Tài liệu nội bộ: Trung Quốc kiểm tra ‘phòng không nhân dân’, phát hiện hàng loạt tham nhũng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các tài liệu nội bộ của Nội Mông cho thấy, chính quyền Trung Quốc đang bí mật chuẩn bị cho chiến tranh, cùng hàng loạt vụ tham nhũng của các tổ chức, cơ quan nhà nước như Hội chữ thập đỏ Trung Quốc, v.v.

Báo cáo của thanh tra thành phố Hulunbuir: Rò rỉ hàng chục tấn tài liệu mật chưa bị tiêu hủy

Từ ngày 27/3 đến ngày 28/5/2020, Đoàn thanh tra số 3 của Ủy ban thành phố Hulunbuir (Hô Luân Bối Nhĩ) ở Nội Mông, Trung Quốc đã tiến hành điều tra theo thông lệ đối với Cục Cơ yếu Bảo mật của Thành ủy (sau đây viết tắt là Cục Cơ yếu Bảo mật), Ủy ban Quản lý Giám sát Tài sản Nhà nước của Chính quyền Nhân dân Thành phố (sau đây viết tắt là Ủy ban Tài sản Nhà nước), Cục Thống kê Thành phố (sau đây viết tắt là Cục Thống kê) và Phòng Tài chính của Chính quyền Nhân dân Thành phố (sau đây viết tắt là Phòng Tài chính).

Trong bản “Báo cáo tình trạng”, Đoàn thanh tra số 3 chỉ ra rằng, vấn đề chính được phát hiện là “có kẽ hở trong việc quán triệt thực hiện các quyết định và triển khai của đảng ủy cấp trên”. Đó là: “Cục Cơ yếu Bảo mật không đáp ứng tiêu chuẩn tiêu hủy tài liệu mật” và “còn hàng chục tấn tài liệu mật trong thời kỳ đại dịch viêm phổi corona vẫn còn lưu trữ trong kho chưa được tiêu hủy kịp thời”; Ủy ban Tài sản Nhà nước thay mặt chính quyền thành phố thực hiện trách nhiệm của người cấp vốn nhưng chưa làm tròn nhiệm vụ; Cục Thống kê không quan tâm đúng mức đến các mắt xích yếu kém trong công việc; Phòng Tài chính không hiệu quả trong việc giải quyết các rủi ro tài chính địa phương.

"Báo cáo tình trạng" của Đoàn thanh tra số 3 thuộc Thành ủy Hulunbuir cho biết, hàng chục tấn tài liệu mật đã không được tiêu hủy kịp thời trong thời gian có dịch. Hình ảnh chụp màn hình bản báo cáo của thanh tra. (Epoch Times)
"Báo cáo tình trạng" của Đoàn thanh tra số 3 thuộc Thành ủy Hulunbuir cho biết, hàng chục tấn tài liệu mật đã không được tiêu hủy kịp thời trong thời gian có dịch. Hình ảnh chụp màn hình bản báo cáo của thanh tra. (Epoch Times)

Nhà bình luận chính trị đương thời Lý Lâm Nhất (Li Linyi) phân tích điều này và nói rằng, do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che giấu dịch bệnh, khiến người ta ảo tưởng rằng đến cuối tháng 3 dịch bệnh ở đại lục đã không nghiêm trọng nữa. Ông Lý cho rằng, báo cáo kiểm tra ở Nội Mông cho thấy thời gian dịch bệnh mới chỉ vài tháng mà số tài liệu mật tồn đọng lên tới hàng chục tấn. Điều đó cho thấy có bao nhiêu mờ ám bên trong nội bộ ĐCSTQ và sự bấp bênh của chính quyền này.

