Bình đã nắm chắc quyền lực và đe dọa phe đối lập bằng hồ sơ tham nhũng của hầu hết mọi quan chức cấp cao; mặt khác, cũng là do lo sợ việc thay thế ông Tập Cận Bình sẽ làm lung lay nền tảng thống trị của ĐCSTQ, nên những cán bộ cấp cao không hài lòng với sự lãnh đạo của ông Tập chỉ có thể che giấu sự bất mãn trong lòng. Nhưng những người này thực sự muốn thấy đường lối chính trị của Tập Cận Bình xuất hiện vấn đề, họ sẽ ở đó mà trào phúng ông Tập. Theo cách đó, họ không những có thể thuận theo đường lối “cánh tả” của ông Tập Cận Bình mà còn có thể đẩy nó đến mức cực đoan, khiến ông Tập không còn gì để nói. Một khi rắc rối phát sinh, ông Tập sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Đây chính là "hắc thủ siêu cấp". Thủ đoạn "hắc thủ siêu cấp" này là một phương pháp thường được sử dụng trong chốn quan trường của ĐCSTQ. Vậy nên có thể nói, lý do mà hình ảnh và hành động của Vương Nghị trở nên quá đột ngột và quá phiến diện như vậy, có khả năng ông ta đang giở chiêu trò chính trị "hắc thủ siêu cấp".

Đương nhiên, chúng ta không phải Vương Nghị, cũng không biết trong lòng ông ta nghĩ gì. Hơn nữa, dù là bợ đỡ hay “hắc thủ siêu cấp” thì đều tác động tiêu cực đến sự phát triển của Trung Quốc và cần bị phê phán. Tuy nhiên, cần phải diễn giải những thay đổi của Vương Nghị từ nhiều góc độ, bởi vì chính trị Trung Quốc không đơn giản như những gì ngoại giới có thể nhìn thấy.

(1) Hồng vệ binh: là danh xưng dùng để chỉ các thanh thiếu niên Trung Quốc được giáo dục tôn sùng chủ nghĩa Marx và tư tưởng Mao Trạch Đông. Trong Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc thập niên 1960, lực lượng này được coi là xung kích trong việc đấu tranh, phá bỏ những tập tục hủ lậu trong xã hội, nhưng dần dần lực lượng này đã trở nên quá khích, họ sử dụng bạo lực tra tấn, phá hoại và cướp đoạt tài sản, nhà cửa, bức tử, giết hại những cán bộ, đảng viên, tướng lĩnh và người dân bị họ cho là thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với Mao Trạch Đông và ĐCSTQ.

(2) “Hắc thủ siêu cấp”: thuật ngữ chính trị mới ở Trung Quốc, ý chỉ bàn tay âm mưu, bàn tay đen cố ý diễn giải và thực hiện các tư tưởng, tôn chỉ, chính sách, phương châm… của ĐCSTQ một cách cực đoan để đạt được mục đích đen tối.

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Đông Phương

Theo Secretchina.com

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Tại sao Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lại trở thành ‘chiến lang’?