Tại sao báo cáo nghiệm thu công trình Tam Hiệp không có chữ ký của bất kỳ quan chức nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi bắt đầu khởi công xây dựng công trình Tam Hiệp, chính quyền Trung Quốc đã hết lời ca ngợi và tung hô về “công trình thế kỷ” này. Tuy nhiên, mấy ngày trước công trình này mới được "lặng lẽ" thông qua bản nghiệm thu. Điều kỳ lạ là, tại sao sau 26 năm khởi công và sau lễ kỷ niệm kết thúc dự án, bây giờ chính quyền mới tuyên bố “đã hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ xây dựng công trình Tam Hiệp”. Hơn nữa lại còn thiếu trưởng ban nghiệm thu.

Kết luận nghiệm thu chính thức là công trình Tam Hiệp đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng về mọi mặt, chất lượng công trình đạt yêu cầu thiết kế, chất lượng tổng thể vô cùng tốt, vận hành tốt, phát huy hết lợi ích toàn diện trong việc kiểm soát lũ, phát điện, vận tải đường thủy và sử dụng tài nguyên nước...

Tuy nhiên, năm ngoái đã có tin đồn lan rộng rằng "đập Tam Hiệp bị biến dạng." Khi sông Trường Giang ngập lụt vào mùa hè năm nay, thành phố Trùng Khánh ở thượng nguồn Tam Hiệp bị ngập, và Vũ Hán ở hạ lưu cũng bị ngập, vậy nên chức năng xả lũ của hồ chứa Tam Hiệp và độ an toàn của con đập lại một lần nữa bị hoài nghi.

Vào cuối tháng Sáu, sông Trường Giang xuất hiện những cơn lũ cực mạnh, mực nước của đập Tam Hiệp cũng đạt mức siêu cao nên phải xả lũ, gây áp lực khủng khiếp lên hàng loạt thành phố ở trung và hạ lưu như Vũ Hán, v.v. Vào ngày 2/7, trận lũ số 1 sông Trường Giang hình thành ở thượng nguồn, khiến dòng chảy của hồ chứa Tam Hiệp tăng lên 53.000 m3/s. Mặc dù đập Tam Hiệp đã mở hai lỗ xả lũ vào ngày 29/7 để tăng lưu lượng xả, nhưng mực nước hồ chứa Tam Hiệp vẫn vượt ngưỡng giới hạn gần 2 mét.

Bài viết trên RFI cho rằng, trước những nghi vấn rộng rãi về khả năng lưu trữ và thoát nước của Tam Hiệp, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tránh trả lời về những vấn đề này.

Công trình Tam Hiệp được biết đến là công trình thủy lợi trọng điểm lớn nhất thế giới, cũng là công trình khiến hàng triệu người dân phải di cư, và do khai phá thủy điện quá mức nên nó đã tàn phá môi trường, đặc biệt là xuất hiện các thảm họa địa chất. Vậy nên, ngày từ khi được lên kế hoạch xây dựng, công trình này vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi rất lớn.

Dự án Tam Hiệp được đề xuất từ ​​thời cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông, nhưng nó đã không được khởi động do sự phản đối của một số quan chức và học giả ĐCSTQ. Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng tiết lộ trong hồi ký của mình rằng, Dự án Tam Hiệp đã được hai cựu lãnh đạo là Đặng Tiểu Bình phê duyệt và Giang Trạch Dân chủ trì tiến hành.

Sau khi dự án Tam Hiệp khởi công xây dựng vào năm 1994, những tranh luận về việc xây dựng dự án vẫn chưa bao giờ dừng lại.

Điều kỳ lạ là, tại sao bây giờ mới có thông báo “đã hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ xây dựng công trình Tam Hiệp”?

Vào năm 2018, ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một chuyên gia thủy lợi Trung Quốc sống lâu năm tại Đức, đã viết bài báo có tiêu đề "Tại sao 'Báo cáo nghiệm thu tổng thể công trình Tam Hiệp' mãi không thể hoàn thành?". Ông Vương chỉ ra trong bài viết rằng, ông Uông Dương - khi đó là Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Hoàn thành Nghiệm thu Tổng thể Công trình Tam Hiệp Trường Giang (sau đây gọi tắt là Ủy ban Nghiệm thu Tam Hiệp), và hiện là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị - đã chủ trì cuộc họp toàn thể đầu tiên của Ủy ban Nghiệm thu Tam Hiệp vào năm 2014. Ông Uông cho rằng, trách nhiệm nghiệm thu tổng thể Dự án Tam Hiệp là rất lớn, và "cần phải hoàn tất việc nghiệm thu trên tinh thần có trách nhiệm cao với đất nước, nhân dân và lịch sử". Nhưng cho đến năm 2018, Ủy ban nghiệm thu do ông Uông Dương chủ trì đã không đưa ra được biên bản nghiệm thu nào.

Bài báo nói rằng, ông Uông Dương không muốn ký tên vào biên bản hoàn thành nghiệm thu tổng thể của công trình Tam Hiệp, bởi vì khi ông Uông còn là bí thư Thành ủy Trùng Khánh, ông đã biết rằng "Hồ chứa Tam Hiệp là một hồ nước dốc với độ dốc lớn, và độ dốc này thay đổi theo kích thước dòng chảy của sông Trường Giang", một khi khu vực hồ chứa Tam Hiệp gặp phải trận đại hồng thủy, Trùng Khánh sẽ có nguy cơ bị nhấn chìm. Vì vậy, ông Uông Dương chần chừ không ký vào biên bản nghiệm thu tổng thể dự án Tam Hiệp. "Đối với ông Uông Dương, cách tốt nhất là trì hoãn cho đến khi sự việc phát sinh biến đổi".

Tuy nhiên, báo cáo nghiệm thu chính thức lần này không hề nhắc đến tên của ông Uông Dương hay tên của bất kỳ quan chức nào khác.

Ngoại giới đặt câu hỏi rằng, vậy hiện giờ ai là Chủ nhiệm Ủy ban Hoàn thành Nghiệm thu Tổng thể Công trình Tam Hiệp Trường Giang?

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao báo cáo nghiệm thu công trình Tam Hiệp không có chữ ký của bất kỳ quan chức nào?