Hulunbuir kiểm tra kỹ lưỡng "hệ thống phòng không nhân dân"

Những căng thẳng do vụ phóng tên lửa của ĐCSTQ vào Biển Đông và các biện pháp đối phó của Hoa Kỳ đã trở thành tâm điểm của dư luận. Mặc dù gần đây, luận điệu của các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ về chiến tranh với Hoa Kỳ đã chuyển từ nóng sang lạnh, các tài liệu thanh tra Nội Mông mà Epoch Times thu được cho thấy rằng ĐCSTQ đang bí mật chuẩn bị cho chiến tranh.

Bốn tháng trước, Ủy ban thành phố Hulunbuir của ĐCSTQ đã cử một số đoàn công tác đến kiểm tra hệ thống phòng không nhân dân (PKND) trong phạm vi quản lý của họ. Hệ thống PKND là hệ thống phòng không do ĐCSTQ tổ chức người dân xây dựng để ngăn chặn các cuộc tấn công trên không.

Thành phố Hulunbuir đã cử đi 10 đoàn thanh tra và họ nộp lên tổng cộng 11 bản báo cáo, trong đó có 3 bản về các dự án phòng không nhân dân.

Đoàn thanh tra số 8 đã chỉ ra trong báo cáo rằng, "tổng số lượng các dự án phòng không nhân dân dưới lòng đất thiếu nghiêm trọng, hệ thống bảo vệ và hỗ trợ còn yếu". Hình ảnh chụp màn hình bản báo cáo của thanh tra. (Epoch Times)
Đoàn thanh tra số 8 đã chỉ ra trong báo cáo rằng, "tổng số lượng các dự án phòng không nhân dân dưới lòng đất thiếu nghiêm trọng, hệ thống bảo vệ và hỗ trợ còn yếu". Hình ảnh chụp màn hình bản báo cáo của thanh tra. (Epoch Times)

Sau khi tiến hành thanh tra Cục Nhà ở và Xây dựng (Văn phòng PKND) của thành phố Hulunbuir, quận Hailar (Hải Lạp Nhĩ) và Kỳ tự trị Evenk (Ngạc Ôn Khắc), Đoàn thanh tra số 8 phát hiện ra rằng, "tổng số lượng các dự án phòng không nhân dân dưới lòng đất thiếu nghiêm trọng, hệ thống bảo vệ và hỗ trợ còn yếu", thành phố Hulunbuir và Kỳ tự trị Evenk không có công trình PKND tự xây dựng, kỳ Trần Barga (Trần Ba Nhĩ Hổ) và 4 kỳ khác của thành phố Hulunbuir đến nay vẫn không có công trình PKND dưới đất.

Đoàn thanh tra số 8 chỉ ra rằng kể từ năm 2013 đến nay, thành phố Hulunbuir đã nghiệm thu "3 dự án phòng không nhân dân 11.700 mét vuông", “còn cách rất xa với mục tiêu chỉ định 354.000 mét vuông theo Dự án quy hoạch phòng không nhân dân 10 năm".

Một điểm mang tính đặc sắc của chính quyền Trung Quốc là, các dự án PKND được ĐCSTQ coi là sự nghiệp quốc phòng, nhưng Cục Nhà ở và Xây dựng của chính quyền địa phương lại thực hiện thành một giao dịch quyền lực và tiền bạc, “có nhận kinh phí nhưng không xây dựng”.

Đoàn thanh tra phát hiện 75% số dự án PKND được phê chuẩn từ năm 2013 - 2019 là hạng mục đã được cấp kinh phí, Cục Nhà ở và Xây dựng đã “biến nhiều công trình phòng không nhân dân thành các khoản trưng thu”. Đoàn thanh tra cũng chỉ ra rằng, Phòng PKND của thành phố đã tự ý phê duyệt xây dựng, giảm và miễn thuế, lấy các loại lý do để giảm hoặc miễn 101.380.800 nhân dân tệ (khoảng 343,67 tỉ VND) chi phí cho PKND ; chủ đầu tư "muốn xây thì xây, muốn hoãn thì hoãn”.

