Tài liệu rò rỉ: Bắc Kinh tiếp tục vung tiền không tiếc tay để chiêu dụ nhân tài phương Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những người tham gia vào Chương trình Nghìn nhân tài sẽ ký các hợp đồng ràng buộc với các tổ chức Trung Quốc mà trong đó có thể chứa các điều khoản như không tiết lộ và thậm chí có thể khuyến khích họ nói dối khi nộp đơn xin tài trợ liên bang của Hoa Kỳ, thiết lập “phòng thí nghiệm bóng tối” ở Trung Quốc và chuyển giao tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, báo cáo cho biết.

Theo một loạt tài liệu nội bộ mà The Epoch Times có được, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiếp tục nhắm đến những nhân tài hàng đầu ở nước ngoài thông qua một chương trình tuyển dụng với khoản tài trợ rất lớn - Chương trình Nghìn nhân tài. Chương trình này đã bị Hoa Kỳ giám sát chặt chẽ vì nước này nhận thấy các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Được Bắc Kinh triển khai vào năm 2008, Chương trình Nghìn nhân tài là chương trình tuyển dụng nhân tài do nhà nước Trung Quốc thực hiện lớn nhất của nước này. Hàng trăm hoạt động tương tự được thực hiện ở cấp chính quyền trung ương và địa phương, nhằm thu hút các chuyên gia Trung Quốc và người nước ngoài có triển vọng trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ để thúc đẩy sự đổi mới cho Trung Quốc.

Theo báo cáo của báo chí nhà nước Trung Quốc, từ năm 2007 đến năm 2017, hơn 7.000 “chuyên gia cao cấp” - chủ yếu từ nước ngoài - đã tham gia Chương trình Nghìn nhân tài, trong đó có 6 người đoạt giải Nobel. Trong bối cảnh những quan ngại ngày càng trở nên sâu sắc về đánh cắp thương mại, cùng một loạt các vụ truy tố từ chính phủ liên bang đáng chú ý của Hoa Kỳ, chương trình này đã chuyển sang hoạt động ngầm, trong đó các nhà kiểm duyệt Trung Quốc xóa các thông tin trên mạng liên quan đến chương trình này.

Các tài liệu được mà The Epoch Times đã xem được cho thấy, hàng chục nhà nghiên cứu và chuyên gia nhận được lời mời tham gia chương trình là những người có bằng tiến sĩ từ các trường đại học phương Tây hoặc trước đây đã làm việc trong các công ty và học viện phương Tây.

Một danh sách, do một cơ quan chính quyền tỉnh Thiểm Tây tổng hợp vào cuối năm 2019, cho thấy, tất cả những người được tuyển dụng theo Chương trình Nghìn nhân tài sẽ làm việc tại thành phố Tây An. Tài liệu bao gồm chức danh công việc trước đây của họ và thời điểm họ bắt đầu làm việc tại một công ty địa phương Tây An, theo hợp đồng mà họ đã ký.

Những chuyên gia này đến từ Hoa Kỳ, Anh, Úc, Đan Mạch, Đức và Nhật Bản, chuyên về các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo, y sinh, dược phẩm và hóa sinh. Đây là những ngành mà Bắc Kinh đã nhắm đến như một phần trong tham vọng trở thành một cường quốc sản xuất công nghệ cao.

Một giáo sư hóa học tại Đại học Illinois tại Urbana-Champaign, người chuyên về công nghệ nano và sinh học phân tử, đã được mời tham gia vào chương trình này và đã ký hợp đồng với một công ty công nghệ thông tin ở Tây An vào tháng 9/2019, tài liệu cho thấy.

Vị giáo sư này đã trả lời câu hỏi của The Epoch Times, nói rằng, vào thời điểm đó, ông đang “chuyển tiếp” sang công việc hiện tại và đã cân nhắc trở lại Trung Quốc để nhận công việc tư vấn bán thời gian tại công ty Tây An. Nhưng sau đó, ông đã từ chối lời mời làm việc "chính xác là vì UIUC và các kênh truyền thông tin tức của Hoa Kỳ đang thông tin cho mọi người rằng những chương trình đó có thể có mối liên hệ 'gián điệp'" và do đó, "chưa bao giờ có trong bất kỳ chương trình tài năng nào".

Công ty Daiichi Sankyo, một công ty dược phẩm của Nhật Bản và Oxford Cancer Biomarkers có trụ sở tại Anh, chuyên phát triển các xét nghiệm chẩn đoán ung thư, vẫn chưa đưa ra bình luận về việc nhân viên của họ có tên trong danh sách Nghìn nhân tài.

Nhân tài do ĐCSTQ kiểm soát

ĐCSTQ đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện kế hoạch tuyển dụng, có thể “sử dụng các mức độ kiểm soát đặc biệt” đối với các thành viên để đảm bảo chương trình phục vụ các ưu tiên của mình, theo một báo cáo của Thượng viện năm 2019.

Những người tham gia vào Chương trình Nghìn nhân tài sẽ ký các hợp đồng ràng buộc với các tổ chức Trung Quốc mà trong đó có thể chứa các điều khoản như không tiết lộ và thậm chí có thể khuyến khích họ nói dối khi nộp đơn xin tài trợ liên bang của Hoa Kỳ, thiết lập “phòng thí nghiệm bóng tối” ở Trung Quốc và chuyển giao tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, báo cáo cho biết.

“ĐCSTQ đang kiểm soát nhân tài”, trích dẫn từ Kế hoạch triển khai Chương trình Nghìn nhân tài Thiểm Tây được công bố vào năm 2017. Cụm từ này đã xuất hiện trong nhiều bài phát biểu và chính sách của ĐCSTQ trong những năm qua.

Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Li Linyi nói: lý do họ nhấn mạnh như vậy là “ĐCSTQ cần các chuyên gia ở nước ngoài để phục tùng ĐCSTQ và giúp Đảng này đánh cắp các công nghệ tiên tiến của nước ngoài”.

Từ năm 2008 đến năm 2016, Trung Quốc đã tuyển dụng khoảng 60.000 nhà khoa học, học giả, doanh nhân và nhà nghiên cứu ở nước ngoài bằng cách sử dụng hơn 200 chương trình tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài - bao gồm Chương trình Nghìn nhân tài - và ít nhất 600 “trạm tuyển dụng nhân tài” của ĐCSTQ ở nước ngoài, theo một báo cáo hồi tháng Tám của Viện Chính sách Chiến lược, trích dẫn số liệu thống kê chính thức. Riêng Hoa Kỳ có nhiều cơ sở nhất thế giới với 146 trạm tuyển dụng như vậy.

Phần thưởng hấp dẫn

Những lợi ích tài chính khi tham gia Chương trình Nghìn nhân tài rất hấp dẫn.

Thông tin công khai mới nhất từ ​​chính quyền Thiểm Tây cho thấy ngoài mức lương của họ, “những tài năng hàng đầu” và những người được chọn tham gia “nhóm đổi mới” có thể nhận được hỗ trợ tài chính lên tới 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 6 tỷ VNĐ), cùng các ưu đãi bổ sung cho đào tạo và phát triển nghiên cứu tùy theo từng cá nhân.

Theo chương trình, những người tham gia được phân loại là “tài năng trẻ” và “chuyên gia nước ngoài” cũng nhận được giải thưởng của chính phủ từ 300.000 đến 1 triệu nhân dân tệ. Các chuyên gia nước ngoài sẽ được đối xử đặc biệt về thời gian lưu trú theo thị thực, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, phương tiện đi lại, bảo hiểm và giáo dục con cái của họ. “Các bộ phận liên quan sẽ cung cấp các dịch vụ tiện lợi và hiệu quả cao”, theo thông tin công khai của chính quyền Thiểm Tây.

Để khuyến khích họ làm việc tại khu công nghệ cao Tây An, chính quyền có thể thưởng tới 4,5 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 12 tỷ VNĐ) cho mỗi cá nhân kèm theo trợ cấp nhà ở lên tới 700.000 nhân dân tệ (hơn 2 tỷ VNĐ), cùng với phụ cấp sinh hoạt phí.

Khu công nghệ cao Tây An tính đến năm 2018 đã đào tạo 77 chuyên gia cho các chương trình tuyển dụng nhân tài cấp quốc gia của Trung Quốc và 82 chuyên gia cho chương trình Nghìn nhân tài cấp tỉnh Thiểm Tây, đồng thời đã tuyển dụng hơn 4.600 chuyên gia nước ngoài và hơn 5.400 học giả Trung Quốc đã học tập ở nước ngoài, theo thông tin từ chính phủ Trung Quốc.

Một số chuyên gia tham gia Chương trình Nghìn nhân tài ở Thiểm Tây đã tham gia phát triển công nghệ 5G, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc và các mạch tích hợp quang tử quy mô lớn (chip máy tính) để cạnh tranh với các công ty phần cứng máy tính của Mỹ như IBM và Intel, theo một tài liệu nội bộ tóm tắt thành tích của chương trình.

Hành động của Hoa Kỳ

Trong những tháng gần đây, các công tố viên liên bang đã buộc tội ít nhất 6 nhà nghiên cứu Hoa Kỳ tham gia Chương trình Nghìn nhân tài.

Vào tháng Bảy, James Patrick Lewis, cựu giáo sư Đại học Tây Virginia, người từng làm việc cho Học viện Khoa học Trung Quốc thuộc Chương trình Nghìn nhân tài, đã bị kết án 3 năm tù vì gian lận chương trình liên bang.

Gần như cùng thời điểm, một giáo sư gốc Malaysia làm việc tại Đại học Arkansas từ năm 1988 đã bị truy tố 42 tội danh liên quan đến gian lận và hai tội danh gian lận hộ chiếu - chủ yếu liên quan đến việc ông này không tiết lộ mối quan hệ với Trung Quốc và các công ty Trung Quốc.

Charles Lieber, cựu chủ nhiệm khoa hóa học và sinh học của Đại học Harvard, đã bị truy tố vào tháng Sáu với 2 tội danh về khai báo gian dối với chính quyền liên bang. Ông này bị truy tố thêm một lần nữa vào tháng Bảy do đã che giấu thu nhập mà ông này nhận được khi tham gia Chương trình Nghìn nhân tài.

Trong một bài phát biểu ngày 7/7, Cục trưởng Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ, ông Christopher Wray, cho biết, cơ quan này cứ 10 tiếng lại mở một vụ án mới liên quan đến các mối đe dọa từ Trung Quốc.

“Những người đóng thuế Mỹ đang tài trợ cho sự phát triển công nghệ của chính Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc tận dụng những lợi ích vốn không thuộc về họ nhằm phá huỷ các cơ sở nghiên cứu và công ty của Hoa Kỳ, làm giảm sự tiến bộ của đất nước chúng ta và làm mất đi việc làm của người Mỹ”, ông nói trong bài phát biểu.

Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Tài liệu rò rỉ: Bắc Kinh tiếp tục vung tiền không tiếc tay để chiêu dụ nhân tài phương Tây