Tài liệu rò rỉ: Giáo sư tài năng của Hoa Kỳ tham gia vào kế hoạch tuyển dụng gây tranh cãi của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo nguồn tài liệu bị rò rỉ từ một cơ quan có thẩm quyền cấp khu vực của Trung Quốc, một số giáo sư danh tiếng từ các trường đại học của Hoa Kỳ đã tham gia vào chương trình thu hút nhân tài của Trung Quốc. Các vị giáo sư này đã hợp tác với Chương trình Ngàn nhân tài (TTP), một kế hoạch tuyển dụng gây tranh cãi do chính quyền [Trung Quốc] hậu thuẫn, đã bị giới chức Hoa Kỳ chỉ trích do vai trò của chương trình này trong việc chuyển giao công nghệ cũng như các nghiên cứu của phương Tây cho Trung Quốc.

Hai trong số các giáo sư này làm việc tại Đại học Carnegie Melon, và một giáo sư khác làm việc tại Đại học California - Berkeley. Cả ba vị giáo sư này đều là các chuyên gia nghiên cứu và phát triển y sinh. Danh tính của họ sẽ không được tiết lộ trong bài báo này.

Các tài liệu bị rò rỉ, thu thập được từ nhiều cơ quan của chính quyền thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây, miền trung của Trung Quốc, còn liệt kê thêm danh tính nhiều chuyên gia khác được tuyển dụng từ nước ngoài, chi tiết viện trợ cũng như mục tiêu cho Chương trình Ngàn nhân tài của địa phương.

Kể từ năm 2008, các chương trình tài năng của Trung Quốc, kể cả Chương trình Ngàn nhân tài, đã tuyển dụng hàng ngàn chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới khi chương trình này được Bắc Kinh đề xuất. Những chương trình này chu cấp các ưu đãi lên đến hàng trăm nghìn USD cho các chuyên gia nước ngoài đến nghiên cứu và làm việc tại Trung Quốc trong một khoảng thời gian hàng năm. Chương trình của thành phố Tây An nhắm mục tiêu cụ thể đến các chuyên gia kỹ thuật y sinh, trong khi các chương trình còn lại tập trung vào các lĩnh vực công nghệ khác bao gồm; các phương thức sản xuất tiên tiến, kỹ thuật hàng không vũ trụ và các nguồn vật liệu mới.

Các chương trình do chính quyền [Trung Quốc] vận hành trong những năm gần đây, đã phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn trong bối cảnh các quan chức Hoa Kỳ đang gia tăng cảnh báo rằng, các kế hoạch này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy của các sở hữu trí tuệ và bí quyết của Hoa Kỳ sang Trung Quốc. Rất nhiều nhà nghiên cứu của Mỹ và Trung Quốc cũng đã bị truy tố tại Hoa Kỳ, do bị cáo buộc che giấu mối liên hệ của họ với các chương trình như thế này, trong khi lại đang nhận tiền viện trợ của liên bang.

Những giáo sư tài năng

Một trong ba người tham gia vào Chương trình Ngàn nhân tài này là giáo sư kiêm phó chủ nhiệm bộ môn tại Đại học UC Berkeley. Vị giáo sư này nhận được nhiều khoản viện trợ từ Viện Y tế Quốc gia cũng như của Quỹ Khoa học Quốc gia. Theo các dữ liệu trực tuyến, kể từ năm 2007, ông này đã nhận được ít nhất 5,9 triệu USD tiền viện trợ nghiên cứu.

Theo nguồn tài liệu bị rò rỉ, vị giáo sư này cũng giữ chức giám đốc kỹ thuật của một công ty công nghệ sinh học ở Tây An và là biên tập viên cho Molecular Plant, một tạp chí do Viện Sinh học Thượng Hải, Viện Khoa học Trung Quốc và Hiệp hội Thực vật học Trung Quốc vận hành.

Hôm 13/02/2015, truyền thông Trung Quốc đăng tải một báo cáo đề cập đến bài báo nghiên cứu mà vị giáo sư này là đồng tác giả, được xuất bản trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ hồi tháng 01/2015. Bài báo này cho biết, Đại học UC Berkeley và Đại học Nam Kinh ở Trung Quốc đều là những tổ chức có liên quan đến vị học giả này.

Báo cáo của Trung Quốc cũng cung cấp một số thông tin cơ bản về vị giáo sư này, trong đó các từ khóa liên quan đến mối liên hệ của ông với Chương trình ngàn nhân tài đã được biên tập lại.

Phần tiểu sử của vị giáo sư này trên trang web của Đại học Berkeley cũng không công bố thông tin về các mối quan hệ của ông với Chương trình Ngàn nhân tài cũng như với Đại học Nam Kinh. Trang web của Đại học Nam Kinh cũng không đăng tải các hồ sơ có liên quan đến vị học giả này.

