Sự thật bi thảm về nạn mổ cướp nội tạng sống ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi bệnh nhân cấy ghép ở hầu hết các nước phương Tây phải chờ đợi hàng tháng, thậm chí hàng năm để được cấy ghép nội tạng, thì thời gian chờ đợi cho một ca phẫu thuật ở Trung Quốc chỉ ngắn tầm vài tuần, vài ngày hoặc thậm chí vài giờ.

Trong gần 2 thập kỷ, các cáo buộc về nạn mổ cướp nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên tục được công bố. Ngày nay, thương mại cấy ghép nội tạng của Trung Quốc được ước tính là một ngành công nghiệp trị giá 1 tỷ USD, được thúc đẩy bởi việc khai thác nguồn "tài nguyên" từ các “tù nhân lương tâm”.

Sau khi tiến hành điều tra, Tòa án Trung Quốc độc lập và quốc tế gồm 7 thành viên đã đưa ra phán quyết vào tháng 12/2018. Phán quyết kết luận: “Các thành viên của Tòa đều chắc chắn — nhất trí, và chắc chắn ngoài nghi ngờ hợp lý — rằng ở Trung Quốc, nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm đã được thực hiện trong một khoảng thời gian đáng kể liên quan đến một số lượng rất lớn các nạn nhân".

Ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng của Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh vào năm 2000. Hàng trăm bệnh viện cung cấp dịch vụ cấy ghép, hàng nghìn bác sĩ phẫu thuật cấy ghép được đào tạo, quân đội tiến hành nghiên cứu cấy ghép và ngành công nghiệp ức chế miễn dịch được nhà nước trợ cấp.

Trong khi bệnh nhân cấy ghép ở hầu hết các nước phương Tây phải chờ đợi hàng tháng, thậm chí hàng năm để được cấy ghép nội tạng, thì thời gian chờ đợi cho một ca phẫu thuật ở Trung Quốc chỉ ngắn tầm vài tuần, vài ngày hoặc thậm chí vài giờ.

Luật sư David Matas làm chứng tại phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ về vấn nạn mổ cướp nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc. (Lisa Fan / The Epoch Times)
Luật sư David Matas làm chứng tại phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ về vấn nạn mổ cướp nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc. (Lisa Fan / The Epoch Times)

Ban đầu, các quan chức của ĐCSTQ tuyên bố rằng, những người hiến tạng tự nguyện đã giúp số ca phẫu thuật hàng năm tăng đến con số hàng chục nghìn. Khi lời giải thích đó không đủ, các quan chức này lại tuyên bố rằng, tử tù là nguồn cung cấp nội tạng. Sau đó, vào năm 2015, Trung Quốc một lần nữa đảo ngược hướng đi, với thông tin họ đã ngừng sử dụng tù nhân làm nguồn nội tạng, và sau đó chào hàng “hệ thống hiến tạng tự nguyện lớn nhất ở châu Á”.

Bất kể những lời giải thích chính thức khác nhau của chế độ độc tài tại Trung Quốc, các báo cáo chỉ ra rằng, các con số chỉ đơn giản là không thể giải thích một cách hợp lý cho số ca phẫu thuật cấy ghép tại nước này. Một cuộc điều tra được công bố trên tạp chí BMC Medical Ethics đã phát hiện ra “sự làm sai lệch có hệ thống và thao túng các bộ dữ liệu cấy ghép nội tạng chính thức”. Theo đó, vào năm 2018, Trung Quốc chỉ có 6.000 người hiến tạng chính thức, những người được cho là đã cung cấp hơn 18.000 bộ phận nội tạng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, những con số này “dễ dàng bị vượt qua” khi xem xét một số bệnh viện của Trung Quốc. Các tác giả của cuốn “Thu hoạch đẫm máu / Vụ giết mổ: Bản cập nhật” xác nhận rằng, hơn 700 bệnh viện ở Trung Quốc thực hiện cấy ghép gan và thận, trong khi riêng Trung tâm Đầu tiên Thiên Tân thực hiện hơn 6.000 ca cấy ghép mỗi năm. Các chuyên gia ước tính thêm rằng, có khoảng 60.000-100.000 ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng được thực hiện hàng năm tại các bệnh viện của Trung Quốc.

Hơn nữa, theo báo cáo của Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản (Victims of Communism Memorial Foundation) năm 2020 của ông Matthew Robertson, kể từ năm 2000, các vụ hành quyết tử hình của ĐCSTQ đã giảm, trong khi các ca cấy ghép “theo yêu cầu” lại tăng lên.