Kết quả kiểm tra của Đoàn thanh tra số 9 đối với Phòng PKND ở thành phố Mãn Châu Lý (Manzhouli), thành phố Trát Lan Đồn (Zhalantun) và kỳ Arun (A Vinh) cũng tương tự như trên.

Ngoài ra, Đoàn thanh tra của đảng ủy và Đoàn thanh tra đặc biệt về vấn đề tham nhũng hệ thống PKND của thành ủy Yakeshi (Nha Khắc Thạch) đã tiến hành kiểm tra chung, phát hiện ra rằng "công trình PKND [ở Yakeshi] rõ ràng không thể theo kịp nhu cầu của thời đại", chẳng hạn như "từ năm 2010 đến nay, diện tích PKND mới được xây dựng ở thành phố Yakeshi chỉ có 16.000 mét vuông, mới đạt được 4,6% diện tích cần xây dựng”.

Hội chữ thập đỏ ĐCSTQ “xác định đối tượng cần được cứu trợ không chính xác”

Đại dịch năm nay cũng một lần nữa phơi bày vấn đề tham nhũng và uy tín của Hội Chữ thập đỏ ĐCSTQ. Điều này một lần nữa trở thành tiêu điểm chú ý của ngoại giới.

Năm nay, thành phố Hulunbuir đã cử Đoàn thanh tra số 10 đến "điểm huyệt" và kiểm tra các Hội chữ thập đỏ của thành phố Hulunbuir, quận Hailar, thành phố Yakeshi và thành phố Zhalantun.

Đoàn thanh tra nhận thấy rằng, uy tín của Hội Chữ thập đỏ ĐCSTQ “cần được cải thiện khẩn cấp”. Ví dụ: trong thời gian đại dịch, tài khoản WeChat chính thức của “Hội Chữ thập đỏ Hulunbuir” chỉ nhận được tối đa 86 lượt xem. Hay kể từ năm 2013 đến nay, hòm quyên góp của Hội Chữ thập đỏ Hulunbuir chỉ quyên góp được 33.700 nhân dân tệ (khoảng 114,2 triệu VND), quận Hailar chỉ quyên góp được 108.600 nhân dân tệ (khoảng 368 triệu VND), thành phố Yakeshi chỉ quyên góp được 21.600 nhân dân tệ (khoảng 73,2 triệu VND) và Hội chữ thập đỏ Zhalantun chỉ quyên góp được 5.400 nhân dân tệ (khoảng 18,3 triệu VND).

Báo cáo của đoàn thanh tra đã tiết lộ một phần lý do khiến Hội Chữ thập đỏ ĐCSTQ mất uy tín.

Đoàn thanh tra  số 10 của Hulunbuir nhận thấy rằng uy tín của Hiệp hội Chữ thập đỏ ĐCSTQ "cần được cải thiện khẩn cấp" và "xác định đối tượng cần được cứu trợ không chính xác". (Epoch Times)
Đoàn thanh tra số 10 của Hulunbuir nhận thấy rằng uy tín của Hiệp hội Chữ thập đỏ ĐCSTQ "cần được cải thiện khẩn cấp" và "xác định đối tượng cần được cứu trợ không chính xác". (Epoch Times)

Đoàn thanh tra số 10 phát hiện ra rằng, Hội Chữ thập đỏ Hulunbuir đã “cứu trợ 3.297 người trong tình cảnh khốn khổ kể từ năm 2013, bao gồm 2.619 nhân viên trong các cơ quan và tổ chức chính phủ, chiếm 79,4% số người được cứu”, những người dân khốn khổ thực sự có thu nhập thấp được cứu trợ chỉ có 373 người, “chiếm 11,3% số người được cứu trợ”.

Điều đáng nói là các quan chức ĐCSTQ đã chủ yếu sử dụng số tiền quyên góp được của Hội Chữ thập đỏ để “giải cứu” các nhân viên trong đảng và chính phủ. Loại hành vi hủ bại lợi dụng lòng tốt của người Trung Quốc dưới chiêu bài từ thiện này đã được đoàn thanh tra ĐCSTQ nói giảm nói tránh thành "xác định đối tượng cần được cứu trợ không chính xác".