Các tài liệu bị rò rỉ đã phân loại hai giáo sư khác của Đại học Carnegie Melon là nhân tài “loại A”, cấp cao nhất trong hệ thống xếp hạng nội bộ của thành phố này.

Một trong hai vị này là giáo sư xuất sắc về kỹ thuật hóa học tại Đại học Carnegie Melon, người này cũng nắm giữ chức vụ hàng đầu tại cơ sở nghiên cứu của trường đại học này.

Vị giáo sư còn lại giữ chức vị cao nhất trong một trung tâm nghiên cứu đại phân tử, được viện trợ một phần bởi Quỹ khoa học quốc gia. Ông là một trong những nhà hóa học được [mọi người] trích dẫn [nguồn] nhiều nhất trên thế giới.

Theo một báo cáo của Trung Quốc được đăng tải bởi Tây An News hôm 07/09/2017, hai vị này đã được trao bằng giáo sư danh dự của Đại học Bách khoa Tây Bắc của thành phố Tây An, và họ sẽ dẫn đầu trong các nỗ lực để thành lập Viện Kỹ thuật Y sinh (IBME).

Báo cáo cũng cho biết, theo “Chính sách phát triển nhân tài ‘Một vành đai, một con đường’”, một chính sách do chính quyền thành phố Tây An phát triển, thì kỹ thuật y sinh là lĩnh vực phát triển đứng thứ hai trong các lĩnh vực được kỳ vọng trong khu vực. Tuy nhiên, cả chuyên môn cũng như năng lực nghiên cứu và phát triển của địa phương đều yếu kém. Do đó, các nhà nghiên cứu hàng đầu của nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc biến Tây An thành một trung tâm y sinh đẳng cấp thế giới trong một khoảng thời gian ngắn, theo như báo cáo cho biết. Chính quyền khu vực sẽ hỗ trợ đặc biệt cho các giáo sư, và chu cấp cho họ đầy đủ kinh phí và cơ sở vật chất để nghiên cứu

Một báo cáo tương tự dẫn lời một trong những các giáo sư của Đại học Carnegie Melon nói rằng, Viện Kỹ thuật Y sinh (IBME) sẽ mất khoảng ​​5 đến 10 năm để trở thành một tổ chức hàng đầu thế giới về hóa học, sinh học và nghiên cứu vật liệu. Cả hai giáo sư đều nói rằng họ rất ấn tượng với các cam kết tuyển dụng của chính quyền thành phố Tây An và tin rằng “có thể tạo ra một tương lai” tại đây.

Đại học Carnegie Melon đã từ chối đưa ra bình luận. Cả ba vị giáo sư và Đại học Berkeley cũng đã không phản hồi với báo giới.

Chế độ đãi ngộ của Chương trình Ngàn nhân tài

Hàng năm, các cơ quan trực thuộc chính quyền Trung Quốc thu hút vô số các đơn ứng tuyển trong nước và quốc tế. Đối với các nhân tài ở nước ngoài, họ không bị yêu cầu phải bỏ công việc hiện tại, nhưng được yêu cầu dành một khoảng thời gian ở Trung Quốc để thực hiện các loại hình nghiên cứu tương tự, mang lại cho họ các lợi ích về tài chính cũng như sự công nhận.

Một tài liệu bị rò rỉ (bản pdf của Trung Quốc) có tiêu đề “Tình hình tuyển dụng nhân tài của Tây An” cho biết, đến năm 2020, chỉ riêng thành phố Tây An đã thu hút được 243 nhân tài cấp quốc gia, 1.325 cấp tỉnh và 961 nhân tài cấp thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài ra, thành phố này cũng đã tuyển dụng được 515 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng, và chuyển đổi 303 dự án nghiên cứu khoa học trở thành các sản phẩm công nghiệp.

Trong bộ tài liệu bị rò rỉ, còn có một số tài liệu về chính sách tuyển dụng và ưu đãi. Một tài liệu có tiêu đề “Chính sách phát triển nhân tài ‘Một vành đai, một con đường’” (bản pdf của Trung Quốc) cho biết rằng chuyên môn trong ngành công nghệ cao, phương thức sản xuất tiên tiến, kỹ thuật y sinh, kỹ thuật hàng không vũ trụ, năng lượng xanh và vật liệu mới rất được kỳ vọng.