Thu hoạch và cấy ghép nội tạng từ những tù nhân lương tâm đem lại một nguồn thu khổng lồ cho ĐCSTQ... (Ảnh: Getty Images)

Ông Robertson viết: "Lời giải thích hợp lý duy nhất còn lại cho một phần đáng kể nguồn cung cấp nội tạng [của Trung Quốc] kể từ năm 2000 là các tù nhân lương tâm".

Cả ông Robertson và Tòa án Trung Quốc đều đạt được kết luận tương tự liên quan đến việc nhắm mục tiêu vào các tù nhân lương tâm để lấy nội tạng của họ. Phán quyết của Tòa án xác nhận rằng, các học viên Pháp Luân Công là một trong những nguồn nội tạng chính. Ngoài ra, dựa trên quy mô của cuộc đàn áp gần đây và việc tiến hành kiểm tra y tế ở Tân Cương, có bằng chứng cho thấy tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ cũng là đối tượng bị mổ cướp nội tạng.

Ở Tân Cương, ước tính có khoảng 1,8 triệu cho đến 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu là Hồi giáo khác đã bị bắt giam trong những nơi được gọi là trại cải tạo. Nhiều lời khai và bằng chứng về sự khủng khiếp bên trong các trại này đã được những người sống sót công bố, dẫn đến việc chính phủ Hoa Kỳ vào tháng 1/2021 đã tuyên bố đây là tội ác diệt chủng.

Những người sống sót sau khi bị giam giữ tại các trại này cho biết, họ bị buộc thực hiện các bài kiểm tra sức khỏe không tự nguyện, như xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm và xét nghiệm ADN. Theo một tuyên bố của Tòa án, "các chuyên gia báo cáo rằng, lời giải thích hợp lý duy nhất cho các cuộc kiểm tra này là để đảm bảo rằng các cơ quan [nội tạng] của nạn nhân đủ khỏe mạnh và phù hợp để cấy ghép". Các báo cáo khác đã công khai khẳng định, các thi thể người chết được trả lại cho gia đình từ các trại này có vết khâu có thể nhìn thấy trên các khu vực có nội tạng, chẳng hạn như thận.

Một người sống sót khác là cô Sayragul Sauytbay bị giam giữ khi còn làm giáo viên, đã trốn khỏi Tân Cương và được cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tôn vinh là Người phụ nữ can đảm quốc tế. Cô mô tả trong cuốn sách của mình - “Nhân chứng trưởng: Thoát khỏi trại tập trung thời hiện đại của Trung Quốc” (The Chief Witness: Escape from China’s Modern-Day Concentration Camps) - rằng những tù nhân trẻ, khỏe mạnh với hồ sơ y tế được đánh dấu X màu đỏ đã bị lính canh bắt đi một cách khó hiểu. Cô ấy viết: "Đó chỉ đơn giản là một sự thật rằng, [ĐCSTQ] đã lấy nội tạng từ các tù nhân".

Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị bắt vào trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc (Ảnh Getty)

Rất nhiều báo cáo và lời khai từ các nhà nghiên cứu, những người sống sót và các nhà hoạt động bày tỏ vô cùng đáng lo ngại. Đã đến lúc phải thực hiện hành động. Vào tháng Ba, Quốc hội Hoa Kỳ đã giới thiệu lại luật lưỡng viện và lưỡng đảng để chống lại tệ nạn kinh hoàng này. Đạo luật Ngừng cưỡng bức thu hoạch nội tạng sẽ yêu cầu báo cáo hàng năm về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng, cho phép chính phủ Hoa Kỳ từ chối hoặc thu hồi hộ chiếu của những người mua nội tạng bất hợp pháp và xử phạt những người tham gia cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Đạo luật Ngừng cưỡng bức thu hoạch nội tạng (Stop Forced Organ Harvesting Act) sẽ phơi bày sự tàn ác của việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng và quy trách nhiệm cho thủ phạm.

Chúng tôi khuyến khích các bạn liên hệ với thành viên Quốc hội của mình và yêu cầu hợp thức hóa Đạo luật Ngừng cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Mạng sống vô tội có thể sẽ được cứu.

Từ Gingrich360.com.

Ông Newt Gingrich là một thành viên đảng Cộng hòa, từng là Chủ tịch Hạ viện từ năm 1995 đến năm 1999 và tranh cử với tư cách là ứng cử viên tổng thống vào năm 2012.

Bà Callista Louise Gingrich là một nữ doanh nhân, tác giả, nhà sản xuất phim tài liệu và nhà ngoại giao, từng là Đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa thánh từ năm 2017 đến năm 2021.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times và NTD Việt Nam.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Sự thật bi thảm về nạn mổ cướp nội tạng sống ở Trung Quốc