Hơn nữa, biên bản thanh tra cho thấy, các khoản quyên góp của người dân thông qua Hội Chữ thập đỏ không được gửi đến những người đang có nhu cầu cấp bách, mà được Hội Chữ thập đỏ giữ lại trong một thời gian dài.

(Tin về Hội chữ thâp đỏ Trung Quốc từ 8:56 - 13:28)

Tài liệu quan trọng của các đơn vị ngành than "thất thoát có chọn lọc"

Từ ngày 30/3 đến ngày 10/6/2020, Đoàn thanh tra số 4 đã kiểm tra Ủy ban Cải cách và Phát triển, Cục Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Cục Tài nguyên Thiên nhiên, Chi cục Môi trường sinh thái, Cục Quản lý Ứng phó Khẩn cấp, Cục Quản lý Giám sát Thị trường và các đơn vị chủ chốt khác liên quan đến khoáng sản than của thành phố Mãn Lý Châu, kỳ Trần Barga và quận Jalainur (Trát Lãi Nặc Nhĩ), phát hiện ra rằng các bộ phận này có vấn đề tham nhũng nghiêm trọng và quản lý hỗn loạn.

Báo cáo kiểm tra của Đoàn thanh tra lần số 4 về các đơn vị khai thác than mỏ trọng điểm. Hình ảnh chụp màn hình bản báo cáo của thanh tra. (Epoch Times)
Báo cáo kiểm tra của Đoàn thanh tra số 4 về các đơn vị khai thác than mỏ trọng điểm. Hình ảnh chụp màn hình bản báo cáo của thanh tra. (Epoch Times)

Trong báo cáo, đoàn thanh tra đặc biệt chỉ rõ các đơn vị đầu mối liên quan đến khoáng sản than đã làm “thất thoát có chọn lọc các tài liệu quan trọng theo từng giai đoạn”.

Ví dụ, ở kỳ Trần Barga, tài liệu quan trọng trước năm 2002 của Cục Tài nguyên than, tài liệu quan trọng trước năm 2006 của Cục Bảo vệ môi trường, tài liệu và hồ sơ lưu trữ các mỏ than nhỏ từ năm 2002 – 2006 của Cục Kinh tế đều đã bị mất.

Nhà bình luận chính trị Lý Lâm Nhất phân tích rằng, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, các nguồn tài nguyên công cộng vốn thuộc về người dân Trung Quốc và các hồ sơ liên quan thường sẽ bị hư hỏng hoặc biến mất một cách bí ẩn. Ví dụ, kho thóc do ĐCSTQ bảo quản thường bốc cháy trước khi bị điều tra. Các tài liệu do Epoch Times tiết lộ cho thấy, điều này cũng đúng đối với các mỏ than thuộc quyền quản lý của ĐCSTQ.

Ông Lâm cho rằng, đoàn thanh tra đã đi đến kết luận mang ý vị sâu xa là "thất thoát có chọn lọc các tài liệu quan trọng theo từng giai đoạn", ngụ ý rằng phải có một số thủ đoạn đằng sau việc "mất có chọn lọc". Qua đó cho thấy rằng, ngay cả nội bộ ĐCSTQ cũng không thể chịu nổi hành vi tham nhũng không có giới hạn của chính người của mình nữa, nên phải giết gà dọa khỉ để cảnh cáo.