Một tài liệu khác, cũng trong bộ tài liệu được đề cập ở trên, diễn giải khoản ngân sách được phân bổ cho các nhân tài sẽ làm việc tại quận Cao Tân ở thành phố Tây An. Ngân sách dành cho tiền thưởng khi ứng tuyển, được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng cá nhân của những người được tuyển dụng, và các con số dao động ở mức 155.000 USD đến 700.000 USD, cũng như khoản tiền thưởng cho dự án vào khoảng từ 466.000 USD đến 776.000 USD.

Ngoài ra, các nhân tài hàng đầu còn được hưởng vô số đặc quyền cộng thêm khác, bao gồm nhà ở miễn phí, ưu tiên nhập học cho con cái, hỗ trợ việc làm cho vợ hoặc chồng của họ, có đặc quyền tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và các kỳ nghỉ hàng năm đã được trả phí.

Hơn nữa, các doanh nghiệp hoặc tổ chức địa phương sẽ nhận được món tiền thưởng 155.000 USD trong việc giữ chân các nhân tài cấp cao nhất, và 77.600 USD hoặc 31.000 USD cho các nhân tài cấp thấp hơn.

Một tài liệu với tiêu đề “Các đãi ngộ năm 2017 dành cho các doanh nhân và Giải thưởng cho Các nghiên cứu được chuyển đổi sang ngành công nghiệp” cho biết, nếu một nhân tài bắt đầu kinh doanh ở thành phố Tây An, công ty khởi nghiệp sẽ nhận được khoản tiền thưởng một lần từ 155.000 USD đến 776.000 USD. Nếu một dự án nghiên cứu khoa học được chuyển đổi thành một công việc kinh doanh đem lại lợi nhuận, thì khoản tiền thưởng sẽ dao động từ 77.600 USD đến 1,24 triệu USD.

Đáp trả của Hoa Kỳ

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã tiến hành ngăn chặn dòng chảy của các nghiên cứu và công nghệ của quốc gia này sang Trung Quốc, cũng như đẩy lùi nỗ lực của Bắc Kinh nhằm vào giới học thuật thông qua các kế hoạch tuyển dụng.

Trong một bài phát biểu năm 2020, Giám đốc Christopher Wray của FBI mô tả hoạt động của các chương trình nhân tài rằng, “Trung Quốc trả tiền cho các nhà khoa học tại các trường đại học của Mỹ để bí mật đem kiến ​​thức và các tiến bộ của chúng ta đến Trung Quốc—kể cả nghiên cứu có giá trị do liên bang tài trợ.

“Nói trắng ra, điều này có nghĩa là những người đóng thuế Hoa Kỳ hiện đang tích cực chi trả khoản thanh toán giúp cho sự phát triển công nghệ của Trung Quốc”.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều học giả của Hoa Kỳ bị truy tố do bị cáo buộc che giấu mối quan hệ của họ với các tổ chức và kế hoạch nhân tài của Trung Quốc, trong khi vẫn đang nhận viện trợ của liên bang. Trong một vụ án nổi tiếng, cựu chủ nhiệm khoa hóa của Đại học Harvard - ông Charles Lieber, đã bị truy tố vào tháng 06/2020 với tội danh đưa ra những tuyên bố sai lệch có liên quan đến nguồn viện trợ từ Trung Quốc. Các công tố viên cáo buộc rằng chính quyền Trung Quốc đã chi trả 50.000 USD hàng tháng, bên cạnh đó còn có hơn 150.000 USD dành cho chi phí sinh hoạt, và hơn 1,5 triệu USD để thành lập một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.

Vào tháng 03/2020, một thành viên của Chương trình Ngàn nhân tài và giáo sư đã mãn nhiệm của Đại học West Virginia đã thừa nhận tội gian lận. Vào tháng 05/2020, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố rằng một cựu Giáo sư thuộc Đại học Emory, là người tham gia vào Chương trình Ngàn nhân tài, đã bị buộc tội và kết án do đã gian lận trong việc khai thuế.

Vào tháng 6, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Biên giới Vô tận, trong đó có điều khoản cấm bất kỳ nhà khoa học nào của Hoa Kỳ tham gia vào chương trình tuyển dụng nhân tài do Trung Quốc tài trợ, trong khi vẫn đang nhận hoặc sử dụng nguồn viện trợ của liên bang.

Để đối phó với những cuộc đàn áp này ở Hoa Kỳ, chính quyền Trung Quốc đã xóa bỏ các thông tin trực tuyến có liên quan đến Chương trình Ngàn nhân tài và danh tính của những người tham gia chương trình này. Tuy nhiên, việc tuyển dụng vẫn đang tiếp diễn.

Khải Anh

Theo The Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Tài liệu rò rỉ: Giáo sư tài năng của Hoa Kỳ tham gia vào kế hoạch tuyển dụng gây tranh cãi của Trung Quốc