Báo cáo thanh tra về ngành than: Tham nhũng hoành hành ở địa phương

Thành phố Hulunbuir cũng đã cử Đoàn thanh tra số 5 đi kiểm tra các đơn vị chủ chốt khác liên quan đến khoáng sản than ở thành phố Ergun (Ngạch Nhĩ Cổ Nạp), kỳ tự trị dân tộc Daur-Morin Dawa và kỳ tự trị Orequen (Ngạc Luân Xuân). Đoàn thanh tra phát hiện nội bộ địa phương tham nhũng hoành hành; các đơn vị liên quan đến than “quản lý và giám sát hàng ngày mất kiểm soát”, “cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực than thường xuyên vi phạm pháp luật, kỷ luật”, “dựa vào doanh nghiệp để xơi tái doanh nghiệp”, “dẫn đến làm thất thoát quyền khai thác của nhà nước”.

Đoàn Thanh tra số 5 phát hiện các đơn vị liên quan đến than đã “mất kiểm soát trong việc giám sát hàng ngày” và “đảng viên, cán bộ trong lĩnh vực than thường xuyên vi phạm pháp luật và kỷ luật”. Hình ảnh chụp màn hình bản báo cáo của thanh tra. (Epoch Times)
Đoàn Thanh tra số 5 phát hiện các đơn vị liên quan đến than đã “mất kiểm soát trong việc giám sát hàng ngày” và “đảng viên, cán bộ trong lĩnh vực than thường xuyên vi phạm pháp luật và kỷ luật”. Hình ảnh chụp màn hình bản báo cáo của thanh tra. (Epoch Times)

Chẳng hạn, báo cáo thanh tra cho thấy trong thời gian dài, những người phụ trách lĩnh vực liên quan đến than và cán bộ công chức tại khu vực kỳ tự trị Orequen đã ký hợp đồng giả và trực tiếp chuyển nhượng quyền khai thác cho các công ty tư nhân. Trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp than, sự chuyển nhượng mù quáng đã dẫn đến tình trạng các doanh nhân tư nhân lừa đảo tài sản nhà nước.

Đoàn thanh tra số 6 đã kiểm tra các đơn vị chủ chốt liên quan đến khai thác than ở thành phố Yakeshi, kỳ tự trị Evenk, kỳ Tân Barga Tả và kỳ Tân Barga Hữu, phát hiện ra rằng "việc giám sát không chặt chẽ đã gây thất thoát tài sản nhà nước". Ví dụ, trong quá trình chuyển giao Tập đoàn Than Ngũ Cửu (Wujiu Coal Group Co,.Ltd.) cho Công ty Cổ phần Tân Đại Châu (Sundiro Holding Co., Ltd.) vào năm 2006, thông tin báo lên rằng “vì tài nguyên của mỏ thứ ba đã cạn kiệt nên không được tham gia đánh giá.” Tuy nhiên, báo cáo trữ lượng năm 2009 cho thấy mỏ thứ ba vẫn đang được khai thác.

Đoàn Thanh tra số 6 phát hiện các đơn vị liên quan đến than "thiếu giám sát gây thất thoát tài sản nhà nước" và để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nghiêm trọng liên tiếp. Hình ảnh chụp màn hình bản báo cáo của thanh tra. (Epoch Times)
Đoàn Thanh tra số 6 phát hiện các đơn vị liên quan đến than "thiếu giám sát gây thất thoát tài sản nhà nước" và để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nghiêm trọng liên tiếp. Hình ảnh chụp màn hình bản báo cáo của thanh tra. (Epoch Times)

Đoàn thanh tra số 6 cũng phát hiện các đơn vị liên quan đến than không thực hiện các quy định an toàn sản xuất tại chỗ, dẫn đến có tổng số 54 người chết trong các vụ tai nạn an toàn mỏ than kể từ năm 2000. “Trong đó, 14 người chết trong một vụ tai nạn lớn ở mỏ than Hồng Kỳ năm 2002, mỏ than Yakeshi số 1 xảy ra tai nạn nghiêm trọng khiến 22 người chết vào năm 2003”.

Đông Phương

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tài liệu nội bộ: Trung Quốc kiểm tra ‘phòng không nhân dân’, phát hiện hàng loạt tham nhũng